Bóng đá Việt kết thúc mùa giải 2016: Tô hồng báo cáo

TÙY PHONG 14/10/2016 01:10 GMT+7

Bản báo cáo màu hồng của ban tổ chức (BTC) giải tại đêm gala, vốn vẫn còn đầy sạn, diễn ra ở nhà hát Bến Thành (TP.HCM) đã bị các khán đài tố cáo: nhiều trận đấu ở V-League lèo tèo vài trăm khán giả (khán giả chứ không hẳn là cổ động viên), dưới sân, cầu thủ đá bóng như diễn kịch, với các danh hiệu gần như đã được “quy hoạch”.

Không chỉ vắng khán giả, ngay cả các cổ động viên chính thức của Hội cổ động viên Bình Dương cũng vắng ở V-League 2016 (ảnh chụp trên sân Bình Dương) -N.K.
Không chỉ vắng khán giả, ngay cả các cổ động viên chính thức của Hội cổ động viên Bình Dương cũng vắng ở V-League 2016 (ảnh chụp trên sân Bình Dương) -N.K.

 

Con hát, mẹ khen hay

Trong đêm gala kể công kiểu “tự sướng”, nhà tổ chức VPF khẳng định các đối tác rất hài lòng với công tác điều hành và chất lượng V-League 2016, đồng thời hô quyết tâm nỗ lực, nhưng những gì diễn ra trong thực tế hoàn toàn khác xa.

Trọng tài đã trở thành vấn nạn lớn, khiến VPF buộc phải thuê trọng tài nước ngoài, vậy mà nhà tổ chức vẫn cho rằng công tác điều hành tốt gần 100%!

Lịch sử 16 năm giải đấu, kể từ khi tên gọi V-League ra đời, có lẽ chưa mùa giải nào mà chất lượng tệ như mùa này.

Việc có 3-4 đội đeo bám nhau trong cuộc đua vô địch đến vòng đấu cuối cùng không cho thấy giải đấu hay hơn, thậm chí ngược lại, bởi cuộc đua đó mang quá nhiều tính “kịch”, khi ngay sau vòng 23/26 đã có thể đoán chắc ai sẽ lên ngôi.

Nhà vô địch Hà Nội T&T tất nhiên bác bỏ dư luận nói họ được dồn điểm để đăng quang, nhưng 16/18 điểm tối đa có được từ 4 CLB có quan hệ hữu cơ (cùng một ông chủ) đã tố cáo tất cả.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của đại diện thủ đô là Hải Phòng chỉ kiếm được 8/18 điểm khi đối đầu với những đội bóng này. Hà Nội T&T cũng đã nỗ lực, nhưng khó thể nói chức vô địch của họ là sòng phẳng hoàn toàn.

Tính sơ mỗi đội bóng phải chi 30-40 tỉ đồng/mùa giải, 14 CLB tại V-League phải bỏ ra trên dưới 560 tỉ đồng, thêm khoảng 30 tỉ đồng mà BTC thu về từ các nhà tài trợ, đối tác, khoảng 6 tỉ đồng tiền ký quỹ..., đếm nhanh, V-League tiêu hao khoảng 600 tỉ đồng (tương đương gần 30 triệu USD) nhưng sản phẩm là không tương đồng, thậm chí quá tệ so với vốn đầu tư.

Rõ ràng đây không phải cách làm bóng đá bền vững.

Nếu cần đối chiếu, có thể nhìn qua Premier League Thái Lan. Các CLB ở đó cũng đầu tư lớn nhưng họ luôn biết tạo ra nguồn thu, nhờ vào việc chào bán một sản phẩm bóng đá chất lượng, sân bóng chất lượng, cầu thủ tốt và các khán đài tuyệt vời. Mỗi CLB luôn đính hàng chục logo của nhà tài trợ - các nghiệp đoàn lớn trên áo đấu và bảng quảng cáo phủ khắp sân, thậm chí kéo dài từ ngoài cổng vào. Mỗi trận đấu ở Thai League như một ngày hội.

Các khán đài trống vắng đã trở thành cảnh tượng quen thuộc ở V-League. Trong ảnh là khán đài trận Becamex Bình Dương - Xổ Số Kiến Thiết Cần Thơ -Dương Thu
Các khán đài trống vắng đã trở thành cảnh tượng quen thuộc ở V-League. Trong ảnh là khán đài trận Becamex Bình Dương - Xổ Số Kiến Thiết Cần Thơ -Dương Thu

 

Chơi bóng vì túi tiền của ông chủ

Khoảng một thập niên qua, khi các ông bầu bắt tay vào làm bóng đá cũng là lúc sàn chuyển nhượng cầu thủ VN trở nên rầm rộ, bóng đá VN bỗng dưng sản sinh ra rất nhiều đôi chân tiền tỉ, những đội bóng đại gia, những ông bầu chơi trội.

Thế nhưng, bóng đá VN vẫn là một thứ tằm ăn rỗi, chưa thể nuôi sống chính mình. Đèn nhà ai nấy sáng và hệ quả là rất nhiều cầu thủ không cho rằng điều tiên quyết khi chơi bóng với họ là để phục vụ khán giả. Con người là một động vật kinh tế, cầu thủ không phải ngoại lệ.

Họ đá bóng chính vì nồi cơm của mình, mà nồi cơm đó không ở trong tay khán giả hay kể cả là ở danh hiệu vô địch, mà là... túi tiền của ông chủ. Một thời gian đủ dài, không ít ông bầu đã không chịu nổi nhiệt, phải bỏ của chạy lấy người và có đến chục CLB phải giải thể. Những người còn trụ lại, vì thế, càng trở thành tất cả những gì mà đội bóng có thể bám víu.

Lệch nhau về mặt quan điểm giữa người bán (bản thân các cầu thủ, đội bóng và các ông chủ) và người mua (khán giả yêu bóng đá đẹp và sạch), đấy là chưa kể các vấn nạn về tiêu cực trọng tài, các trận đấu sặc mùi dàn xếp, dồn điểm..., khiến các khán đài vốn đã trống vắng nay càng như chùa Bà Đanh.

Tại vòng đấu áp chót, từ sân Bình Dương đến Long An, Thống Nhất, thậm chí cả sân Vinh... chỉ có vài trăm khán giả. Sự thờ ơ của người hâm mộ là tấm gương phản chiếu chất lượng V-League.

Người hâm mộ có lý do để tẩy chay thứ hàng hóa và dịch vụ kém chất lượng. Các con số báo cáo (khó kiểm chứng) của BTC về lượng khán giả đến sân có lẽ chỉ làm đẹp lòng nhà tài trợ, chứ không thể đánh lừa được dư luận.

Bóng đá không có khán giả tự khắc sẽ chết yểu và đáng lo là ngay chính người trong cuộc cũng bất lực trong việc cải thiện tình hình. Hải Phòng, Than Quảng Ninh và SHB Đà Nẵng là những điển hình tiên tiến hiếm hoi, với đội bóng thuộc về cả cộng đồng.■

Theo thống kê của BTC giải, sau 182 trận, 26 vòng đấu với 14 CLB ở V-League 2016, đã có 1.147.900 người đến sân (trung bình 6.307 người/trận). Nhưng đây là con số khó tin, do chỉ tính số vé bán ra, trong khi nhiều sân đã mở cửa miễn phí ở các khán đài B, C, D nhưng khán giả vẫn thờ ơ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận