Trong mê cung một vụ giết người

SÁNG ÁNH 25/11/2018 18:11 GMT+7

TTCT - Nhà báo Jamal Khashoggi năm ngoái rời Saudi Arabia để lay chuyển chính giới Hoa Kỳ và dư luận quốc tế đối với tân thái tử Mohammed bin Salman (biệt danh MBS). Cái chết bi thảm của ông 6 tuần trước (2-10), trớ trêu thay, lại giúp ông thành công rực rỡ trong sứ mạng này.

Ông Trump vẫn kiên trì ủng hộ MBS trước sức ép từ nhiều phía. Ảnh: Axios
Ông Trump vẫn kiên trì ủng hộ MBS trước sức ép từ nhiều phía. Ảnh: Axios

 

Tất nhiên là nó bất ngờ, ông Khashoggi chỉ đến Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul để làm giấy tờ ly dị vợ dưới áp lực của cha vợ tương lai và trong khi việc cá nhân của ông thất bại, cả mạng sống của ông cũng không giữ được.

Theo nguồn tin rò rỉ từ tờ trình mới nhất của Trung ương tình báo Hoa Kỳ (CIA) vào ngày 17-11, chính em trai của thái tử và đương kim đại sứ tại Mỹ, hoàn thân Khalid bin Salman, theo lệnh của anh, là người khuyên ông Khashoggi nên sang Thổ Nhĩ Kỳ và đến tổng lãnh sự quán để làm thủ tục ly dị (vị hôn thê của ông là người Thổ Nhĩ Kỳ).

Tại đây, một biệt đội 15 sát thủ dùng 2 chuyên cơ sang trước có vài giờ đã phục sẵn, hạ sát ông ngay lập tức trong vòng 7 phút, cưa thi thể ra thành 15 mảnh và mang xác ông đi mất tích, hoặc thủ tiêu bằng axit, hoặc mang về Saudi trong vali ngoại giao. Nói cách khác, đây là âm mưu sắp sẵn của thái tử MBS. Hoàng thân Khalid phủ nhận tin này của CIA và đòi có bằng chứng của cuộc nói chuyện.

Lợi ích chồng chéo

Tình thế giờ đã đến mức Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn dày công vun đắp quan hệ với Saudi từ khi lên nhậm chức, muốn im lặng cũng không được nữa.

Tuyên bố ngày 21-11 (giờ Mỹ) của ông Trump nói: “Rất có thể là hoàng thái tử (Saudi) biết về sự kiện thảm kịch này, có thể ông ấy biết và có thể ông ấy không biết!”. Sau đó cùng ngày, ông Trump lại nói rằng CIA chưa xác quyết “100%” về vụ sát nhân.

Phần biện minh cho Saudi dài hơn hẳn. Tuyên bố đăng trên trang web của Nhà Trắng ngày 21-11 nói vương quốc vùng Vịnh này đã chi “hàng tỉ đôla trong việc dẫn dắt cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”, đồng thời nhấn mạnh những cam kết đầu tư và mua vũ khí từ Riyadh: “Nếu chúng ta ngu ngốc hủy bỏ các hợp đồng đấy, Nga và Trung Quốc sẽ hưởng lợi rất lớn”.

Trong khi thừa nhận vụ sát hại Khashoggi là “kinh khủng”, ông Trump nói “chúng ta có thể không bao giờ biết đầy đủ các dữ kiện” về cái chết đó, và “Hoa Kỳ có ý định vẫn là một đối tác vững bền của Saudi Arabia để đảm bảo lợi ích của đất nước chúng ta, của Israel, và các đối tác khác trong vùng”.

Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” suốt từ khi đắc cử, ông Trump đã luôn biết chắc Saudi là một đồng minh tối quan trọng với Hoa Kỳ “trên nhiều phương diện”. Nhà Saud có quan hệ thắm thiết với nước Mỹ từ 1945 trong vai trò giữ những giếng dầu, và ngược lại Hoa Kỳ bảo đảm an ninh của vương quốc và của chế độ, tức là của dòng họ này.

Đây là một thỏa thuận không chính thức đã được duy trì 70 năm nay, qua tất cả các chính quyền Mỹ và tất cả các vị vua trị vì Saudi.

Mâu thuẫn chính giữa hai nước là vấn đề Palestine - Israel. Sau chiến tranh Yom Kippour (1973), Saudi và các quốc gia Ả Rập sản xuất dầu từng cấm vận các nước ủng hộ Israel, gây khủng hoảng giá dầu, rồi sau đó là khủng hoảng kinh tế thế giới.

Tham vọng của chính quyền Trump là giải quyết vấn đề Palestine tại Trung Đông, bằng cách nhờ nhà Saud áp lực và mua chuộc chính quyền Palestine, bắt họ chấp nhận một giải pháp có lợi cho Israel.

Phần Mỹ đã công nhận thủ đô Jerusalem và cắt mọi viện trợ nhân đạo cho Palestine. Công việc to tát này, ông Trump giao cho một nhà ngoại giao lừng lẫy là chàng rể Jared Kushner, vốn trước giờ chỉ lo công việc bán nhà tại New York, nhưng cưới được con gái cưng của ông là Ivanka Trump.

Ngoài dầu hỏa và vấn đề Palestine, Saudi có lợi ích chiến lược trong khu vực để đối phó với một cái gai của Mỹ tại Trung Đông là chế độ Iran. Nhắc lại, Iran không phải là kẻ thù “truyền kiếp” của Mỹ như giọng điệu gần đây.

Cho đến 1979, dưới chế độ quân chủ của vua Shah, là “ái khanh” chủ chốt của Hoa Kỳ trong khu vực, khi mà ngay Saudi cũng mới là một “thứ thiếp”. Vua Shah từng thay Hoa Kỳ bình loạn tại Oman và Iran lúc đó là hòn đá tảng của quan hệ đối ngoại Mỹ trong khu vực và trong bối cảnh chiến tranh lạnh.

Chế độ thần quyền đánh đổ vị Shah khiến Iran tách ra khỏi đường lối Tây phương từ 1979, tuy hậu quả là đối mặt với lệnh cấm vận và gây hấn đủ kiểu. Từ đó tới nay, Tehran tích cực tạo ảnh hưởng trong vùng qua vấn đề tôn giáo của hệ phái Hồi giáo thiểu số Shia và trở thành lãnh tụ của thiểu số này. Đến 2018, theo cái nhìn của Saudi, thì Iran và hệ phái Shia kiểm soát 4 thủ đô của thế giới Ả Rập: Baghdad (Iraq), Beirut (Lebanon), Damascus (Syria) và Sanaa (Yemen).

Điều này đe dọa Saudi, một nước Hồi Sunni đa số, nhưng vẫn có 15-30% dân số (“Ai mà biết được chính xác”, nói như ông Trump) thuộc hệ phái Shia. Thiểu số này bất mãn với vương triều và lại sống ngay những mỏ dầu lớn, nếu theo Iran làm loạn hay ly khai thì nhà Saud gặp rắc rối lớn. Cho nên, đối phó với Iran với nhà Saud là vấn đề sinh tử.

Chuyện chống Iran này hiện nay nằm cùng trục lợi ích với Mỹ và Israel. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Saudi có thể bán đứng Palestine. Ngày 18-11, trước hội đồng tư vấn (Shura), vua Salman không nhắc đến chuyện Khashoggi và bênh con mình, chưa thấy có ý thay thái tử, nhưng phải xác định lại lập trường ủng hộ Palestine, cạnh tranh với Iran về sự ủng hộ này, chứ không thể để Iran độc quyền ủng hộ.

Tác nhân thứ ba

Tác nhân thứ ba trong vụ Khashoggi là Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nước lớn trong khu vực, hậu thân của một đế quốc lừng lẫy từng đô hộ cả Đông Âu và Trung Đông lẫn Bắc Phi. Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ dại diện cho một chiều hướng giáo phái Sunni khác với Saudi.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ trong khối quân sự NATO, nhưng ở cạnh Iran nên bán “anh em xa” (nếu có thể gọi các nước thuộc NATO là anh em) để mua láng giềng gần. Ankara cũng có mối lo người Kurd thiểu số giống Iran, nên nể nang nhau, nếu không muốn nói là gần gũi.

Việc ám sát Khashoggi và ai là chủ mưu, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm hết bằng chứng và từ từ tung tin ra cho thêm phần hồi hộp, tung đến đâu thì Saudi nhận đến đó. Băng ghi âm cuộc ám sát đã được chính thức trao cho Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada khiến ông Trump chỉ có thể bảo là “tôi không nghe đâu, vì băng này khiếp lắm”, nghe chỉ thêm buồn.

Giờ Thổ Nhĩ Kỳ chưa ép Saudi đến mức chỉ mặt thái tử MBS, nhưng biết đâu Thổ Nhĩ Kỳ dùng việc này có thể để đòi hỏi Saudi về tiền bạc hay là áp lực Mỹ phải trục xuất giáo sĩ Fethullah Gullen, người cầm đầu chống đối Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Còn Hoa Kỳ, họ chứa chấp Gullen là vì ông này hẳn còn hữu dụng trong mối quan hệ đồng sàng dị mộng của họ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ đòi làm rõ chuyện sát hại ông Khashoggi cũng thế. Nhiều người trong Đảng Cộng hòa như thượng nghị sĩ Paul Rand hay ngay đồng minh chí thiết của tổng thống như thượng nghị sĩ Lindsey Graham không chống Saudi hay chế độ, mà là chống thái tử MBS. Ông Khashoggi không phải người đòi lật đổ vương quyền hay quân chủ chuyên chế, ông chỉ phê bình có mỗi thái tử thôi và là tiếng nói của các hoàng thân khác trong gia tộc bị MBS xem thường.

Một thắng lợi của ông Khashoggi, dù ông phải đổi mạng trong chuyến du thuyết ở nước ngoài là một hoàng thân con của tiên vương Abdallah và một hoàng thân khác em của tỉ phú Alwaleed bin Talal sau một năm giam cầm vừa được thả.

Phía Tổng thống Trump, đến giờ “trừng phạt Saudi” chỉ là: cấm thị thực và phong tỏa ngân hàng của 17 người (trong đó có 15 sát thủ). Phía Saudi điều tra 11 người và đòi xử trảm 5 chốt thí tượng trưng.

Nhưng bao nhiêu đấy có lẽ không đủ vừa lòng Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi nắm bằng chứng và đang đòi đưa ra Liên Hiệp Quốc, rồi mỗi ngày tung thêm chút tin tức để gây áp lực. Nhiêu đấy cũng chẳng đủ vừa lòng các thế lực chính trị Hoa Kỳ bên ngoài hay ngay cả bên trong Nhà Trắng. Anh, Pháp, Đức cũng đang đòi câu trả lời. ■

Tính lại người tức vị?

Những phe phái chống MBS đã nhanh chóng dựa vào vụ Khashoggi để tập hợp lực lượng ở Saudi. CNBC nói hàng chục hoàng thân của hoàng tộc Saud giờ muốn thấy sự thay đổi trong hàng thừa kế. Vua Salman hiện 82 tuổi, và trong khi MBS là hoàng tử ông yêu mến nhất, vị đông cung hiện đang đứng trước áp lực rất lớn. Một giải pháp là sau khi Salman băng hà, em trai duy nhất còn sống của ông, hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz, 76 tuổi, sẽ tức vị, thay vì MBS. Khi nhà vua qua đời hoặc không còn cai trị được nữa, Hội đồng hoàng tộc 34 thành viên, một cơ quan đại diện cho từng dòng trong gia đình cai trị, sẽ họp mặt để đưa ra quyết định về người thừa kế. Dù là hoàng thái tử, MBS vẫn sẽ cần sự chuẩn thuận của hội đồng để đăng cơ. Khi ông trở thành hoàng thái tử năm 2017, chỉ có ba người trong hội đồng phản đối, bao gồm hoàng thân Ahmed.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận