Vai trò của chính phủ và quyền của người dân

DANH ĐỨC 11/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Có thể tổ chức tốt hơn việc chích ngừa cho dân chúng để họ sống còn trước biến thể Delta này của SARS-CoV-2 như thế nào?

Cơ bản mọi người, cả người làm nhà nước lẫn người dân, đều phải biết rằng việc chích ngừa, ở đâu cũng thế, một khi tham gia hoặc chính xác hơn là nhận hưởng các phúc lợi từ COVAX hay các lô vaccine trợ giúp khác, các chính phủ cần nghiêm chỉnh tuân theo bộ “Các nguyên tắc hướng dẫn tiếp cận công bằng với các sản phẩm y tế liên quan đến COVID-19 và việc phân bổ công bằng các sản phẩm này”, do WHO đề ra.

 
 Tiêm vaccine COVID-19 ở TP.HCM

Tất nhiên, cũng có quyền thắc mắc nếu phải “nghe lời WHO” thì còn gì chủ quyền? Song, nếu nhớ rằng đây là một cam kết để nhận lấy cam kết của WHO là “tất cả các quốc gia phải có quyền tiếp cận một số sản phẩm này khi chúng có sẵn, bất kể mức độ phát triển hoặc tình trạng kinh tế của các nước này”. 

Việc Việt Nam nay đã và đang nhận vaccine do Nhật, Mỹ, Anh, Úc... trợ giúp thông qua cơ chế COVAX (trung gian tiếp nhận, phân phối) chính là thụ hưởng từ các cam kết “có qua có lại” đó trong ý nghĩa tuân thủ các hướng dẫn của WHO. 

Cụ thể, WHO quy định và các nước tham gia phải cam kết rằng việc “phân bổ các sản phẩm này dựa trên sự công bằng và bình đẳng. Nghĩa là, phải tôn trọng và thực thi quyền cơ bản của mỗi con người là có được trạng thái sức khỏe tốt nhất có thể, bất kể chủng tộc, tôn giáo, ý kiến chính trị, địa vị kinh tế hoặc xã hội của họ. 

Và để đảm bảo quyền cơ bản này, các vaccine, sản phẩm, dịch vụ chẩn đoán và sản phẩm, dịch vụ y tế khác liên quan đến COVID-19 phải có giá cả phải chăng, sẵn có, phù hợp và có chất lượng đảm bảo cho tất cả những ai cần đến”. 

Thiết tưởng, cần dừng lại ngay ở định nghĩa cơ bản trên và liên hệ các biện pháp đã hoặc đang ban hành ở Việt Nam như giấy xác nhận xét nghiệm có giá trị 3 ngày cùng lệ phí xét nghiệm khá cao, điều chưa tương ứng với yêu cầu của WHO là “có giá cả phải chăng, sẵn có, phù hợp và có chất lượng đảm bảo cho tất cả những ai cần đến”.

WHO đã rất chi li nhắc cần đặc biệt chú ý các chiến lược định giá để các sản phẩm, dịch vụ y tế có giá cả phải chăng hơn. Điều cần thiết là chi phí không tạo thành một trở ngại cho việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ y tế liên quan tới COVID-19. 

Trong thực tế Việt Nam những điều đó tất nhiên không dễ đạt được, nhất là khi dịch bùng phát mạnh trở lại như hiện nay, nhưng ít ra, nhà nước cần thể hiện được nỗ lực để đạt tới những sự công bằng và sẵn có đó, qua sự minh bạch hơn nữa thông tin về nguồn lực dành cho và phúc lợi thụ hưởng của cuộc chiến chống COVID-19.

WHO căn dặn: “Trong phạm vi có thể, bất kỳ sự phân bổ nào cũng phải công bằng và chính đáng. Công bằng và chính đáng tạo thành các giá trị đạo đức mà các yêu cầu quy phạm cần được nêu rõ. 

Công bằng ngụ ý rằng các trường hợp tương tự được đối xử như nhau, nghĩa là nếu vaccine được phân phối trên cơ sở sự cần thiết, thì những người có nhu cầu tương tự nhau nên được đối xử như nhau”.

Đó đây ở Việt Nam đã xuất hiện tình trạng những người có nhu cầu tương tự nhau nhưng đã không được đối xử giống nhau trong việc triển khai vaccine. 

Trong một đại dịch, những vụ việc như vậy, ngoài việc tạo ra bất công với những người cụ thể, còn có tác động nguy hiểm hơn là làm xói mòn tính chính danh của nhà nước, nhất là khi giới ra chính sách đang cần hơn bao giờ hết lòng tin từ cả xã hội để vận động cho sự hy sinh tiếp tục và bắt buộc với công cuộc chống dịch được dự báo còn gian nan và lâu dài.

Những chi tiết “chọn lựa vaccine để chích”, “không chờ xếp hàng” được đưa lên mạng xã hội ồn ào vừa qua; hay gần đây hơn, việc ở Quảng Nam có những doanh nghiệp bất động sản được ưu tiên chích vaccine... đã vi phạm nguyên tắc “công bằng và chính đáng” của WHO. Mọi nhà nước minh bạch cần công bố rõ các nhóm ưu tiên và giải thích lý do của thứ tự đó, dựa trên cơ sở dịch tễ học và xã hội học.

Phù hợp với hướng dẫn gần đây của Nhóm công tác WHO về đạo đức và COVID-19, thiết tưởng có thể đóng lại bài này bằng khuyến cáo sau của WHO trong tài liệu đã nêu: “Khi việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm được định hướng bởi các mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, thì mục tiêu khả dĩ chính là sử dụng các nguồn lực khan hiếm có sẵn để đạt được kết quả tốt nhất có thể...”.

Có thể tóm tắt tất cả những khuyến cáo đó của WHO như sau: Nếu mục đích chống dịch số 1 ở Việt Nam là giảm tử vong, như tuyên bố chính thức của Chính phủ, thì những người dễ chết vì COVID-19 nhất phải được ưu tiên trước nhất. 

Cũng thế, các xét nghiệm nhanh và vaccine có thể được cấp ưu tiên cho người lao động thiết yếu khi cần phải đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ thiết yếu. 

Cần tư duy rằng vaccine và các dịch vụ y tế liên quan đến COVID-19 không phải là ân huệ ban bố, mà là sách lược để một xã hội tồn tại và phát triển, vì chính lợi ích của nhà nước cầm quyền. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận