Quyền được nhớ tới và lưu truyền 

DANH ĐỨC 16/05/2018 02:05 GMT+7

TTCT - Tại sao lại có những thành ngữ như “Paris đâu có được làm nên chỉ trong một đêm” nếu như không phải do di sản lịch sử, văn hóa “dày cui” của thành phố ấy. Singapore cũng thế, tuy tuổi đời vẫn còn “son trẻ”.

 

 

Tối 5-5, một lễ hội hoành tráng đã diễn ra nhằm tôn vinh nghệ thuật bài chòi, nhân dịp UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không phải lần đầu một di sản phi vật thể của một địa phương hay khu vực được UNESCO công nhận là di sản nhân loại và hẳn cũng không phải lần cuối.

Quyền được nhớ 

Công nhận để làm gì nếu như không phải để ghi nhớ dài lâu (bền vững) những hình thái văn hóa (thường là truyền khẩu) ấy, làm nền tảng cho các cố gắng lưu giữ, duy trì các hình thái và sinh hoạt văn hóa ấy (từ đó thu hút du lịch...) và để không bị mai một? Nghệ nhân hát ả đào Quách Thị Hồ (11-6-1909 - 4-1-2001) đã được UNESCO tôn vinh với những lời lẽ trang trọng: “Xin cảm ơn bà đã gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quý báu của Việt Nam, một vốn quý của nhân loại”.

Từ hơn chục năm qua, danh sách các hồ sơ xin UNESCO công nhận là di sản phi vật thể không phải là “mỏng”. Đến đây cần mở ngoặc: Xin công nhận di sản văn hóa phi vật thể “dễ” hơn và ít tốn kém hơn là các di sản văn hóa vật thể?

Câu chuyện về dinh Thượng Thơ của Sài Gòn xưa đang trong kế hoạch bị phá bỏ là một ví dụ điển hình. Mô tả của giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM) là một phản ánh đầy đủ: “Thực trạng của dinh Thượng Thơ hiện nay nếu đánh giá về giá trị của di tích thì công trình hiện hữu chưa thỏa đáng các yếu tố, cũng như chưa đảm bảo được các tiêu chí do bên trong đã xuống cấp. Nhiều yếu tố gốc đã thay đổi, muốn phục hồi rất phức tạp”. Phải chăng do “muốn phục hồi rất phức tạp” mà, cũng theo ông này, “lý do công trình dinh Thượng Thơ chưa đưa vào danh mục kiểm kê di tích vì theo Luật di sản văn hóa, để đưa một công trình vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa phải có đơn đồng ý của đơn vị chủ quản công trình đó” (báo Văn Hóa 7-5-2018).

Điều mà viên chức này nhấn mạnh, “nhiều yếu tố gốc đã thay đổi, muốn phục hồi rất phức tạp”, phải chăng đã khiến chính các đơn vị chủ quản là Sở TT&TT và Sở Công thương TP.HCM, các đơn vị chủ quản dinh Thượng Thơ tới nay không cảm thấy có nhu cầu công nhận là di tích? Thực tế mà nói, việc tu bổ, duy trì các di sản như thế này là còn hơn cả “phức tạp”, mà trụ sở UBND TP.HCM chính là một ví dụ điển hình: thậm chí những chi tiết nhỏ như sơn phết, chiếu sáng... cũng cần đến sự hợp tác của Chính phủ Pháp.

Rất là “phức tạp” khi không có những nguồn hợp tác quốc tế. Như có thể thấy trong trường hợp dinh Gia Long (cũ), nay là Bảo tàng TP.HCM: do cần tiền nên phải cho thuê đất mở quán thịt nướng ở cổng sau (ra đường Lê Thánh Tôn), mới đây cho xây luôn một quán cà phê dưới chân dãy cột hành lang phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sau khi đã biến sân dinh này thành bãi đậu xe bốn bánh ngay cạnh các vật trưng bày là máy bay F-5, trực thăng UH...

Trong cả hai trường hợp, một không phải là di sản (dinh Thượng Thơ), một đang là di sản (dinh Gia Long), sự đối xử với các vật thể đó rõ ràng là không xứng đáng.

Các cơ quan chủ quản dinh Thượng Thơ có thể đã không cho tòa nhà này là xứng tầm di sản. Nhưng nếu suy nghĩ như thế, bất cứ ai ở trong nước hay người nước ngoài đều có thể hỏi vặn tại sao lại công nhận hát ả đào hay bài chòi là di sản văn hóa nhân loại?

Đến đây, câu trả lời là: đó là nhân danh quyền được nhớ đến, là ký ức của một vùng miền. Một con người hay một thành phố, cũng thế, còn được nhớ tới, còn nhắc tới, còn tưởng niệm, còn tồn tại. Có một thực tế phát phiền là: việc im ắng không quảng bá “đây là dinh Thượng Thơ, 130 năm tuổi” cũng đã là xóa sổ cái dinh ấy trong ký ức của xã hội. Cũng thế, nhiều người giờ đứng trước tấm biển Bảo tàng Thành phố khó mà biết ngày trước có tên là dinh Gia Long, nơi đã chứng kiến biết bao biến cố lịch sử - “tài liệu vật chất” cho mọi nghiên cứu lịch sử?

Di sản là gì ?

Mỗi đất nước, mỗi thành phố, mỗi xóm làng, mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có lịch sử của mình. Trong lịch sử nói chung đó có lịch sử văn hóa. “Gieo trồng” (xây dựng) gì thì “gặt hái”, để lại cho hậu thế cái đó. Di sản văn hóa bao gồm những sản phẩm vật chất và phi vật thể có ý nghĩa nghệ thuật và/hoặc lịch sử thuộc về một cá nhân, công ty, hiệp hội... hoặc công cộng. Ngược lại, triệt hạ hay phá hủy gì cũng là không - để - lại cho hậu thế cái đó.

Ngày nay, hàng trăm ngàn người ngày ngày đi qua một vòng xoay và một cầu vượt có tên là “Lăng Cha Cả”. Cả khu vực rộng 2.000m2 từng là mộ phần của giám mục Bá Đa Lộc, người xưa gọi là “Cha Cả”, tên là Pierre Pigneaux, người soạn ra quyển từ điển Việt - Latin (Dictionarium Anamitico Latinum). Do được trọng vọng, coi như bậc công thần nên Nguyễn Ánh cho xây khu lăng mộ Bá Đa Lộc bề thế.

Dù ông này người Pháp nhưng kiến trúc mộ được xây lại theo kiểu truyền thống người Việt, kín như kiểu một cái đình với bình phong, nơi bái đường và hậu cung. Tổng thể Lăng Cha Cả gồm nhà lợp ngói, cột, vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn ghi công đức của ông. Sau năm 1983, cùng với việc giải tỏa nghĩa trang quân đội Pháp ở khu vực nay là nhà triển lãm Tân Bình, đưa về Pháp hài cốt các binh sĩ Pháp chôn ở đây, Lăng Cha Cả cũng được giải tỏa trắng.

Mảng lịch sử thời kỳ Nguyễn Ánh và “Cha Cả” cũng như về thuở khai sinh chữ quốc ngữ vẫn còn đó, quyển từ điển của ông vẫn lưu giữ ở thư khố Hội Thừa sai Paris (MEP, Pháp) nhưng mộ phần thì không còn. Nay thì thật không dễ mà giải thích cho con trẻ chỉ bằng lời rằng vì sao nơi này có tên là Lăng Cha Cả.

Ở những nước có dư di sản để lại cho hậu thế, di sản văn hóa không “liên quan” gì tới những đảo chiều thắng/thua của lịch sử. Một trong những minh họa cho tinh thần vượt lên mọi phân ranh này là cách hành xử của các chính quyền Pháp sau cuộc Cách mạng 1789 lật đổ triều đình.

Sau cuộc phá ngục Bastille có thể được xem là hành động triệt hạ quá khứ “đúng địa chỉ”, những nhà cách mạng Pháp đã ban hành ngay trong năm 1789 ấy những nghị định đặt các tài sản của hoàng gia cũng như của nhà thờ vào “sự quản lý của quốc gia”. Ủy ban Di tích ra đời năm 1790 đã ban hành vào ngày 16-9 năm ấy một nghị định trừng phạt ngay tại chỗ những hành động xâm phạm đến các dinh thự, đền đài.

Nghị định này nhấn mạnh: “Trong khi thực hiện việc phá hủy các di tích nhắc lại những kỷ niệm của chế độ chuyên chế, nhất thiết phải bảo toàn và bảo tồn một cách trọng thị các tác phẩm nghệ thuật rất ư là xứng đáng làm đẹp lãnh thổ của một dân tộc được tự do”. Đến năm 1810, nghị định được nâng lên thành luật hình sự.

Không chỉ các nhà làm luật quan tâm đến việc bảo toàn và bảo tồn di sản, chống phá hoại di sản, giới tinh hoa cũng cùng một thái độ. Nhà thơ Victor Hugo có một bài thơ lớn tựa đề “Tuyên chiến với những kẻ hủy hoại” (Guerre aux démolisseurs). Nhờ vào sự khôn ngoan, hiểu biết của những nhà cầm quyền mới mà vào thời kỳ đầu sau Cách mạng 1789 khét tiếng là “sát máu”, cũng như nhờ giới tinh hoa mà nước Pháp còn quá dư di sản văn hóa để nay vẫn là địa chỉ du lịch đứng đầu thế giới với 2,8 lượt du khách mỗi giây, tổng cộng 89 triệu du khách năm 2017 (nguồn: planetoscope).

Di sản văn hóa còn là sợi dây kết nối cộng đồng. Nhân kỷ niệm 45 năm Công ước di sản thế giới, giám đốc Trung tâm Di sản thế giới đã có bài phát biểu nhắc lại rằng: “Di sản không phải là một món xa xỉ, mà là một tài sản quý giá. Tôi muốn khuyến khích mọi người, bao gồm cả các chính quyền địa phương và quốc gia, các nhà nghiên cứu và báo chí, cố gắng hết sức để quảng bá và bảo tồn di sản chung của chúng ta.

Di sản kết hợp chúng ta mà không nhìn vào những gì đã xảy ra trước đó, tiền lệ cũng như nền văn hóa của mỗi người. Ngày nay, chúng ta đoàn kết với nhau để bảo vệ di sản, do lẽ những thách thức trong việc bảo tồn di sản của chúng ta đang trở nên phức tạp hơn. Trong một thế giới mà chúng ta đang chứng kiến việc cướp bóc và phá hủy các di tích lịch sử và văn hóa, nơi thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang đe dọa môi trường của chúng ta, chúng ta phải nỗ lực để bảo vệ và truyền lại di sản của mình cho các thế hệ tương lai”.

Hãy bình thản trước những quyến rũ kim tiền hay hiện đại. Người Pháp vào đầu thập niên 1970 đã chỉ một lần háo hức xây một tòa tháp trong nội ô, quận 13, mà sau đó đã ân hận dừng tay và rồi có muốn xây bao nhiêu tháp chọc trời thì đi lên khu La Défense ở phía bắc thủ đô Paris mà xây.

(Ảnh: Pinterest)

Paris không chỉ là mỗi đại lộ Champs Élysées, Singapore cũng không chỉ là đại lộ Orchard hay khu Sentosa, mà là những khu phố bình dân, cổ kính, đậm quá khứ của mỗi cộng đồng. Nếu muốn “trở thành Singapore” thì cũng cần làm việc phân loại, xếp hạng di tích chăm chỉ như họ: họ đã liệt kê ra 94 khu bất khả xâm phạm, bao gồm 7.091 tòa nhà cần bảo tồn.

Di sản của Sài Gòn gồm những gì? Nếu nhìn thấy cảnh những du khách Âu - Mỹ đi bộ qua cầu Ông Lãnh (không phải một nơi sạch sẽ), thả bộ dọc các con rạch mà trên các bản đồ xưa của họ còn ghi là “arroyo” (kinh, rạch) và hiểu họ đang tìm kiếm gì ở Sài Gòn, lúc đó sẽ hiểu di sản văn hóa là gì mà trân trọng. ■

Làm sao xác định một địa chỉ là di sản văn hóa?

UNESCO nêu những tiêu chí này trong Báo cáo thế giới về văn hóa trong phát triển đô thị (bảng 2 - Di sản đô thị, trang 195/305). Bên cạnh giá trị kinh tế là những giá trị văn hóa - lịch sử, mà tiêu chí đánh giá trên nền tảng sau:

“- Lịch sử: công trình hay địa điểm này đưa chúng ta trở lại với quá khứ, đồng thời tiết lộ những cội nguồn của hiện tại.

- Thẩm mỹ: công trình hay địa điểm này có một vẻ đẹp nhất định.

- Khoa học: công trình hay địa điểm này thì quan trọng như một đầu mối hay một đề tài nghiên cứu hàn lâm.

- Tâm linh: công trình hay địa điểm này góp phần vào ý nghĩa của sự nhận dạng bản thể, sự trân trọng, niềm vui, sự biết ơn tôn giáo, hoặc góp phần vào sự kết nối với tính vĩnh hằng, mà cộng đồng dân cư sống xung quanh hay những người đến viếng đã cảm nhận.

- Biểu tượng: công trình hay địa điểm này truyền tải một ý nghĩa cùng những thông tin giúp cộng đồng khẳng định cá tính văn hóa của mình.

- Xã hội: công trình hoặc địa điểm này góp phần vào sự ổn định và gắn kết xã hội của cộng đồng bằng cách giúp đỡ việc nhận diện các giá trị chung biến cộng đồng thành một nơi đáng sống và làm việc”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận