Nga, Olympic và những ký ức chiến tranh lạnh

HẢI MINH 12/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Chiến tranh lạnh tưởng như đã kết thúc vào năm 1989, nhưng 27 năm sau, cùng với một kỳ Olympic, những người hâm mộ thể thao lại thấy như thể họ đang xem một cuốn phim tài liệu của thời kỳ 1980-1984.

Darya Klishina là một trong hai VĐV điền kinh Nga vẫn được thi đấu ở Olympic Rio nhưng dưới màu cờ trung lập -pinterest.com
Darya Klishina là một trong hai VĐV điền kinh Nga vẫn được thi đấu ở Olympic Rio nhưng dưới màu cờ trung lập -pinterest.com

Nga giờ không còn là một trong hai siêu cường của thế giới như thời Chiến tranh lạnh nữa.

Phương Tây đang gia tăng áp lực về mọi mặt: kinh tế, chính trị, quân sự và cả thể thao với Tổng thống Vladimir Putin cùng đất nước của ông. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ngày 24-7 đã tuyên bố sẽ không cấm toàn bộ đoàn thể thao Nga tham dự Olympic Rio 2016, nhưng trước đó lệnh cấm các VĐV điền kinh Nga ở Brazil đã được Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) giữ nguyên.

Trên nguyên tắc, vụ việc hoàn toàn mang tính kỹ thuật và thể thao, sau những cuộc điều tra độc lập của Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) và một cuộc điều tra khác của luật sư người Canada Richard McLaren cho Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA).

Tuy nhiên trên thực tế, việc 68 VĐV điền kinh Nga bị cấm tới Brazil thi đấu không khỏi gợi lại những ký ức buồn của các kỳ Thế vận hội Matxcơva 1980 và Los Angeles 1984. Lý do cho những cuộc tẩy chay các đại hội thể thao đó của hai phe hoàn toàn mang tính chính trị.

Đầu tiên, Mỹ cầm đầu phương Tây không dự Olympic Matxcơva sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979. Liên Xô trả đũa bốn năm sau đó khi không tới Los Angeles.

Các bản báo cáo đều nói Nga đã gian lận trong vấn đề dùng chất cấm một cách có hệ thống. Theo báo cáo McLaren, một tài liệu dài 97 trang được thực hiện sau hơn hai tháng điều nghiên, quy mô chương trình doping của Nga là rất lớn và các thủ thuật là rất tinh vi.

Chẳng hạn, các HLV thể thao đỉnh cao của Nga đều biết việc học trò họ sử dụng một loại “cocktail” các chất bị cấm có tên gọi mỹ miều “nữ công tước”, một hỗn hợp turinabol, oxandrolone và methasterone được trộn với rượu.

VĐV không uống mà chỉ súc miệng bằng hợp chất này rồi nhổ ra, nhờ thế cơ thể vẫn hấp thụ thuốc nhưng thời gian bị phát hiện dương tính giảm xuống chỉ còn 3-5 ngày sau.

Cũng theo báo cáo này, với các mẫu xét nghiệm doping mà Nga tự xử lý, họ sẽ giả mạo, đánh tráo hoặc hủy những mẫu dương tính. Còn ở các sự kiện quốc tế với các phòng thí nghiệm doping độc lập thì thủ thuật tinh vi hơn.

Chẳng hạn ở Olympic mùa đông Sochi tại Nga năm 2014, Nga tiến hành một chương trình mật danh “Blofeld” với sự tham gia của Cục An ninh liên bang (FSB, vốn là KGB). Theo đó, họ khoan lỗ sẵn trong tường phòng thí nghiệm và cử các nhân viên FSB đóng giả làm thợ sửa ống nước để vào tòa nhà, rồi đánh tráo mẫu thử của các VĐV qua những lỗ đó.

Tuy nhiên, tranh cãi nằm ở chỗ liệu việc một số VĐV Nga bị phát hiện vi phạm có thể là lý do để cấm cả một ngành thể thao (điền kinh), hay thậm chí là cả một đoàn thể thao.

Cùng với công nghệ hiện đại và khoa học thể thao tiến bộ chưa từng thấy, những thủ đoạn ăn gian cũng ngày càng trở nên khó phát hiện. Không phải ngẫu nhiên mà hai kỳ thế vận hội mùa hè gần nhất, London 2012 và Bắc Kinh 2008, cũng là những lần giải phát hiện nhiều vụ doping nhất trong lịch sử (47 vụ ở London và 79 vụ ở Bắc Kinh).

Ngay cả khi các cáo buộc, vốn còn nhiều tranh cãi, là chính xác, tình hình quan hệ căng thẳng Nga - phương Tây hiện giờ và cuộc tổng công kích của truyền thông tiếng Anh nhắm vào vụ việc cũng không khỏi khiến chính IOC, IAAF và WADA bị nghi ngờ.

Vụ việc cũng đã được khơi mào trên báo chí Mỹ. Ngày 8-5-2016, chương trình 60 phút của Đài CBS phát đi một cuộc nói chuyện qua băng ghi âm giữa cựu nhân viên Cơ quan Phòng chống doping Nga (RUSADA) Vitaly Stepanov và cựu giám đốc một phòng thí nghiệm doping của Nga ở Matxcơva là Grigory Rodchenkov.

Vài ngày sau, New York Times đăng một cuộc phỏng vấn khác với Rodchenkov. Tiếp đó là những cuộc điều tra, án phạt và lệnh cấm.

Góp phần phanh phui vụ việc có cả những VĐV Nga đang tìm cách định cư ở các nước phương Tây. “Người thổi còi” chính trong vụ việc là VĐV 29 tuổi nội dung chạy đường dài người Nga Yulia Stepanova.

Không có thành tích xuất sắc lắm, Stepanova từng bị nhà chức trách thể thao Nga cấm thi đấu vì dương tính với doping, và là nhân vật chính tiết lộ thông tin cho Đài truyền hình Đức ARD để câu chuyện bắt đầu vào năm 2015.

Stepanova rời Nga tháng 12-2014 và xin tị nạn chính trị ở Canada năm 2015. Chồng của Stepanova, Vitaly Stepanov, là cựu nhân viên RUSADA, đã sống và học ở Mỹ từ năm 15 tuổi trước khi trở về Nga. Stepanova, với “công trạng” khai báo, cũng là một trong hai VĐV người Nga sẽ thi đấu ở Olympic dưới lá cờ “trung lập” của IOC (người kia là nữ VĐV nhảy xa Darya Klishina, hiện cũng sống ở Mỹ).

Dẫu sự thật có thế nào, sự vắng mặt của các VĐV Nga ở Olympic vẫn là điều rất đáng tiếc. Dù thể thao Nga không còn là siêu cường như thời Liên Xô, họ vẫn giành 82 huy chương ở kỳ thế vận hội gần nhất (24 vàng, 26 bạc và 32 đồng). Đó là chưa kể những cảm xúc.

Thể thao luôn cần những sự đối đầu kình địch. Thời Chiến tranh lạnh, Olympic và các giải đấu đỉnh cao không chỉ là những cuộc tranh tài, đó còn là phương Tây đối đầu phương Đông, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, cái chung và cái riêng...

Từ phương diện giải trí, sự sụp đổ của bức màn sắt và Liên Xô đồng nghĩa với việc thế vận hội giờ kém hấp dẫn đi nhiều, “chẳng khác gì xem một bộ phim 007 mà mọi nhân vật đều là người tốt”, như bình luận của Matthew Futterman trên The Wall Street Journal.

Vắng các VĐV Nga, Rio 2016 có thể trở thành một màn độc diễn của đoàn Mỹ ở các nội dung then chốt. Tại kỳ Olympic gần nhất vắng bóng những người Nga ở Los Angeles 1984, Mỹ giành được 174 huy chương, một con số lố bịch (tiếp theo là Romania, 54).

Trung Quốc đang ngày càng trở thành kẻ thách thức hùng mạnh, nhưng những nội dung mà họ chiếm thế mạnh như bóng bàn lại không tạo ra cảm xúc tương tự. Về bản chất, thể thao cũng chính là chính trị. Đó là lý do mỗi quốc gia hay khu vực đều có những môn thể thao của họ.

Cricket đoàn kết cả khu vực Caribê, giống như bóng đá ở Nam Mỹ; bóng bàn là biểu tượng của Trung Quốc và cả sự hòa giải Mỹ - Trung; một trận bóng đá có thể khiến Honduras và El Salvador lao vào chiến tranh, và cũng một trận bóng đá khiến người Anh rời châu Âu trong tủi hổ.

Olympic thì lại càng như thế. Những VĐV da đen từ chối nhận huy chương. Những kỳ thế vận hội bị tẩy chay. Chủ nghĩa dân tộc luôn cao ngút mỗi lần VĐV lên bục nhận huy chương.

Olympic, từ lâu đã bị bao phủ bởi nhiều vấn đề, doping, cá độ, tham nhũng, bạo lực..., và luôn luôn đằng sau những vấn đề đó là các nhà nước. Thể thao hậu 11-9 không thể là ngoại lệ.

Với nhiều quốc gia đang nổi lên, thể thao trở thành một sự cứu vãn cho niềm tự hào dân tộc, như Nga, Trung Quốc, các nước vùng Vịnh...

“Một quốc gia kém dân chủ hơn đôi khi lại là nơi tổ chức World Cup tốt hơn” - tổng thư ký FIFA Jerome Valcke đã nói như thế về giải bóng đá vô địch thế giới, hay một tuyên bố còn trắng trợn hơn của ông chủ môn đua xe công thức 1 Bernie Ecclestone, người đã ca ngợi Hitler là “biết cách làm cho xong việc”.

Olympic Rio 2016, vì thế, đang trở thành kỳ thế vận hội đậm chất chính trị nhất trong một thế hệ, ở một quốc gia cũng đang có rất nhiều trục trặc vì virút Zika, vì bất ổn trên chính trường và đủ thứ khác nữa. Lẽ đó, những gì xảy ra với thể thao Nga không bao giờ chỉ là chuyện thể thao, đó sẽ luôn là một vấn đề chính trị.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận