Tin vui cho các hiệu sách độc lập

NGUYỄN HOÀNG LIÊN 12/03/2019 00:03 GMT+7

TTCT - Umberto Eco đã luôn đúng: Chúng ta vẫn đang mua sách, đặc biệt là sách giấy và mua ngày càng nhiều hơn, trong các nhà sách độc lập mà mình yêu thích.

Trong cuốn sách Đừng mơ từ bỏ sách giấy, Umberto Eco - chuyên gia nghiên cứu về thời Trung cổ, triết gia, nhà phê bình văn học và tiểu thuyết gia người Ý cùng nhà văn, nhà viết kịch, biên kịch điện ảnh người Pháp Jean-Claude Carrière, dưới sự dẫn dắt của Jean-Philippe Tonnac, bàn luận lịch sử 5.000 năm kể từ khi những trang viết đầu tiên trên giấy cói cho đến ngày sách giấy đứng trước sự cảnh báo diệt vong bởi sự ra đời của Internet. Cả ba người đều điềm tĩnh, tự tin kết luận: sách giấy sẽ luôn tồn tại!

Hiệu sách P&G Wells danh tiếng, bán sách ở Winchester suốt 250 năm qua. Hiệu sách cổ điển này là thiên đường của sách cổ, sách cũ cũng như những bộ sưu tập sách giấy tuyệt đẹp và là một chốn lý tưởng cho trẻ em tìm mua sách. Ảnh: Culturecalling.com
Hiệu sách P&G Wells danh tiếng, bán sách ở Winchester suốt 250 năm qua. Hiệu sách cổ điển này là thiên đường của sách cổ, sách cũ cũng như những bộ sưu tập sách giấy tuyệt đẹp và là một chốn lý tưởng cho trẻ em tìm mua sách. Ảnh: Culturecalling.com

Trong lúc đó, những người hoài nghi vẫn cứ chia sẻ với nhau cảm giác rằng chẳng ai còn đọc sách nữa, sách giấy đã hết thời, Amazon khuynh đảo và dẹp sạch các cửa hàng sách độc lập. Ngày mà sách giấy tuyệt chủng không còn xa.

Nhưng nhìn vào thị trường sách năm qua, có vẻ như Umberto Eco, Jean-Claude Carrière và Jean-Philippe Tonnac đã luôn đúng: Chúng ta vẫn đang mua sách, đặc biệt là sách giấy và mua ngày càng nhiều hơn, trong các nhà sách độc lập mà mình yêu thích.

Những con số bất ngờ

Tại Anh, theo báo cáo của Nielsen BookScan, doanh số bán sách hằng năm đã đạt mức tăng 22 triệu bảng (28 triệu USD) và có khả năng tổng doanh thu năm 2018 sẽ vượt qua năm 2016 (thời điểm đạt tổng doanh số 1,59 tỉ bảng). Cùng lúc đó, các nhà bán sách ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều ghi nhận một sự gia tăng ngạc nhiên trong bán hàng và tìm kiếm khách hàng. Waterstones, nhà bán sách lớn nhất của nước Anh, đã kiếm được lợi nhuận đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Và tin vui cho các hiệu sách độc lập: năm 2018 là lần đầu tiên kể từ khi Amazon xuất hiện, số lượng cửa hàng sách đã tăng, thay vì giảm.

Tại Mỹ, thậm chí các tín hiệu còn tươi sáng hơn cho các nhà đầu tư: số lượng nhà sách độc lập tăng 35% trong khoảng từ năm 2009 đến 2015, trong khi doanh số bán sách giấy đã tăng lên hằng năm kể từ năm 2013 (đối với các nhà sách lớn thì có vẻ khó hơn: Báo cáo thường niên của Barnes & Noble cho thấy doanh số cửa hàng giảm 5,4% so với năm 2017, với tổng doanh số giảm kể từ năm 2014).

Nhưng nhìn chung thì độc giả vẫn đã, đang mua và ủng hộ sách, là loại sách mà ta có thể mượn, cho thuê hoặc làm rớt trong bồn tắm: sách giấy. Năm 2017, doanh số bán sách giấy tăng 10,8% so với bốn năm trước (tuy nhiên, giữa năm 2016 và 2017, doanh số bán sách điện tử thực sự đã giảm 10%). Vào tháng 10-2018, doanh số bán sách ở mức 699 triệu USD, tăng 50 triệu USD so với một năm trước đó.

Ở Việt Nam, những năm gần đây cũng đã xuất hiện nhiều công ty sách mới, có thể kể đến Tao Đàn, Phanbook, Domino Books và Như Books... Các nhà sách độc lập ra đời ngày một nhiều với nhiều hình thức: tiệm sách, cửa hàng trực tuyến, cà phê sách... Có thể kể tên vài tiệm sách như thế ở TP.HCM như Kafka bookstore, Momo bookstore, Kính vạn hoa, Tri Văn bookstore, Khai Tâm..., một vài nhà sách ở Hà Nội như nhà sách Mão ở Đinh Lễ, Hộp, Tổ Chim Xanh... Các công ty phát hành đã tồn tại lâu trên thị trường cũng mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ riêng cho sách của mình. Số lượng cửa hàng của Nhã Nam tăng nhanh chóng, Kim Đồng có một trung tâm bán sách lớn, Phương Nam mở hai siêu thị sách, Cá Chép có thêm một cửa hàng ở Hà Nội.

Trong khi các công ty lớn mở rộng địa điểm và số lượng sách, một vài nhà sách độc lập vẫn có sự tăng trưởng mạnh trong nửa năm cuối 2018 so với 6 tháng đầu năm: Kafka bookstore tăng gấp đôi doanh số và Momo bookstore tăng 40-50%.

 “Những người bán sách là đại diện của văn hóa chứ không phải là công cụ của thương mại” 

(Tim Winton)

Tại sao sách giấy vẫn sống?

Tờ Vox cho rằng sự tăng trưởng này là nhờ... điện thoại. Bởi khi đọc không trực tuyến (offline), chúng ta cố gắng giảm bớt thời gian dán mắt vào màn hình, điều này thúc đẩy nhu cầu sách giấy. Mặt khác, người ta thích khoe chuyện đọc sách và gu sách vở của mình trên mạng xã hội, thường qua các hashtag kiểu như #100booksin2018 (100 cuốn sách trong năm 2018) trên Instagram chẳng hạn. Điều đó có nghĩa là có nhiều người mua nhiều sách hơn để khoe mẽ.

Việc đăng sách trên Instagram dẫn tới những không gian rộng mở cho người yêu sách trên mạng xã hội - tác giả Nisha Chittal viết - và đó là điều tốt cho cả các cửa hàng sách độc lập nữa, vì hoạt động đó ăn khớp với điểm mạnh then chốt của họ: tạo dựng một cộng đồng”.

Những tay bán sách đã khôn ngoan hơn với thói quen vuốt màn hình của người đọc, và đảm bảo rằng hàng hóa và địa điểm bán hàng của họ có một chỗ và một cộng đồng trên mạng, nơi họ gắn kết chặt chẽ với cả tâm trí lẫn bảng tin mạng xã hội của mọi người.

 “Khi được hỏi rằng ta nghĩ gì về một hiệu sách, hầu hết chúng ta đều thấy gợi lên một cảm giác êm đềm và thoải mái, một nhận định chung về trí tuệ và nguồn cảm hứng, chứ không chỉ về một nơi chốn cụ thể.

Tại sao chúng ta lại có mối liên kết xúc cảm như vậy đến các hiệu sách? Điều gì khiến một cửa tiệm bán sách khác với một tiệm bán giày hay một siêu thị? Thật khó xác định. Nhưng có lẽ đó chính là giá trị cố hữu của sách và nói rộng hơn, là tri thức, và cảm giác rằng việc đọc sách khiến chúng ta trở nên tốt hơn. Philip Pullman từng mô tả các hiệu sách độc lập là “những người soi sáng của nền văn minh”, có lẽ bởi các hiệu sách, cũng như các thư viện, khiến ta có cảm giác đang ở một thánh đường”.

Sian Cain (biên tập viên trang sách của The Guardian)

Việt Nam nhúng mình rất sâu đậm trong cơn thác đổ của mạng xã hội, các nhà sách thậm chí nảy nở và sinh sôi rất mạnh mẽ trên mảnh đất màu mỡ này. Các trang mạng là nơi các công ty phát hành truyền thông cho các ấn phẩm mới của họ, các cửa hàng chào đón và giao lưu với khách hàng của mình, các cá nhân bình luận và chụp những bức hình đẹp về cuốn sách mà họ đọc. Internet tưởng chừng như đã tiêu diệt xong sách giấy, nhưng lại biến thành một công cụ giúp sách giấy phát triển mạnh mẽ hơn. Và hóa ra Umberto Eco đã có lý khi nói rằng sách giấy cũng như một chiếc thìa, nó đã hoàn hảo tới mức không có phiên bản nào thay thế được.

Tất nhiên, còn quá sớm để kết luận điều gì. Doanh số bán sách có thể không bao giờ phục hồi lên mức cao như trước thời Internet, nhưng đây là tin tức đáng để khích lệ cho các tiểu thuyết gia đầy tham vọng, những người bán sách cả lo và cả những độc giả cuồng nhiệt nữa. Những con số đầy khả quan này cũng thuyết phục chúng ta về một thế hệ đang giữ gìn cho mình thói quen đọc sách và tiếp cận tri thức, dù bằng bất cứ phương tiện nào.■

Quy hoạch riêng dành cho đường sách đã xuất hiện ở vài thành phố lớn. Đường sách ở TP.HCM là nơi có doanh số bán lẻ tăng trưởng ngoạn mục. Theo Công ty Đường sách TP.HCM, doanh thu Đường sách TP.HCM tăng liên tục trong ba năm, kể từ khi ra đời vào tháng 1-2016, từ 26,4 tỉ đồng năm 2016 đến 39,51 tỉ đồng năm 2017 và 39,84 tỉ đồng năm 2018. Các đường sách ở Hà Nội, Vũng Tàu và Buôn Ma Thuột... đã và đang trở thành những điểm đến ưa thích cho nhiều người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận