Harriet, cây sâm độc

LEAH HAMPTON 28/09/2020 21:09 GMT+7

TTCT - Bàn về những cây đau yếu và những loài xâm lấn ở Appalachia - nơi phức tạp tới điên rồ, và sự hủy diệt với nó thật rối rắm và khó hình dung.

Ảnh: Wikipedia.org

Tôi dành cả mùa dịch bệnh lo lắng về cây cối. Hay cụ thể hơn, về một cái cây - một cây sâm độc miền Đông (1) sống trong sân nhà chúng tôi. Tôi đặt tên nó là Harriet; nó cao năm mươi foot, và nó đang rất đau yếu.

Mỗi ngày tôi đều nói chuyện với Harriet. Tôi kể cho nó những gì đang diễn ra, có thể đọc cho nó mấy dòng Twitter. Tôi nói với nó tôi muốn nó sống sót vượt qua thời kỳ khó khăn này nhường nào, và nói cho nó biết nó xinh đẹp nhường nào, ngay cả bây giờ, khi những cành nhánh của nó đã rỗng ruột và nhợt nhạt.

Không một ai, dù là những bạn bè hipster ở Asheville của tôi, hay bà cô già tưng tửng nuôi nhiều gà ở cuối đường, hay những cậu choai choai trong khu phố vốn vẫn cười khẩy vào mặt những “kẻ ôm cây”, nghĩ rằng tôi kỳ quặc khi tôi nói chuyện với nó. Chúng ta đều có những Harriet của mình; không ai phán xét bao giờ.

Harriet mắc một chứng bệnh mà ở đây chúng tôi biết rõ: chứng bọ xít lông (2). Là một loài xâm lấn gây hại, bọ xít lông trong vài thập kỷ qua đã hủy diệt có hệ thống hàng triệu cây sâm độc bản xứ trong những cánh rừng Appalachia. Chúng là những con bọ nhỏ, những kẻ hút nhựa cây tàn ác có thể hút cạn một cái cây cao cả trăm foot nhanh hơn tốc độ chữa trị của mọi nhà sinh học hay kiểm lâm.

Với tốc độ như bây giờ, sự tuyệt chủng gần như là chắc chắn. Hãy thử lái xe trên những con đường có cao độ so với mực nước biển lớn ở nước ta, bạn sẽ thấy những gì mà đám bọ xít lông bỏ lại sau lưng. Chúng tôi gọi đấy là những hồn ma cây. Những cây cổ thụ hùng vĩ, cổ xưa, một thời xanh tốt và lừng lững trên đầu mọi loài khác, giờ thân cây vô hồn và trần trụi, bị căn bệnh truyền nhiễm kia tàn phá. Những hồn ma sâm độc trông như những cột điện thoại ghê rợn, lởm chởm cành trơ trọi đâm ra tứ phía, như những que củi hay gậy chống. Như sự mất mát.

Tới giờ, vợ chồng tôi đã sống ở căn nhà gần Công viên quốc gia Great Smoky Mountains được gần một thập kỷ, và Harriet đã luôn là hình ảnh của sự khỏe mạnh, là cái cây tuyệt diệu và ưa thích nhất của chúng tôi.

Trong căn nhà đó, tôi đã viết cuốn sách đầu tiên của mình, với ý định mô tả đời sống thôn dã của thế kỷ 21 trong tất cả sự khôi hài, hiện đại, và lạ lùng làm con tim tan nát của nó. Chúng tôi đã biến phòng ăn thành phòng làm việc, nơi tôi viết sách, thỉnh thoảng ngước nhìn lên Harriet bên ngoài cửa sổ.

Cành cây sâm độc một thời từng được dùng làm chổi quét nhà; cành to thì nặng, lá kim êm ái và đẹp đẽ. Vào thời sung sức nhất của nó, Harriet dày dặn và những tán lá lược của nó xanh tốt tới mức cả tuyết lẫn ánh mặt trời không bao giờ chạm tới mái nhà chúng tôi. Tôi đã quen khoe khoang về nó. Tôi đã quen “nổ” với mọi người rằng nó không bao giờ đau bệnh, rằng cả một gã làm ở Bộ Nông nghiệp cũng phải công nhận nó là cái cây đẹp nhất ở hạt này. Tôi đã viết cả một cuốn sách dưới bóng cây.

Trên đất đai của chúng tôi, còn có nào gấu nâu, nào cây dương (3), nào đỗ quyên (4), nào rắn, nào chuột túi nhỏ (5), nào cú mèo. Tôi viết về chúng trong cuốn sách của mình. Thứ nào cũng đẹp đẽ. Hươu nai và gà tây dại ghé thăm chúng tôi, sóc Bắc Mỹ (6) hít hà trong sân nhà nhếch nhác của chúng tôi.

Vào mùa hè, vây quanh nhà là những đàn đom đóm thần tiên kỳ diệu rù quến nhau trong bóng tối. Mùa đông, chim gõ kiến quan sát chúng tôi, những đôi mắt đen tròn xoe và bối rối. Chim gõ kiến làm tôi giật mình. Chúng là một loài ngạo nghễ, và chúng khư khư nhìn chằm chằm vào nhà chúng tôi, như thể cảnh báo với chúng tôi là chúng tôi không thuộc về nơi này.

Có lẽ là chúng có lý. Dù đẹp đẽ, với một thiên nhiên đa dạng và dồi dào, vùng Appalachia tràn ngập những kẻ xâm lấn, và cuộc thảm sát kéo theo, với cây sâm độc của tôi và bao nhiêu thứ khác nữa, là lỗi của chúng tôi.

Những cuộc khủng hoảng môi trường đầy rẫy ở đây, và tôi cũng viết về điều đó trong cuốn sách của mình. Những kẻ tiên phong khởi đầu mọi chuyện khi mang theo mình những giống cây trồng và gia súc xa lạ tới những chân đồi ở đây. Rồi tới ngành công nghiệp than và khai thác gỗ, sự tàn phá môi trường sống dữ dội, rồi việc xua đuổi người da đỏ Cherokee, rồi chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít, rồi cả ngành du lịch. Hai trăm năm trường mưng mủ vì bệnh truyền nhiễm và vì sự cướp bóc vô độ. Một thời từng là hệ sinh thái đa dạng sinh học nhất của lục địa Bắc Mỹ, Appalachia giờ như một bệnh nhân phải trợ thở, oằn mình trong đau đớn của một chứng bệnh vĩ mô, ngấm ngầm, quá phức tạp và dữ dội tới mức không hiểu nổi. Những hậu quả giờ là không thể đảo ngược, làm suy yếu nó tới tận gốc rễ - một thứ virus đã lây khắp cơ thể, bộc lộ qua một triệu Harriet khác, qua một tỉ những địa ngục nhỏ bé, câm lặng.

Sự tuyệt chủng là một tiến trình không đơn giản và không thể đoán trước. Appalachia phức tạp tới điên rồ, và sự hủy diệt với nó thật rối rắm và khó hình dung. Mối đe dọa về mặt sinh thái không chỉ là những con bọ nhỏ bé như bọ xít lông, mà là tất cả những gì không phải bản địa, bất cứ thứ gì không hòa hợp với nơi này, và nhất là cuộc thảm sát theo cấp số nhân mà tất cả chúng ta, cả bạn và tôi, đang gây ra với thiên đường này.

Đầu tiên là loài sắn dây, rồi lê mộc cạp, rồi kim ngân, rồi sói đồng cỏ. Những thứ mà chúng ta mang tới đây vì tiện lợi hay vì những lý do ích kỷ của riêng chúng ta, những kẻ xâm phạm chỉ biết lấy đi mà không thèm hỏi xin. Nào bọ rùa, nào bệnh loét thân cây, nào bổ củi cánh xanh, nào kiến lửa. Cũng như vẽ lại khu vực bầu cử, tập đoàn né thuế, bóc lột người lao động, đàn áp cử tri, đó là câu chuyện ai ở lại và ai ra đi, ai còn được bảo vệ trong một không gian đã bị xâm phạm. Sẽ không có giải pháp dễ dàng cho sự hủy diệt môi trường này. Chúng ta đã tự gây ra điều đó, và không hề có vaccine.

Cuộc sống ở rặng núi Blue Ridge này diễn ra trong cuộc đối thoại không ngừng với đất đai, và hiểu cho được những tình thế lưỡng nan của xâm lấn và loại trừ. Chúng ta khai thác, trồng tỉa, yêu thương, lạm dụng, và đất đai sẽ luôn trả lời. Không chỉ với cây cối, những thảm họa sinh thái cũng tác động lên cả cơ thể con người. Đã có những cụm làng ung thư ở Appalachia trong những vùng gần các thị trấn khai thác than và nhà máy hóa chất, rồi cuộc khủng hoảng opioid, rồi ngành điều hành nhà tù tư nhân, rồi những bệnh viện và nông trại chết dần chết mòn. Sự sống ở Appalachia là sự sống cộng sinh, có nghĩa là chết chóc cũng sẽ xảy ra đồng thời.

Chúng ta làm gì đất đai thì chúng ta hứng chịu lại những gì tương xứng.

Sự sống là như vậy.

Vào đầu năm 2020, tôi phát hiện ra những đốm phồng màu trắng không thể nhầm lẫn trên cành của Harriet. Lỗi tại tôi mọi bề. Tôi đã không để ý gì đến nó, và đám bọ xít lông đã tìm thấy nó khi tôi đang mải mê với những ham muốn ích kỷ của mình. Tôi đang bận viết sách, đang lu bu với những cuộc gặp gỡ tác giả và hội thảo, đang khoe khoang về đời sống cô gái miền sơn cước của tôi. Tôi nghĩ tôi là người tranh đấu cho nơi này.

Nhưng rồi mùa thu năm trước, lũ bọ xít đẻ trứng khắp các nhành cây, và đến lúc lệnh phong tỏa vì COVID-19 được ban bố, những con bọ con đã nở và bắt đầu ngấu nghiến Harriet. Có lẽ chúng đã ở đó được một thời gian rồi, một năm hay hơn nữa, nhưng tôi đã không nhận ra được dấu hiệu nào. Tôi nghĩ nó ở một nơi an toàn, không ai có thể làm hại nó. Nó đã già, nhưng còn mạnh mẽ.

Sự lây nhiễm bọ xít lông đã sâu rất khó đảo ngược. Dần dần những con bọ sẽ bóp nghẹt hệ tuần hoàn của cây, cho tới khi nó không còn thở được và không mang được dưỡng chất tới tán lá nữa. Vào tháng 4, trong cơn tuyệt vọng, tôi quyết định phủ kín Harriet bằng một thứ thuốc trừ sâu hạng nặng. Phải nói là thứ chất đó bất hợp pháp ở một số bang và có hại cho động vật, nhất là nếu ngấm vào nguồn nước ngầm. Nhưng ít ra tôi tự tay làm việc đó. Tôi không thuê ai cả, khi tôi làm ô nhiễm chính đất đai của mình. Tôi phải đeo mặt nạ phòng độc khi phun thuốc. Sau đó tôi còn tắm lại hai lần, nhưng hóa chất vẫn có thể ngấm vào da và nhiều năm sau mới khiến tôi phát bệnh.

Tôi đã phun chất độc lên Harriet, nhưng đó là thứ duy nhất có thể cứu được nó. Tôi tự nhủ vậy thì giờ tôi là thứ gì? Phải chăng tôi cũng đã là một kẻ xâm lấn, một loài gây hại, một nhà văn độc ác cũng thao thao bất tuyệt về lợi ích và chi phí, và cũng lấy mục đích biện minh cho phương tiện của mình?

Tới tháng 7, cuốn sách của tôi in và được đón nhận khá tốt. Nhưng quan trọng hơn, Harriet đang cho thấy những dấu hiệu hồi sinh. Những đốm trắng là trứng bọ xít đã biến mất, cành cây lại lấm chấm màu xanh phơn phớt. Nó là một cái cây lớn, nên phải mất ít ra hai năm mới biết thuốc trừ sâu có hiệu nghiệm không, hay chỉ hủy diệt hơn nữa những loài xung quanh nó - bao gồm cả tôi. Tôi vẫn lạc quan. Chúng tôi vẫn trò chuyện mỗi ngày, tôi cổ vũ Harriet hãy gắng sức, hãy vẫn là cây sâm độc của ngày nào, hãy sống.

Tôi vẫn nói những điều này với nó dù tôi không thể đoán trước tương lai. Nếu nó sống được, thì cuộc đời Harriet sẽ ra sao? Tôi lo là nó sẽ thấy sợ hãi, là lũ chim sẽ không chịu làm tổ trên những cánh tay đã nhiễm độc của nó nữa. Tôi thực sự không biết mình đã làm gì nó. Nhưng tôi hi vọng - giữa quá nhiều mất mát và khóc thương - tôi hi vọng vẫn còn chút ánh sáng qua các tán cây.■


(Hải Minh lược dịch từ trang Literary Hub, tựa do tòa soạn đặt lại)


(1) Sâm độc miền Đông: Eastern hemlock, tên khoa học tsuga canadensis, thực vật hạt trần họ thông, phân bố chủ yếu ở vùng tây bắc lục địa Bắc Mỹ.

(2) Bọ xít lông: woolly adelgid, tên khoa học adelges tsugae, côn trùng thuộc bộ cánh nửa, chuyên sống ký sinh trên cây sâm độc.

(3) Cây dương: poplar, tên khoa học populus, chỉ chung chi dương là các cây thân gỗ phân bố chủ yếu trong khu vực ôn đới lạnh và vòng cực cận Bắc cực hoặc trên núi cao.

(4) Đỗ quyên: rhododendron, là tên khoa học, chi thực vật có hoa thuộc họ thạch nam, phân bố rất rộng ở hầu khắp Bắc bán cầu. Ở Việt Nam, đỗ quyên có ở các vùng núi như Sa Pa (Lào Cai), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

(5) Chuột túi nhỏ: opossum, thú có túi thuộc họ didelphidae, đặc hữu ở châu Mỹ, là bộ thú có túi lớn nhất ở Tây Bán cầu.

(6) Sóc Bắc Mỹ: groundhog, cũng dịch là macmot bụng hung, tên khoa học marmota monax, động vật có vú trong họ sóc, phân bố rộng rãi ở Bắc Mỹ và phổ biến ở đông bắc và trung bộ Hoa Kỳ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận