Cần phải đổi mới SEA Games

HUY ĐĂNG 26/08/2017 02:08 GMT+7

TTCT- SEA Games 2017 mang một ý nghĩa quan trọng bên ngoài thể thao: đánh dấu 50 năm thành lập khối ASEAN (8-8-1967). Nhưng liệu ngày hội thể thao khu vực có thực sự thể hiện được tinh thần hữu nghị và đoàn kết của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á?

Giống như Việt Nam thời kỳ mới hội nhập trở lại, Myanmar đang tỏ ra cuồng nhiệt nhất với SEA Games. Trong ảnh: các CĐV bóng đá Myanmar trước trận gặp Singapore. -Ảnh: Nguyễn Khánh
Giống như Việt Nam thời kỳ mới hội nhập trở lại, Myanmar đang tỏ ra cuồng nhiệt nhất với SEA Games. Trong ảnh: các CĐV bóng đá Myanmar trước trận gặp Singapore. -Ảnh: Nguyễn Khánh

 

SEA Games đang gây ra chia rẽ?

Vài ngày trước khi SEA Games 2017 chính thức khai mạc, khó có thể mô tả về khái niệm “bầu không khí SEA Games” tại thủ đô của Malaysia.

Không thể nói rằng chủ nhà Malaysia không chu đáo với công tác tổ chức. Các nhà thi đấu, điển hình là khu liên hợp thể thao khổng lồ Bukit Jalil được sửa soạn rất hoành tráng, vé đã được bán sạch ở một vài môn ăn khách...

Nhưng những tín hiệu đó chỉ hiện diện thuần túy với người dân địa phương, hay thậm chí ở một phạm vi còn hẹp hơn: từ ban tổ chức giải.

Vé hết sạch một phần bởi giá rẻ như cho - chỉ vào khoảng 10 MYR (hơn 50.000 đồng) cho cả những trận bóng đá hấp dẫn, còn phần lớn các môn là vào cửa miễn phí. Sự nhộn nhịp cũng chỉ diễn ra tại các địa điểm thi đấu. Còn lại, chẳng có dấu ấn nào khác của SEA Games trên đường phố Kuala Lumpur.

“Chỉ mới có 17/49 phòng của khách sạn chúng tôi có khách và phần đông là khách đến vì công việc thương mại. Các anh là những người duy nhất đến vì SEA Games” - Kandy, cô lễ tân khách sạn nơi chúng tôi trú ngụ mùa SEA Games, cho biết.

Những nhận định tương tự cũng đến từ các chủ khách sạn, cửa hàng, cánh tài xế taxi... SEA Games. Chưa có thống kê chính xác, nhưng SEA Games 2017 khó lòng trở thành một sự kiện thu hút du khách nước ngoài cho Kuala Lumpur.

Những người nước ngoài đến Malaysia vì SEA Games phần lớn là các VĐV và cánh truyền thông, khó có thể xem là một tín hiệu tốt cho du lịch.

Đây là điều dễ hiểu với một sự kiện từ lâu đã bị gọi là “đại hội ao làng” như SEA Games. Thái Lan, nền thể thao duy nhất trong khu vực đạt đến tầm cỡ châu lục, từ lâu đã không đưa những VĐV giỏi nhất của họ đến SEA Games.

Ở môn bóng chuyền, Thái Lan trong nhiều kỳ SEA Games gần đây thường sử dụng các đội trẻ. Với bóng đá, họ thậm chí vô địch SEA Games 2015 chỉ với vị trợ lý Choketawee Promrat, thay vị HLV trưởng Kiatisak Senamuang.

Các ngôi sao rẻ rúng, còn lại thì ngập tràn tranh cãi với tâm điểm luôn luôn là chuyện “nước nào chủ nhà, nước đó vơ vét huy chương”.

Sự xuất hiện của những môn thể thao lạ đời, chủ yếu là môn truyền thống của chủ nhà, nhiều môn thể thao Olympic bị dẹp bỏ và đáng nói nhất là chuyện các VĐV nước chủ nhà thường được thiên vị, nhiều khi trắng trợn.

Ở kỳ SEA Games năm nay, những lo ngại đó tiếp tục dấy lên khi chủ nhà Malaysia thoạt đầu đưa ra luật lệ bốc thăm chia bảng môn bóng đá “kỳ khôi” cho phép họ được chọn đối thủ, rồi sau đó phải hủy bỏ vì bị các nước phản đối.

Chưa hết, nước chủ nhà tiếp tục gây khó hiểu khi xếp điền kinh và bơi lội, hai môn thể thao “đinh” của các kỳ đại hội kiểu thế này, trùng giờ thi đấu chỉ vì Malaysia không mạnh hai môn này.

Những tranh cãi không ngừng về việc chủ nhà được thiên vị, những mánh khóe lắt léo, gian lận để vơ vét huy chương khiến SEA Games ngày càng mất đi tinh thần thể thao vốn có.

Trong một bài bình luận mới đây đăng trên tờ South China Morning Post, diễn giả nổi tiếng người Thái Lan Pattharapong Rattanasevee chỉ trích thậm tệ kỳ đại hội khu vực ngày càng xuống dốc về tinh thần thể thao này.

“Những mánh khóe của các nước chủ nhà đã che mờ kỳ đại hội, SEA Games đang ngày càng trở nên kém hấp dẫn, kém thú vị và kém phổ biến trong mắt mọi người.

Từ góc độ chính trị, các quốc gia Đông Nam Á từng chống đối nhau trong nhiều thập niên, họ luôn nhìn những VĐV nước ngoài như kẻ thù. Vì thế khi tổ chức đại hội thể thao, họ thường đem lợi ích quốc gia, tình cảm dân tộc đặt trên tinh thần hợp tác khu vực, tình bạn và sự hiểu biết.

Nếu các quốc gia Đông Nam Á không thể vượt lên trên điều này, chẳng có gì để gìn giữ SEA Games nữa” - Rattanasevee viết.

Chẳng ai muốn đăng cai?

SEA Games cần làm gì để lấy lại sự hấp dẫn, cuốn hút? Thật ra không phải tất cả các kỳ SEA Games đều tệ và nhiều tranh cãi.

Cách đây hai năm, người Singapore đã tổ chức một đại hội được nhìn nhận là “công bằng nhất trong lịch sử” với số lượng môn chỉ là 36, phần đông là các môn Olympic.

Lượng HCV của Singapore cũng chỉ tăng từ 35 (ở kỳ SEA Games ngay trước đó) lên 84, không quá đáng như cách mà Lào, Indonesia, Myanmar hay Việt Nam bỗng nhiên “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” mỗi lần đăng cai.

Cùng với đó, cách thức tổ chức hiện đại, bắt mắt, áp dụng những công nghệ giải trí cao cấp cũng khiến SEA Games 2015 mang đúng tính chất sôi động của một kỳ đại hội thể thao đúng nghĩa.

Ban tổ chức Kuala Lumpur 2017 không giấu giếm việc họ muốn noi theo cách tổ chức của Singapore. Trên một số phương diện như số lượng môn thi đấu, hệ thống cơ sở hạ tầng, các phương tiện công cộng, kinh phí tiết kiệm, chủ nhà Malaysia cho thấy họ có thể nối bước người láng giềng.

Nhưng cũng cần phải nói Singapore và Malaysia đều là những quốc gia thuộc nhóm phát triển bậc nhất trong cộng đồng ASEAN.

“Không thể nói những thứ các bạn thấy là cơ sở hạ tầng của SEA Games, nó là dành cho tương lai của Kuala Lumpur. Người dân sẽ phản đối nếu ban tổ chức phí phạm tiền bạc cho việc tổ chức SEA Games” - nhà báo Rizal Abdullah của trang Sports247.my nói.

Không mang lại nhiều lợi ích ngoài thành tích, việc đăng cai SEA Games không còn hấp dẫn các quốc gia Đông Nam Á.

Trên thực tế, các nước chủ nhà những năm gần đây sốt sắng đăng cai SEA Games vì những ý nghĩa dân tộc của riêng họ. Với Singapore 2015 là kỷ niệm 50 năm ngày độc lập, còn lễ bế mạc của SEA Games 2017 (30-8) sẽ là đêm ngay trước ngày quốc khánh 60 năm của Malaysia.

Còn SEA Games 2019 sắp tới? Sau khi Philippines từ chối vì lý do e ngại khủng bố, kỳ đại hội sẽ diễn ra hai năm sau đến giờ vẫn đang bị “đùn qua đẩy lại” và chưa tìm được quốc gia đăng cai.

“Tôi nghĩ cách để SEA Games hấp dẫn hơn là phải noi theo mô hình Olympic, các môn thể thao đều phải của Olympic mùa hè, Olympic mùa đông hoặc tương đối phổ biến với nhiều quốc gia.

Giá vé phải rẻ để đông khán giả và các phương tiện công cộng thật tốt nhằm tạo tiện nghi cho du khách nước ngoài” - ông Fahmi Omar, trưởng ban truyền thông của SEA Games 2017, nói.■

 

SEA Games không hề giúp phát triển thể thao?

Ra đời từ năm 1959, SEA Games (khi đó được gọi là SEAP Games, đổi tên từ năm 1977) được kỳ vọng sẽ giúp thể thao Đông Nam Á phát triển hơn nhờ có thêm một kỳ đại hội để các VĐV cọ xát, tích lũy kinh nghiệm.

Nhưng sau nhiều thập niên, kết quả thu được có thực sự đáng kể? Ở Olympic 1976, mỗi mình Thái Lan lọt được vào bảng xếp hạng nhờ có 1 HCĐ.

Đến Olympic 2016, sau 40 năm với rất nhiều môn thể thao được bổ sung, Đông Nam Á có thêm Indonesia, Việt Nam, Singapore, Malaysia và Philippines. Nhưng tổng số HCV vỏn vẹn chỉ là 5, tương đương với một mình Cuba. Tức Đông Nam Á vẫn là “vùng trũng” của thể thao thế giới.

Trong lý giải của diễn giả Rattanasevee, căn bệnh thành tích của các quốc gia cũng là yếu tố khiến chất lượng SEA Games thụt lùi, trình độ thể thao của các quốc gia Đông Nam Á không hề được cải thiện.

“Mục tiêu huấn luyện của các quốc gia chỉ là SEA Games, tập trung giành nhiều huy chương nhất có thể ở kỳ đại hội khu vực. Khi đó, tiêu chuẩn với các VĐV cũng bị hạ thấp, họ không được chuẩn bị đủ để tham gia những đấu trường lớn hơn” - ông viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận