Về một cây cầu đường sắt 117 năm tuổi: Không thiếu phương án bảo tồn hay 

DƯƠNG NGỌC HÀ - ĐỨC PHÚ 06/03/2019 05:03 GMT+7

TTCT - Trong khi các đơn vị quản lý cầu đường sắt Bình Lợi cũ (cầu cũ - TP.HCM) chưa có phương án xử lý cây cầu này sau khi tháo dỡ, thì các chuyên gia đề xuất nhiều phương án bảo tồn để biến vị trí cầu thành một điểm đến mới của du lịch TP.

Cầu Bình Lợi được thiết kế có thể quay để các nhịp cầu mở ra cho các tàu thuyền lớn qua lại. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cầu Bình Lợi được thiết kế có thể quay để các nhịp cầu mở ra cho các tàu thuyền lớn qua lại. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với TTCT, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết dự kiến đường sắt Bình Lợi mới (cầu mới) sẽ hoàn thành vào ngày 30-4 tới, còn cầu xe lửa Bình Lợi cũ có tuổi thọ 117 năm được tháo dỡ sau đó và hoàn tất trước ngày 30-6.

Chưa có phương án xử lý

Thông tin tháo dỡ cầu cũ đã thu hút nhiều người quan tâm bởi cầu cũ là cây cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cây cầu này được Bộ GTVT giao cho Tổng công ty Đường sắt VN quản lý khai thác phục vụ công tác chạy tàu trên tuyến đường sắt quốc gia.

Sau khi có ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ GTVT đã chỉ đạo sau khi cầu mới thi công xong, cầu cũ sẽ tháo dỡ để thu hồi vật tư, vật liệu giao cho Tổng công ty Đường sắt VN xử lý theo quy định pháp luật. Bộ yêu cầu trước khi tháo dỡ, các đơn vị liên quan phải kiểm kê, xác nhận số lượng vật tư, vật liệu cần tháo dỡ.

Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi có trách nhiệm tháo dỡ và chịu trách nhiệm trong trường hợp thất thoát, hư hỏng vật tư. Tổng công ty Đường sắt VN tiếp nhận, đề xuất phương án và thủ tục xử lý thu hồi tài sản sau khi tháo dỡ. Ban Quản lý dự án 7 cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan bàn bạc xử lý vật tư cầu cũ sau khi tháo dỡ theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Trả lời TTCT về kế hoạch xử lý cầu cũ, ông Đoàn Duy Hoạch, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, cho biết đang phối hợp với các đơn vị xử lý cầu cũ và chưa có phương án xử lý cụ thể. Ông Hoạch nói năm 2016, sau khi cầu Ghềnh bị sập thì các đơn vị ở Đồng Nai đề xuất xin một số nhịp của cầu Ghềnh về bắc qua một cù lao làm biểu tượng lưu dấu ấn lịch sử, phần vật liệu còn lại do hư hỏng nên đã đấu giá thanh lý.

“Các cầu sắt làm từ thời Pháp thì cầu nào cũng có tuổi thọ cao và gắn liền với lịch sử. Tuy nhiên, về biểu tượng phải nhắc đến cầu Long Biên hiện vẫn đang khai thác. Sau này, nếu cầu Long Biên được thay thế sẽ được bảo tồn nhằm lưu giữ biểu tượng của lịch sử” - ông Hoạch chia sẻ thêm.

Theo ông Hoạch, đối với cầu cũ, sau khi tháo dỡ xong sẽ được phân loại tài sản, các cơ quan quản lý nhà nước phải thành lập một hội đồng tiến hành đánh giá lại giá trị tài sản, xem xét vật liệu cầu còn có thể tái sử dụng hoặc cho phép phục dựng làm biểu tượng.

“Phương án xử lý cầu còn qua rất nhiều bước thẩm định, chứ không phải khi được bàn giao là ngành đường sắt được quyền quyết định tháo dỡ hay bán sắt vụn” - ông Hoạch nói.

Bảo tồn kết hợp quy hoạch đôi bờ sông

Nhiều hạng mục cầu đường sắt Bình Lợi cũ hiện đã xuống cấp. Ảnh: Quang Định
Nhiều hạng mục cầu đường sắt Bình Lợi cũ hiện đã xuống cấp. Ảnh: Quang Định

Theo KTS Khương Văn Mười - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, cầu cũ có giá trị lịch sử trong quá trình hình thành trục giao thông huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông và miền Trung, miền Bắc. Đây là cây cầu có ý nghĩa ghi lại dấu tích phát triển cho khu vực phía nam Sài Gòn - Đồng Nai... 

Ban đầu, đây là cây cầu kết hợp giao thông đường sắt và đường bộ, là trục đường quốc lộ chính. Móng của cầu cũ cũng như những cây cầu khác cùng thời xây bằng đá hộc và khung thép đặt ở trên.

KTS Khương Văn Mười cho rằng việc giữ lại nhịp cầu cũ để giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển tuyến giao thông quan trọng tại TP là việc rất nên làm. Nếu tháo bỏ cầu cũ thì mất đi dấu tích lịch sử về quá trình phát triển giao thông của TP.

Tuy nhiên, chi phí bảo tồn trước mắt sẽ tốn kém nhiều. Ông Mười nói với đặc điểm và vị trí hiện tại, không thể bảo tồn nguyên trạng cầu cũ vì độ an toàn của cầu và tĩnh không thông thuyền thấp.

Tuy nhiên, nếu di chuyển cầu đi chỗ khác thì mất ý nghĩa lịch sử về vị trí của cầu. Có thể làm mô hình cầu cũ, giữ lại hai đầu bờ và lập phòng truyền thống trưng bày cầu cũ. Giá trị ở đây là giữ về ý tưởng, hình thức và vị trí của cầu. Có thể sử dụng sắt thép của cầu làm một sa bàn lớn để trưng bày, hoặc nâng cao cầu để làm cầu đi bộ.

Còn TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng trường hợp cầu cũ khá giống trường hợp của cầu Long Biên (Hà Nội). Nếu bảo tồn, cầu là công trình giao thông thì nên giữ lại chức năng công trình giao thông cho cầu này. Phải nghiên cứu thêm về độ an toàn để tính toán có thể sử dụng thành đường đi bộ, đi xe đạp, xe hơi, xe máy...

Theo ông Sơn, việc bảo tồn cầu cũ nên gắn kết với việc quy hoạch hai đầu cầu và những công trình cộng thêm như bảo tàng, quán cà phê... để cây cầu bảo tồn có thể “sống” được trong lòng người dân, du khách và Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra duy tu bảo dưỡng hằng năm.

“Có thể thiết kế một tuyến đường cho xe đạp và người đi bộ kết hợp với những công trình khác. Hai bên đầu cầu cần quy hoạch lại để có bãi đỗ xe, khu vực dịch vụ thương mại để khách đi bộ giữa hai bên. Có thể bố trí có bến du thuyền ở hai đầu cầu để kết hợp tuyến du lịch đường sông” - ông Sơn gợi ý.

Đồng thời, theo KTS Sơn, có thể quy hoạch lại khu hai đầu cầu thành khu du lịch kết hợp sông nước. Điểm bảo tồn cầu Bình Lợi kết hợp với tuyến buýt đường sông và tuyến du lịch đường thủy đi lên Củ Chi, Thủ Dầu Một... Đường ray trên cầu có thể tận dụng làm xe buýt điện để chở khách tham quan giữa hai đầu cầu.

“TP nên khuyến khích xã hội hóa cho các dự án. Dự án có thành công hay không thì phụ thuộc vào quy hoạch hai đầu cầu và cả đoạn sông đi qua. Nếu quy hoạch hấp dẫn như có chỗ đậu xe, đường vô dễ dàng, hai bên có những công trình phụ trợ, nội dung bảo tàng đầy đủ... để người dân, du khách đến thuận lợi thì tư nhân sẽ sẵn sàng tham gia, Nhà nước không phải tốn tiền “nuôi”” - ông Sơn nói.

Để giải quyết việc thông thuyền trên sông Sài Gòn, KTS Sơn đưa các phương án: có thể nâng đoạn giữa cầu lên hoặc chỉ bảo tồn một bên, còn một bên tổ chức luồng lạch cho tàu lớn qua, hoặc làm cầu mở nâng lên một ngày mấy lần cho các tàu lớn qua. “Đây là quy hoạch rất khả thi. Dự án này không tốn kém lắm và có thể tạo thêm một điểm đến cho TP” - ông Sơn nhấn mạnh.

Cả KTS Khương Văn Mười và KTS Nam Sơn đều đề nghị nên có cuộc thi thiết kế để tìm ý tưởng cho việc bảo tồn cầu cũ. ■

Nâng tĩnh không cầu mới lên 7m

Trước đây, cầu cũ có chung đường sắt và ôtô, nhưng hiện nay chỉ môtô và người đi bộ được phép qua cầu. Tuy nhiên, do cầu hẹp, lượng phương tiện và người tham gia giao thông quá đông nên thường xuyên bị ùn tắc.

Do khổ thông thuyền của cầu cũ thấp đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thông thủy và mất an toàn giao thông, xảy ra nhiều vụ đâm va tàu thủy tại khu vực này. Vì vậy, Bộ GTVT quyết định xây cầu mới dành cho xe lửa lưu thông.

Cầu mới khởi công xây dựng vào tháng 4-2015, dự kiến hoàn thành năm 2016. Tuy nhiên, do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên dự án bị chậm tiến độ.

Theo thông tin mới nhất, dự án cầu mới sẽ hoàn thành vào tháng 4-2019 và nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m (cầu cũ) lên 7m. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP.HCM và ngược lại, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận