Khulood al-Zaidi: Những ngã rẽ cuộc đời

THANH GƯƠNG (CHUYỂN NGỮ) 20/09/2016 05:09 GMT+7

TTCT - Khulood al-Zaidi là con gái áp út trong một gia đình có sáu đứa con - ba trai ba gái - ông bố là bác sĩ, bà mẹ làm nội trợ. Tuổi thơ của cô trải qua trong một môi trường trung lưu và một cuộc sống thoải mái.

Khulood al-Zaidi
Khulood al-Zaidi

 

Như phần lớn thiếu nữ ở Kut - một thành phố nhỏ có khoảng 400.000 dân - cách thủ đô Baghdad khoảng 100 dặm, Khulood al-Zaidi có một cuộc sống khép kín. Ngoài lý do đến trường, rất hiếm khi cô có dịp bước chân ra khỏi nhà.

Suốt 23 năm trời, tức là cho đến trước khi nổ ra chiến tranh ở Iraq, chỉ một lần Khulood được đi với bố đến thủ đô Baghdad.

Dù tập quán đời sống gia đình và xã hội khắt khe, cô vẫn ấp ủ những hoài bão tuổi trẻ, quyết chí sẽ tìm cách rời khỏi Kut.

Con đường duy nhất có thể giúp cô đạt được mục tiêu là vào đại học. May mắn là cô tìm được sự hậu thuẫn của ông bố Ali al-Zaidi vì ông muốn các con, kể luôn cả ba cô con gái, đều phải đỗ đại học.

Trong chừng mực nào đó, bố tôi là người có tư tưởng cấp tiến - Khulood al-Zaidi giải thích - Tuy ông quan niệm rằng mục tiêu vào đại học của các cô con gái không phải để lấy bằng cấp và tiến thân nghề nghiệp, mà ông cho rằng chúng tôi phải học đến nơi đến chốn để rồi kiếm một tấm chồng”.

Khulood ghi tên vào đại học trong vùng để lấy cử nhân văn chương Anh, gia đình đều nghĩ sau khi tốt nghiệp đại học, cô sẽ đi dạy tiếng Anh cho một trường trung học nào đó, sau đó lập gia đình. Nhưng Khulood đã có sẵn một kế hoạch khác cho mình: cô dự tính sau khi đã học giỏi tiếng Anh sẽ tìm cách lên Baghdad tìm một chân thông dịch.

Chạy loạn ở Iraq (2003)
Chạy loạn ở Iraq (2003)

 

Giấc mơ không thành

Giấc mơ của Khulood bất ngờ tan vỡ: ba tháng trước khi cô tốt nghiệp đại học..., Mỹ quyết định can thiệp quân sự vào Iraq.

Rạng sáng 3-4-2003, các đơn vị thiện chiến của lữ đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ bao vây thành phố Kut. Với sự yểm trợ của thiết giáp, pháo binh và không quân, chỉ trong vài giờ quân đội Mỹ đã triệt hạ tất cả đồn bót của quân đội Iraq. Về trận chiến ác liệt xảy ra ngay trên thành phố Kut, dù lúc ấy đã 23 tuổi, nhưng Khulood không thấy tận mắt cái gì cả. “Lý do rất đơn giản - cô giải thích - Phụ nữ xứ này không được ló đầu ra ngoài”.

Trước khi đổ quân vào Iraq, phó tổng thống Mỹ thời đó là Dick Cheney tiên liệu lính Mỹ sẽ được người dân Iraq đón tiếp như “những giải phóng quân”. Mọi chuyện diễn ra trên đường phố Kut ngày 4-4 đã xác định tiên liệu của ông Dick Cheney có cơ sở.

Trong khi những nơi khác còn rải rác những cuộc chạm súng với tàn quân của chính phủ Saddam Hussein, đám lính Mỹ đóng ở Kut từ mùa xuân đến đầu hè cảm thấy tương đối yên ổn, đến độ họ đi lại giữa Iraq mà không thèm mặc áo giáp chống đạn... Hai tháng sau, đại học mở cửa lại, đến tháng 8 năm đó Khulood tốt nghiệp đại học.

Vào thời điểm ấy ở Iraq, khó khăn mấu chốt là xây dựng lại guồng máy kinh tế đã bị tàn phá và thiết lập một nhà nước mới để nhanh chóng ổn định. Một đội ngũ kỹ sư, nhân viên hành chính, cố vấn kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài, dưới danh nghĩa “Chính quyền liên minh lâm thời” (Coalition Provisional Authority - CPA) - một kiểu chính phủ lâm thời do Mỹ cầm đầu - xuất hiện.

Trong nhóm chuyên gia được đưa đến Iraq có nữ luật sư 33 tuổi Fern Holland từ Oklahoma (Mỹ). Fern Holland đến Iraq vào mùa hè 2003 trong vai trò cố vấn vấn đề nhân quyền cho chính quyền lâm thời, triển khai các chương trình nhằm phát triển vai trò của phụ nữ ở Iraq.

Tháng 9-2003, phái bộ của Fern Holland được điều động đến Kut, ở đó vị nữ luật sư Mỹ gặp Khulood lần đầu.

Khulood nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu gặp Fern, bà trông cực kỳ trẻ trung và điều quan trọng hơn nữa là nhân cách rất quyết đoán, tính tình cởi mở và rất lịch sự. Chẳng ai trong số những phụ nữ Iraq chúng tôi đã có dịp gặp một người đàn bà như thế. Bà tập hợp một số phụ nữ chúng tôi lại để bàn thảo chương trình dự tính triển khai ở Iraq”.

Những gì mà Fern Holland tuyên bố trong những buổi thảo luận với phụ nữ Iraq ở Kut cũng “kỳ lạ” không thua gì diện mạo của bà: “Sự lật đổ chính quyền của Saddam Hussein sẽ dẫn đến việc ra đời của một Iraq hoàn toàn đổi mới, trong đó các yếu tố như dân chủ và nhân quyền sẽ là những đặc điểm cơ bản của nhà nước. Và để củng cố tân nhà nước Iraq, mọi người ai cũng phải đóng góp, bắt đầu là những phụ nữ”.

Đối với Khulood, những câu nói của Fern Holland mang sức mạnh của một sự khám phá kỳ diệu. Lập tức cô tình nguyện cộng tác trong các chương trình phát triển quyền lợi phụ nữ của Fern Holland. Bà Fern Holland ý thức được rằng với vị trí “người ngoại quốc”, vai trò của bà sẽ gặp nhiều giới hạn.

Do đó Holland quyết định giao các chương trình phát triển quyền lợi phụ nữ cho chính những người phụ nữ địa phương có tính năng động triển khai. Một tháng sau, Fern Holland chọn Khulood đại diện đi dự một hội thảo quốc gia về vai trò lãnh đạo của phụ nữ do chính CPA tổ chức.

Trong dịp đó, Khulood nhận được một thông tin càng làm cô phấn chấn hơn: cô được chọn làm thành viên một phái đoàn phụ nữ Iraq đến Washington cộng tác việc soạn thảo bản hiến pháp mới cho Iraq. “Rất nhiều phụ nữ Iraq phản đối vì họ cho rằng tôi còn quá trẻ - Khulood nhớ lại - Nhưng Fern Holland nhất quyết đề cử và ủng hộ tôi quyết liệt”.

Trong chuyến đi Washington tháng 11-2003, người thiếu nữ 23 tuổi, bằng cử nhân còn chưa ráo mực có dịp hội kiến với hàng loạt “tay to mặt bự”, trong đó có cả tổng thống Mỹ George W. Bush.

Sau chuyến đi đó, Khulood được chính thức vào biên chế của CPA với chức vụ phó văn phòng truyền thông của thành phố Kut. Khulood hồi tưởng: “Đó là những năm tháng cực kỳ phấn khích, xung quanh mọi sự việc đang thay đổi vù vù”.

Thất bại của sự can thiệp quân sự vào Iraq và hệ lụy

Trong khi Khulood đang hồ hởi bước qua ngưỡng cửa tương lai của một thế giới mới mà Fern Holland đã mở ra, cô không thể hình dung được rằng chính sự can thiệp quân sự của Mỹ đã “gieo” những mầm mống một bi kịch thảm họa cho Iraq và cho chính cuộc đời cô.

Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, tất cả các cơ sở, văn phòng của guồng máy nhà nước của Saddam phải được chiếm đóng và canh giữ cẩn mật. Nhưng quân đội Mỹ bỏ sót những kho vũ khí đạn dược mà chính phủ Saddam đã đặt rải rác khắp Iraq.

Kết quả là hàng loạt vũ khí đạn dược bị cướp bóc thường trực. Tệ hại nhất là quyết định giải tán quân đội Iraq của Paul Bremer, chủ tịch CPA. Vào mùa hè 2003, chỉ trong phút chốc, hàng trăm ngàn người đã được huấn luyện quân sự và có vũ khí trong tay thành ra như rắn mất đầu.

Tháng 8-2003, một chiếc xe camnhông nhồi đầy chất nổ đã tàn phá toàn bộ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Baghdad, làm thiệt mạng 22 người, trong đó có Sérgio Vieira de Mello - đại diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ở Iraq. Kể từ đó, hàng loạt hoạt động khủng bố chống lại quân đội đồng minh nổ ra ngày càng nhiều.

Đến đầu năm 2004, các quan chức trong CPA bắt đầu nhận ra tất cả kế hoạch, hoạt động của CPA đều gặp cản trở, chí ít là bất hợp tác càng lúc càng tăng từ phía Iraq.

Ngày 8-3-2004, bản hiến pháp mới lâm thời của Iraq ra đời, trong đó ấn định con số 25% ghế dân biểu dành cho nữ giới. Nhưng trưa hôm sau, ba nhân viên dân sự của CPA đang ngồi trong xe chạy trên một con đường liên tỉnh thì bị một chiếc xe mui trần của cảnh sát Iraq bám sát và ra tay hạ sát cả ba bằng súng.

Theo một số thông tin, mục tiêu của vụ ám sát là Fern Holland - người đã tích cực đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ Iraq. Ngày 5-4, ngay thành phố Kut, khoảng 200 người vũ trang đã tấn công trụ sở của CPA.

Khulood đã phải ẩn náu suốt mấy tiếng đồng hồ trong văn phòng khi các lực lượng quân đồng minh nổ súng chống trả. Sau đó cùng hai nhân viên, cô chạy trốn ra ngoài qua một con hẻm.

Các lực lượng thuộc sắc tộc Sunni lẫn Shiite cùng lúc gia tăng tấn công quân đội đồng minh, mở đầu cuộc chiến tranh Iraq. CPA vẫn tiếp tục triển khai những kế hoạch và chương trình hành động đã định trước, trong đó có mục tiêu giao lại quyền lực kiểm soát Iraq cho một tân chính phủ trung ương.

Song đến tháng 5, tất cả nhân viên dân sự của CPA đóng tại Kut bắt đầu rời bỏ thành phố và chỉ trong vòng hai tháng, toàn bộ hạ tầng cơ sở của CPA ở Kut được giao cho chính quyền trung ương ở Baghdad.

Trong một thời gian ngắn, việc chuyển giao này làm dịu tình hình ở Kut, Khulood tiếp tục các chương trình nhằm bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Mùa thu năm đó, cô thành lập một tổ chức phi chính phủ mang tên AlBatul (Thất Nữ) với ý định “để phụ nữ Kitô và phụ nữ Hồi giáo có thể cùng nhau hợp tác trong những chương trình có lợi cho cả hai cộng đồng, chủ yếu khuyến khích phụ nữ tranh đấu cho chính quyền lợi của họ”.

Nhưng trong xứ Iraq - nơi mà các quan hệ giáo phái ngày càng được củng cố, những thành viên cộng đồng Kitô giáo bị xem như những kẻ “bội phản” và bị đe dọa thường trực. Những người Kitô bắt đầu tìm cách rời bỏ Iraq.

Nguồn tài trợ chính của các tổ chức phi chính phủ như AlBatul đến từ phía chính quyền đồng minh, tức của những người đang “xâm lăng Iraq”, nên rất nhiều người Iraq cho rằng những tổ chức như thế là một hình thức trá hình để che đậy các hoạt động có lợi cho địch (bên đồng minh, chủ yếu cho Mỹ). Khulood bắt đầu nhận liên tục thư hăm dọa nặc danh chống lại việc cô “làm tay sai cho Mỹ”.

Tháng 10-2004, trụ sở của AlBatul ở Kut bị bọn khủng bố nổ súng tấn công. Khulood vẫn không nao núng, cô thuê trụ sở thứ hai nhưng cũng bị đánh phá.

Tháng 1-2005, khi đang tham dự hội thảo về nhân quyền ở Amman - thủ đô của Jordan, Khulood nhận được một cảnh báo: nếu tiếp tục hoạt động ở Kut, cô sẽ bị ám sát. Khulood bắt buộc phải ở lại Jordan ba tháng, tận tháng 4-2005, trong tình hình chiến sự ở Iraq trở thành một cuộc chiến tranh giáo phái và sắc tộc, Khulood tìm được cách trở về Kut - một quyết định liều lĩnh.

Nhưng tôi không thể khước từ giấc mơ tôi đã dành cho Iraq” - cô khẳng định. Trở về Kut, Khulood đến cảnh sát địa phương tố cáo việc trụ sở thứ hai của AlBatul bị đánh phá và cướp bóc, nhưng ở đồn cảnh sát cô bị ngược đãi. “Sau cùng, tôi nhận thức được rằng ở Iraq tôi không có bất cứ khả năng nào để làm những điều tôi mơ ước. Nếu tiếp tục “cứng đầu”, chắc chắn họ sẽ giết tôi” - cô nói.

Lính Mỹ ở Iraq (2003)
Lính Mỹ ở Iraq (2003)

 

cuộc đời Tị nạn

Khulood cùng với chị cả trốn sang Amman. Vài tháng sau đó, đến lượt ông bố và người chị kế. Ba người anh em trai quyết định ở lại Iraq cùng mẹ. Chiến sự ở Iraq ngày một tệ, chính quyền lùng bắt thanh niên để đi lính, Khulood rất lo cho mấy người anh em trai, nhất là em út Wisam.

Cô cố gắng giải thích cho Wisam tình hình tồi tệ ở Iraq, nhưng cậu thương mẹ nên từ chối rời Iraq. Một buổi chiều tháng 9, Wisam đang cùng một người bạn đi trên phố ở Kut thì bị bắn chết.

Trong thời gian ở Amman, Khulood làm việc cho một cơ quan phi chính phủ. Một đại gia người Jordan rất có quyền thế và tiền bạc đề nghị cô giúp hắn hối lộ các quan chức Jordan, nhưng Khulood từ chối.

Thế là chỉ trong thời gian ngắn, Khulood nhận được lệnh của Chính phủ Jordan mời cô ra khỏi nước này. Thừa biết nếu quay về Iraq thì coi như đi vào chỗ chết, Khulood đệ đơn tị nạn chính trị lên Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc với hi vọng đi sang được một quốc gia khác. Trước tình hình nghiêm trọng của Khulood, Cao ủy tị nạn đã ghi tên cô vào danh sách những người bị đe dọa và trong trường hợp này, Mỹ sẽ phải chấp nhận đơn xin tị nạn của cô.

Tháng 7-2008, Khulood tới được San Francisco. Cô nhớ lại: “Tôi hoàn toàn tự do, muốn đi đâu thì đi, không phải lo ngại gì cả. Nhiều hôm, tôi ngồi trên xe buýt hay xe điện ngầm lang thang khắp nơi hàng giờ, điều mà trước đây tôi không thể tưởng tượng ra được”.

Khulood bắt đầu làm đơn để hai người chị và bố có thể đến Mỹ đoàn tụ gia đình. Sau ba tháng, Chính phủ Mỹ chấp nhận đơn cho hai người chị, nhưng bác đơn của ông bố. Khulood đệ đơn lần thứ hai nhưng vẫn bị khước từ.

Bảy tháng sau khi Khulood đặt chân đến Mỹ, hồ sơ xin đoàn tụ cho bố vẫn không nhúc nhích. Không đủ sức kiên trì, cô có một quyết định nguy hiểm làm thay đổi cả cuộc đời: trở về Jordan tìm cách đưa bố ra đi.

Trở lại Amman, Khulood tìm đủ mọi cách xin giấy tờ tị nạn cho bố, cô gửi đơn đến cả một số quốc gia châu Âu nhưng không quốc gia nào chấp nhận.

Điều tệ hại hơn xảy ra: khi trở lại Jordan, Khulood lại mất quyền tị nạn ở Mỹ (theo luật nhập cư Mỹ, những người tị nạn trong khi chờ đợi “thẻ xanh” không thể rời bỏ nước Mỹ hơn sáu tháng, mà thời gian “chạy” hồ sơ cho bố đã khiến cô ở lại Jordan hơn sáu tháng).

Kết quả là cả ba chị em và ông bố đều trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan: họ không thể quay về Iraq, nhưng chẳng đi sang được bất cứ nước nào, trong khi Jordan chỉ muốn tống cổ Khulood ra khỏi xứ họ.

Cô bắt đầu lo lắng và dao động tinh thần. “Chúng tôi đều được ăn học đàng hoàng, muốn có một nghề nghiệp chuyên môn và tự lập. Nhưng ở Jordan chúng tôi không có quyền đi làm chính thức, chúng tôi cũng không thể ra đi. Ngày qua ngày, tất cả đều đã hơn 30 tuổi nhưng không ai có điều kiện để lập gia đình - Khulood tâm sự -

Tôi không muốn than vãn khóc lóc để tìm sự thương hại của kẻ khác, càng không muốn đổ tội lên đầu kẻ khác. Nhưng tất cả đều bắt đầu bằng sự can thiệp quân sự của Mỹ. Nếu không có sự can thiệp đó, cuộc đời của chúng tôi không bị đảo lộn như hiện nay”.

“Họa vô đơn chí”, mùa thu năm 2014 tổ chức phi chính phủ KNK của Nhật hoạt động ở Jordan có vấn đề, vì Chính phủ Jordan muốn tất cả nhân viên của KNK phải có hợp đồng lao động chính thức, điều mà chị em Khulood không thể có. Thế là một sáng một chiều cả ba chị em đều mất việc.

Thuyền nhân

Sau mấy năm trời các đơn xin tị nạn cho mình và gia đình đều bị bác bỏ, ở lại Jordan không có tương lai, về lại Iraq thì tính mạng bị đe dọa, cuối năm 2015 Khulood hoàn toàn tuyệt vọng và liều lĩnh tính đến “lá bài cuối cùng”: vượt biển Địa Trung Hải nhập cư lậu vào châu Âu.

Ở thời điểm đó, mỗi ngày có hàng ngàn người chạy loạn từ những vùng có chiến sự hay xung đột ở Trung Đông tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ hay Libya, từ đó có những “tuyến đường” của các băng đảng xã hội đen chuyên tổ chức những cuộc vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư lậu vào châu Âu qua các đảo cực nam của Ý hay Hi Lạp.

Sức khỏe xấu của ông bố khiến chuyện đưa ông vượt biển bất khả thi. Họ quyết định: Sahar (cô chị thứ) ở lại Jordan với ông, còn Khulood và Teamim (chị cả) sẽ tìm đường vượt biển nhập cư lậu vào châu Âu.

Ngày 4-12, hai chị em Khulood bay từ Amman đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), từ đó hai người sẽ đi theo lộ trình của những người chạy loạn đến tận bờ biển Smirne của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi đã đồng ý với băng đảng tổ chức vượt biển với giá 2.000 euro/người, hai chị em chờ lệnh xuất phát.

Đêm 11-12, họ nhận được lệnh vượt biển. Trong khoảng một tiếng rưỡi, một xe tải chở hai chị em đến tận bờ biển. Trong bóng tối mù mịt, họ lần mò lội nước để đến chiếc canô có sức chứa 8-19 người đang nhồi khoảng 30 người.

Cuộc hành trình dài ba tiếng đồng hồ trực chỉ đảo Samos của Hi Lạp với hai lần máy canô bị tắt vì bị sóng mạnh. Gần đến đích trong đêm tối, chiếc canô va vào đá ngầm và bị xé toạc, lập tức chìm xuống. May mắn là đa số ai cũng có áo phao nên bơi được đến bờ.

Hai tuần kế tiếp, họ phải liên tục xê dịch trong tình trạng đầu óc luôn căng thẳng. Sau khi khai báo với nhà chức trách địa phương của đảo Samos, họ được giấy phép đến Athens, thủ đô của Hi Lạp, ở đó hai chị em tạm trú ở nhà một người bạn.

Ngày 22-12, sau một hành trình dài và cực nhọc, có khi phải cuốc bộ, họ băng qua biên giới của năm quốc gia châu Âu và sau cùng đặt chân đến vùng miền nam nước Đức và bị bắt giam về tội nhập cư bất hợp pháp, bị đẩy trở về nước Áo, được đưa đến trại tập trung người tị nạn Klagenfurt và bị giam cứng trong trại khi mùa đông vừa đến, tuyết bắt đầu rơi.

Khulood gửi tin nhắn SOS lên Facebook. Một nhóm nhà hoạt động quốc tế nhận được tin nhắn và huy động trợ giúp trong khu vực Klagenfurt. Sau cùng, một đại biểu Quốc hội Áo thuộc đảng “môi trường cây xanh” đã đứng ra cứu giúp hai chị em: ông đưa họ khỏi trại tị nạn, sau đó liên lạc với một gia đình Áo, nơi người ta sẵn sàng cho hai chị em tạm trú.

Hôm sau, đúng ngày Giáng sinh, Khulood gửi email cho một cô bạn bên Anh: “Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi cảm thấy thoải mái và an toàn. Gia đình người Áo rất tử tế, họ dành cho hai chị em tôi cả một cái phòng ngủ. Trong nhà có một con chó rất dễ thương và tôi rất mến nó”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận