Cái sự nghèo quê tôi

PHẠM XUÂN PHỤNG 19/11/2014 12:11 GMT+7

TTCT - Hằng năm cứ đến tháng 10 quê tôi lại rộn ràng chuyện bình xét hộ nghèo và hộ cận nghèo cho năm sau.

Hãy giúp cần câu, đừng cho con cá - Ảnh: Tiến Thành
Hãy giúp cần câu, đừng cho con cá - Ảnh: Tiến Thành

Chuyện này nếu được làm nhanh và chính xác sẽ tạo được lòng tin của nhân dân đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Thực tế, chuyện tưởng như rạch ròi này lại hóa ra có lắm nẻo quanh co, khiến việc thực hiện một chính sách tốt đẹp đôi lúc không rõ ràng, biến thành cớ sự gây mất đoàn kết trong cộng đồng, trước hết là ở thôn bản, tổ dân phố.

Nghèo thật, nghèo giả

Nghèo thật vì… nghèo là những người, những hộ nghèo về lao động chính, có khi không có lao động chính hoặc có lao động chính nhưng chỉ đủ kiếm miếng ăn qua ngày vì không nghề nghiệp ổn định; không có nghề nghiệp tinh xảo, kỹ thuật cao nên cứ mãi loay hoay làm thuê quanh năm đầu tắt mặt tối; nghèo về vốn nên dù muốn đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi ngành nghề… cũng đành bó tay; đã nghèo tiền, lao lực quá độ thì hậu quả sức khỏe cũng nghèo, bị cạn kiệt.

Mà khi đã đau ốm nặng, triền miên thì rơi mãi vào vòng luẩn quẩn: “Gánh cực mà đổ lên non. Cong lưng mà chạy, cực còn chạy theo” (ca dao). Những hộ nghèo thật ấy có nhiều trường hợp “nghèo vĩnh viễn, miễn điều tra”, chỉ trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và lòng hảo tâm của người đời, nhưng cũng có hộ có khả năng thoát nghèo nếu được trao cái “cần câu”. 

Còn nghèo giả? Có nhiều người không nghèo về nhân lực, sức lao động có thừa nhưng không chịu lao động, lại ham mê cờ bạc. Hoặc có những cặp vợ chồng cứ đẻ sòn sòn 5-6 đứa con, không có động lực làm giàu cho bản thân, gia đình, chưa nói gì đến đóng góp cho xã hội…

Vậy mà có những gia đình trong số đó được xếp hộ nghèo hoặc ở chế độ chờ. Không nghèo giả thì là gì?  

Một cái khó nữa là có thể nói quy định mới về hộ nghèo rất rõ ràng, rõ ràng đến mức khó thực hiện. Đơn cử một ví dụ: làm cách nào để thống kê, phân tích và phân biệt rõ ranh giới giữa nghèo và cận nghèo khi cách biệt chỉ là 1.000 đồng (một nghìn đồng)?

Ai dám chắc ông tổ trưởng dân phố, bà trưởng thôn, già làng trưởng bản… không đắn đo khi hạ bút xác nhận con số 400.000 đồng hay 401.000 đồng, bởi chỉ bớt 1.000 đồng thì có hộ gia đình được hưởng “ơn mưa móc”, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; tăng thêm 1.000 đồng thì mất trắng quyền lợi từ chính sách, không khéo có khi gây thù chuốc oán.

Dân ta vốn trọng tình hơn lý mà. Đã có hộ năm trước được xếp hộ nghèo nhưng năm sau bị đưa ra và ông tổ trưởng, bà trưởng thôn bị... chửi. Trăm dâu đổ đầu tằm… cơ sở là vậy. Ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo tưởng rất rõ ràng nhưng hóa ra không thể rạch ròi theo chuẩn.

Vậy nên mới khó thực hiện chính xác mức chuẩn và đúng đối tượng.

Làm sao đây?

Để tránh tình trạng rõ ràng nhưng khó rạch ròi, có một giải pháp như trong toán học. Toán học có tập mờ thì mức chuẩn trong quy định hộ nghèo cũng nên có khoảng mờ. Khoảng mờ này chính là khoảng xác định ranh giới giữa mức nghèo và cận nghèo mà không lẫn lộn, vượt qua khoảng đó là đã ở vào mức khác.

Tựa như bình minh là ranh giới giữa đêm và ngày, hoàng hôn là ranh giới giữa sáng và tối. Chẳng hạn, mức chuẩn dưới của hộ cận nghèo là trên 500.000 đồng (chứ không phải là 501.000 đồng) với hộ thành thị. Trên ở mức độ nào thì do các nhà thống kê, điều tra xã hội học ước định.

Muốn bình xét chính xác hộ nghèo hay cận nghèo, điều tra rà soát khả năng thoát hay không thoát nghèo, đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đúng đối tượng và có hiệu quả thì cần phải phân biệt được hai loại nghèo này trước đã. Muốn thế phải sửa đổi, bổ sung hoặc có thể thay thế quy định hiện nay.

Trong đó cần phải có điều khoản loại trừ, chẳng hạn những hộ nào có người còn sức lao động nhưng cứ say mê cờ bạc, rượu chè, mắc tệ nạn xã hội; các cặp vợ chồng không chịu kế hoạch hóa gia đình, dứt khoát loại ra khỏi diện hộ nghèo dù họ nghèo thật.

Để đảm bảo an sinh xã hội, nên có chế tài buộc họ phải tiến bộ và xếp vào diện chính sách khác. Bất công xã hội cũng nhờ đó giảm bớt, giảm bớt luôn tâm lý “muốn nghèo” của một số người quen há miệng chờ sung.

Ngoài ra, cũng cần có biện pháp ngăn chặn những tiêu cực trong quá trình thực hiện, dạng tiêu cực dễ xảy ra ở cấp cơ sở, chẳng hạn thông đồng vây cánh để đưa người thân không đủ chuẩn vào dạng nghèo hay cận nghèo để hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước, trong khi tìm cách loại trừ những người nghèo thật.

Nếu ban chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh và huyện quan tâm rà soát kỹ, lắng nghe dân phản ảnh thì thế nào cũng lòi ra vài ba chục hộ nghèo giả như thế. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận