Tầm nhìn sau núi

KHÁNH LIÊN 27/07/2013 01:07 GMT+7

TTCT - Hồi còn dạy ở núi tôi luôn canh đồng hồ báo thức lúc năm giờ ba mươi sáng.

Trường cách nhà tôi ba mươi cây số, hai mươi cây số quốc lộ, mười cây số đường núi. Mấy thầy giáo chỉ tốn ba mươi phút cho ba mươi cây số, nhưng tôi là nữ nên ngần ấy cây số phải đi bốn mươi lăm phút mới tới đúng giờ.

Phóng to
Tranh: Đức Trí

Hồi đó tôi không ở lại núi vì thấy núi quá buồn. Mở mắt ra hay nhắm mắt lại đều thấy núi nên đâm ra sợ. Sợ đầu óc mình, con mắt mình không nghĩ gì, không thấy gì ngoài núi. Tôi nhớ có một lần dẫn học sinh đi tham gia diễn đàn lắng nghe học sinh nói. Tới phần thi vẽ tranh chủ đề “Nói về ước mơ của em”, các em học sinh dân tộc của tôi vẽ một bức tranh toàn núi. Một thầy giáo đứng sau lưng tôi than: “Nhìn tranh là biết ở trên núi. Không thoát được ra khỏi cái núi”.

Tôi không biết đó là lời chê hay trách móc nhưng tôi thấy buồn. Sau khi suy nghĩ lại thấy đúng. Khi các em học sinh ở thành phố, dưới đồng bằng nhìn thấy cái này cái kia thì học sinh dân tộc trên núi không nhìn thấy gì nhiều ngoài núi. Tôi cũng không chắc cuộc sống nào cần cho các em hơn? Một nơi chốn người đông đúc, nơi mà người ta gọi là “chốn lao xao”, hay là một nơi vắng vẻ thấy núi, thấy cây, thấy suối nhưng ít được giao lưu, giao tiếp?

Nhưng quả thật những năm dạy học ở núi tôi không ghét học sinh, không sợ cái khổ mà chỉ ghét khi học sinh không chịu đi học và sợ tầm nhìn của mình bị nhốt bởi cái núi. Vì nhìn núi hoài, tôi chẳng biết mình còn có suy nghĩ gì, thế giới ngoài kia ra sao? Nhiều lúc cảm giác đó thật đáng sợ.

Giáo viên ở núi hay than khi học sinh không chịu đi học... Nhưng nhiều lúc chúng tôi nghĩ lại. Ở vùng núi nơi tôi dạy học có một trường mẫu giáo, một trường cấp I, một trường cấp II, một UBND xã, một trạm y tế. Nhưng người dân tộc Raglai (vùng tôi dạy là đồng bào Raglai) làm việc rất ít. Có khoảng ba giáo viên là cùng. Người Raglai làm trong xã nhiều hơn nhưng họ cũng chẳng có bằng cấp gì. Xã xây ở chỗ họ, thiếu người, họ biết chút chữ thì vào làm thôi.

Đứng trên bục giảng chúng tôi hay lấy công việc của những người đó làm điển hình, làm “viễn cảnh tương lai” cho những học sinh dân tộc của chúng tôi. “Học để làm gì?”. Người đồng bằng thì biết rành rồi. Học để thành người. Học để kiếm cơm, thăng tiến... Người dân tộc không biết học để làm gì.

Làm giáo viên thì phải học xong cấp III, rồi thi đậu vào cao đẳng, đại học. Nhưng sức học của hầu hết học sinh trường tôi là không đậu nổi vào cấp III huống chi là nói học xong có bằng. Phần lớn chúng dừng lại ở cái bằng lớp 9. Nhưng có bằng lớp 9 chúng cũng chẳng biết làm gì. Nhiều học sinh học xong không thèm đến lấy bằng vì vừa nghỉ hè là chúng đi rẫy luôn, đi Đà Lạt, Đơn Dương hái cà phê...

Chúng tôi đành lấy hình ảnh được làm ở xã ra “dụ” học trò. Nhưng học trò bảo: “Xã hết chỗ làm rồi. Chỉ có bà con dòng họ mới được vô thôi”. Chúng tôi lại lấy hình ảnh các học sinh cũ học ở trường sau này kiếm được việc làm trong thành phố.

Nhưng rồi lũ trẻ chỉ ra mấy học sinh “điển hình” của chúng tôi cuối cùng cũng về lại núi sau khi đi làm công nhân ở thành phố vài tháng, học may vài tháng, học cấp III bỏ dở nửa chừng... vì không có tiền học nghề, không có tiền sống. Và vì chúng quá nhớ núi nữa. Chúng đã quen tầm nhìn của núi. Quen cái cây, con suối, đàn bò, lẽo đẽo đi sau bầy gia súc. Chăn nuôi, đi rẫy, lang thang trên đồng cỏ...

Sự tự do lang thang ấy cũng ăn vào trong máu.

Có một buổi sáng tôi chạy xe như bay trên con đường núi để mong tới kịp trường đúng bảy giờ sáng. Đang chạy vù vù tôi phát hiện một cô bé chăn bò có gương mặt rất giống một học sinh cũ của tôi. Hồi còn đi học trong trường em chính là niềm tự hào của các giáo viên chúng tôi và là “nàng thơ” của tôi. Em rất xinh, học chăm, hát múa giỏi. Hồi đó tôi chỉ mong sau này em được làm cô giáo. Tiết dạy nào tôi cũng lấy em làm ví dụ cho các lớp sau, nhất là để “dụ” những em làm biếng học.

Lẽ nào cô bé điển hình ấy bây giờ lại là em? Cô bé chăn bò? Tôi không dám tin, nhưng vẫn linh cảm rằng đó là em. Tôi chạy xe chậm lại, cố nhìn theo em. Cô bé chăn bò đó có vẻ ngượng ngùng. Em mặc một bộ đồ xấu xí, tay cầm chiếc roi, cố đi nhanh theo đàn bò, dê. Vừa đi vừa lén ngoảnh lại nhìn tôi. Tôi những muốn quay đầu xe, chạy theo để xác định có đúng em là học sinh cũ của tôi không. Nhưng thà vẩn vơ giữa có hay không dù sao cũng làm cho tôi dễ chịu hơn là biết sự thật.

Tôi cứ lan man hoài cái ý nghĩ đó. Thương em học sinh cũ, thương cả mấy giáo viên còn thèm chút hi vọng khi đứng lớp. Thương núi, thương tầm nhìn bị che chắn bởi núi và cái nghèo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận