Hãy để nghệ thuật đánh thức...

THÁI LỘC THỰC HIỆN 08/04/2013 20:04 GMT+7

TTCT - “Tôi là một chuyên gia về nghệ thuật Việt Nam, làm việc theo bốn hướng, đó là viết về mỹ thuật Việt Nam, phụ trách triển lãm về nghệ thuật Việt Nam, dạy về nghệ thuật Việt Nam và giám định tính thật giả của tác phẩm nghệ thuật. Ở hướng thứ tư tôi làm việc cho Hãng đấu giá nghệ thuật Christie’s!”.

Ông Jean François Hubert (Pháp) tự giới thiệu như vậy trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho TTCT.

Phóng to
Tình mẫu tử, tranh mực và bột màu trên lụa của Lê Phổ (59x40cm, thực hiện khoảng năm 1938), được Christie’s (Hong Kong) ước giá 76.900-102.600 USD - Ảnh: Christie’s (Hong Kong) cung cấp

Jean FranÇois Hubert: Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều câu chuyện kể về Việt Nam. Và nghệ thuật Việt Nam ở một mức độ cao đã hiện diện ngay trên đất Pháp. Tôi rất may mắn có trong tay rất nhiều hiện vật đẹp của người Việt khi khởi sự quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam. Thực tế quan hệ Pháp - Việt kể từ những năm 1880 đến nay là nước Pháp không ngừng tìm hiểu về Việt Nam và nhận được nhiều bài học ở nơi mà mình đến tìm thuộc địa. Tôi tiếp cận được hàng vạn trang sách về Việt Nam trong văn khố tàng trữ của Pháp với sự ngạc nhiên, thích thú.

Phương pháp của tôi bắt đầu từ hiện vật chứ không phải bằng hệ thống lý thuyết. Tôi đang sở hữu trong tay tám chín tác phẩm đẹp nhất của Nguyễn Phan Chánh đưa sang Pháp giai đoạn 1931-1932 cùng rất nhiều tài liệu, thủ bút của ông và của nhiều danh họa khác. Tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm của những chủ sở hữu hiện vật Đông Sơn và Champa ở Việt Nam trong khi gần như không học gì tại các trường học hay các viện bảo tàng của Pháp, nơi mà họ nói toàn lý thuyết và đứng ngoài đồ vật...

Ông Jean François Hubert - Ảnh: Ngọc Hiến
Thuật luyện kim huyền bí

* Nhiều người cho rằng thế giới biết đến mỹ thuật Việt Nam thông qua Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông đánh giá ra sao về nhận định này?

- Điều này đúng một phần. Rõ ràng người phương Tây biết đến hội họa của Việt Nam chủ yếu là giai đoạn từ 1930-1980 - giai đoạn thành danh của thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đây là một giai đoạn rất dài và có đến khoảng 15 họa sĩ tiếng tăm vang dội trên toàn thế giới. Soát xét lại thì thấy rất hiếm trường được vinh dự như thế này trên thế giới và đây là điều rất quan trọng.

Thử nhìn sang nước láng giềng cùng giai đoạn, Indonesia chỉ có ba họa sĩ được thế giới biết đến. Sẽ thật khó khăn nếu tìm ra một tên tuổi họa sĩ tại các nước như Campuchia, Lào, Thái Lan, kể cả Nhật Bản. Ngay cả Trung Quốc cùng thời cũng không tìm ra số lượng tên tuổi nhiều như Việt Nam.

Tôi xin tạm dùng khái niệm thuật luyện kim huyền bí đã xảy ra với giai đoạn này. Chữ huyền bí có thể hơi quá, song có thể hiểu như một sự may mắn, một cái gì ngoại hạng đã xảy ra. Thời ấy tình hình kinh tế cũng không đến nỗi xấu lắm. Việt Nam lúc đó có những trào lưu văn hóa rất quan trọng, có thể tạo thành cú sốc, tạo sự thần kỳ. Ở đây tôi không nghĩ ra một nguyên nhân gì có tính logic. Song cũng có thể giải thích theo kiểu: đã có một sự tranh đua nhau, tranh tài giữa những người có sẵn tài. Điều này như một đội bóng tập hợp được năm sáu người giỏi thì cộng hưởng nhau, cả đội cũng tiến mà từng cá nhân cũng tiến.

Giai đoạn mỹ thuật Đông Dương đã rất thành công với các chất liệu truyền thống như lụa, sơn mài. Kỹ thuật lụa cho đến nay tôi không thấy có sự tiến hóa nào. Còn sơn mài thì có sự đổi khác, nhiều người đã thay bằng chất acrylic. Tôi cho rằng ở đây có một sự đi xuống, có lẽ do thiếu tiền hay thiếu thời gian thì hợp lý hơn trong việc rút ngắn các công đoạn. Đề tài thì mỗi thời có thể khác nhau, nhưng về sự tìm tòi trong kỹ thuật thì các bạn đã có những đỉnh cao như một Nguyễn Gia Trí với sơn mài, một Nguyễn Phan Chánh với lụa... Đây cũng là những đỉnh cao của thế giới.

* Ông đánh giá như thế nào về mỹ thuật Việt Nam giai đoạn hiện nay?

- Giai đoạn hiện đại này có thể xem là thế hệ thứ ba của mỹ thuật Việt Nam, cũng có sự trỗi dậy của vài cá nhân, nhưng lại rất khó nói đến một trường phái. Nhìn lại giai đoạn 1930 của hội họa Việt Nam, các tên tuổi vang danh ấy đều là thân hữu của nhau. Tình hình tương tự đối với giai đoạn những năm 1960. Còn ở thế kỷ 21 này, tôi không thấy sự vang danh của một trường phái, mà chỉ có những lóe sáng đơn lẻ...

Trở lại ba thế hệ mỹ thuật Việt Nam, ở thế hệ đầu chủ yếu do va chạm văn hóa, nhất là những họa sĩ sang Pháp hồi ấy. Còn thế hệ thứ hai coi như đứng hẳn trong chiến tranh, làm chứng nhân của chiến tranh, lại có những cách nhìn khác. Còn thế hệ thứ ba này không bị trói buộc như hai thế hệ trước, như một sự truy tầm hạnh phúc của những con người riêng lẻ. Họ dù xa dù gần, dù trực tiếp hay gián tiếp đều chịu tác động của xu hướng toàn cầu hóa, và nghệ sĩ thấy rằng họ phải tạo được cái gì riêng biệt, độc đáo mới trụ vững được.

Việt Nam từng có hai thị trường mỹ thuật lớn. Đầu tiên vào giai đoạn 1928-1943, các họa sĩ lớn như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí... bán được tranh của mình. Giai đoạn thứ hai kéo dài về sau, khi tranh Việt Nam được xuất ra nước ngoài. Hiện nay thị trường trong nước vẫn có, với sự mở mang nhiều gallery và một số nhà sưu tập trong nước. Nói cho sòng phẳng thì thị trường tranh quan trọng của Việt Nam hiện vẫn nằm ở ngoài phạm vi quốc gia.

Hong Kong những năm tháng vừa qua đã trở thành một thành phố chiến lược tiêu thụ tranh cho cả châu Á nói chung, trong đó có hội họa Việt Nam. Một hiện tượng mới rất quan trọng và đáng ghi nhận đối với các nước châu Á, đó là những tác phẩm ngày trước bán cho phương Tây đã và đang quay lại châu Á. Sự trở về này cũng lạ, giống như cùng chọn điểm tập trung, đó là Hong Kong.

Chỉ khi người Việt yêu hội họa nước mình...

* Có một thống kê rằng ở Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người có mức thu nhập ngang bằng với phương Tây, song họ lại chọn mua sắm các phương tiện vật chất mà ít quan tâm tới những tác phẩm hội họa...

- Thử nhìn qua Trung Quốc với một lớp người giàu lên trước so với Việt Nam, theo thời gian cùng với mua sắm các tiện nghi đắt đỏ khác, họ cũng đã mua sắm những tác phẩm nghệ thuật. Ý thức, sở thích về nghệ thuật dần dần đến với họ. Bây giờ ở Hong Kong có 0% người mua tranh là người Việt. Cũng có một đôi người Việt mua tranh nhưng đều đang định cư nước ngoài, nhiều nhất là Mỹ.

Cũng vậy, lúc đầu nghệ thuật Trung Quốc chỉ có người Mỹ, Anh, Pháp... mua chứ người Trung Quốc không chú ý. Khi người Trung Quốc nhập cuộc thì giá cả tăng lên. Tôi cũng lưu ý với các bạn về một hiện tượng mới, đó là rất nhiều người Trung Quốc ở Đài Loan đang tậu tranh Việt Nam. Có lẽ họ nhận định tranh Việt sẽ là “vàng” trong tương lai...

* Còn tương lai của mỹ thuật Việt Nam theo nhận định của ông?

- Nếu có một chuỗi sự kiện tiếp nối nhau một cách logic thì tình hình hội họa Việt Nam hôm nay chỉ là khởi đầu cho một tương lai khác. Tôi khẳng định rằng hội họa Việt Nam có tương lai. Hiện nay là sự khởi đầu bởi vì nhìn lại cho đến nay, những người yêu thích hội họa Việt Nam đa số là người nước ngoài chứ không phải người Việt Nam. Đến một lúc nào đó người Việt Nam khởi sự yêu thích hội họa nước mình thì lúc đó mới là tương lai thật sự.

Ở Việt Nam, tôi có quen với nhiều người sưu tập nhưng chủ yếu là đồ gốm, đồ đồng chứ rất ít người sưu tập về hội họa Việt Nam. Tôi nghĩ rồi sẽ có một sự tranh đua giữa những người sưu tập hội họa trong nước với ngoài nước. Dĩ nhiên, khi có thêm nhiều người tìm tới hội họa Việt Nam thì đó chính là tương lai xán lạn.

* Đi nhiều nơi trên thế giới ông thấy có kinh nghiệm, bài học nào hay có thể áp dụng cho Việt Nam không?

- Hiện nay người ta khởi sự rời bỏ quan niệm nghệ thuật như một cái gì thuần túy về văn hóa mà đã trở thành một phân số, động lực phát triển kinh tế. Qatar chẳng hạn, vốn không có thiên hướng làm nghệ thuật nhưng bây giờ đã nghĩ đến lập bảo tàng và kinh doanh nghệ thuật. Một số nước Hồi giáo vốn không cho phép vẽ hình người thì nay đã cho triển lãm những bức tranh hình người.

Ở Pháp thì như một nghịch lý đang diễn ra, khi Bảo tàng Louvre mở chi nhánh ở Lens và Trung tâm Nghệ thuật đương đại Pompidou mở chi nhánh tại Metz. Người dân hai thành phố nhỏ vốn “eo sèo” về mặt kinh tế nay trở nên phấn khởi trước sự phát triển trở lại của kinh tế nhờ văn hóa.

Tác phẩm nghệ thuật khác với vật chất, nó không mòn theo thời gian mà lại đánh thức rất nhiều lĩnh vực khác, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều hạng người, kéo theo sự phát triển nhiều hoạt động của cả xã hội. Vậy ở Việt Nam tại sao ta lại không tìm lối mở ra cho nghệ thuật? Việt Nam có đủ điều kiện bước đầu, từ nơi chốn đến bề dày văn hóa nghệ thuật.

Tôi chưa nói tạo dựng thêm, vấn đề là mở rộng cái mà Việt Nam hiện có. Ta có thể nghĩ đến những cuộc triển lãm có tầm cỡ khác nhau dựa trên tìm hiểu từng lượng khách các giới khác nhau chẳng hạn...

* Xin cảm ơn ông.

Trước tiên, có quá nhiều bài bình phẩm về nghệ thuật Việt Nam do những người không đủ thẩm quyền. Nhất là ở phương Tây, có nhiều người bình luận ở mức tồi tệ, thậm chí xuẩn ngốc, tỏ rõ sự thiếu chuyên môn trong một giọng điệu cay cú. Còn những người bình luận trong nước, tôi không hiểu thế nào khi có nhiều bài viết thiếu nhiệt huyết. Khi bình luận hình như họ thiếu nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, thiếu cái tâm.

Mặt khác, có nhiều tác phẩm làm giả đôi khi được những người thân trong gia đình thực hiện làm ảnh hưởng đến tên tuổi của những nghệ sĩ lớn. Đây rõ ràng là những cuộc làm ăn. Những tác phẩm giả cứ thế tái hiện, khi ở trong sách, khi ở ngay các viện bảo tàng, đôi khi lại kèm theo giấy chứng nhận là tranh thật nữa. Tôi cũng biết nhiều người làm giả ấy... Kẻ thù lớn nhất của hội họa Việt Nam là sự thiếu kiến thức chuyên môn.

Nghệ thuật Việt Nam tự nó có giá trị, được nhìn nhận. Nhưng mà cái không làm tốt cho nó chính là môi trường xung quanh không hiểu được và bảo vệ được nó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận