"Thơ là binh pháp của hòa bình"

TRẦN NHÃ THỤY 29/04/2014 21:04 GMT+7

TTCT - Đời người ta lật từng trang/ Đời ta, ta biết lật hàng nào đây?... Ngô Liêm Khoan thường tự trào vậy về nghề biên tập sách của mình, rồi thì anh đột ngột bỏ việc về sống ở quê nhà (Quy Nhơn, Bình Định) để... làm thơ.

Ảnh: M.N.

Mới đó mà thấm thoát ba năm (2011-2014), Ngô Liêm Khoan lại đột ngột xuất hiện ở Sài Gòn cùng lúc với sự ra đời của tập thơ mới Những tấm ván trên cầu Hiền Lương (NXB Trẻ).

Khác với tập thơ trước (Trở mình trên máng xối, NXB Hội Nhà Văn 2007) chủ yếu là những bài tình tự, nhẹ nhàng, tập thơ này có “đô” nặng hơn, xoáy vào những chủ đề lớn mang tính toàn cầu hơn, như: khủng bố, hòa bình, nhân bản vô tính, thực phẩm thay gen...

Làm sao để những vấn đề lớn lao này “khúc xạ” qua thơ, làm nên thơ, truyền tải được những thông điệp thời đại mà vẫn không làm mất tính thơ? Quả là một công việc không dễ dàng gì, nếu như người thi sĩ không giỏi bơi trong “biển thông tin”, không trì gan giữa “rừng sách”, không đủ nỗi cô độc và thong dong để lọc tạp niệm mỗi ngày, rồi lắng lại những tinh thơ, vẩy lên những hình thơ.

Rõ ràng, ba năm “thí mạng” với thơ, Ngô Liêm Khoan đã không bị “nàng thơ” phụ rẫy. Một tập thơ được nhiều đồng nghiệp chuyên thơ đánh giá là chất lượng. Tập thơ cả thảy 100 trang, mở đầu bằng bài Những tấm ván trên cầu Hiền Lương và kết lại bằng bài Nhà thơ. “Nhà thơ, kẻ cần cù gieo khổ đau trên cánh đồng hạnh phúc, kẻ rèn gươm từ tủy não mình, lửa đỏ máu qua trái tim quay bễ, miệt mài làm những cuộc sát thương”... đó là những câu mà Ngô Liêm Khoan viết.

Và trong tập thơ này, Ngô Liêm Khoan muốn chứng minh rằng “thơ là binh pháp của hòa bình”. Nghĩa là nhà thơ có thể “rèn gươm từ tủy não mình”, có thể “tự sát thương mình”... nhưng sự ra đời của những bài thơ là hướng tới, góp phần làm nên cái đẹp chung của quê hương, của dân tộc, của nhân loại. Thơ không chỉ là cái đẹp, thơ còn là lẽ phải.

Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, trước hết là những tiếng nói cá nhân, một hành trình cá nhân, nhưng vượt qua tính riêng lẻ, điều mà Ngô Liêm Khoan muốn hướng đến là cái chung, với tất cả chúng ta, là hai chữ viết hoa đẹp đẽ: CON NGƯỜI!

Dấu gạch ngang

Mỗi người đều có một năm sinh
Và một năm mất
Khoảng giữa là một dấu gạch ngang

Dấu gạch ngang minh chứng cho sự thật
Có một người từng sống ở thế gian
Hai điểm nối - hành trình người đã khuất
Của một quả tim từng đập nhịp nhàng

Có năm tháng chỉ ghi trên bia mộ
Có ngày giờ được khắc ở nghĩa trang
Kẻ may mắn còn in trong ruột sách
Kẻ hẩm hiu chẳng vụn giấy hóa vàng

Khi nhớ đến một người đã mất
Có thể quên những con số lạnh lùng
Nhưng dấu gạch ngang - vô hình nhất
Nhắc rằng đây tim từng đập nhịp nhàng

Nếu đang sống ai là người bất hạnh
Hãy tạm quên lá số của đời mình
Nếu chẳng thể có điều gì để lại
Hãy để lại nơi này một dấu gạch ngang.

Nơi biển xanh dưới trời cao

Từ vết thương
Con trai làm ngọc

Từ nhát chém
Con người làm nên hận thù

Vùi mình nơi biển xanh
Quẩn quanh dưới trời cao
Bọt sóng tan trên những vỏ trai
Mây trắng qua trên những đỉnh đầu

Bao lâu rồi từ dáng dấp vỏ trai
Người làm nên những tấm khiên
Che đỡ mình và đâm đồng loại

Bao triệu lượt thủy triều xuống lên
Để loài giáp xác kia
Biết gieo vào lòng mình thù hận

Bao tỉ vòng tiến hóa nữa
Để loài thượng đẳng này
Biết cấy vào tim mình những hạt châu

Những cơn mưa
Đặt những tiếng rơi trên bọt sóng
Nơi biển xanh
Dưới trời cao.

Sen nở nốt

Sen tàn cúc lại nở hoa...

Tiếng ve sầu ngưng bặt
Từ bao giờ
Xác ve sầu nơi đâu
Tổ ve sầu nơi đâu?

Rộn ràng bao nhiêu
Chói tai bao nhiêu
Gợn chút gió xanh
Đã không còn vết tích

Rồi mùa hạ khác
Tiếng ve khác
Cành cây khác
Vẫn vành tai cũ
Ký ức cũ

Câu hỏi cũ
Xác ve sầu nơi đâu
Tổ ve sầu nơi đâu?

Câu hỏi mông lung
Chẳng phải để trả lời.

Là chúng ta

Dường như thế kỷ đã bắt đầu như thế
Những chiếc máy bay nổ tung
Những chiếc máy bay lao vào tòa nhà chọc trời

Những quả bom phát nổ trong nhà hàng, nơi công sở, trên ghế tàu điện ngầm
Và giữa những trường mầm non

Chúng ta thấy mình đang ở đâu đó trong những tòa nhà chực đổ
Chúng ta thấy mình tan thây ở nhà hàng, nơi công sở, trong toa điện ngầm
Nhòe nhoẹt máu giữa những trường mầm non

Chúng ta thấy mình đang tự thiêu trong tấm thân kẻ bán rong cùng đường trên vỉa hè Tunisia
Chúng ta thấy mình là những xác rữa trong một bệnh viện tan hoang ở Libya
Chúng ta thấy mình là những thây thối trong ngôi chùa cổ Thái Lan
Chúng ta thấy mình bị bắn trong một cuộc truy lùng
Chúng ta thấy mình hả hê đọc diễn văn mừng chiến công tìm diệt...
Chúng ta thấy tất cả là chính mình
Là kẻ thủ ác, là nạn nhân
Là kẻ mạnh, là người yếu hèn
Là kẻ truy lùng, là tên trốn chạy
Là quả phụ áo đen, là trẻ thơ đẫm máu
Là chúng ta
Dường như thế kỷ bắt đầu như thế
Dường như một năm bắt đầu như thế
Dường như một ngày bắt đầu như thế
Dường như mỗi khoảnh khắc là như thế
Dường như chúng ta là như thế

Bắt đầu là như thế
Kết thúc là như thế?

Thế kỷ tự hào
Năm tháng tự hào
Mỗi khoảnh khắc tự hào
Chúng ta là chúng ta
“Tất cả chúng ta cùng thắng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận