Từ chiếc xe gắn máy đến con ốc vít: Làm gì có thiên tài đại nhảy vọt!

TRUNG TRẦN 24/01/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Sự phát triển của nền sản xuất quốc gia và các doanh nghiệp tư nhân nội địa thực sự tạo ra của cải vật chất luôn đi kèm với một đòi hỏi bắt buộc: một nền công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh. Đây cũng đã là điều được nêu rõ trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII.

Trong mục “Về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”, dự thảo viết: “Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; chưa tạo ra được ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh cao, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. 

Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất trong nước còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước. Tỉ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài [nhấn mạnh của chúng tôi]. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản còn kém phát triển, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu”.

Từ nghị quyết ra đời sống, Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu với bạn đọc câu chuyện của một người đã có nhiều năm lăn lộn với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

Từ chiếc xe máy

Câu chuyện về sự phát triển nền công nghiệp phụ trợ VN có lẽ nên bắt đầu từ một sản phẩm mà hiện giờ hầu như gia đình nào ở VN cũng sở hữu: xe gắn máy. Những chiếc xe thực sự nội địa đầu tiên được sản xuất ở quy mô lớn là của Hãng SYM (Sangyong Motor), được bán ở VN với cái tên VMEP và những thương hiệu Angel, Magic… 

SYM là một trong những hãng nước ngoài đầu tiên sản xuất xe máy hàng loạt ở Việt Nam. Ảnh: scoota.com.au

Giữa những năm 1990, VMEP là công ty duy nhất sản xuất xe máy cho giới bình dân, dưới 15 triệu đồng có thể tậu đươc một chiếc xế nổ, khi mà Dream của Honda vẫn là một tài sản tương đương miếng đất hay ngôi nhà.

SYM từ Đài Loan sang, xây dựng nhà máy lắp ráp ở Đồng Nai. Đi cùng họ là một loạt công ty vệ tinh sản xuất chi tiết cung ứng, lúc đấy thường được gọi là 12 nhà máy khu Hố Nai. 

Làm khung sườn, ốc vít, ống xả, cụm dây thắng… theo tiêu chuẩn VEMP mà lỡ có sai sót tí chút trong khi đơn hàng đang gấp thì vẫn chấp nhận được. Khi đấy một chiếc xe máy SYM giá tầm nửa xe máy Honda và mỗi năm nhân viên VMEP được thưởng ít nhất 6 tháng lương.

Cho đến khi xe máy giá rẻ Trung Quốc tràn vào VN với mức giá không tưởng dưới 10 triệu một chiếc và Honda Việt Nam đang bán một chiếc Future từ 25 triệu lập tức cho ra dòng Wave Alpha xấp xỉ 10 triệu với danh sách linh kiện lắp ráp không khác bao nhiêu chiếc Future, VMEP chấm dứt thời hoàng kim và 12 nhà máy vệ tinh của họ chới với, không có đơn hàng.

Từ đó bắt đầu câu chuyện doanh nghiệp Đài Loan tìm đến các nhà lắp ráp Nhật Bản xin gia công linh kiện, những thứ mà Honda, Suzuki, Sanyo… đang nhập từ Nhật Bản, Thái Lan hay Trung Quốc. 

Khi đấy, doanh nghiệp nội địa VN, rất ít ai có được hệ thống máy gia công; hay thậm chí nếu có - như ở các trường đại học, do các tổ chức quốc tế tài trợ, thì cũng không đủ tiền để mua dao cụ, thiết bị phụ trợ, thậm chí là dầu giải nhiệt cho máy hoạt động.

Với nền tảng công nghiệp phụ trợ được người Nhật đầu tư, đào tạo từ những năm trước Thế chiến, các doanh nghiệp Đài Loan dần dần chiếm lĩnh thị trường gia công cơ khí, ép nhựa, chế tạo lò xo, bù long, ốc vít… cho các công ty lắp ráp lớn ở VN, với chất lượng chấp nhận được và giá thành phần nào cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. 

Giá trị xã hội lớn nhất họ mang lại lúc đấy là biến chiếc xe máy từ một ước mơ thành vật dụng nhà nào cũng có và Honda không còn là cái tên đồng nghĩa với xe gắn máy nữa.

Đến đầu những năm 2000, người Nhật ở VN nhận ra và bắt đầu chiến lược nội địa hóa sản xuất linh kiện nhằm tránh sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc, công xưởng thế giới. Những ông chủ nhà máy ở VN bắt đầu bước những bước đầu tiên tham gia chuỗi giá trị cung ứng. 

Thoạt tiên là bao bì đóng gói, sản phẩm in ấn. Thùng carton thì dễ, nhưng khay PET ép chân không dùng để đựng linh kiện trên chuyền lắp ráp thì phải gần 10 năm sau VN mới làm được. In nhãn thông báo thì không sao, nhưng brochure, leaflet quảng cáo thì không phải đơn giản vì ngoài giá trị của dàn in offset đắt là một chuyện, thiết kế cho ra một cái sticker, poster sản phẩm, không phải là thứ mà sinh viên mỹ thuật công nghiệp được dạy tới nơi tới chốn ở trường.

Ngay cả bù long, ốc vít, lò xo, đến giờ các doanh nghiệp VN 100% vẫn đứng sau người Đài Loan - Trung Quốc một bậc; chẳng hạn, làm cho xe máy, tủ lạnh, máy giặt… thì OK, nhưng làm cho xe hơi thì không nhiều công ty VN làm được. Không phải vì máy móc, công nghệ, cái đấy mua được bằng tiền. 

Cái khó nằm ở quy trình đo kiểm và kiểm soát chất lượng. Ví như giao mẫu một con ốc vít phải kèm theo không dưới 10 báo cáo về xuất xứ thành phần nguyên liệu, quy trình gia công, kết quả đo kiểm, lưu trình xi mạ…, đến cả biên bản hiệu chuẩn thiết bị đo.

1 triệu con ốc vít có thể bán được khoảng 1 tỉ đồng, nhưng để có được 1 phòng đo kiểm và hệ thống nhân sự cho ra 10 tờ báo cáo đấy, chi phí phải gấp 10. Cái khó đấy không nhiều doanh nhân dám đầu tư, thà đi làm hàng cho ngành vật liệu xây dựng long đền, con tán để lắp điện nước công trình xây dựng tư nhân… không tiêu chuẩn, không đo kiểm… lúc nào cũng có thị trường đầu ra, không sợ bị trả hàng, bị thu hồi, bồi thường.

Trung Quốc, với nền sản xuất cực lớn, chiếm ưu thế áp đảo trong thị trường các mặt hàng công nghiệp phụ trợ. Ảnh: Pikist

Có một câu chuyện cả 20 năm nay ngành công nghiệp phụ trợ VN thường bị đay nghiến là đến ốc vít còn làm không được mà cứ đòi làm ôtô. Đúng là cho đến giờ, một con ốc vít inox tiêu chuẩn (nghĩa là bên châu Phi hay ở Mỹ người ta cũng dùng con vít như thế) có bước ren 0,3mm, như loại bắt trên các gọng kính đeo mắt, không nhà máy nào ở VN làm được thật, vì mua máy về làm để làm gì, trong khi nhu cầu cần có 10.000 con, còn bên Trung Quốc, 1 nhà máy người ta có thể có đơn hàng đến 1 triệu con.

Gà và trứng

Nói thế thì lại là câu chuyện con gà quả trứng, cứ lấy Trung Quốc, nơi sản xuất ra nguyên liệu gốc, nơi số lượng đơn hàng luôn gấp trăm lần để so giá, thì sao mà VN cạnh tranh được? Câu trả lời là vẫn được, ví dụ ở ngành gia công chi tiết nhựa, nơi người VN có thể cạnh tranh ngang ngửa Trung Quốc. 

Một phần lý do nằm ở quá trình gia công ép nhựa nguyên liệu có thể tái chế, và việc nâng cao tay nghề trong ngành này khá phù hợp với tính cách người Việt: khả năng tỉ mỉ và tự học. Trong khu vực Đông Nam Á, ép nhựa kỹ thuật cao của VN có thể đứng ngang Thái Lan và trên Mã Lai, Indonesia, dù 2 quốc gia này đi trước VN hơn 20 năm.

Câu hỏi ở đây là vấn đề người tiên phong. Những ai sẽ tiên phong trong xây dựng nền công nghiệp phụ trợ? Có hai nguồn lực chính. Một là những nhà sản xuất hàng gia dụng, đồ tiêu dùng như rổ rá, xoong chậu, thấy cơ hội trong ngành sản xuất linh kiện cho các nhà máy lắp ráp nước ngoài và có đầu óc cởi mở, bỏ vốn đầu tư một nhà máy độc lập, đầu tư máy móc hiện đại và đi săn đầu người từ các công ty nước ngoài về vận hành và quản lý.

Những nhà sản xuất đồ gia dụng người Hoa ở Chợ Lớn là ví dụ tiêu biểu. Chấp nhận lỗ lã 3-4 năm, dần dà họ biết cách phục vụ và trở thành những nhà cung cấp phụ trợ đáng tin cậy cho các đối tác Nhật Bản. 

Câu chuyện thường thấy là kỹ sư của các công ty đa quốc gia lớn, sau vài lần đi đánh giá kiểm tra nhà cung cấp, đã trở thành trưởng bộ phận của công ty nhà cung cấp kia. Điểm mạnh của các công ty này là vốn, nhưng điểm yếu là khả năng chấp nhận đổi mới. 

Tỉ lệ thành công của loại hình phát triển này không cao, vì với sức ì của kiểu quản lý cũ, nhiều công ty sau vài năm đầu tư làm hàng kỹ thuật, lại quay về làm hàng chợ - với chất lượng và mẫu mã dù sao cũng tốt hơn trước rất nhiều. Những cái tên tiêu biểu cho thành công lẫn không thành công ở miền Nam cho kiểu phát triển này là nhựa Đại Đồng Tiến, cơ khí Duy Tân…

Đồ nhựa từ hạng chợ tới hàng kỹ thuật là cả một hành trình dài. Ảnh: Cosmo Sourcing

Nguồn phát triển thứ hai là nhân sự xuất thân từ nhân viên các công ty nước ngoài lớn ở VN, được đào tạo bài bản bởi công ty mẹ về kỹ thuật sản xuất và hiểu được quy trình kiểm soát, nhiều người có tham vọng bước ra ngoài khởi nghiệp.

Những doanh nghiệp này phát triển khá trầy trật vì hạn chế về vốn và cơ sở hạ tầng. Sau 4-5 năm chống chọi, cũng có người duy trì được một nhà máy quy mô trung bình. Số lượng vượt qua bẫy phát triển trung bình không nhiều, còn trụ không được, lại đi nộp đơn phỏng vấn đi làm thuê là chủ yếu.

Câu chuyện buồn của họ nằm ở chỗ đa số phải tự bơi - những hô hào về hỗ trợ, ưu tiên của Nhà nước hầu như là chỉ nằm trên giấy, hoặc được triển khai qua những chính sách được lập bởi những người không hiểu thế nào là công nghiệp phụ trợ. 

Ví dụ như việc cho vay vốn, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có xác nhận đơn hàng cho 6 tháng tới 1 năm sau từ phía khách hàng, đơn hàng phải có dấu đỏ. Trong khi tất cả những thứ đấy, nếu có, chỉ là một đường link dẫn đến dữ liệu đơn hàng/dự báo đặt hàng của khách. 

Không ông ngân hàng nào dám tin đấy là cam kết mua hàng, trong khi nếu biết cách, bên cho vay chỉ cần đề nghị cung cấp hồ sơ đánh giá nhà cung cấp được lựa chọn là có thể thấy tiềm năng của cả hãng gia công lẫn khách hàng.

Cũng cần giải thích về một số ngộ nhận khi đọc các con số như tỉ lệ nội địa hóa đạt 70%. Đừng lầm tưởng đấy là năng lực sản xuất của doanh nghiệp thuần VN. Hơn 60% của cái 70% đấy nằm ở các công ty đa quốc gia có nhà máy ở VN. Ví dụ như một máy ảnh số của Hãng Canon. 

Thành phẩm là chiếc máy ảnh trước đây được lắp ráp ở Nhật, sau này là Trung Quốc. Một cụm chi tiết, ví dụ bộ trập màn hình, sẽ được lắp ráp ở VN, bởi một công ty Nhật ở VN, thuật ngữ chuỗi cung ứng gọi là Tier 1. Nhà gia công thuần Việt Nam, tức Tier 2, chỉ sản xuất được một số linh kiện nhựa trong bộ trập ấy. 

Nhà nào giỏi thì sản xuất được linh kiện khó, độ chính xác cao, kiểu như bánh răng, hoặc giỏi hơn thì có thể sơn thêm được cái vạch hoặc vài chữ ghi chú trên đấy, sao cho mưa nắng xăng nhớt gì dính vào cũng không bong tróc.

Số lượng công ty phụ trợ thuần VN có thể lắp ráp dạng cụm bán thành phẩm phức tạp, nói không tự ái, không quá số ngón hai bàn tay. Các công đoạn phức tạp như đo kiểm, thử độ bền, thử tính năng…, khả năng của doanh nghiệp Việt còn hạn chế nữa. 

Ví dụ như muốn đánh giá hệ thống, đánh giá quá trình sản xuất thử thì công ty đa quốc gia có nhà máy VN lại phải thỉnh chuyên gia từ Malaysia, Thái Lan qua. Nếu được gọi là chuyên gia đánh giá hệ thống và quá trình - trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, thì số lượng so với chuyên gia tư vấn kinh tế, tái cấu trúc, truyền thông, phải tính theo tỉ lệ 1/1.000! May ra chỉ có nhân sự các hãng ôtô như Ford, Toyota… ở VN mới dám vỗ ngực xưng danh ấy.

Đến tận bây giờ, việc lập một báo cáo điều tra xử lý lỗi và giải pháp phòng ngừa (Corrective and Preventive Action Report) cho vừa mắt khách hàng Đức hay Nhật Bản vẫn là việc khó khăn với một giám đốc kiểm soát chất lượng công ty thuần Việt. 

Một công việc mà ngoài lý thuyết kiểm soát quá trình, phải có ít nhất 5-7 năm lăn lê bò toài với thực địa sản xuất thì may ra mới đủ kiến thức và kinh nghiệm. Sản xuất - không bao có thể là chuyện đi tắt đón đầu hay thiên tài đại nhảy vọt.■

Cho đến giờ, khi trình độ tự động hóa ở VN đã phát triển rất xa so với cách đây 10-20 năm và chi phí đầu tư cũng không còn là chuyện quá nặng nề như trước, vấn đề phát triển công nghiệp phụ trở ở VN vẫn còn nguyên xi những vướng mắc cũ. 

Nếu ai từng nghe các đại diện của Jetro - Hiệp hội Xúc tiến đầu tư Nhật Bản - trình bày ở các diễn đàn công nghiệp thì thấy 20 năm qua không có gì thay đổi: không chủ động nguồn nguyên liệu, khả năng đảm bảo chất lượng hệ thống và chi phí đầu tư R&D quá thấp, năng lực lắp ráp cụm chi tiết ít được nâng cao và thiếu các chính sách hỗ trợ hữu ích từ Nhà nước. 

Đó không phải là vấn đề của từng doanh nghiệp, có lẽ nó còn xuất phát từ quan niệm và căn tính của dân tộc. Có thể thấy rất rõ, nhiều doanh nghiệp sản xuất sau khi có những thành công đáng kể, tất cả đều đi đầu tư bất động sản!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận