Thế chân vạc thời COVID

DANH ĐỨC 08/06/2021 03:00 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp ngày 16-6 tới ở Geneva sẽ là dịp để ông Joe Biden nói chuyện với ông Vladimir Putin về những khúc mắc giữa hai bên, và cả những hợp tác khả dĩ. Vấn đề là ông Putin đã và đang rất đồng điệu với ông Tập Cận Bình, người vốn đang có nhiều vướng mắc với ông Biden. Phải chăng thế giới đang đứng trước một ngã ba “Geneva quyết kế, thiên hạ tam phân”?

Thông cáo của Nhà Trắng về cuộc gặp này vắn tắt nhưng rất rõ ràng về mục đích: “Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về toàn bộ các vấn đề cấp bách, chúng tôi tìm cách khôi phục tính khả đoán và tính ổn định cho mối quan hệ Mỹ - Nga”. 

Thông cáo của điện Kremlin thêm vài chi tiết cụ thể rất đáng thắc mắc: “Hai tổng thống sẽ thảo luận về hiện trạng và triển vọng của quan hệ song phương, các vấn đề ổn định chiến lược, cũng như các vấn đề hiện tại trên trường quốc tế, bao gồm việc hợp tác chống đại dịch virus corona và giải quyết các xung đột khu vực”.

Ông Biden (trái) và ông Putin vốn không lạ nhau. Họ từng gặp nhau khi ông Biden còn làm phó tổng thống thời Obama. Ảnh: Axios

 

Khúc mắc Nga - Mỹ

Chưa bao giờ quan hệ Mỹ - Nga lại xấu như bây giờ. Còn nhớ khi ông Donald Trump mới bước vô Nhà Trắng đầu năm 2017 thì ngay hôm 10-5 năm đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bay sang gặp ông tại phòng Bầu dục (thể theo “yêu cầu” của phía Nga) và bá vai bá cổ cho phóng viên ảnh độc quyền người Nga chụp hình và công bố - không một nhà báo Mỹ hay nước nào khác được có mặt. 

Nhắc lại để nhận thấy tính khác biệt giữa hai trào tổng thống Mỹ trong quan hệ với Nga. Song, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki quả quyết là quan hệ song phương đã xấu từ nhiều năm qua, chứ không phải đợi ông Biden lên mới xấu.

Khi nêu mục đích cho cuộc thượng đỉnh, Nhà Trắng muốn nói rằng quan hệ giữa Mỹ và Nga đang là bất khả đoán và không ổn định, nên bây giờ phía Mỹ muốn tìm cách khôi phục. 

Một thí dụ nóng bỏng là vụ không quân Belarus chặn máy bay của Hãng Ryanair, buộc phải đổi hướng và hạ cánh xuống Belarus, rồi bắt đi một hành khách người Belarus vốn là một nhà báo đối lập. 

Vụ này phản ánh rõ tình hình quan hệ Mỹ - Nga hiện giờ, mà theo lời bà Psaki, là “cùng lúc vừa đưa ra lời mời họp, vừa đưa ra các biện pháp trừng phạt với những hành động mà chúng tôi thấy là không thể chấp nhận được”.

Cả hai phía hiện có vẻ muốn tháo gỡ tình hình bằng cách ráo riết điện đàm từ cấp bộ trưởng, cố vấn an ninh tới cấp tổng thống, rồi bắt đầu gặp mặt trực tiếp. Hôm 18-5, hai bộ trưởng ngoại giao Lavrov và Anthony Blinken đã lần đầu gặp nhau tại Reykjavik, Iceland. 

Ở đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken tỏ rõ lập trường của trào Biden: (1) Mỹ tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn với Matxcơva; (2) Mỹ khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác Nga - Mỹ; (3) Song, Tổng thống Biden kiên quyết hành động để bảo vệ lợi ích của Mỹ trước những hành động của Nga gây tổn hại cho Mỹ hoặc các đồng minh; và (4) Mỹ quyết bảo vệ công dân nước mình, cụ thể là yêu cầu Nga trả tự do cho các công dân Mỹ Paul Whelan và Trevor Reed trong hai vụ xét xử khác nhau, một người vì bị cáo buộc hành hung hai cảnh sát Nga, người kia vì làm gián điệp.

Phía Nga nghe và ghi nhận tất cả, song không trả lời trực tiếp. Để rồi vụ Belarus chặn máy bay Ryanair đã là cơ hội để Kremlin tỏ thái độ, một thái độ tuy ôn hòa mà vẫn rất quyết liệt. 

Cuối tuần trước, ông Putin đã tiếp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ở khu nghỉ mát biển Sochi: sau năm giờ họp chính thức hôm 28-5, sang 29-5 lại họp bán chính thức trên một du thuyền ở Biển Đen, báo chí toàn thế giới đưa tin. 

Hai bên đã bàn về cuộc chiến chống đại dịch, cùng các vấn đề kinh tế và thương mại. Nhân cuộc gặp này, phía Nga cho biết sẽ tháo khoán 500 triệu USD cho Belarus vay trong tháng 6 tới, tiếp theo đợt một cũng chừng đó hồi tháng 12-2020 - coi như “bù lỗ” cho những cấm vận mà Belarus phải chịu từ EU và Mỹ vì vụ Ryanair.

Có thể coi quyết định này của ông Putin chính là câu trả lời cho phía Mỹ: (1) Mỹ nói coi trọng quan hệ với Nga song quyết bảo vệ lợi ích các đồng minh, thì Nga cũng thế với các đồng minh của mình; và (2) Mỹ muốn bảo vệ các công dân của mình, thì Belarus cũng toàn quyền với các công dân của họ.

Ông Lukashenko (trái) và ông Putin gặp nhau ở thành phố nghỉ mát Sochi. Ảnh: AFP

 

Khoan nói ai đúng, ai sai, thông điệp của ông Putin là rất rõ: mắt đổi mắt, răng đổi răng! Như có thể thấy qua lập luận của ông khi so sánh vụ Belarus ép máy bay Ryanair hạ cánh xuống Minsk với vụ máy bay chở tổng thống Bolivia năm 2013 là Evo Morales phải hạ cánh khẩn cấp ở Áo vì bị nghi chở Edward Snowden. 

Ông Putin đã nói: “Ông tổng thống bị đưa ra khỏi máy bay, và tất cả đều im lặng!”. Và ông không chỉ nói, ông còn hành động: Air France muốn tẩy chay đường bay qua Belarus, cứ việc, song cũng miễn bay tới Nga luôn. 

Thiệt ra, không chỉ các hãng hàng không EU mới chê không bay qua Belarus, mà còn có cả Singapore Airlines và ANA của Nhật. Tức công bằng mà nói, đây không đơn thuần là chuyện chính trị, mà còn có những lo lắng rất thật về an toàn bay.

Thành ra, quan hệ Nga - Mỹ e là sẽ vẫn khó đoán và bất ổn, cho dù hai bên đang thể hiện những thiện chí bước đầu.

Một số hy vọng hợp tác

Thông cáo phía Nga về cuộc gặp Biden - Putin cho biết hai bên sẽ “hợp tác chống đại dịch virus corona và giải quyết các xung đột khu vực”. Chi tiết này không có trong thông cáo của Nhà Trắng. Tại sao Nga lại đề nghị bàn chuyện hợp tác chống COVID?

Đây không phải lần đầu Nga nói chuyện hợp tác chống COVID. Tháng 8 năm ngoái, Nga từng đề nghị hợp tác với chương trình vắc xin của Mỹ, song phía Mỹ từ chối. Lúc đó, COVID đang hoành hành rất dữ ở Mỹ, còn Nga thì chưa đến nỗi, lại mới hoàn thành vắc xin Sputnik V. 

Nga loan báo muốn chia sẻ thông tin về vắc xin, cho phép các công ty dược Mỹ sản xuất vắc xin của Nga trên đất Mỹ (CNN 13-8-2020). Mỹ đã lắc đầu với lý do vắc xin của Nga chưa đủ tính hiệu quả và an toàn do chưa thử nghiệm toàn diện xong.

Nay, Nga lại mời hợp tác, song tình hình đã khác hoàn toàn. Mỹ đang yên ổn trở lại sau khi chích ngừa được cho hơn 50% dân số trưởng thành và vắc xin của họ đang dư thừa cả về số lượng lẫn chủng loại. 

Còn Nga vẫn đang loay hoay chống dịch. Chẳng hạn ngày 31-5, Nga vẫn có gần 8.500 ca nhiễm mới và 339 người chết vì COVID (tổng số người thiệt mạng đã là hơn 121.000), theo Moscow Times 31-5, coi như không có gì cải thiện so với đầu tháng - hôm 9-5 là hơn 8.400 ca nhiễm mới, theo Reuters. Cũng mới có 10% dân Nga chích ngừa, dù vắc xin không thiếu!

Một hy vọng hợp tác khác, truyền thống hơn, giữa hai nước, là kiểm soát vũ khí. “Nếu ông ấy [Putin] lựa chọn không leo thang căng thẳng, thì tôi nghĩ có những lĩnh vực mà chúng tôi có thể hợp tác với nhau - ông Blinken đã nói sau cuộc gặp ông Lavrov - ví dụ như sự ổn định chiến lược, một hiệp ước START mới [Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, được ký từ thời Liên Xô] mở rộng - vẫn còn nhiều việc có thể làm trong lĩnh vực đó”.

Trong khi căng thẳng Nga - Mỹ đã tăng lên vì các vấn đề Hiệp ước INF (về kiểm soát lực lượng hạt nhân tầm trung) và khả năng NATO phát triển các năng lực lá chắn tên lửa, lợi ích chung, không chỉ cho Nga và Mỹ, vẫn là cắt giảm quy mô kho vũ khí hủy diệt. 

Mở rộng hơn trong vấn đề hạt nhân này, hai nước còn có thể hợp tác trong đối thoại với Iran - cũng là một ưu tiên đối ngoại của chính quyền Biden.

Nhân vật thứ ba

Không có gì lạ khi trong hoàn cảnh hợp tác ít ỏi và khó khăn, trong khi các lệnh trừng phạt lại quá nhiều và khó dỡ bỏ đó, Nga muốn tìm kiếm những đối tác kinh tế và chính trị mới.

Quan hệ hợp tác quân sự Nga - Trung ngày càng chặt chẽ. Ảnh: Caspian News

 

Năm 2014, hai nước từng ký một thỏa thuận 30 năm trị giá 400 tỉ đôla để xây một hệ thống ống dẫn khí đốt kết nối khí đốt của Nga với nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Từ đó tới nay, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai phía đang ngày càng tăng.

“Đổi lại [các thỏa thuận mua năng lượng], Bắc Kinh đang cung cấp tài chính và các yếu tố công nghệ mà Matxcơva hiện không còn được tiếp cận từ phương Tây nữa - Foreign Policy 20-4-2021 bình luận - dù công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, gần 80 phần trăm lượng vũ khí họ nhập khẩu vẫn là từ Nga, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và các máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi Su-35. Các máy bay chiến đấu chủ lực J-11 và J-15 của Trung Quốc, cũng như một số hệ thống tên lửa đất đối không của họ, cũng dựa trên thiết kế của Nga”.

Ngược lại, Nga dựa vào Trung Quốc về các thiết bị điện tử và động cơ diesel cho hải quân sau khi bị phương Tây cấm vận, theo báo cáo tháng 1-2021 tựa đề “Tìm hiểu quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc Nga - Trung” của Trung tâm An ninh mới cho nước Mỹ. 

“Xin dẫn lời bộ phim xưa Jerry Maguire, họ hoàn thiện cho nhau”, Foreign Policy dẫn lời đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis. Năm 2018, Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận Vostok - lần đầu tiên với một lực lượng bên ngoài không gian Xô Viết cũ. Nga - Trung cũng tập trận chung trên biển vào năm 2019, bao gồm ở Biển Đông.

Tuy nhiên, cũng phải nhắc rằng hai nước không có hiệp ước chính thức nào và mối quan hệ vẫn được các chuyên gia nhận định là một giải pháp tình thế hơn là liên minh bền vững. 

“Đó là quan hệ đối tác có tính toán, thực dụng. Không có thương yêu gì ở đây. Tôi nghĩ ở cả Trung Nam Hải và Kremlin, không một ai ảo tưởng gì về nó cả” - Alexander Gabuev, chủ tịch chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm Carnegie, Matxcơva, nhận xét. ■

Sự gắn bó Nga - Trung chưa hẳn đã làm thành một liên minh. Như theo lời Ian Hill của Viện The Lowy: “Liên minh Nga - Trung không phải là thần thánh”, do lẽ “mối quan hệ đang nảy nở này chắc chắn mang lại lợi ích chung cho cả hai nước nhưng đối với Matxcơva, nó cũng ẩn chứa những rủi ro và điểm yếu cố hữu”.

Có thể kiểm tra nhận xét đó qua các bảng kết toán thương mại hai nước từ năm 2007 tới 2020 và thấy rằng không phải là đồng đẳng gì lắm, khi mà thâm hụt thương mại của Nga cứ tăng đều đặn từ khoảng 20 tỉ đôla lên gần 60 tỉ đôla. 

Ngay năm 2021 này, từ tháng 1 tới hết tháng 4, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga vẫn tăng 38,7%, còn chiều ngược lại chỉ tăng 7,7%, theo China Briefing.

Đó là chưa nói tới những dị biệt “bẩm sinh” ở khu vực Trung Á. Có thể đây là một trong số những vấn đề khu vực mà phía Nga sẽ nêu chuyện hợp tác với Mỹ chăng?

Một vấn đề gai góc nữa trong quan hệ Nga - Mỹ là chuyện mở rộng NATO. Ai cũng thừa rõ NATO và EU là hai cái gai trong mắt ông Putin từ bao năm qua. 

Năm 2008, Gruzia vì muốn ngả nghiêng qua NATO mà bị cuộc chiến tranh 12 ngày làm mất hai tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia. Ukraine năm 2013 cũng vì sốt ruột vô EU mà mất Crimea chỉ trong một đêm!

Trong một lịch sử xa hơn, thời cựu tổng thống Richard Nixon, Washington từng nổi tiếng với việc ve vãn Trung Quốc để chống Liên Xô. Hiện giờ tình hình có vẻ đang đảo ngược, dù những bước đi của Mỹ hiện giờ với Nga có lẽ là chưa mạnh bạo như với Trung Quốc thời Nixon - Henry Kissinger.

Ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ, chính quyền Biden đã công bố đề xuất ngân sách quốc phòng mới. 715 tỉ đôla cho năm tài khóa 2022 bao gồm một khoản tăng lương 2,7% cho quân đội và chuyển hàng tỉ đôla từ các hệ thống cũ sang những vũ khí hiện đại hơn “để răn đe Trung Quốc”, theo bình luận của Reuters.

Ngân sách đề xuất đã được gửi cho Quốc hội Mỹ ngày 28-5, đưa tổng gói ngân sách cho an ninh quốc gia Mỹ lên 753 tỉ đôla, tăng 1,7% so với năm tài khóa 2021. 

Đáng chú ý trong đó là hơn 5 tỉ đôla sẽ được chi cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương “tập trung vào cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và nhằm tăng sự sẵn sàng của Mỹ trong khu vực thông qua chi tiêu cho các hệ thống radar, vệ tinh, và tên lửa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận