Núi bọc sông vây

PHÙNG HI 24/12/2015 18:12 GMT+7

TTCT - Dọc dài đất nước có nhiều vùng đất núi bọc sông vây, phải đứng trên đỉnh núi cao nhìn bao quát mới thấy hết cái đẹp.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Xã Sơn Giang của huyện Sông Hinh, Phú Yên là một nơi như thế. Nhớ về vùng đất một thời sốt rét cấp tính lấy đi nhiều mạng sống của người khẩn hoang cách đây tròn 40 năm, những tháng ngày cơm độn rau rừng của những gia đình từ Nha Trang đi kinh tế mới, không khỏi bùi ngùi.

Vùng đất phía đông chắn bởi hòn Ngang, phía tây chắn bởi núi Lá, phía nam được dòng sông Ba bồi đắp bao bọc, phía bắc là sông Nhau, nhánh rẽ của sông Hinh, ầm ào chảy.

Ngày trước có câu “cọp núi Lá cá sông Hinh”, đêm cọp xuống các lán trại người đi làm kinh tế mới ngồi thèm rỏ dãi thành vũng bên hè, ngày cá chép cá trắm to vài chục ký mọc lông đầy mình (do rong rêu bám) nhảy lên táp bóng người đi trên bờ sông. Vùng đất bị vây chặt bởi sông và núi, mỗi con đường độc đạo đi vào từ tỉnh lộ phía nam.

Gặp gỡ thế hệ thứ hai của gia đình đi kinh tế mới, nay trên dưới năm mươi tuổi, họ nói dù về đây đầu tiên nhưng giờ thua thiệt cánh dân tự nguyện đến sau, từ Cao Bằng, Lạng Sơn, xứ Thanh, xứ Nghệ… rất giỏi chăn nuôi và trồng trọt.

Mang danh đi làm kinh tế mới giờ thua về kinh tế! Hỏi vì sao, họ nói do dở làm nông nghiệp, với lại bao năm cứ mong ngóng ra đi, đi Mỹ theo diện HO, diện đoàn tụ, hay trốn về lại Nha Trang hành nghề sở trường buôn bán, làm thợ. Có lẽ nếu sắp thứ tự sai lầm chính sách, di dân kinh tế mới đứng thứ ba sau cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp.

Hiện số người đi kinh tế mới chỉ còn chừng 1/4 dân số ở đây nhưng nhìn cách sinh hoạt phóng khoáng, đàn địch hát ca của toàn dân Sơn Giang thấy vẫn có nét của người thành phố, nhất là tiếng nói, kể cả người dân tộc thiểu số cũng nói tiếng Nha Trang như dân Nha Trang. Tôi nói: “Vậy các anh thắng về văn hóa bù cho kinh tế rồi”.

Ngay từ những năm sau giải phóng, mỗi ngày đều có một chuyến xe đò chạy bằng than, dồng sốc, từ Sơn Giang vô Nha Trang chừng 150 cây số, và ngược lại.

Từ Nha Trang chở hàng tạp hóa ra Sơn Giang cho người buôn bán lẻ, từ Sơn Giang chở than củi về Nha Trang làm chất đốt cho những hàng quán bên đường. Nay mỗi ngày có chuyến xe Xuân Vũ chạy xăng bon bon trên đường nhựa nối giữ hồn người Sơn Giang với phố biển Nha Trang dấu yêu.

Trước năm 2000, tức hơn 20 năm sau khi lên đất này sinh sống, giáo dân kinh tế mới Sơn Giang hằng đêm tập trung tại nhà ông Tám Anh đọc kinh. Sau năm 2000, được chính quyền cấp đất, ông Trần Bá Khương đứng ra quyên góp dựng được nhà thờ Sơn Giang, trực thuộc giáo phận Quy Nhơn. Không ít khó khăn nhưng ông Khương đã làm được.

Giáo đường nhỏ nhoi giữa rừng núi như đóm lửa sưởi ấm lòng con chiên nơi đất mới. Mỗi ngày hồi chuông nhà thờ đổ sớm chiều cũng làm dịu nỗi bất an của ai đó. Giáo dân không nhiều nhưng có ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng lương dân Sơn Giang nên thấy cuộc sống êm đềm hơn nơi khác.

Bác Khương ấy nay tuổi bát tuần, người già nhất ở Sơn Giang, đọc báo Tuổi Trẻ mỗi ngày, báo đến nhà lúc 3g chiều. Bác kể có cô giáo được Tuổi Trẻ ưu ái tặng mỗi ngày một tờ, chị làm bưu điện thỉnh thoảng nhầm tờ bác đặt hằng quý với tờ đóng dấu “kính biếu” cô giáo. Bác vui tính nói: “Báo tôi mua sao ghi kính biếu được”.

Đất Sơn Giang trồng mía, sắn, bắp rất tốt. Nhưng vừa may cũng vừa rủi, lõm giữa Sơn Giang là cánh đồng lúa hai vụ mấy chục hecta, tự cấp lương thực nên bị gán cho cái tên hay ho là “xã đồng bằng của huyện miền núi” vì có ruộng.

Vậy là những ai làm hành chính dọc ngang chẳng được hưởng phụ cấp gì ráo. Chịu thiệt nhất là giáo viên. Giáo viên trụ lại lập nghiệp sớm có đất trồng trọt thu nhập thêm, giáo viên ở xa đến công tác mới thiệt thòi hơn.

Nhưng núi bọc sông vây kia chẳng dễ thoái lui, tính kế lâu dài thôi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận