Một kỳ EURO “đa sắc”

H. MINH 16/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Euro 2020 sẽ là góc nhìn thú vị về thái độ của từng quốc gia với vấn đề chủng tộc trên khắp lục địa già.

Tuần trước, sau hơn một năm chơi trong những sân bóng không người, đội tuyển Anh cuối cùng cũng bước ra sân Riverside ở Middlesbrough để thi đấu với một đám đông khán giả nhỏ bé, vẫn phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. 

Đó là một trận giao hữu khởi động cho Euro 2020 tương đối lặng lẽ: Anh thắng Áo 1-0. 

Các cầu thủ Anh quỳ gối trước trận giao hữu Anh - Áo. Ảnh: cnn.com

 

Điều còn đọng lại trong tâm trí không phải là kết quả trận đấu, mà là khi các cầu thủ Anh - một đội hình hết sức đa dạng với 5/11 người đá chính là cầu thủ da màu - quỳ gối trước giờ khai cuộc, một trận chiến nho nhỏ đã diễn ra trên khán đài. 

Đã trở thành quen thuộc, khi các VĐV thể thao quỳ gối - hành động bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, trên khán đài sẽ đồng thời vang lên những tiếng huýt sáo la ó và vỗ tay khen ngợi. 

Nhắc lại, vào tháng 5-2020, đáp lại vụ sát hại George Floyd và cuộc vận động bắt đầu ở Mỹ rồi lan khắp toàn cầu Black Lives Matter, các cầu thủ Premier League đã nhất trí cùng nhau quỳ gối trước các trận đấu, và trừ vài ngoại lệ, họ đã làm thế cho tới nay. 

Nhiều tranh cãi đã nổ ra, như khi các CĐV Burnley thuê máy bay bay ngang sân bóng của họ trước một trận đấu, mang theo tấm băngrôn với dòng chữ “White Lives Matter”.

Trong bối cảnh đó, 24 đội hình ở Euro 2020 sẽ là bức tranh lý thú về sự đa dạng và nhân khẩu học của châu Âu ngày nay.

Các cựu cường quốc thuộc địa

Anh là 1 trong 5 nước (4 nước kia là Pháp, Bồ Đào Nha, Bỉ và Hà Lan) có đội hình rất đa dạng. Câu đố đường lên đỉnh Olympia là có điều gì giống nhau giữa họ. Trả lời: đó đều là những cường quốc thuộc địa cũ. 

Dẫu vậy, Pháp và Bồ Đào Nha có những tuyển thủ da đen đầu tiên từ tận những năm 1930, Hà Lan là năm 1960, trong khi mãi tới năm 1978, tuyển Anh mới có người da đen đầu tiên: Viv Anderson. Tới Euro 2020 này, từ 1/3 tới một nửa đội hình những nước đó là các cầu thủ da màu.

Dễ hiểu là ở những quốc gia như vậy, màu da và thành tích của đội tuyển quốc gia ở các giải lớn đã nhiều lần trở thành lý lẽ cho cuộc tranh cãi ủng hộ và chống nhập cư, quyền dân sự và bình đẳng sắc tộc. 

Chức vô địch của tuyển Pháp ở hai kỳ World Cup 1998 và 2018 được tuyên xưng là chiến thắng của một nền cộng hòa đa sắc tộc. Nhưng đồng thời, thất bại bẽ bàng ở World Cup 2010 bị coi là bởi xung đột nội bộ do khác biệt văn hóa và màu da.

Với Bỉ, một đội tuyển đa sắc tộc chơi thứ bóng đá hấp dẫn giúp phá vỡ thế bế tắc của tình trạng đối đầu kinh niên giữa hai vùng bản sắc Walloon và Flemish kéo dài bấy lâu nay. 

Nhưng các CĐV bóng đá nổi tiếng là mắc chứng đãng trí kinh niên. “Khi thắng”, tiền đạo tuyển thủ quốc gia Romelu Lukaku viết vào năm 2018, “họ gọi tôi là Romelu Lukaku, ngôi sao tuyển Bỉ. Nhưng khi thua, họ gọi tôi là Romelu Lukaku, tiền đạo Bỉ gốc Congo”.

Đội tuyển Pháp vô địch World Cup 2018. Ảnh: telegraph.co.uk

 

Hình ảnh một châu Âu mới?

Nhóm đa dạng sắc tộc thứ hai trong các đội châu Âu ngoài 5 cựu siêu cường thuộc địa là Scandanavia và vùng châu Âu nói tiếng Đức. 

Một chút lịch sử: Đức bị tước hết thuộc địa ở châu Phi sau hòa ước Versailles 1919, Thụy Sĩ, Áo, và các nước Bắc Âu chưa bao giờ có thuộc địa. Nhưng những nước này trở nên đa dạng vì họ phản ánh một thời đại mới của nền kinh tế và tình trạng di cư toàn cầu. 

Họ cũng khá thành công trong việc hòa nhập những cư dân mới. Đức chẳng hạn, có nhiều cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ xuất thân từ các gia đình thuộc chương trình xuất khẩu lao động Gastarbeiter những năm 1960 và 1970, những người tị nạn châu Phi mới tới gần đây, và nhiều người nữa rời bỏ Nam Tư vì nội chiến những năm 1990. 

Thụy Sĩ, dân số chỉ 8,5 triệu người, có các tuyển thủ gốc Kosovo, Croatia, Bosnia, Albania, Cameroon, Chile, Congo và Sudan.

Ở Đức và Thụy Điển, CLB bóng đá và hội CĐV cũng là những tổ chức rất tích cực trong việc giúp người di cư hòa nhập. Ở Thụy Điển, đó còn là một quốc sách. 

Đội tuyển nước này có cầu thủ da màu đầu tiên, Thomas Dahlin, mới vào năm 1988, trong khi ngôi sao lớn nhất của họ, Zlatan Ibrahimovic, là người gốc Bosnia. Lần này, họ có trong đội hình những cầu thủ gốc Macedonia, Congo, Haiti, Ghana và Kenya.

Trong khi đó, Tây Ban Nha và Ý có gam màu rất nhợt nhạt. Dù Tây Ban Nha có các tuyển thủ da đen, sự cân bằng giữa dân xứ Basque, Catalan, và dân Tây Ban Nha (Madrid) mới là điều tối quan trọng. 

Ý thì gồm toàn da trắng, trừ hậu vệ Brazil nhập tịch Emerson Palmieri. Cả Tây Ban Nha lẫn Ý, từng là những đế quốc thực dân, không đón nhận một cộng đồng nhập cư lớn. 

Người di cư tới hai nước này thật ra chỉ nhiều lên rất gần đây. Người Brazil gốc Ý hay Tây Ban Nha dễ dàng hòa nhập, như Thiago Alcântara của Tây Ban Nha hay Jorginho của Ý - nhưng cầu thủ da màu từ những cộng đồng nhập cư mới vẫn rất hiếm thấy, nhất là khi văn hóa bóng đá nói chung ở các quốc gia này còn hằn dấu phân biệt chủng tộc sâu đậm. 

Khi Mario Balotelli, ngôi sao da đen đầu tiên của bóng đá Ý, chơi cho đội tuyển quốc gia, trên khán đài sẽ nghe các CĐV đồng thanh hát vang “Làm gì có người Ý da đen”.

Dù kết quả trên sân có thế nào, Euro 2020 vẫn sẽ cho thấy một lục địa đang bước vào thời kỳ chuyển giao nhân khẩu học. 

Làn sóng nhập cư mới từ châu Phi và Caribe đang thay đổi mạnh mẽ hơn bao giờ hết tầng lớp lao động trẻ - cũng là thành phần xã hội chính để săn tìm các tài năng bóng đá.

Đã có ít nhiều tiến bộ. Một thế hệ cầu thủ mới đã tự tin và quyết đoán hơn những người đi trước trong việc lên tiếng về phân biệt chủng tộc. Nhưng tiếc là chưa thể nói như thế về mọi HLV, chủ tịch CLB, hay cơ quan điều hành bóng đá ở châu Âu. ■

Bóng đá thời đại cơ bắp

3 năm trước, Leon Goretzka nằm trong danh sách những “trai đẹp” của tuyển Đức tham dự World Cup 2018 với ngoại hình thư sinh, chải chuốt, nhưng rồi một giải đấu thảm hại có lẽ đã khiến anh thay đổi suy nghĩ.

Goretzka trước và sau World Cup 2018. Ảnh: Twitter

 

Khoảng một năm qua, Goretzka trở thành chủ đề bàn tán trong các… phòng tập gym, chủ yếu vì ngoại hình khác hẳn của anh. 

Với chiều cao 1,89m, Goretzka nằm trong nhóm những tiền vệ cao nhất thế giới. Nhưng khi dự World Cup 2018, anh chỉ nặng 75kg, tức có BMI của… người mẫu thời trang. 

Rất nhiều cầu thủ Đức thế hệ 9X có ngoại hình tương tự. Kai Havertz (cao 1,89m), Julian Draxler (1,85m), Julian Brandt (1,83m), Timo Werner (1,81m), Sebastian Rudy (1,80m)… đều cao gầy, mảnh khảnh, thư sinh và khá chải chuốt, đối lập với hình ảnh định kiến lâu nay về cầu thủ Đức là to khỏe, đậm người và dữ tợn (kiểu Bastian Schweinsteiger).

Thắng thì không nói làm gì, đến lúc thua, cả chuyện… đẹp trai cũng bị lôi ra chỉ trích. Người ta bảo, xe tăng Đức giờ đã thành xe BMW năm chỗ, hào nhoáng nhưng thiếu sức chiến đấu. 

Một số cầu thủ bắt đầu thay đổi, mà Goretzka là điển hình. Trong 2 năm, anh đã tăng từ 75kg lên 82kg, toàn bộ đều vào cơ bắp. Hình ảnh “trước và sau” của Goretzka một năm qua gây sốt thực sự. 

Thay cho anh chàng thư sinh ngày nào giờ là một gã đô con với thân hình to dày, bắp tay to như bắp chân. Goretzka cho biết anh đã tận dụng khoảng thời gian giãn cách xã hội trong đại dịch để tập thể hình.

Một số cầu thủ Đức khác cũng học theo, chủ yếu cũng là những người của Bayern Munich. Serge Gnabry - ngôi sao số 1 tuyển Đức lúc này - đã tăng từ 73kg lên 77kg và trở thành một trong những cỗ máy càn lướt khỏe nhất thế giới. 

Leroy Sane - đối tác ở cánh đối diện của Gnabry thì tăng từ 75kg lên 80kg sau khi chuyển sang Bayern từ Manchester City. 3 “lực sĩ” này sẽ là trụ cột của tuyển Đức ở VCK Euro 2020.

Nói đến cơ bắp trong làng cầu thủ chuyên nghiệp thì không thể không nhắc tiền vệ tuyển thủ Tây Ban Nha Adama Traore. 

Được lò đào tạo trứ danh La Masia tuyển mộ khi mới 8 tuổi, giống như nhiều cầu thủ trưởng thành từ Barcelona, Traore nhỏ con hơn so với đồng nghiệp cùng lứa. Nhưng từ khi anh rời Barca năm 19 tuổi chuyển sang Anh thì thể hình của Traore đã thay đổi hẳn.

Ở Wolverhampton chỉ sau vài năm, Traore từ một cậu bé mảnh khảnh giờ nhìn chẳng khác gì một VĐV thể hình thực thụ, với cơ bắp cuồn cuộn và lối chơi đậm chất “xe ủi”. 

Tiền vệ chạy cánh này hiện nổi tiếng là cầu thủ khó kèm nhất ở Premier League khi anh kết hợp được cả tốc độ lẫn sức mạnh rất đáng gờm. 

Kỳ Euro sắp tới, Traore được kỳ vọng là lá bài tẩy mang tính đột phá ở tuyển Tây Ban Nha vì lối chơi hoàn toàn khác biệt so với phong cách chung của đội bóng vốn chuyên “thêu hoa dệt gấm” này.

HUY ĐĂNG

Những “hổ tử” dự Euro

Thuram của tuyển Pháp, Larsson của Thụy Điển, Schmeichel của Đan Mạch, hay Chiesa của Ý. Mùa hè này, người hâm mộ bóng đá sẽ lại nhìn thấy những cái tên lừng lẫy một thời đó trên màu áo quen thuộc đã làm nên tên tuổi họ, khi con trai những cựu danh thủ ngày nào sẽ góp mặt ở Euro 2020.

Kasper (trái) và Peter Schmeichel.-Ảnh: scandinaviantraveler.com

 

Ở tuyển Pháp, Marcus Thuram, tiền đạo 23 tuổi, là truyền nhân của hậu vệ huyền thoại Lilian Thuram - nhà vô địch thế giới năm 1998 và là người giữ kỷ lục ra sân nhiều trận nhất cho đội bóng áo lam (142 trận). 

Tuy nhiên, cũng đã có điều tiếng về việc HLV tuyển Pháp Didier Deschamps vì “tình riêng” với người bạn và đồng đội cũ mà ưu ái Marcus, nhất là khi một số chân sút tên tuổi hơn đã bị HLV đương kim vô địch thế giới gạt ra, bao gồm Anthony Martial, Nabik Fekir, Tanguy Ndombele…

Không giống trường hợp Marcus Thuram, việc HLV Janne Andersson triệu tập Jordan Larsson vào đội tuyển Thụy Điển ít gây tranh cãi “con ông cháu cha” hơn. 

Chân sút 23 tuổi này thừa hưởng những phẩm chất từng giúp người cha nổi tiếng của anh, Henrik Larsson, trở thành một huyền thoại của bóng đá Thụy Điển - ghi 37 bàn trong 106 lần khoác áo. Jordan khá may mắn khi được cha dìu dắt trực tiếp trong giai đoạn đầu sự nghiệp.

Năm 2013, Henrik và Jordan tạo nên một sự kiện đặc biệt khi cả hai cùng ra sân trong một trận đấu của CLB Hogaborg. 

Lúc đó Henrik đã 42 tuổi, còn Jordan mới 16. 2 năm sau, Henrik chuyển sang làm HLV và đã dẫn dắt con trai mình ở CLB Helsingborg. Jordan, hiện đang chơi cho Spartak Moscow ở Nga, cũng chỉ là phương án thay thế của ông Andersson: anh được gọi lên thay chân sút chủ lực Zlatan Ibrahimovic dính chấn thương ngay trước thềm giải đấu.

Trong số các tuyển thủ “thứ nhất hậu duệ” ở Euro lần này, người duy nhất đang có triển vọng làm chuyện “con hơn cha là nhà có phúc” có lẽ là Federico Chiesa. 

Thật ra, ở tuổi 23, Chiesa đã chính thức vượt qua người cha Enrico về số lần khoác áo tuyển quốc gia hồi đầu năm nay, 25 trận so với 22.

Trong khi đó, cậu “con người nổi tiếng” thành công nhất hiện là Kasper Schmeichel. Cũng chơi thủ môn như cha mình Peter, tuyển thủ Đan Mạch đã chơi rất hay và gặt hái thành tích ấn tượng trong màu áo CLB Leicester City. 

Dù vậy, ở tuổi 34, Kasper có lẽ sẽ không bao giờ vượt qua được cái bóng của tượng đài Schmeichel bố, người từng giành đủ bộ sưu tập danh hiệu trong màu áo Manchester United và vô địch Euro 1992 với đội tuyển Đan Mạch. 

H.ĐĂNG

Một kỳ Euro hành xác

Euro 2020 là lần đầu tiên giải đấu này được tổ chức ở nhiều hơn 2 quốc gia. Ngoài không khí nhộn nhịp được ngóng chờ, việc các trận đấu diễn ra ở 11 nước khác nhau cũng nêu ra thách thức không nhỏ cho các cầu thủ bởi những chuyến bay dày đặc đầy mệt mỏi.

Bản đồ 11 sân bóng rải khắp 11 quốc gia đăng cai Euro 2020. Ảnh: UEFA

 

Mệt mỏi do di chuyển nhiều hay rối loạn do lệch múi giờ là những vấn đề sức khỏe rất được quan tâm trong thể thao chuyên nghiệp, khi các VĐV thường phải di chuyển liên tục tới các địa điểm thi đấu khác nhau. 

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra một số nguyên tắc để đảm bảo thể lực và phong độ khi vận động viên phải di chuyển bằng máy bay, như chuyến bay phải diễn ra tối thiểu 2 đêm trước trận đấu, vào ban ngày thay vì ban đêm; cũng như nhiều lời khuyên khoa học về việc bố trí lịch ăn uống, sinh hoạt, tập luyện để hạn chế tác động do lệch múi giờ…

Euro kỳ này sẽ là một thách thức chưa từng có với những yêu cầu đấy. 6 bảng đấu sẽ diễn ra ở 11 thành phố/quốc gia đăng cai, trung bình mỗi bảng được đăng cai bởi 2 quốc gia. 

Các nước chủ nhà sẽ hưởng lợi lớn nhờ được chơi tối thiểu 2/3 trận vòng bảng trên sân nhà, bao gồm Ý (bảng A), Đan Mạch và Nga (B), Hà Lan (C), Anh (D), Tây Ban Nha (E), Đức và Hungary (F).

Các đội khác sẽ phải trải qua tình cảnh hôm nay đá nơi này, 3 ngày sau lại đến nơi khác, có khi cách đó hàng nghìn cây số. 

Ví dụ ở bảng A, Thụy Sĩ sẽ đá trận đầu tiên với xứ Wales ở Baku (Azerbaijan). 4 ngày sau, họ bay đến Rome gặp Ý, rồi quay lại Baku để gặp Thổ Nhĩ Kỳ 4 ngày sau nữa. 

Khoảng cách Baku - Rome là 4.500km, đồng nghĩa trong 8 ngày, các cầu thủ Thụy Sĩ sẽ phải bay qua bay lại 9.000km. Tính cả thời gian chờ đợi, họ coi như mất đứt một ngày ở sân bay và trên máy bay.

Ban tổ chức giải dường như lại muốn “tăng độ khó cho game” khi cố tình sắp sân đấu ở vòng trong xen kẽ nhau. 

Các đội thuộc bảng A - đá ở Rome và Baku - sẽ phải bay đến London hoặc Amsterdam để đá vòng 16 đội. 

Tương tự, các đội đi tiếp tại bảng B ở Copenhagen và Petersburg sẽ phải đến Sevilla/Amsterdam… Những nơi đã tổ chức vòng 16 đội cũng sẽ không tổ chức tứ kết, tức lại phải di chuyển tiếp.

Tính sơ sơ, nếu lọt vào đến bán kết, Thụy Sĩ sẽ phải trải qua 5 chặng bay với tổng hành trình là gần 22.000km trong chỉ 3 tuần lễ, một thử thách chưa từng thấy, ngay cả với bóng đá đỉnh cao.

ĐĂNG HUY

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận