Sự chuyển hóa của Richard Streitmatter- Tran

HẠNH NGUYÊN 17/07/2017 19:07 GMT+7

TTCT - Tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy thuộc thế hệ thứ nhất mỹ thuật hiện đại Việt Nam vừa kết nối với các tác phẩm của Richard Streitmatter-Tran trong đợt triển lãm cá nhân ở Gallery de Sarthe (Hong Kong) ngày 8-7.

Một góc triển lãm
Một góc triển lãm "Các cuộc khởi hành: Kết nối nghệ thuật hiện đại của Việt Nam với R. Streitmatter-Tran" -desarthe.com

 Sau gần 15 năm sống và thực hành nghệ thuật ở Việt Nam, sự chuyển hóa của Richard mang nhiều dấu ấn từ quá trình biến chuyển của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Gallery de Sarthe ra đời năm 1977 tại Pháp và năm 2011 tại Hong Kong, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đấu giá, là đại diện cho một số lượng lớn các nghệ sĩ quốc tế, từ các nghệ sĩ Pháp trường phái ấn tượng tới các bậc thầy hội họa hiện đại và hậu chiến, tới thế hệ các nghệ sĩ đương đại đang nổi.

De Sarthe muốn triển lãm khoảng 40 tác phẩm các họa sĩ thành danh của nghệ thuật hiện đại Việt Nam như Lê Phổ, Lê Quang Tinh, Lê Thị Lựu, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Hồng Linh, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm...

Để đặt các tác phẩm vào một góc nhìn đương đại, giúp kết nối với người xem hiện tại và cũng giúp truyền thông tốt hơn, họ mời Richard Streitmatter-Tran, một nghệ sĩ đương đại sống tại Việt Nam.

Trong triển lãm “Các cuộc khởi hành: Kết nối nghệ thuật hiện đại của Việt Nam với R. Streitmatter-Tran (Departures: Intersecting Modern Vietnamese Art with R. Streitmatter-Tran), các tác phẩm hội họa của các họa sĩ hiện đại thời đầu của Việt Nam được sắp đặt kết nối với các tác phẩm của Richard (được anh sáng tạo riêng cho triển lãm này), tạo ra sự liên tưởng, đối thoại trong bối cảnh mới, đem lại những góc nhìn mới về các tác phẩm có tầm quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm The thin gold line, 2017, R. Streitmatter-Tran -desarthe.com
Tác phẩm The thin gold line, 2017, R. Streitmatter-Tran -desarthe.com

 Khởi hành và giao thoa

Tại sao lại là “các cuộc khởi hành”? Các họa sĩ thế hệ đầu tiên ấy đã rời bỏ đất nước đến Pháp và tạo dựng sự nghiệp ở châu Âu.

Richard, sinh năm 1972, sinh ra ở Biên Hòa, đến Mỹ hồi mới 8 tháng tuổi sau khi được cha mẹ người Mỹ gốc Đức nhận nuôi, tốt nghiệp ngành nghệ thuật truyền thông ở ĐH Nghệ thuật Massachusetts, rời Mỹ và trở về Việt Nam từ năm 2003 trong thời điểm có làn sóng nghệ sĩ gốc Việt trở về quê hương.

Một luồng khởi hành rời Việt Nam, một luồng rời khỏi Mỹ gặp nhau, tạo ra sự va chạm và cả giao thoa của hai luồng suy nghĩ thuộc hai thế hệ trong vòng 100 năm qua đã tạo ra tính độc đáo của triển lãm lần này.

Richard luôn coi mình là nghệ sĩ làm việc tại Việt Nam, nhưng anh ít khi coi lịch sử Việt Nam như xuất phát điểm để hình thành các ý tưởng nghệ thuật của mình. Các tác phẩm của anh không thể hiện “chất Việt Nam” mà luôn hướng tới tầm mức quốc tế.

Triển lãm này là ngoại lệ với anh. Anh bắt tay vào nghiên cứu từ đầu, từ bối cảnh xã hội tới các nghệ sĩ, từng tác phẩm và phong cách của họ.

Anh nhận thấy các tác phẩm trong triển lãm có rất nhiều hình ảnh phụ nữ - một điều vốn không xa lạ vì “nàng thơ” rất phổ biến trong hội họa phương Tây thời điểm tác phẩm được sáng tác.

Nhưng nếu người phụ nữ trong tranh Lê Phổ hay Mai Trung Thứ là hiện thân của niềm thương nhớ quê hương, đẹp một cách thần tiên, kiêu sa, quý phái, trong mộng tưởng, thì các nhân vật của Nguyễn Phan Chánh có vẻ mộc mạc chân phương như quê hương vốn dĩ.

Tôi cố gắng tưởng tượng, mặc dù gần như là không thể, sống ở Việt Nam vào những năm 1925 là như thế nào? Thời gian không phải lâu quá, nhưng xa quá” - Richard, người trong khoảng 8 năm nay chủ yếu triển lãm tác phẩm ở ngoài Việt Nam, cho biết.

Việc danh họa Nguyễn Phan Chánh là người duy nhất trong triển lãm lần này không “lý tưởng hóa hình ảnh người phụ nữ” và vẽ các nhân vật từ người bán gạo, trẻ em chơi ô ăn quan, cho chim ăn, người hát rong... khiến Richard thích thú và lấy cảm hứng từ đó để thực hiện một số tác phẩm.

Không chỉ là việc nghiên cứu trên tài liệu từ đầu, Richard còn bắt tay thử nghiệm các vật liệu mới mà anh chưa từng thực hành như lụa, sắt, bên cạnh mica, dây thừng và cả bánh ngọt.

Và đó chính là điều khiến anh thấy hứng thú hơn cả trong suốt hai tháng từ khi nghiên cứu đến lúc hoàn thiện các tác phẩm. Mỗi tác phẩm đặt ra nhiều câu hỏi về cuộc sống riêng, chung, của bối cảnh xã hội của thời những năm 1920.

“Các họa sĩ chắc có lấy vợ người Pháp, và có người yêu là các cô gái tóc vàng?”. “Cổng Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trông như thế nào?”.

“Tại sao những nàng thơ đó đều đẹp thánh thiện, họ có thể giống ai? Có phải các họa sĩ lấy cảm hứng từ hình ảnh Đức mẹ La Vang với vầng hào quang sau đầu?”...

R. Streitmatter-Tran trong xưởng sáng tác -desarthe.com
R. Streitmatter-Tran trong xưởng sáng tác -desarthe.com

 

 Triết lý về nghệ thuật của anh là gì?

Nó thay đổi. Hồi còn trẻ, tôi nghĩ rằng tác phẩm nghệ thuật nên là góc nhìn, lời phản biện, bình luận của nghệ sĩ về thế giới xung quanh. Nhưng khi càng lớn tuổi tôi càng ít quan tâm tới việc tác phẩm của mình phải là phản ảnh của thế giới. Mà đó là sự vật lộn nội tại của mỗi cá nhân.

 Cuộc thử nghiệm với chất liệu

Richard có dáng người cao dong dỏng thể thao, để kiểu tóc vuốt keo dựng thẳng, đeo thiết bị theo dõi sức khỏe dành cho người ưa vận động, sống và làm việc ở studio trên tòa nhà cao tầng tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Anh từng là lính bộ binh trong quân đội Mỹ, dường như là người nội tâm nhưng rất cởi mở khi nói chuyện.

Studio của anh rộng hơn 100m2, chật chội nhưng ngăn nắp với các vật liệu, dụng cụ, các tác phẩm anh đang tập luyện, thực hành ở khắp nơi, bên cạnh rất nhiều sách và những chiếc guitar điện.

Là người ưa thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau, lần này anh thử nghiệm với lụa - một chất liệu khó, đòi hỏi quá trình nghiên cứu và thực hành rất tỉ mỉ, với sắt.

Tôi ép mình phải học - Richard hào hứng nói - Học khiến cho não mình trở nên minh mẫn và luôn vận động”.

Sự hào hứng với các vật liệu, hình thái nghệ thuật mới không phải là điều mới của Richard. Anh đã thử nghiệm nhiều chất liệu, phương pháp, thể hiện nhiều khái niệm và chủ thể, vượt qua ranh giới truyền thống và những định nghĩa đơn giản, trong khuôn dạng từ điêu khắc, sắp đặt, vẽ, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật ý niệm đến nhiếp ảnh, truyền thông mới...

Anh đã thực hiện các chương trình biểu diễn, triển lãm riêng, chung tại Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Hong Kong, Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Pháp, Anh...

Richard có xu hướng sử dụng những vật liệu mang tính “phù du”: rất nhiều tác phẩm sử dụng vật liệu không lưu giữ được sẽ bị phá hủy sau một thời gian ngắn và không ai có thể mua được.

Ví dụ tác phẩm sắp đặt Tháng 9 ngọt ngào (September sweetness) thực hiện chung với Chaw Ei Thein tại Singapore Biennale năm 2008 làm bằng 5,5 tấn đường.

Trong triển lãm mới, anh dùng vật liệu gốm chưa nung và bánh ngọt. Trong quá trình thực hành nghệ thuật trước đây, anh làm rất nhiều việc, từ quảng cáo nghệ thuật tới giám khảo giải thưởng, viết lời bình cho cataloge và nhiều ấn bản khác, nghiên cứu, giảng dạy...

Những công việc này giúp anh có nguồn thu nhập, nhưng cũng lấy đi rất nhiều thời gian để làm việc quan trọng nhất của người nghệ sĩ là sáng tác như mình mong muốn.

RICHARD STREIMATTER - TRAN
RICHARD STREIMATTER - TRAN

 “Tôi sẽ không làm điều mình không thích”

Sự chuyển hóa của Richard đến vào thời điểm anh quyết định đã đến lúc chỉ làm những gì khiến mình hạnh phúc, sau khi “dành hơn nửa thời gian cuộc đời làm những việc mà mình không biết chắc mình có thích hay không”.

Nếu từ trước tới nay, với vai trò là nhà nghiên cứu, người viết chuyên về nghệ thuật, Richard coi những công việc liên quan tới tiếp thị, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật của chính mình là rất “thuận tay”, thì giờ đây anh hi vọng thỏa thuận để Gallery de Sarthe trở thành tổ chức đại diện cho mình mà hai bên vừa ký kết sẽ giúp anh có thời gian tập trung vào sáng tác.

Đây cũng là sự vận động phù hợp “mỗi người mỗi việc” của bất kỳ một thị trường phát triển nào, trong đó có nghệ thuật.

Tác phẩm The Gates of Hell (Cổng Địa ngục) của R. Streitmatter-Tran-desarthe.com
Tác phẩm The Gates of Hell (Cổng Địa ngục) của R. Streitmatter-Tran-desarthe.com

 Ở Việt Nam, nghệ thuật đương đại - nghệ thuật của ngày hôm nay, được xây dựng nên bởi những người nghệ sĩ của thế kỷ 21, phản ánh xã hội đương thời, những vấn đề xoay quanh cuộc sống và thế giới xung quanh hiện nay, đã chứng kiến một luồng dịch chuyển có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của nó.

Đó là sự trở lại Việt Nam của các nghệ sĩ Việt kiều vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, mà đến nay đã có những người trở thành gương mặt nổi bật trên quốc tế khi hình thành những phong cách nghệ thuật riêng như Dinh Q.Le, Tiffany Chung, The Propeller Group...

Họ cũng giúp khởi động nhiều không gian nghệ thuật mới ở Việt Nam, trong đó có Sàn Art (giờ tạm ngưng hoạt động).

Richard tự đánh giá mình là nghệ sĩ “được giới phê bình đánh giá cao về mặt nghệ thuật” nhưng về lĩnh vực thương mại tác phẩm là “thảm họa”. Nhưng để tạo dựng một sự nghiệp như mình kỳ vọng, anh không tỏ ra vội vã.

Anh muốn xây dựng quá trình đó một cách từ tốn và hợp lý theo cách anh quan sát và hiểu biết dựa trên quá trình tư vấn phát triển một số bộ sưu tập.

Việc anh có tác phẩm nằm trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, các nhà sưu tập tư nhân ở Đài Loan, Đức, Việt Nam (Post Vidai) lưu giữ là chỉ dấu quan trọng và nền tảng tốt hình thành uy tín của người nghệ sĩ, và cả hi vọng định giá các tác phẩm tăng một cách đều đặn.

Thực hành nghệ thuật đòi hỏi sự cam kết và lao động bền bỉ nghiêm túc, và là một hành trình không thể biết chắc đích đến.

Với tôi, mỗi một tác phẩm là sự vận động và đấu tranh vật lộn bên trong con người tôi đối với các vật liệu khác nhau - Richard nói - Và đây là điều mà tôi muốn dành 30 năm tiếp theo của cuộc đời mình để làm”.

Khi tôi hỏi anh: “Làm thế nào để cân bằng được nhu cầu của thị trường và nhu cầu của người nghệ sĩ trong sáng tác nghệ thuật?”, Richard trả lời:

Tôi không biết. Tôi vẫn đang tìm kiếm câu trả lời. Nhưng giờ đây tôi sẽ không làm điều mình không thích. Cuộc sống quá ngắn ngủi để làm như vậy. Nếu tôi muốn có nhiều tiền thì chắc đã không chọn sự nghiệp nghệ sĩ này”.■

Richard từng là thành viên nhóm nghệ thuật trình diễn ProjectOne (2003-2004) sau khi trở về Việt Nam cùng Ngô Thái Uyên, Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khanh, Nguyễn Phạm Trung Hậu khi loại hình này còn rất mới mẻ. 

Anh cũng là thành viên sáng lập nhóm Mogas Station (2005-2008) gồm các nghệ sĩ quốc tế tại TP.HCM, và không gian nghệ thuật, giúp kết nối và hỗ trợ các nghệ sĩ đương đại nghiên cứu, trao đổi và thực hành nghệ thuật ở Việt Nam như Địa Projects từ năm 2010.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận