Tôi muốn giành lại nhân phẩm cho lính thợ lưu đày

BÙI DŨNG 15/06/2016 19:06 GMT+7

TTCT - Với Công binh - đêm dài Đông Dương, đạo diễn Lê Lâm thực hiện được lời hẹn làm “bộ ba” phim về Đông Dương thời Pháp thuộc. Ngày 16-6, nhà làm phim gốc Việt có buổi giới thiệu tác phẩm đã đoạt một số giải thưởng quốc tế này tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Trò chuyện cùng TTCT, vị đạo diễn đã sống 50 năm trên đất Pháp xúc động kể về hành trình tìm lại một lịch sử bị lãng quên.

Công binh
Công binh

Công binh - đêm dài Đông Dương là bộ phim tài liệu đã mở toang bức màn lịch sử bị che giấu của những năm 1939-1952, khi 2 vạn thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp thay thế công nhân trong các xưởng sản xuất vũ khí, phải ra trận chống phát xít Đức hoặc chịu lao động khổ sai.

Bị hiểu lầm là lính đánh thuê, nhiều người bị quân đội Hitler hành hạ và bị các ông chủ bù nhìn Pháp bóc lột, đày ải, chịu cuộc sống bi thảm. Bộ phim được công chiếu lần đầu tại Pháp năm 2013 diễn tả cảm xúc, nỗi đau mà những người lính thợ lưu đày phải gánh chịu oan ức suốt bảy thập kỷ qua.

Xưởng đạn và pháo Bordeaux 1940
Xưởng đạn và pháo Bordeaux 1940

 Sau Đế chế tàn vụn từng tranh Sư tử vàng tại LHP Venice 1983, 20 đêm và một ngày mưa quay năm 2004 ở Indonesia và Đức; tại sao ông chọn Công binh - đêm dài Đông Dương để hoàn thành bộ ba (trilogy) về Đông Dương thời thuộc địa Pháp?

- Ở Pháp, khi đã thật sự chuyên nghiệp trong nghề điện ảnh, tôi có ý định làm phim để tìm hiểu nguyên nhân nào đã thúc đẩy các cường quốc như Pháp, Anh, Đức, Bồ Đào Nha và Bỉ bắt tay, liên kết với nhau xâm chiếm, đô hộ, thống trị, khai thác, bóc lột, nô lệ hóa các nước không thuộc châu Âu từ thế kỷ 18 đến gần giữa thế kỷ 20.

So với khi tôi mới sang du học toán bên Pháp thì hiện tôi thấy kinh tế và xã hội phương Tây đang khủng hoảng sau những năm thịnh vượng. Đúc kết lại, tôi nhận ra các cựu đế chế châu Âu đã làm giàu trên tài sản, xương máu, sức lao động của các nước thuộc địa cũ.

Năm 2004, ông Sarkozy làm bộ trưởng nội vụ trong chính phủ tổng thống Chirac đã đề xuất chính sách giảng dạy trong sách giáo khoa về đóng góp tích cực và tốt đẹp của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các thuộc địa. Sự kiện đó đã làm dân chúng Pháp biểu tình phản đối dữ dội, bản thân tôi cũng bức xúc.

Thời điểm đó tôi đã quay xong 20 đêm và một ngày mưa và bắt đầu tìm một đề tài xứng đáng để phản đối những chính sách đó của ông Chirac. Cuối cùng, tôi chọn sự kiện lịch sử “lính thợ Đông Dương” để dựng thành phim. Tôi thấy ngay đây là câu trả lời thích đáng cho chủ nghĩa thực dân mới của chính phủ tổng thống Sarkozy.

Đó là lý do cơ bản của Công binh - đêm dài Đông Dương và cũng là lý do tại sao đây phải là phim tài liệu mà không thể là phim truyện. Cũng cần nói thêm là người tiên phong khám phá sự kiện “lính thợ Đông Dương” là nhà sử học Trần Nữ Liêm Khê với công trình nghiên cứu công bố năm 1988, chứ không phải nhà báo Pháp Pierre Daum, tác giả cuốn sách phát hành năm 2009.

Ông đã bắt tay thực hiện Công binh - đêm dài Đông Dương như thế nào?

- Kịch bản phim được tôi viết vào cuối năm 2009 và ngay lập tức thuyết phục được nhà sản xuất ADR Productions. Tình hình lúc ấy rất khẩn cấp vì các bác lính thợ khi xưa còn sống đều đã hơn 90 tuổi. Ngay sau đó, tôi khẩn trương về Việt Nam khảo sát, tìm hiểu ngay để có thể phỏng vấn các nhân chứng.

Quá trình chuẩn bị phim là hai chuyến đi, mỗi lần một tháng xuyên tuyến từ Bắc vào Nam. Miền Trung Bắc và Trung Nam, Thừa Thiên, Quảng Nam là nơi tập trung nhiều lính thợ nhất, chiếm 2/3 số bị “động viên”. Phỏng vấn thu thanh để viết sách thì không gây trở ngại nhưng khi đề nghị lên hình thì lại khác.

Một số đông họ sống ở miền Nam dưới chế độ cộng hòa cũ nên không muốn rắc rối với chính quyền. Một số khác trước kia hoạt động chính trị bên Pháp chống thực dân, họ bị mật thám Pháp theo dõi, bắt bớ nên vẫn bị ám ảnh bởi quá khứ hoạt động đó. Những trạng thái tâm lý này tồn tại ở cả những lính thợ Việt bên Pháp và trong nước...

Đạo diễn Lê Lâm
Đạo diễn Lê Lâm

 Trong phim, ông đã tiếp xúc khoảng 20 nhân chứng tại Việt Nam còn sống sót. Có câu chuyện nào còn ám ảnh ông mà không được kể trong phim?

- Khi dựng phim tư liệu chiếu trong bốn tiếng, tôi không đành lòng cắt nhân chứng nào vì tư liệu quý hiếm không còn nhiều và thời gian đang đẩy lùi lịch sử đau thương vào quên lãng. Tôi thuê rạp chiếu trên màn ảnh rộng xem lại. Tôi mời nhà sản xuất phim và duy nhất một bác công binh gần gũi, quý mến tôi nhất cùng xem để xác minh tính chân thực của phim.

Suốt buổi chiếu phim trong vòng bốn tiếng, bác công binh tuổi 93 im lặng, những giọt nước mắt nhẹ lăn trên má. Sau buổi chiếu, bác lặng lẽ bước ra khỏi rạp. Tôi thật sự lo lắng. Ra đến tiệm nước, tôi mới dám hỏi: “Bác nghĩ sao?”.

Bác nhìn tôi, hỏi: “Cháu tìm đâu ra một diễn viên tài giỏi giống bác như đúc và hiểu biết đời sống công binh như bác đã từng sống?”.

Trong một phút im lặng, tôi hiểu bác không muốn lộ cảm xúc, rồi bác trầm giọng nói: “Cháu ơi, trong cuộc đời nô lệ của bác bên Pháp, không ai coi các bác là gì. Làm sao bác có thể tưởng tượng một ngày nào đó bác sẽ được xuất hiện trong một bộ phim trình chiếu trên màn ảnh khắp thế giới? Ai thèm quan tâm đến thân phận của những kẻ như bác?”.

Xưởng làm thuốc súng tỉnh Sorgues 1940
Xưởng làm thuốc súng tỉnh Sorgues 1940

 Lời nói chân thành từ đáy lòng của người công binh già 93 tuổi làm tôi nghẹn lại, buồn vui lẫn lộn. Buồn cho tình thế và số mệnh khốn khổ của các bác lính thợ trong Thế chiến thứ hai đang bị lịch sử lãng quên. Vui vì lời nói chân thành đó đã thay lời khen cho cuộc đời làm phim của tôi... 

Và điều đó cũng khẳng định trách nhiệm cao nhất với người nghệ sĩ, bởi một tác phẩm xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật phải đem lại niềm vui, sự truy vấn và hữu ích cho nhân loại.

20 nhân chứng trong phim Chân dung năm 1939 và năm 2010
20 nhân chứng trong phim Chân dung năm 1939 và năm 2010

 Ông muốn nói gì với người dân cùng Chính phủ Pháp và người dân cùng Chính phủ Việt Nam ở thời điểm hiện tại thông qua bộ phim này? Cả hai bên, theo ông, nên làm gì vào lúc này để tưởng nhớ và ghi nhận sự hi sinh của những người lính năm xưa?

- Cần nhắc lại là tình hình chính trị, lịch sử thời kỳ đó rất phức tạp với nhiều bí mật che giấu nên cả hai bên Pháp, Việt đều không có nhiều thông tin về chuyện lính thợ.

Trong hoàn cảnh đó, rất khó có tư liệu chính thức hay tài liệu gốc chứng minh những gì thật sự đã xảy ra. Khi các nhân chứng mất thì không còn tư liệu sống nữa. Bộ phim cho ta thấy những nhân chứng sống, những lời đối thoại ghi âm, thu thanh trực tiếp.

Trong phim, tôi không dùng lời bình của tác giả. Chỉ với phương thức diễn đạt đó mới chứng minh được một cách khách quan là Pháp đối xử với người bản xứ thuộc địa như thế nào. Tôi được thượng nghị viện Pháp mời phát biểu trong buổi thảo luận cuối năm 2013.

Mười đại biểu đã đặt câu hỏi tại sao chính phủ không trả lương bổng và hưu trí cho các bác lính thợ khi đã phục vụ trong 14 năm cho chính quyền Pháp...

Qua đây, tôi muốn giành lại nhân phẩm và danh dự con người cho các bác công binh, cho con cháu họ bên Pháp và ở trong nước. Họ cũng từng bị đổ oan là kẻ phản quốc trong khi chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.

Nếu Công binh - đêm dài Đông Dương giúp các chính phủ quan tâm đến trường hợp của những người lính thợ Việt, đền bù cho họ những gì xứng đáng, để họ không bị lãng quên, một trang lịch sử đau thương không bị biến mất, khi đó tôi có thể tự hào rằng bộ phim của mình đạt được giá trị của một tác phẩm nghệ thuật.■

Trường quay phim múa rối ở Nhà hát Múa rối nước trung ương
Trường quay phim múa rối ở Nhà hát Múa rối nước trung ương

 Trong Công binh - đêm dài Đông Dương có những đoạn ông sử dụng nghệ thuật rối nước của Việt Nam để mô tả lịch sử. Điều này có giống cách đạo diễn Pháp gốc Campuchia Rithy Panh đã sử dụng hình nhân thay cho những hình ảnh tư liệu trong bộ phim lịch sử từng đoạt giải tại LHP Cannes 2013, được đề cử Oscar 2014 là The missing pictures?

- Phim của tôi hoàn thành năm 2012, ra mắt khán giả trước phim của Rithy Panh. Rithy từng là sinh viên của tôi năm 1985 ở Trường điện ảnh IDHEC. Rithy có đọc kịch bản của tôi năm 2010 vì cũng là bạn thân. Về sự trùng hợp này, tôi để khán giả đánh giá. Nhưng múa rối nước là truyền thống dân gian của ta. Tôi khai thác rối nước không chỉ là cách dẫn dắt người xem đến với câu chuyện mà ở đó còn chứa ẩn dụ rằng những công binh như con rối bị chính quyền thực dân cưỡng ép sang Pháp làm lính thợ.

Lê Lâm là đạo diễn Việt kiều Pháp. Sinh năm 1948 ở Hải Phòng, ông sang Pháp du học năm 1966 nhờ chương trình học bổng. Vừa học cử nhân toán, ông vừa học chuyên ngành hội họa trước khi chuyển sang làm điện ảnh.

Phim đầu tay của Lê Lâm là Long Vân Khánh hội được giới thiệu trong chương trình Triển vọng của điện ảnh Pháp tại LHP Cannes 1981. Bộ phim tiếp nối Đế chế tàn vụn (Poussiere d’empire) quay năm 1982 ở Việt Nam và được chọn tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 1983, LHP Berlin và Los Angeles năm 1984.

Tiếp sau đó là phim 20 đêm và một ngày mưa quay năm 2004 ở Indonesia và Berlin (Đức). Công binh - đêm dài Đông Dương quay năm 2010 là phim cuối cùng cho bộ ba phim về đề tài Đông Dương. Ông từng giảng dạy biên kịch và đạo diễn ở Trường điện ảnh IDHEC (La Fémis) của Pháp từ năm 1986 và vừa về Việt Nam làm giám khảo giải thưởng Cánh diều 2016 ở hạng mục phim truyện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận