Gửi đi một bài hát

VŨ ÁNH DƯƠNG 22/11/2018 02:11 GMT+7

Tôi đang nghe bài hát Vì sao vì sao của Lê Cát Trọng Lý, cầu vai tôi hưởng ứng theo cái tiết điệu tươi tắn làm ra nhiều vui nhiều buồn ấy. Bài hát này một sinh viên gửi cho tôi, đường link YouTube đính vô cái email em xin phép nghỉ học.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Hôm gặp lại em, tôi hỏi vì sao em lại gửi bài hát Vì sao vì sao cho tôi. Em bảo vì mỗi lần thầy gửi tài liệu bài học cũng kèm một bài hát. Tôi lại hỏi em được quyền nghỉ 4 buổi học trong suốt học kỳ theo quy định, em mới nghỉ buổi đầu tiên vì sao phải viết mail xin phép.

Em bảo vì thầy dặn nên ứng xử với mỗi buổi học như đến một cuộc hẹn hò, em không đến được, em phải cáo lỗi. Nhưng tôi hẹn với cả lớp, còn nhiều bạn khác để tôi nói năng, trao đổi. Nhưng em không muốn là một sinh viên vô danh chỉ giúp lấp đầy một cái ghế.

Cảm ơn em, tôi hít một hơi đẩy ra ngoài vòm miệng chuỗi âm thanh cảm thán và vì sẵn lòng rộng lượng nên sinh viên của tôi thể tất là tôi đang hát: “Ôi chúng ta cứ lơ ngơ ôi chúng ta cứ ngây thơ trong thế gian rất là rộng! Ôi chúng ta bé li ti, ôi chúng ta bé teo teo trong thế gian rất là rộng...”.

Tôi vừa hoàn thành câu cuối bài Vì sao vì sao của Lê Cát Trọng Lý vừa chọn được điểm rơi chính xác là bục giảng, lần này cả cầu vai và hông đều hưởng ứng.

Tôi yêu cầu sinh viên viết thư bày tỏ đam mê. Các em trao đổi thư trong lớp với nhau, và cả cho tôi. Đam mê của thầy là gì? Đôi khi tôi thô lậu, lúc khác lại ủy mị. Song tôi thích tôi. Tôi thích người tôi thích. Tôi không thích người tôi thích không thích tôi. Tôi thích con người như một đam mê và con người trong ý niệm “dạy dỗ” của tôi “bất khả nhồi nhét”.

Chỉ có thể trò chuyện, gắng trò chuyện với bọn này, lay bọn này và làm ra nhiều “vỡ lẽ”. Và tôi “vỡ lẽ” ra nhiều khi nghe các em bàn luận về đam mê, các em định nghĩa nó không chỉ bằng lý lẽ của mình, mà còn bằng chính đam mê của các em.

Lúc đầu, khi yêu cầu các em làm bài tập này, tôi đặt mục tiêu các em có thể nhận về chút ít kỹ năng truyền thông giao tiếp cá nhân. Dù tôi biết việc bộc lộ bản thân qua thư từ là một hạn chế. Tuy nhiên, khi đọc thư của các em, tôi đã tìm một cuốn sổ tử tế nhất mà mình có trong đám sổ luôn dở dang ngổn ngang ghi lại nhiều dòng từ các em, về các em.

Tôi học cách gắng ghi nhớ, em này thì khác em kia ra sao. Em này thì chơi bóng rổ từng giật giải, em kia muốn thành đạo diễn sân khấu, muốn làm phim, muốn diễn xuất, hậu kỳ, muốn làm những chương trình truyền hình cảm xúc, muốn được sang Hàn Quốc làm việc cùng các oppa, và em kia nữa thích đi dạy thêm để có tiền ăn bún đậu mắm tôm...

Đây là một bài tập không có điểm. Giống như bắt sinh viên phải làm một việc vô vị lợi giữa cuộc đời luôn nhảy sồn sồn lên đòi có lợi. Những bài tập ấy xét đến cùng làm ra được một thứ là cảm động.

Khi trở thành thầy giáo, tôi cũng hay làm cho mình cảm động bằng cách nhớ về thầy. Nếu chậm rãi một chút, trí nhớ của tôi sẽ không bỏ sót chi tiết nào trong căn phòng làm việc nhỏ của thầy. Ngoài khoảng không hẹp cho lượng không khí vừa đủ để duy trì sự thở, phần còn lại thầy dành chỗ cho dàn máy vi tính, mặt bàn nhỏ, cái tủ đứng nhét đầy sách, DVD và băng phim cũ (trong cái tủ ấy, Thằng ngốc của Dos khoái dụ dỗ tôi: bảo ông ấy lấy tao cho mày đi).

Lần nào đến thầy cũng kéo một cái ghế từ phòng ngoài vào và giục “kìa thanh niên ngồi xuống đi” rồi vươn tay đẩy cửa sổ lấy thêm không khí. Trong khi tôi loay hoay ngồi xuống và xoay xở tư thế cho phải lễ nghĩa thì thầy kể chuyện cây hồng ngoài cửa sổ. Cây hồng lá không đủ dày để tạo bóng mát, nhưng sai quả gọi chim về. Chim ăn hồng, còn người thì ăn tiếng chim.

Tôi thấy gần gũi với các thầy của mình không phải trong những lúc chuyển giao được điều gì cho sinh viên, mà là khoảnh khắc tôi đứng đó trước các em mà như đối diện với xa vắng. Tôi dò tìm sự kết nối trên từng gương mặt như thầy tôi từng cố gắng hiểu chúng tôi, tìm cách cảm thông với lối sống của chúng tôi.

Tôi thuộc những câu chuyện về tuổi 20 của thầy mình vì nó được kể đi kể lại. Tôi cũng kể những câu chuyện tuổi 20 của tôi cho sinh viên, nhưng vì không muốn lách chúng vào cuộc sống bộn bề của các em nên tôi không kể đi kể lại. Các em thấy đấy, tôi đến đây với một lịch sử cũng nhiều mắc lỗi của mình, tôi nói thế và xin nhiều nụ cười khoan dung của các em như có thể sau này đồng nghiệp, con cái các em sẽ nở nụ cười khoan dung nếu các em đã đến với họ kèm theo một tuổi trẻ cũng kha khá lỗi lầm.

Tôi chỉ nói ra điều ấy đúng một lần, trong khi cái suy tưởng này thì trở đi trở lại: nếu tôi không từng gửi đi một bài hát cho sinh viên thì chắc chẳng có sinh viên nào dám đính kèm một bài hát trong một cái mail xin nghỉ học.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận