Xuất khẩu lao động: Nhìn vào những hỏng hóc ở gốc

FUSHIHARA HIROTA 23/03/2021 00:05 GMT+7

TTCT - Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm và sai phạm của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho thấy chức năng quản lý nhà nước để bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài có vấn đề từ gốc.

 
 Lao động nước ngoài tại Nhật thường làm những công việc nặng nhọc. Ảnh: NIKKEI

“Không xây dựng được chiến lược, kế hoạch”, “Chậm”, “Chưa thực sự quan tâm đúng mức” “Không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới”, “không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản”… là một vài điểm trong số rất nhiều điều sai phạm của Bộ LĐ-TB&XH cũng như của Cục Quản lý lao động ngoài nước mà Thanh tra Chính phủ trong bản kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 6 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên đưa ra ngày 4-3 vừa qua đã nêu rõ.

Vì bản kết luận thanh tra có nêu nhiều điểm về xuất khẩu lao động Việt Nam tới Nhật Bản, tôi muốn nhìn lại những vấn đề tồn tại về chế độ và thực tế liên quan đến người lao động Việt Nam ở Nhật Bản.

3 thập niên, vẫn là chế độ thực tập kỹ năng

Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận người lao động nước ngoài từ thập niên 1980, khi các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, đối mặt tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng và bắt đầu quan tâm đến việc tìm nguồn lao động từ các nước đang phát triển. Các tổ chức, hiệp hội DN trên cả nước ồ ạt yêu cầu chính phủ tiếp nhận lao động nước ngoài.

Năm 1993, Chính phủ Nhật ban hành chế độ “Thực tập kỹ năng” nhằm đáp ứng những yêu cầu trên của các DN Nhật. Nhưng chế độ này không được giới thiệu chính thức là giải pháp tiếp nhận lao động nước ngoài, bởi từ lâu, Chính phủ Nhật đã khẳng định không tiếp nhận lao động nước ngoài để làm công việc lao động giản đơn hoặc lao động thay thế. Chế độ “Thực tập kỹ năng” được ban bố nhằm “đóng góp cho cộng đồng quốc tế” và “chuyển giao kỹ thuật” cho người lao động của các nước đang phát triển. Cách biểu đạt này đến nay vẫn chưa được thay đổi.

Thực tế thì khác hẳn. Khi chúng tôi - những người Nhật Bản muốn bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam ở Nhật - thành lập tổ chức xã hội mang tên “Dự án Vết xe hi vọng Việt - Nhật” (tôi là người đại diện), chúng tôi thấy các bạn Việt Nam sang Nhật Bản chủ yếu làm công nhân lắp ráp thiết bị, thợ xây dựng, chế biến đóng gói cơm hộp, dệt may, dọn dẹp phòng khách sạn… Đó là những công việc khó mang lại giá trị gia tăng nào về kỹ năng.

Lương của những lao động Việt Nam theo chế độ này thường thấp hơn lương của các lao động Nhật Bản bình thường. Theo thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản năm 2019 (công bố tháng 4-2020), mức lương tháng bình quân của những thực tập sinh (người lao động) nước ngoài (chưa trừ thuế thu nhập cá nhân và các loại phí bảo hiểm) là 156.900 yen (khoảng 33,3 triệu đồng). Trong khi lương bình quân của người Nhật tương đương tuổi là 243.900 yen (khoảng 51,8 triệu đồng). 

Nghĩa là người lao động nước ngoài chỉ nhận được khoảng 60% mức lương của người Nhật Bản. Các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đã dựa theo chế độ “Thực tập kỹ năng” này để sử dụng người lao động Việt Nam một cách rẻ tiền để thỏa mãn nhu cầu bảo đảm nguồn lực lao động giản đơn và thay thế.

Theo thống kê mới nhất về tình hình tuyển dụng người nước ngoài của Bộ Lao động Nhật (tháng 10-2020), tổng số lao động Việt Nam tại Nhật Bản là 443.998 người, vượt số lao động Trung Quốc. Trong đó, những lao động Việt Nam đi theo chế độ Thực tập kỹ năng là 218.000 người, chiếm 49,2% số lao động Việt Nam tại Nhật Bản, con số này dự báo tiếp tục tăng. 

Ngoài ra, có 136.781 người là du học sinh làm thêm số giờ có giới hạn, 62.555 người làm việc theo chuyên môn cao, còn lại là những người định cư và kết hôn với người Nhật.

Quá trình thực thi chế độ lao động này đã bộc lộ rất nhiều vấn đề gây tổn hại cho quyền con người của những lao động Việt Nam.

Một cổ lao động, vài tròng chi phí

Trong quá trình đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, có hai đơn vị trung gian tham gia và can thiệp một cách chính thức. Đó là các nghiệp đoàn ở bên Nhật Bản và các công ty xuất khẩu lao động ở bên Việt Nam.

Trước hết, người lao động Việt Nam muốn đi lao động tại Nhật Bản sẽ phải liên hệ đến công ty xuất khẩu lao động có đơn hàng về những công việc tại Nhật Bản. Vấn đề là các công ty xuất khẩu lao động này thường thu phí dịch vụ với số tiền rất lớn. 

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như thỏa thuận giữa Việt Nam và Nhật Bản, công ty xuất khẩu lao động chỉ được phép thu các khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. 

Trên thực tế, phần lớn các công ty xuất khẩu lao động thu gấp 2-3 lần số tiền này. Để có số tiền lớn như vậy, có nhiều lao động Việt Nam phải thế chấp nhà đất và vay với lãi suất nhiều khi rất cao.

Tại dự án Vết xe hi vọng Việt - Nhật, chúng tôi có một trung tâm cứu trợ thiệt hại dành cho những lao động Việt Nam đi Nhật Bản, do vậy thường xuyên tiếp nhận những đề nghị hỗ trợ, cứu giúp của họ. 

Chúng tôi thấy hầu như tất cả các lao động Việt Nam đi Nhật Bản phải nộp số tiền dịch vụ nhiều như vậy cho công ty xuất khẩu lao động. Các công ty xuất khẩu lao động thu nhiều tiền như vậy lại thường không phát hành biên lai, hóa đơn chính thức nào cho người lao động để tránh bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, điều này giúp các công ty đó dễ dàng trốn được trách nhiệm với người lao động khi có sự cố xảy ra.

Có thể dễ dàng kết luận các công ty xuất khẩu lao động thu quá nhiều tiền như vậy là do họ tham lam và trục lợi, không nghĩ về quyền của người lao động vốn hầu hết là người nghèo tại các vùng nông thôn. Nhưng họ thu phí dịch vụ cao như vậy còn do phía Nhật Bản.

 
 Sơ đồ chỉ dẫn thực thi chế độ thực tập kỹ năng đối với người nước ngoài (Nguồn: imidas.jp)

Nhiều tổ chức nghiệp đoàn bên Nhật Bản thường yêu cầu các công ty xuất khẩu lao động chi trả tiền hoa hồng, thậm chí những cán bộ của nghiệp đoàn sang Việt Nam làm việc đã gợi ý hoặc yêu cầu công ty xuất khẩu lao động Việt chi trả chi phí khách sạn, tiền vé máy bay, ăn uống và cả chi phí đi chơi, uống rượu. 

Đó là chưa kể các chi phí mà những người làm ăn trong ngành này đều nói tới: chi phí bôi trơn cho quan chức nhà nước lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước. Các công ty tiếp nhận lao động Việt Nam phải chi trả 30.000 - 50.000 yen/tháng/lao động (6,4 - 10,6 triệu đồng) cho nghiệp đoàn với danh nghĩa phí quản lý. Điều đó khiến số tiền lương mà lao động Việt Nam nhận được tiếp tục bị cắt giảm.

Nhiều công ty tiếp nhận của Nhật Bản gây ra không ít thiệt hại và khó khăn cho lao động Việt Nam, có những công ty tiếp nhận không trả tiền lương theo thỏa thuận, không trả lương ngoài giờ theo thực tế làm việc, bắt làm việc không lương với danh nghĩa “học tập”. 

Hiện trạng ứng xử thô bạo, xúc phạm, thậm chí đe dọa, quấy rối với người lao động, khấu trừ nhiều chi phí không hợp lý từ lương, bắt người lao động lưu trú trong điều kiện tồi tệ, sa thải bất hợp lý… không hề hiếm.

Những lao động Việt Nam gặp phải các công ty tiếp nhận bên Nhật như thế cũng rất khó khăn trong việc tìm nơi hỗ trợ, cứu giúp. Họ thậm chí không biết kêu cứu với ai. Theo chế độ thực tập kỹ năng, Nhật có tổ chức giám sát thực tập kỹ năng cho người nước ngoài - tổ chức pháp nhân được nhà nước thành lập, nhưng chưa đủ lực lượng để giám sát. Tổ chức này cũng không có thẩm quyền cưỡng chế các công ty tiếp nhận.

Nghiệp đoàn - nơi có chức năng bảo vệ và hỗ trợ quyền của người lao động - lại là nơi được các công ty tiếp nhận (khách hàng của họ) chi trả phí quản lý hằng tháng theo đầu người lao động nên thường không muốn giải quyết triệt để những vụ việc xâm hại quyền của người lao động. 

Nhật Bản có nhiều tổ chức xã hội dân sự, tổ chức xã hội phi chính phủ hoạt động tình nguyện để cứu giúp những lao động nước ngoài gặp hoàn cảnh khó khăn, nhưng không nhiều lao động Việt Nam biết các thông tin về họ để chủ động liên hệ.

Đặc biệt, người lao động nước ngoài không được phép thay đổi công ty tiếp nhận trong suốt thời gian thực tập kỹ năng là 3 năm. Trong 3 năm đó, các lao động nước ngoài không được bỏ việc, bỏ công ty. Nếu bỏ nửa chừng, công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam sẽ phạt bồi thường, phạt vi phạm, thu hồi tiền đặt cọc của lao động Việt Nam. 

Trong nhiều trường hợp thật khó khăn, vẫn có những lao động tìm cách rời đi, trở thành những người cư trú bất hợp pháp. Đây có thể là nguyên nhân sâu xa khiến một số lao động kiểu này gây ra những hành vi tội phạm.

Chế độ thực tập kỹ năng của Nhật Bản đang bị cộng đồng quốc tế phê bình. Báo cáo về buôn người năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2020 Trafficking in persons report) cho biết đã có các tường thuật liên tục về việc chế độ này tạo ra tình trạng cưỡng bức lao động đối với người di cư lao động làm việc tại Nhật Bản.

Đặc biệt, báo cáo này nêu rõ: “Chính phủ (Nhật) đã không thực hiện đầy đủ các thủ tục sàng lọc bắt buộc nhằm ngăn chặn các cơ quan tuyển dụng lao động ở nước ngoài thu phí quá cao - một động lực chính dẫn đến việc ép buộc dựa trên nợ đối với những người tham gia chế độ thực tập kỹ năng này”.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm và sai phạm của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước từ năm 2013 - 2018, đề nghị xử lý trách nhiệm của các cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước giai đoạn năm 2012 - 2016, đề nghị kiểm điểm/xử lý trách nhiệm của chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH giai đoạn 2013 - 2018.

Điều này cho thấy chức năng quản lý nhà nước để bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài có vấn đề từ gốc. Mà đây là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho các công ty xuất khẩu lao động: hiện lên tới 491 công ty. ■

Định hướng thúc đẩy xuất khẩu lao động của Việt Nam có những lý do hợp lý bởi đây là cách tạm thời giúp người lao động Việt Nam tìm việc và thoát nghèo khó. Nhưng về lâu dài, đây phải là con đường giúp các lao động Việt Nam được đào tạo nghiêm túc để trở thành nguồn lao động có tay nghề, có kỹ năng nhất định, có thể trở về tham gia trực tiếp vào nền sản xuất công nghiệp, nông lâm, ngư nghiệp Việt Nam. Quan trọng hơn, không một ai được phép làm ăn kiếm tiền trên sự hi sinh và mất mát của những lao động nghèo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận