Cần mỗi người trồng 5 cây xanh

TTCT - Chủ đề Ngày môi trường thế giới (5-6) năm nay là “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”. Nguyên nhân chính làm nước biển ở các đại dương trên Trái đất đang dâng lên chính là do biến đổi khí hậu.

Trồng rừng cần trở thành một chiến lược hơn là làm theo phong trào - Ảnh: H.T.V

Đã có nhiều giải pháp đưa ra, nhưng có lẽ trồng rừng nên được xem là giải pháp hữu hiệu mà dễ làm nhất hiện nay.

Gấp rút bù lại những cánh rừng đã mất

Theo nghiên cứu của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố ngày 7-5-2011, mỗi năm thế giới mất tới 13 triệu ha rừng nhiệt đới.

Diện tích rừng bị mất hằng năm này làm gia tăng 6 tỉ tấn CO2, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu thải vào khí quyển năm 2010.

Nghiên cứu của UNEP xác định nếu giảm được 50% diện tích rừng bị mất vào năm 2030, rừng có thể hỗ trợ giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 20C, mức tăng nhiệt độ an toàn để biến đổi khí hậu không đe dọa cuộc sống nhân loại vào cuối thế kỷ này. Để đáp ứng mục tiêu này, thế giới cần đầu tư 17-33 tỉ USD mỗi năm để trồng rừng và khôi phục các diện tích rừng bị mất.

Theo tính toán, bình quân mỗi hecta rừng có khoảng 1.000 cây xanh lớn phủ rợp bóng. Do đó 13 triệu ha rừng mất đi hằng năm tương đương 13 tỉ cây lớn biến mất. Nếu mục tiêu giảm tốc độ rừng bị mất còn 50% thành công, mỗi năm địa cầu còn mất đi khoảng 7 tỉ cây rừng.

Mặt khác, nếu như tốc độ trồng rừng các loại (rừng tập trung, rừng phân tán) đạt gấp 1,5 lần tốc độ rừng bị mất bấy lâu, nghĩa là hằng năm có khoảng 20 tỉ cây mới được trồng, mỗi năm trên Trái đất sẽ tăng thêm khoảng 13 tỉ cây xanh.

Ai có khả năng trồng?

Với dân số thế giới hiện nay, ước số người có thể trồng cây xanh khoảng 4 tỉ người. Bình quân mỗi người trong số này trồng 5 cây/năm sẽ đạt được con số tối thiểu 20 tỉ cây/năm. Nếu trong 4 tỉ người trên chỉ chọn lấy 10% công dân tích cực thì bình quân mỗi người cũng chỉ trồng 50 cây/năm là đủ con số cần thiết.

Rừng tự nhiên trên hành tinh đã bị tàn phá dần từ hàng trăm năm nay nên diện tích các đồi núi trọc, đất bị sa mạc hóa cùng nhiều vùng đất trống nơi công cộng, đất ven đường, ven sông, ven biển... có thể đủ để trồng cây với tốc độ nêu trên một cách liên tục trong khoảng vài thế hệ nữa nhằm phục hồi đáng kể màu xanh cho địa cầu. Đất còn trống ở các đồng bằng vốn dễ trồng cây nên cần được ưu tiên trồng trước, nhưng với đất ở các đồi núi trọc, đặc biệt đất bị sa mạc hóa, thì vấn đề khó khăn hơn nhưng không phải không trồng được, mà đất nước Israel là một thí dụ...

Giới chuyên gia dự báo giá trị thị trường cacbon của rừng có tiềm năng tăng tới 10.000 tỉ USD vào năm 2020, trong khi tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ từ hệ sinh thái rừng vào khoảng 5.000 tỉ USD. Cho đến nay, tiềm năng khổng lồ này phần lớn vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Hầu hết diện tích rừng trên thế giới nằm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam với hơn 3/4 diện tích đất nước là rừng núi. Việc trồng cây (rừng) ở Việt Nam vốn không quá khó vì đất nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa với lượng mưa bình quân hằng năm khá cao. Đất còn để trống khá nhiều ở các đồng bằng nên cần có kế hoạch phủ xanh sớm, tiếp đó là nghiên cứu trồng cây hiệu quả trên các đồi núi trọc với hơn 60% núi đồi.

Để chứng minh lời nói trên có thể thành hiện thực, tác giả bài viết này đã và đang nỗ lực hợp tác với nhiều bên xây dựng kế hoạch trồng trên 100.000 cây xanh ngay trong mùa mưa năm nay ở Nam bộ với sự tham gia của hàng ngàn tình nguyện viên!

Giáo dục ý thức “sống xanh” cho công dân toàn cầu. Ý thức bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu thông qua các hành động trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng; tiết kiệm và sử dụng năng lượng hợp lý; hạn chế sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường nghiên cứu, đầu tư, sử dụng năng lượng sạch... không thể không cần đến sự giáo dục cho công dân dưới nhiều hình thức với một thời gian tương đối dài, đủ để giúp đa số công dân trên toàn cầu đạt được mức độ tự giác cần thiết.

Lúc đó cả thế giới cùng hành động chống biến đổi khí hậu hay chống nước biển dâng mới thật sự khả thi và bền vững!

Xu thế dùng năng lượng tái tạo

Một dạng năng lượng hóa thạch mới chưa được khai thác nhưng có tiềm năng rất lớn được gọi là “băng cháy”. Khoáng sản năng lượng mới này dự báo lớn gấp ba lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới.

“Băng cháy” tồn tại ở dạng rắn, có tên khoa học là natural hydrat hoặc gas hydrat. Khi hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của gas hydrat thì nó thường được gọi là methane hydrat. Tuy nhiên “băng cháy” vẫn chưa phải là năng lượng bền vững cho tương lai vì khi được đốt cháy vẫn phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Ở Việt Nam, năng lượng gió đang ngày càng được coi trọng với mức đầu tư tăng dần đáng kể. Tuy nhiên việc đầu tư khai thác năng lượng mặt trời vẫn còn rất khiêm tốn.

Đặc biệt, giới khoa học cho biết có một dòng hải lưu lạnh từ Bắc cực, chảy dọc sát bờ biển Việt Nam từ Bắc đến Nam, có thể xem như có một dòng sông ngầm khổng lồ chảy dưới đáy biển. Từ đó có thể đưa đến khả năng nghiên cứu, đầu tư khai thác nguồn năng lượng sạch vô cùng lớn từ dòng hải lưu này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận