“Hồn” Nhật Bản, “da” Campuchia!

HUY ĐĂNG 18/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Ryu Hirose - HLV trưởng người Nhật của tuyển Campuchia - đã bị đem ra làm trò đùa trên mạng xã hội sau phát biểu: “Tuyển Campuchia sẽ chơi áp đặt thế trận trước bất kỳ đối thủ nào, kể cả Brazil”.

Phát biểu của ông Hirose khiến nhiều người cười cợt, nhưng nếu nhìn vào những gì tuyển Campuchia trình diễn, cần phải thừa nhận họ chính là đội bóng tiến bộ nhất ở AFF Cup 2020.

Không còn là nhược tiểu

Kiểm soát bóng 57%, tung ra 14 cú dứt điểm (6 trúng đích), 10 quả phạt góc và chỉ phải lãnh một thẻ vàng. Đó là thông số của Campuchia trong trận ra quân thua Malaysia 1-3. 

Bóng đá Campuchia đang vươn tầm từ khi mời về Keisuke Honda, cũng như liên kết với Nhật Bản. Ảnh: Fox Sports

 

Vài ngày sau, họ giảm tỉ̉ lệ kiểm soát bóng còn 55% trước Indonesia, dứt điểm 13 lần, nhưng buộc đối thủ phải phạm lỗi đến 19 lần và lãnh 2 thẻ vàng, trong khi đội bóng xứ chùa tháp chỉ phạm 13 lỗi cũng như không lãnh thẻ nào.

Cầm bóng nhiều, dứt điểm nhiều mà không ghi bàn thì ý nghĩa gì ư? Chưa chắc, dữ liệu thống kê lên ngôi trong bóng đá hiện đại là có lý của nó. 

Người ta thường cười cợt Pep Guardiola bị nô lệ bởi những thông số kiểu này. Nhưng trên thực tế, Guardiola là HLV thành công nhất thế giới trong thế kỷ 21. 

Những đội bóng mà ông dẫn dắt có thể bại trận khó hiểu tại một số thời điểm quan trọng, nhưng chưa bao giờ trải qua giai đoạn sa sút kéo dài. Và trên hết, Guardiola là một kiến trúc sư của bóng đá trẻ.

Trong trận thua Indonesia 2-4, tuyển Campuchia khiến người hâm mộ nhiều lần tiếc hùi hụi. Họ bỏ lỡ ít nhất 3 cơ hội đối diện thủ môn, những pha hỏng ăn theo kiểu tiền đạo nổi tiếng “chân gỗ” Raheem Sterling ở Man City do Guardiola dẫn dắt. 

Trong các kỹ năng bóng đá, dứt điểm có liên quan nhiều nhất đến yếu tố tinh thần, khiến bóng đá vẫn còn là một môn giải trí thú vị chưa hoàn toàn bị khoa học và công nghệ kiểm soát. 

Các cầu thủ Campuchia “rét chân” khi đứng trước khung thành thênh thang của Indonesia cũng dễ hiểu. Hàng chục năm qua, đã bao nhiêu lần họ được trải nghiệm cảm giác đó? Chưa kể ở AFF Cup lần này, Campuchia là đội có tuổi trung bình trẻ thứ hai (22,9, chỉ “già” hơn Đông Timor).

Sự quật khởi của bóng đá Campuchia thật ra không mới. Tại SEA Games 2019, họ từng khiến Đông Nam Á ngỡ ngàng khi giành vé vào bán kết. 

Ở một giải đấu cấp độ U23 (có thêm 2 cầu thủ trên 22 tuổi), thành tích đó có thể xem là một phút lóe sáng. Campuchia cũng gặp may khi nằm ở bảng được cho là dễ hơn với Myanmar, Philippines và một Malaysia đang thiếu thốn tài năng trẻ. 

Đến vòng loại World Cup 2022, họ lại trở thành tâm điểm của sự giễu cợt với những thất bại choáng váng 0-10 và 0-14 trước Iran.

Có thể triết lý bóng đá hồn nhiên - như tuyên bố của HLV Hirose - là lý do khiến Campuchia thảm bại khi đụng các đối thủ tầm châu lục. 

Nhưng ở Đông Nam Á, họ đã thể hiện sự tiến bộ rất rõ ràng. AFF Cup 2018, Campuchia đá 4 trận vòng bảng với VN, Malaysia, Myanmar và Lào mà chỉ phải nhận 9 bàn thua và thắng Lào 3 bàn cách biệt. Bóng đá xứ chùa tháp thực sự đã bỏ Lào, Đông Timor cùng Brunei lại sau lưng.

Cuộc phiêu lưu của Keisuke Honda

Cột mốc đáng nhớ nhất khi nói về sự tiến bộ của bóng đá Campuchia chắc chắn xoay quanh cái tên Keisuke Honda. Tháng 8-2018, tiền vệ lừng danh người Nhật Bản, vẫn còn chơi bóng, bất ngờ được LĐBĐ Campuchia (FFC) bổ nhiệm vai trò “tổng giám đốc” (general manager). 

Đó là một vị trí thật sự khó xác định trong làng bóng đá chuyên nghiệp. Honda không phải HLV trưởng, cũng không phải là giám đốc kỹ thuật (Kazunori Ohara - một người Nhật khác - giữ vai trò này), và cũng không phải lãnh đội như bà Nualphan Lamsam của Thái Lan.

Vai trò của Honda với bóng đá Campuchia mang tính hoạch định chiến lược, và lấy cảm hứng từ chính tên tuổi cũng như hành trình sự nghiệp của anh. 

Cựu tiền vệ AC Milan là một trong những ngôi sao bóng đá châu Á nổi tiếng nhất lịch sử. Có thể nói không ngoa rằng trên thị trường chuyển nhượng, một mình Honda giá trị hơn toàn bộ các cầu thủ của Giải bóng đá quốc gia Campuchia (C-League) cộng lại. 

Vì lẽ đó, nhiều người châm chọc Campuchia mời Honda giống như mời một ngôi sao giải trí tham dự sự kiện, tức vui là chính, đặc biệt là bởi ở AFF Cup 2018 và nhiều giải khác, anh chỉ làm việc... online.

Nhưng trong làng bóng đá đỉnh cao, Honda không phải người đầu tiên làm việc từ xa như vậy. Có thể nhắc Jurgen Klinsmann, người góp phần làm nên cuộc cách mạng cho bóng đá Đức 15 năm trước. 

Bấy giờ cựu tiền đạo Bayern Munich đã ổn định cuộc sống tại Mỹ, và bất chấp những chỉ trích từ truyền thông Đức, dù là HLV trưởng đội tuyển quốc gia, ông chỉ làm việc từ xa với ban huấn luyện và các tuyển thủ Đức cho đến tận trước thềm World Cup 2006 trên sân nhà.

Khi không thể sâu sát, tầm quan trọng của Klinsmann cũng chỉ như một viên gạch nền tảng trong cuộc đại trùng tu của bóng đá Đức, nhưng đó vẫn là một viên gạch nền tảng. 

Honda với bóng đá Campuchia lúc này cũng vậy. Điều đó càng đúng hơn bởi không như Đức, bóng đá Campuchia còn nhiều dư địa để tiến bộ trong các yếu tố cơ bản, mà một người dạn dày chinh chiến như Honda chắc chắn sẽ có thể giúp họ.

Cuộc cách mạng bắt đầu từ khoảng năm 2017, khi Campuchia liên kết với Nhật Bản để hướng đến mục tiêu SEA Games 2023. Một số học viện được FFC thành lập (bao gồm Honda Soltilo của chính Honda), và giám đốc kỹ thuật Kazunori Ohara là người phụ trách chiến lược phát triển bóng đá trẻ cho Campuchia.

Dấu ấn Nhật Bản xuất hiện khắp nơi. Các HLV, điều phối viên, trọng tài được LĐBĐ Nhật Bản gửi đến C-League. Angkor Tiger - một CLB do người Nhật sở hữu - ra đời. Chan Vathanaka - ngôi sao sáng giá nhất Campuchia - cũng được gửi sang J-League 3 để “du học”.

Những hoạt động đầu tư và liên kết như vậy không xa lạ với VN, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Nhưng với Campuchia, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nền bóng đá của họ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và có hướng đi rõ ràng. Sau khoảng 4 năm đầu tư, bóng đá Campuchia bắt đầu “thấm” chất Nhật. 

Họ thực sự đi lên trong mảng bóng đá trẻ, với kỳ tích vào bán kết SEA Games cũng như giành vé tham dự Giải vô địch U20 châu Á.

Những người Nhật của bóng đá Campuchia, bao gồm Honda, đã giúp thu hút cầu thủ trẻ đến các học viện, định hình phong cách chuyên nghiệp cho họ và duy trì lòng tin vào khả năng “Nhật hóa” nền bóng đá. 

Hiện giờ, vươn tầm châu lục, trở thành siêu cường bóng đá hay áp đặt thế trận trước Brazil có thể còn là chuyện đùa cợt, nhưng rõ ràng các học trò của Hirose đang giúp AFF Cup trở nên đáng xem hơn nhiều. ■

Cuộc cách mạng Nhật hóa

Suốt 5 năm qua, FFC đã mời được từ Nhật Bản rất nhiều quan chức có kinh nghiệm và năng lực. 

Ngoài Honda và giám đốc kỹ thuật Ohara, còn có thể kể nhiều tên tuổi khác như Gyotoku Koji, phụ trách học viện bóng đá và tuyển U18, Kazunori Inoue, đảm nhiệm công việc tương tự với lứa U15, trưởng ban trọng tài Tetsu Karakida... 

Họ đều là những bậc lão thành của bóng đá Nhật và có kinh nghiệm làm việc nước ngoài, như ông Koji từng dẫn dắt các đội tuyển Bhutan và Nepal.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận