Sàn diễn thành công của quần vợt

TRẦN VĂN NGHĨA 18/11/2012 21:11 GMT+7

TTCT - Thể thao Anh làm cả thế giới thòm thèm khi sở hữu một giải bóng đá chuyên nghiệp Premier League hấp dẫn nhất hành tinh, một giải quần vợt Grand Slam (Wimbledon) danh giá dám nói không với quảng cáo trên sân.

Nhưng đáng nể nhất có lẽ là việc điều hành giải quần vợt Barclays ATP World Tour Finals vừa kết thúc đầu tuần này.

Phóng to
Ảnh: Reuters

Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế lan tràn khắp châu Âu, làm thế nào lôi kéo mỗi ngày hơn 17.000 khán giả chen chúc suốt một tuần lễ ở nhà thi đấu O2, sân quần vợt trong nhà có sức chứa lớn nhất thế giới, trong lúc những chiều tối cuối tuần ở London vẫn diễn ra các trận đấu bóng đá hết sức hấp dẫn như Arsenal gặp Fulham, Chelsea đụng độ Liverpool?

Từ đột phá trong tổ chức...

Thế nhưng các nhà tổ chức giải Barclays ATP World Tour Finals đã biến chuyện không thể thành có thể. Trong khuôn viên nhà thi đấu O2, các quán cà phê, quán bar đầy ắp khách ngồi nhâm nhi cà phê hoặc nhấm nháp từng ly bia để tận hưởng không khí lễ hội được thiết kế hiện đại bởi các nhà tổ chức rất sáng tạo về giải trí thể thao, trong lúc những thành viên gia đình họ có thời gian dạo chơi mua sắm, tham quan các triển lãm ở xung quanh nhà thi đấu.

Người mê quả bóng nỉ có hẳn khu vực giải trí riêng với các trò chơi quần vợt lạ mắt được thiết kế trên máy tính. Riêng các em thiếu nhi thỏa mãn tính hiếu động thông qua những trò chơi vui nhộn như ném bóng quần vợt, đánh bóng qua vòng...

Khi bước vào sân đấu, ai cũng trầm trồ đến sững sờ trước một sân khấu - quần vợt rất độc đáo được hỗ trợ bằng hệ thống đèn led sáng xanh dịu êm kết hợp các màn hình và âm thanh hoàn hảo đến mức khi từng tay vợt bước ra sân, ánh sáng tập trung tôn vinh hình ảnh của họ chẳng khác một nghệ sĩ bước ra sân khấu.

Ngay cả thời gian giải lao ngắn ngủi giữa hai bàn đấu cũng được tận dụng để giới thiệu các đơn vị tài trợ thông qua hệ thống đèn led có hiệu ứng ánh sáng được chăm chút, tính toán một cách khoa học, giúp làm tăng hiệu quả của một “vở diễn” quần vợt không kém phần hào hứng về mặt chuyên môn.

Phóng to
Roger Federer (trái) chúc mừng tân vô địch Novak Djokovic sau trận chung kết hấp dẫn nhất trong bốn năm qua (Djokovic thắng 7-6, 7-5) - Ảnh: Reuters

... Đến nâng cao uy tín tiếp thị

Ít ai ngờ rằng từ khi London đăng cai ATP World Tour Finals từ năm 2009 đến nay theo hợp đồng kết thúc vào năm 2013, trong tuần rồi đã có khán giả thứ 1 triệu bước qua cánh cổng vào sân O2, chưa kể hơn 70 triệu khán giả truyền hình theo dõi trực tiếp ở 184 quốc gia. Con số cực kỳ ấn tượng này khiến ông Brad Drewett, chủ tịch ban điều hành ATP, đồng ý bỏ phiếu cho London tiếp tục đăng cai giải thêm hai năm (2014-2015).

Ông Drewett giải thích quyết định trên: “Kể từ năm 1970, giải đấu này đã được tổ chức ở 14 thành phố khác nhau trên thế giới, nhưng chưa có nơi nào tuyệt vời như London. Con số 1 triệu người hâm mộ đến nhà thi đấu O2 thưởng thức giải trong bốn năm qua đã làm không khí tranh tài của các tay vợt xuất sắc nhất thế giới hấp dẫn đến mức không thể tin nổi. Ai cũng nghĩ họ đã đuối sức, nhưng khán giả, báo chí và những người tổ chức ở London đã tạo nên một kết thúc mùa giải không thể chê vào đâu được cho quần vợt thế giới”.

Vé xem Barclays ATP World Tour Finals hoàn toàn không rẻ hơn vé xem bóng đá ở Anh, trung bình 40 bảng Anh (hơn 1 triệu đồng) cho các trận vòng loại và hơn 60 bảng cho các trận bán kết và chung kết. Người xem phải đặt vé trước nếu muốn có chỗ ưng ý. Nhưng trong thời buổi kiếm tiền khó khăn như hiện nay mà nhà tài trợ không ngoảnh mặt bỏ đi cho thấy khả năng tiếp thị thành công của các nhà tổ chức, đồng thời cũng là yếu tố khiến ATP gia hạn cho London đăng cai thêm hai năm.

Phóng to
ATP World Tour Finals luôn thu hút giới nghệ sĩ. Trong ảnh: diễn viên Mỹ Kevin Spacey - Ảnh: Reuters

Lý giải về “cuộc tình” sâu đậm giữa nhà tài trợ chính - Tập đoàn Barclays với ATP World Tour Finals, ông Antony Jenkins, tổng giám đốc Barclays, cho biết: “...vì ATP World Tour Finals gặt hái thành công quá tốt ở London, mỗi năm có đến hơn 250.000 người dự khán trong vòng một tuần lễ. Hơn nữa, giải đấu này đang trở thành một trong những sự kiện thể thao hấp dẫn nhất thế giới...”. Có lẽ không ngoa khi có người bảo rằng ATP World Tour Finals là một giải “Grand Slam thứ năm” (sau Australian Open, Roland Garros, Wimbledon và US Open) chỉ khi được tổ chức ở London.

Với hợp đồng tổ chức giải kéo dài thêm hai năm nữa (2014-2015), London chỉ đứng sau New York trong danh sách các thành phố tổ chức ATP World Tour Finals nhiều nhất (New York tổ chức 13 lần ở Madison Square Garden từ 1977-1989). Kể từ giải 2014, tiền thưởng của giải cuối năm này sẽ tăng 10%, từ 5,5 triệu USD hiện nay lên 6,5 triệu USD.

Tại giải 2012 vừa kết thúc, với năm trận toàn thắng, nhà vô địch Novak Djokovic bỏ túi số tiền thưởng 1,7 triệu USD (á quân Roger Federer được 800.000 USD) cùng 1.500 điểm để củng cố vị trí số 1 thế giới cuối năm với 12.920 điểm. Trong mùa giải 2012, thi đấu hơn 87 trận với tỉ lệ thắng thua là 75-12 và đoạt sáu danh hiệu, Djokovic đã kiếm được 9.953.737 USD tiền thưởng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận