Để không còn mùa hè kinh hoàng

TÂY NGUYÊN 16/06/2013 13:06 GMT+7

TTCT - Cứ mỗi khi hoa phượng nở, màu đỏ rực làm nhói con tim bao học trò, thì gia đình tôi lại cố tìm cách quên đi kỷ niệm đau đớn mùa hè 2006. Dòng nước cuồn cuộn đục ngầu của con sông Ba đã cướp đi ba người cháu trong gia đình.

Phóng to
Trẻ em liều lĩnh nhảy từ trên cầu xuống kênh Tàu Hủ (TP.HCM) để tắm. Trò chơi nguy hiểm này cần được giáo dục và cảnh báo - Ảnh: Minh Đức

Người anh cả có hai con trai đều ra đi cả hai. Đứa anh vừa thi đại học xong chưa kịp biết kết quả, nhảy theo dòng nước cứu em nhưng không biết cách đã bị cuốn đi, người em họ thấy vậy nhảy theo và cũng bị nhấn chìm.

Nói nhiều

Dòng người tiễn đưa ba đứa trẻ kém may mắn kéo dài mấy cây số làm khuấy động cả thị xã An Khê lúc đó, nhưng rồi mọi người cũng nhanh chóng quên đi sự kiện và lại tiếp tục có những đứa trẻ tắm sông chết đuối ra đi mà không có một biện pháp cảnh báo hay ngăn chặn nào hữu hiệu.

Báo chí viết nhiều, đưa ra giải pháp cũng nhiều nhưng những bài báo giá trị đó nào có đến được những vùng thôn quê, nơi chưa có thói quen đọc báo hằng ngày. Tây nguyên vào hè cũng là lúc tiếp nhận những cơn mưa dữ dội nhất, mực nước các con sông, hồ lên cao, nhưng từ nhỏ đến lớn nhìn lại những ngày đến trường và cả bây giờ, tôi và các em tôi chưa bao giờ có một tiết học hay buổi ngoại khóa nào nói về sự nguy hiểm hay những rủi ro được tổ chức tại trường.

Trẻ em ở nông thôn lớn lên, ngoài tiếp nhận sự giáo dục chính thống trong nhà trường, hiếm khi được bồi dưỡng những kiến thức mang tính kỹ năng sống để phòng thân khi gặp hữu sự. Có chăng là những kinh nghiệm truyền miệng từ cha anh trong gia đình.

Những kiến thức phổ thông này có thể đưa vào môn giáo dục công dân lắm chứ. Môn địa lý có đề cập đến sông, ngòi, ao, hồ nhưng tại sao không thể thêm phần nội dung về những rủi ro, cách thức ứng phó cho trẻ?

Có thể có ý kiến rằng Bộ Giáo dục - đào tạo không thể ôm đồm, nhưng một định hướng cho việc giáo dục kỹ năng là cần thiết, rồi từ đó phòng giáo dục địa phương tùy vùng miền, có thể là miền núi hay đồng bằng, có thể là Tây Bắc hay vùng trũng Cửu Long, mà đưa ra cách giáo dục phù hợp cho các em.

Có thể đã đến lúc phân loại để giáo dục mang tính thực tế và hiệu quả hơn. Cách thức ứng phó ở vùng sông nước miền núi hẳn phải khác ở vùng đồng bằng. Ngành giáo dục có thể quá tải, vậy loại kỹ năng sống này có thể truyền thụ cho các em qua sinh hoạt Đoàn Đội không? Chẳng có gì phức tạp khi lồng những nội dung này vào các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội.

Luyện thói quen

Thói quen và phản xạ đều có được từ tập luyện. Khi đi tham quan dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, mọi người đều ngạc nhiên khi ở đây thống kê được hàng nghìn giờ làm việc an toàn, không hề để xảy ra sự cố cháy nổ nhỏ vì ai cũng ý thức được cháy là chết.

Làm sao mọi người có thể phản ứng nhanh lẹ và thuần thục mọi hướng dẫn về an toàn khi có chuông báo động? Câu trả lời là tạo thói quen, tạo nếp sinh hoạt với ý thức phòng cháy cho bất cứ ai, kể cả khách, ngay từ khi bước chân vào nơi đây. Đến nỗi việc đi lên xuống cầu thang tay phải vịn vào thành cầu thang đã trở thành bản năng của từng người lao động nơi đây và theo họ trở thành nếp sinh hoạt ở nhà.

Xa hơn một tí, chuyện các trường học ở Nhật dạy cho trẻ em chuẩn bị mọi thứ trước khi có động đất xảy ra là một ví dụ sinh động khác. Có báo động lập tức việc a, b, c phải làm gì, chạy đi đâu, mang theo cái gì… được các em răm rắp làm vì nó đã là nếp.

Chúng ta cũng bàn chuyện nên hay không nên cứu người khi xảy ra chết đuối. Có lẽ ở đời việc nghĩa, chuyện hi sinh ai cũng được giáo dục và ý thức được sự cao cả của hành động đó. Tuy nhiên, dường như chúng ta đang chạy theo “giải quyết sự vụ” nhiều quá. Đừng để xảy ra chuyện đuối nước rồi mới bàn đến chuyện đề phòng. Có quá nhiều rủi ro chực chờ xảy ra quanh con cái chúng ta.

Tại sao mỗi năm chúng ta mất đi bao nhiêu “tương lai của đất nước” mà vẫn chưa có một cẩm nang mang tính khái quát về những rủi ro và cách phòng chống cho trẻ em?

Để không còn những mùa hè kinh hoàng, những việc cảnh báo, phòng ngừa và phản ứng khi có sự cố xảy ra cần được trang bị ngay cho trẻ em, không chỉ bằng lời nói mà là những hướng dẫn thực tế, không chỉ một hai ngày hướng dẫn hời hợt mà là một chiến lược bài bản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận