Những nhà vô địch trí thức

HUY ĐĂNG 06/09/2016 21:09 GMT+7

TTCT - Những tấm huy chương danh giá, những khoản tiền thưởng khổng lồ không phải là tất cả với một số VĐV tham dự Olympic Rio 2016, bởi họ còn có những công việc vững chắc cho tương lai bên cạnh sự nghiệp thi đấu.

James McRae (bìa phải) và đội tuyển rowing có nhiều VĐV trí thức của Úc-Reuters
James McRae (bìa phải) và đội tuyển rowing có nhiều VĐV trí thức của Úc-Reuters


Trong thành phần đội tuyển chèo thuyền Úc tham dự Olympic 2016, James McRae là một cái tên nổi bật khi anh đang tham dự kỳ Olympic thứ 3 trong sự nghiệp và từng giành tấm HCĐ bốn năm trước trên đất Anh. Chàng trai cao to này còn từng là một thần tượng sinh viên ở Trường ĐH Adelaide danh giá của Úc - nơi anh tốt nghiệp ngành cơ khí.

Bác sĩ, kỹ sư dự Olympic

Không chỉ có McRae, môn chèo thuyền ở Olympic 2016 quy tụ một bộ phận đông đảo VĐV trí thức. Ông Peter Cookson, lãnh đội chèo thuyền của tuyển Canada, cho biết trọn vẹn 26/26 VĐV của đội đã và đang học ĐH, với nhiều người trong số họ đến từ những trường danh giá và phần lớn sau khi tốt nghiệp đều kiếm được một công việc ổn định trong cuộc sống bên cạnh sự nghiệp VĐV.

Có thể kể ra một số cái tên nổi bật ở tuyển chèo thuyền Canada như Jennifer Martins - nha sĩ, Cristy Nurse - luật sư hay Nicolas Pratt - kỹ sư cơ khí vừa lấy xong bằng thạc sĩ...

“Chèo thuyền không phải là bóng đá hay bóng rổ, những môn thể thao có thể biến VĐV thành triệu phú. Vì vậy các VĐV của chúng tôi cần có một công việc vững chắc hơn bên ngoài cuộc sống.

Tất nhiên nếu họ học để trở thành HLV cũng không tệ, sẽ rất tuyệt nếu có những HLV từng là siêu sao trong đội. Nhưng thật sự khó thuyết phục Jennifer làm HLV chèo thuyền khi cô ấy tốt nghiệp bác sĩ răng hàm mặt từ ĐH Western” - ông Cookson nói.

Trên bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới (ARWU), Western nằm trong nhóm 200 và đứng thứ 7 ở Canada. Trong khi đó, ĐH Queen mà Pratt - VĐV chèo thuyền bốn người - lấy bằng kỹ sư được xếp hạng 4 ở Canada và cũng nằm trong nhóm 200 thế giới.

Chèo thuyền là một môn thể thao rất được ưa chuộng tại các trường ĐH phương Tây. ĐH Adelaide của Úc, ngôi trường được xếp trong nhóm 100 trường hàng đầu thế giới, đóng góp tới ba thành viên cho đội tuyển chèo thuyền tham dự Olympic Rio 2016, ngoài McRae còn có Chris Morgan, lập trình viên. Còn trước đây là những tên tuổi như Marguerite Houston, Kate Slatter...

Điều đáng nói là không như nhiều nước, ở Mỹ không hề có chuyện các VĐV ngôi sao này được ưu ái nhận vào các ĐH danh giá nhờ thành tích thể thao nổi bật. Jennifer Martins hay Chris Morgan vốn chưa từng biết đến chèo thuyền trước khi vào ĐH. Mỹ cũng đặc biệt vì chính sách ưu ái của các ĐH, kể cả những trường danh tiếng nhất, cho những VĐV thành tích cao.

Ở Olympic Rio đang diễn ra, ĐH Stanford - một trong những trường danh giá nhất ở Mỹ và xếp hạng 3 thế giới trong bảng xếp hạng QS Ranking - là đơn vị đóng góp nhiều VĐV nhất cho cả đoàn Mỹ: 30 người.

Đáng nói hơn, họ không phải là duy nhất khi rất đông đảo VĐV Olympic Mỹ đều đồng thời là học viên của các trường tốp đầu. Hai trường ĐH California, Berkeley và ĐH Nam California lần lượt đóng góp thêm 15 và 14 nhà Olympic cho đoàn Mỹ. Trường Southern California chẳng hạn, thậm chí tự hào có tới 135 HCV Olympic trong lịch sử của họ!

Chơi chuyên nghiệp nhưng vẫn phải học

Nếu nhiều VĐV chèo thuyền Úc chỉ xem sự nghiệp thi đấu là thứ yếu so với việc học ở trường thì ở một số môn thể thao khác chuyên nghiệp hơn như bóng đá, học hành vẫn không thể bỏ.

HLV Alen Stajcic của đội bóng đá nữ Úc cho biết có hơn phân nửa trong số 18 cầu thủ mà ông mang đến Brazil đã và đang học ĐH. Stephanie Catley, ngôi sao 22 tuổi của hàng hậu vệ, mới lấy bằng tốt nghiệp ở ĐH Swinburne và sẵn sàng trở thành một cô giáo sinh học trong tương lai.

Nhưng công việc đó chưa bắt đầu với Catley, vì hiện tại cô cũng rất bận bịu với sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp tại CLB Orlando Pride. Có tài năng, đã 51 lần ra sân cho tuyển Úc và thi đấu chuyên nghiệp từ lúc 15 tuổi, Catley vẫn không thể bỏ qua việc học.

Cô cho biết: “Tôi đam mê bóng đá từ lúc 6 tuổi và luôn khát khao có một ngày nào đó sẽ được khoác áo tuyển quốc gia. Nhưng càng lớn dần, tôi phát hiện mình cũng có đam mê với sinh học và vật lý nữa.

Và tôi quyết tâm theo đuổi cả hai con đường: cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và một cô giáo dạy khoa học. Tất nhiên rất khó để sắp xếp thời gian giữa việc tập luyện và học, tôi đã phải đăng ký khóa học trực tuyến của ĐH Swinburne”.

Giống như Catley, nhiều thành viên trong tuyển bóng đá nữ Úc cũng theo đuổi những ngành nghề khác mà họ đam mê song hành cùng sự nghiệp chơi bóng. HLV Stajcic nói: “Không nhất thiết một cầu thủ bóng đá chỉ dành trọn đam mê cho quả bóng tròn.

Họ có thể vừa tập luyện vừa theo đuổi việc học ĐH, chuẩn bị cho tương lai với các ngành nghề khác. Chúng tôi luôn khuyến khích điều đó. Sự nghiệp của một VĐV thường chỉ kéo dài đến 30 tuổi và không phải ai cũng có thể trở thành HLV, họ cần một tương lai”.

Các cầu thủ của Úc cũng không bị ép khổ luyện, chỉ biết đến việc tập, tập và tập quanh quả bóng. Ông Stajcic cho biết trung bình mỗi ngày, các học trò của ông chỉ tập khoảng hai giờ ở các CLB chuyên nghiệp. Nhưng điều đáng nói là họ đã được tập luyện từ khi mới 6, 7 tuổi ở trường.

Sự phát triển của thể thao học đường đã tạo điều kiện cho những cô cậu học sinh nhỏ tuổi tiếp xúc với tiềm năng VĐV từ rất sớm. Và ngược lại khi đã thành VĐV chuyên nghiệp, họ vẫn không bỏ qua việc học hành.

“Tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì khi vừa đi đá bóng mỗi ngày vừa bỏ ra vài giờ để học cả. Tôi cảm thấy rất thoải mái với điều đó. Đôi lúc cũng kẹt thời gian khi tham gia các giải đấu lớn. Nhưng ở trường chúng tôi cũng có những chương trình học đặc biệt dành cho VĐV” - Catley nói.

Giống như Catley của Úc hay Jennifer của Canada, rất đông VĐV dự Olympic đến từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản... vẫn có thể theo đuổi việc học ĐH, bất chấp sự nghiệp thi đấu khá bận rộn. Với họ, Olympic là một sân chơi, có thể có rất nhiều vinh quang, hạnh phúc cùng sự tự hào, nhưng vẫn không thể thay thế cho mái trường.■

Chính sách vì tương lai VĐV

Ở Úc, công việc học hành của các VĐV được quan tâm nhiều chẳng kém quá trình tập luyện. Bộ Thể thao của Úc và các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia đều đặt ra những chương trình đặc biệt nhằm mục đích hỗ trợ việc học cho VĐV, điển hình như Personal Excellence (PE).

Mục đích của chương trình này là cung cấp những khóa học riêng dành cho VĐV ở nhiều ngành nghề khác nhau, định hướng họ trong việc xây dựng tương lai (đưa ra lời khuyên về việc có nên gắn bó lâu dài với nghiệp VĐV hay không và cần theo học những gì cho phù hợp...). Ngoài ra, PE còn hỗ trợ cả chuyện kiếm việc làm cho VĐV sau khi giải nghệ, hướng dẫn họ với những công ty, nhà tuyển dụng thích hợp.

Chris Fydler, nhà cựu vô địch bơi lội Olympic (giành HCV Olympic 2000 ở nội dung 400m tự do), cho biết nhờ sự hỗ trợ của PE mà ông đã lấy được tấm bằng luật ở ĐH Bond vào năm 25 tuổi, thời điểm vẫn còn đang ở đỉnh cao phong độ. “Tôi từng gặp khó khăn, không biết nên học như thế nào để không bị ảnh hưởng việc tập luyện. PE đã giúp tôi định hướng đúng đắn và quản lý thời gian của mình” - trang web của Hiệp hội Bơi lội Úc dẫn lời ông Fydler.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận