"E ngại cái chất đờn ca tài tử không còn như xưa"

LINH ĐOAN 28/07/2012 17:07 GMT+7

TTCT - “Cô mệt không? Cô có thể hát cho khán giả nghe được nữa không?” - MC dè dặt hỏi nghệ nhân dân gian Bạch Huệ trong chương trình cải lương phòng trà tại phòng trà Tiếng Xưa tối 13-7.

Nữ nghệ nhân tuổi đã gần 80 cười giòn: “Hổng biết sao lên tới sân khấu là tôi không thấy bệnh hoạn gì hết, hát tới sáng cũng được. Nhưng bữa sau là biết nhe, đau lưng thấy mồ luôn!”.

Phóng to

Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ trên sân khấu cải lương phòng trà - Ảnh: Anh Khoa

* Ðã lâu ít thấy bà xuất hiện, tình hình sức khỏe của bà ra sao rồi?

- Ba năm nay tôi bị tai nạn gãy chân phải mổ. Hổng hiểu sao người ta mổ thì đi được còn tôi thì không, vậy là cứ phải rê theo cái xe đẩy này. Kể từ đó người ta cũng ít mời tôi đi hát, đi chấm thi. Tôi tức quá nói tôi gãy chân chứ tay, mắt, lỗ tai có sao đâu mà hổng kêu tôi. Nhưng nghĩ lại cũng thông cảm, đi tới mấy chỗ lớn, nhà văn hóa mà mang theo cái này (chỉ xe đẩy - NV) thì cũng kỳ nên chắc người ta không dám mời.

Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ sinh năm 1933 tại Cần Thơ. Bà là con của nhạc sư Sáu Tửng chuyên đàn kìm, em ruột nhạc sĩ Huỳnh Anh (tác giả các bài hát Mưa rừng, Hoa trắng thôi cài trên áo tím...).

Từ nhỏ dù cha cấm cản, bà vẫn lén gia đình tham gia các nhóm ĐCTT ở quê nhà.

Năm 14, 15 tuổi bà lên Sài Gòn, với chất giọng trong, vang, mang nhiều suy tư và hát rành rẽ 20 bài bản tổ, bà được các thầy đờn chú ý và sau đó được các hãng đĩa và các đài phát thanh chào mời hợp tác.

Khoảng những năm 1950, bà và nghệ sĩ Thành Công được khán giả bình chọn là “Đệ nhất danh ca”.

Với kinh nghiệm của hơn 50 năm theo nghiệp ĐCTT, sau năm 1975 bà được mời giảng dạy ở Viện Nghiên cứu âm nhạc TP.HCM, Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, các trung tâm văn hóa quận huyện, cố vấn cho CLB ĐCTT của Trung tâm Văn hóa TP.HCM…

Năm 2007 bà được Hội Văn nghệ dân gian VN công nhận là nghệ nhân dân gian về ca tài tử.

* Có lẽ lý do chính là vì người ta lo ngại cho sức khỏe của bà?

- Làm gì mà có liên quan tới đờn ca tài tử (ĐCTT) là tôi không thấy mệt. Tôi sợ ĐCTT rồi sẽ mai một. Bản thân tôi lại rành loại hình này nên lúc nào cũng muốn tham gia các hoạt động của ĐCTT, góp được gì thì góp.

Ở Sài Gòn này gần như quận huyện nào tôi cũng từng đứng lớp dạy ĐCTT, dạy cả ở các tỉnh khác. Tôi thấy có học trò than học ca tài tử khó quá, muốn học ca vọng cổ để dễ kiếm tiền hơn. Vì vậy tôi rất lo lắng…

* Gắn bó với ÐCTT mấy chục năm trời, bà nhận thấy hoạt động này hiện nay so với ngày xưa ra sao?

- Trong thời buổi sàn diễn cải lương ảm đạm nhưng các nhóm, các CLB ĐCTT vẫn hoạt động đều đặn. Rất nhiều quận huyện ở TP.HCM có CLB ĐCTT, ở các tỉnh thành Nam bộ cũng vậy. Rõ ràng ĐCTT có sức sống mãnh liệt, bám rễ trên mảnh đất Nam bộ.

Thấy mừng, nhưng ngó kỹ coi xôm tụ vậy mà vẫn còn nhiều điều e ngại, làm như cái chất không còn nghiêm túc như trước kia. Học trò ca trật mà thầy không chịu chỉnh. Thầy đờn thì cũng ít học, chỉ nghe đĩa rồi đờn theo. Năm cung có chữ gì, bảy cung có chữ gì vậy mà cũng đờn thiếu. Tôi đi chấm thi ĐCTT có tiết mục người nghe nói hay quá trời mà sao tôi chấm điểm thấp, tại người ta hổng biết là mấy ổng đờn bị thiếu. Người ca rành mà nghe đờn thiếu là khó chịu lắm!

* Theo bà, một buổi ÐCTT lý tưởng là phải như thế nào?

- Lý tưởng là... không lý tưởng gì cả, quan trọng là hoàn cảnh và cảm hứng thôi! Người ca và người đờn phải hợp thì ca mới sung. Chỉ đơn giản là đi ngang xóm, có ông ngồi trong nhà ngoắt tay: Ê, vô ca chơi! Nếu mà hợp thì chỉ cần rao đàn thôi là muốn ca ngay. Hai người đờn ca mà hứng thú thì có khi thu hút cả xóm tới ngồi ca chung. Có cần tổ chức rình rang, nghiêm trọng gì đâu!

* Cái thời bà có tiếng trong làng ÐCTT, sân khấu cải lương cũng rất phát triển, sao bà không nhân cơ hội đó bước qua sân khấu cải lương để nổi danh hơn?

- Tôi nghĩ là mình không có duyên với sân khấu cải lương, tôi thích ca đài hơn. Hồi đó, tôi bị ông xã đánh đòn quá nên đi theo đoàn hát để dứt được ổng. Với lại cũng muốn đi cho biết đó biết đây mà lại không tốn tiền. Tôi theo được đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, Sông Kiều, Kim Thanh, Tơ Đồng. Kêu hát vai gì tôi hát vai đó, được hai năm đoàn hát ế quá không có tiền trả lương, vậy là tôi quay về hát đài.

* Trước đây nghe nói bà có nhà bên Q.7 nhưng sao hiện tại bà đang ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ (Q.8, TP.HCM)?

- À, đó là căn nhà cô học trò của tôi. Con bé ở nhà dưới, tôi ở trên gác, rủi cái tôi bị gãy chân, lên xuống khó khăn nên mọi người khuyên qua viện dưỡng lão ở. Vậy là tôi về đây cũng được hơn một năm rồi!

* Ðã có thời bà nổi tiếng, dù không bằng nghệ sĩ cải lương nhưng có lẽ cũng đủ tiền cho một cuộc sống yên ấm?

- Thời đó tôi sắm được xe hơi nữa nhưng có lẽ tôi không biết giữ tiền, không lo tương lai nên bây giờ… Nhưng nói thiệt là tôi không ham vàng, không ham của cải, tôi chỉ ham ca thôi. "Nhờ" không mê vật chất nên tôi đi chơi, đi ca bên ngoài nhiều, gặp được nhiều bạn tốt, thương quý nhau. Không đi biểu diễn, không đi chấm thi nữa nhưng các nhóm, CLB ĐCTT cứ ới tôi suốt, có sức khỏe là tôi leo lên xe ôm tới ca chơi. Tôi sinh hoạt thường xuyên nhất là CLB của Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận.

Đã theo cái nghiệp này rồi là mê bạn mê tiếng đờn lắm, vắng chịu không nổi!

LINH ĐOAN

Đờn ca tài tử: vừa dân gian, vừa bác học

Nói một cách dễ hiểu thì ĐCTT là cái gốc để sau này phát triển cải lương. Loại hình này hình thành khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 với 20 bài bản tổ gồm 3 nam, 4 oán, 6 bắc, 7 bài nhạc lễ. Người ta có thể chơi ĐCTT mọi lúc mọi nơi, khi nông nhàn lẫn hội hè, là cuộc giao lưu không mang nặng tính trình diễn, có thể chơi ở đầu hè, bờ ruộng hay đình làng đều được.

Sau đó ca tài tử có hình thức ca ra bộ, manh nha sự hình thành sân khấu cải lương, nghĩa là cũng có cốt truyện, các nhân vật nhưng khá đơn giản. Rồi nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản Dạ cổ hoài lang, sau đó được phát triển thành vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và nhịp 32, được xem là bài bản vua của cải lương. Các soạn giả cũng rút ra những bài bản nhỏ, những lớp hay của ĐCTT đưa vô cải lương.

Đến khoảng những năm 1920, sân khấu cải lương hình thành với nhiều sự phát triển lớn về kịch bản, sân khấu, cảnh trí, hóa trang...

Nếu như ĐCTT có tính sinh hoạt dân gian, giao lưu thì cải lương nặng hơn về tính biểu diễn, có sân khấu cách biệt với khán giả.

Loại hình ĐCTT rõ ràng vừa mang tính dân gian vừa bác học nên rất độc đáo. Bà Bạch Huệ là một nghệ nhân tài tử gốc, con nhà nòi, từng hát trong những ban tài tử Sài Gòn suốt từ hồi xưa đến bây giờ không ngừng nghỉ. Tôi cho rằng giọng ca của bà là bảo tàng sống về ca tài tử mà chúng ta cần phải nâng niu, quý trọng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận