Về bản

TTCT - Đoàng! Một tiếng súng khô khốc bắn trúng đầu con sói.Dư bàng hoàng. Bộ đội Hùng đã đến. Con sói ư ử vài tiếng rồi chết.

Tranh: Nguyễn Hoàng Huy
Tranh: Nguyễn Hoàng Huy

 

Phi Si Lùng là đỉnh núi cao nhất của Mường Tè. Đỉnh núi cao trên ba ngàn mét, quanh năm đổ nước từ đỉnh núi về dòng suối Nậm Cầu, Nậm Xi Lung.

A Cà, người La Hủ, được bộ đội dạy dỗ thành quân nhân. A Cà với bộ đội Hùng tìm kiếm một cặp vợ chồng cùng hai đứa con bỏ bản. Hai người đã đi nhiều cánh rừng trong nhiều ngày tìm kiếm. Chuyến đi này đã hơn một tuần và giờ họ đang tiếp tục kiếm tìm trên những đỉnh núi này.

Dưới đây là câu chuyện của vợ chồng người La Hủ.

...

Buổi sáng ở bản Là Si se lạnh. Mấy cái đỉnh núi trên cao kia sương mù phủ kín. Màu trắng bồng bềnh. Dư nhớ rừng. Nếu hôm qua bộ đội không gặp vợ chồng mình thì hôm nay mình và vợ con đang ở trên đỉnh núi đó.

Nay về bản, Dư lo lắng. Ở đây cũng có mấy gia đình rồi. Dư định qua hỏi xem họ sống có cực khổ không? Có bị đánh đập không?... Dư trù trừ. Hỏi ở đây, bộ đội nghe được thì khó bỏ chạy lắm. Đến chiều, rủ họ ra rừng mà hỏi.

Mấy đứa trẻ tung tăng xách can đi lấy nước suối. Cái can to hơn người nên vừa xách vừa lết. Chúng thích lao động. A Dờ, Ly De nhà mình cũng thế. Ngủ dậy là vào rừng lấy măng. Vài đứa khác lại vác củi đi. Chúng nói với nhau đem củi cho cô giáo. Cô giáo không bảo mang đâu. Bọn trẻ quý cô nên mang theo đấy mà. Một người nhà bên nói cho Dư hiểu.

Trước sân, sau nhà, lợn mẹ lợn con dũi đất. Cũng có gà, vịt. Chắc là họ về đây ở đã lâu. Lần trước gặp bộ đội trong rừng vận động mình về. Mình thì không muốn. Trong rừng mùa này chưa lạnh, vẫn kiếm ăn được.

Dư nhớ lại lời của bố kể. Mà bố Dư thì nghe từ ông. Ông lại nghe từ cụ. Ngày đó, người La Hủ mình cũng có nhà, có bản, có ngày hội vui lắm. Tiếng hát thì học từ người Hà Nhì. Tiếng khèn, giai điệu lại hát theo người La Hủ. Rồi người Hà Nhì, người La Hủ cùng vào rừng tìm mật ong, bắt con dúi, kiếm củ mài, nấm hương, mộc nhĩ. Người La Hủ có con mắt tinh nhanh, tai thính, đôi chân băng rừng không biết mỏi.

Đi rừng lần nào, người La Hủ cũng kiếm được nhiều hơn người Hà Nhì. Nhưng thằng Pháp thật ác. Thằng Pháp có súng dài, dao sắc. Thằng Pháp trấn hết đồ của người La Hủ. Đi cả ngày rừng về lại tay không. Sợ Pháp, người La Hủ tránh xa đồn Pháp. Nhưng nó ăn mật ong thấy ngọt, ăn thịt dúi thấy thơm ngon, quen mồm mất rồi.

Mộc nhĩ, nấm hương, măng trúc chúng cũng cướp để ăn. Ăn quen, không thấy người La Hủ đi qua đồn, chúng vào tận bản lục lọi, đánh đập khảo tra. Không có sản vật cho nó. Ngô, lúa chúng đem tung ra rừng, đốt nhà, cười phớ lớ.

Không chịu được nữa, phải đi vào rừng để tìm đường mà sống thôi. Từ đó cả bản kéo nhau đi, cả tộc người La Hủ kéo nhau đi. Đi mãi.

Dư vào nhà kéo vợ. Vợ Dư nắm hai nắm đấm tay lên dụi mắt: “Ở đây là ở đâu”?

Dư giảng giải: “Ở đây là ở cái chỗ nguy hiểm. Mình về đây để làm nô lệ đấy. Lại phải vào rừng kiếm mật ong cho họ. Đào con dúi cho họ. Săn con nai cũng cho họ. Bắn được con chim, bắt được con cá suối cũng cho họ.

Mình mà không làm ra những thứ đó thì bị đánh đòn. Sáng nay tao nhìn thấy chỉ có trẻ con được ở nhà. Mà trẻ con sáng phải dậy sớm đi lấy nước. Dậy muộn là không cho ra suối đâu”.

Vợ Dư gục xuống đống chăn màn.

- Về đây như con ngựa về chuồng, bị cột mồm, đóng cũi - Ly nói.

- Ừ đó - Dư khẳng định.

Có tiếng gõ ngoài cánh cửa. Hai vợ chồng Dư co rúm vào đống chăn. Tiếng cô giáo nói, rồi có tiếng phiên dịch La Hủ. Nhà có trẻ con thì cho lên lớp đi học.

Đi học? Họ không nói cái từ này bằng tiếng La Hủ nên Dư không hiểu. Lưỡng lự một lúc, Dư đáp vọng ra.

“Ba mì xừ” (cứ từ từ).

Người ở ngoài nghe xong thì bảo cô giáo đi. Cô giáo cũng biết cái từ này nên đi sang nhà khác gọi trẻ con.

Đến trưa, vợ chồng Dư không lên trạm lấy gạo. Hai đứa con đói cứ lân la nghịch đất. Nghịch chán lại chui vào chăn nằm. Có tiếng giày gõ nhẹ ngoài hiên. Rồi tiếng gõ cạch cạch vào cửa.

- Dư à? Bộ đội đây. Lên nhận gạo với xoong nồi về nấu cơm ăn.

Dư nghĩ họ cho mình ăn để khỏe chân mai đi làm cho họ đấy. Mình chỉ nán lại đây đến đêm rồi trốn khỏi chỗ này. Bao đời ông cha chỉ đi làm con ngựa, con trâu cho thằng Pháp. Bộ đội cũng như thằng Pháp thôi. Cũng có súng để bắn người, có dao sáng để dọa người. Vào rừng có giỏi bằng người La Hủ đâu.

Tiếng đập cửa mạnh hơn. Không thể nằm lì trong nhà này được. Nhà của họ làm mà. Không nghe lời, họ châm lửa ném vào chết cháy như con dúi nướng trên lửa đốt bằng lá nứa khô. Dư dậy, mở cửa. Bộ đội bước vào nhà. Dư sợ bộ đội lắm. Trông nó khỏe quá. Mà lúc nào nó cũng chủ động.

- Đêm qua có ngủ được không?

Dư gật đầu. Bộ đội nói như ra lệnh:

- Nào, đi xuống trạm đi, mau lên. Hai đứa nhỏ đã được ăn gì chưa? Tên bọn nhỏ là gì?

- Đứa lớn tên là Hùa A Dờ, đứa nhỏ tên là Hùa Ly De!

- Vợ của Dư tên gì?

- Giàng Lý Ly.

Bộ đội ghi tên vào sổ rồi dẫn Dư xuống trạm. Dư được phát gạo, muối cùng quần áo cho hai đứa nhỏ.

Dư mang gạo về bảo vợ nấu cơm. Hai bộ quần áo mới Dư không dám phát cho hai đứa con mặc. Dư nghe nhiều người nói quần áo đó có bệnh. Mặc vào chỉ có rách da, lở thịt. Không thuốc gì của người La Hủ chữa được đâu. Lại phải đến chỗ họ xin thuốc, lại phải phụ thuộc vào họ.

Dư kể cho vợ ở dưới trạm tao thấy có máy nói để ở trong nhà. Cái máy xem người để ngoài sân. Cái máy chỉ bằng cái gùi thôi. Họ nhốt được nhiều người trong đó lắm. Rồi đây họ tức mình, họ cũng nhốt mình vào trong đó. Người trong đó chạy, nhảy, hóa điên hết rồi. Họ gọi cái máy giam người là tivi!

Vợ Dư chỉ nghe, chẳng đối đáp.

Cơm xong, Dư không dám bước ra ngoài. Vợ cũng không ra ngoài. Hai đứa con cứ lân la nhìn ra ngoài qua khe hở của tấm vách gỗ. Chập tối, cái dây ròng từ suối về trạm cho ánh sáng. Bộ đội gọi vợ chồng Dư xuống trạm.

Dư không dám đi. Họ vào, miệng nói, tay kéo. Ông Vàng Ly Xè cũng có mặt. Ông được cử làm trưởng bản này. Trưởng bản được uống rượu, được ngồi cùng mâm với bộ đội, theo bộ đội suốt. Dư kết luận: cũng chỉ là tay sai thôi.

Ông Vàng Ly Xè nói xuống trạm sinh hoạt cộng đồng. Dư miễn cưỡng bước đi. Lý Ly đứng bên cửa nhìn theo. Hai đứa con đứng bên hai chân của Lý Ly cũng nhìn theo.

Đêm đó, sinh hoạt xong, Dư về. Nằm trong nhà nhưng không sao ngủ được. Tối qua ngủ dễ dàng mà tối nay sao khó ngủ. Ở đây mình thành con gà nhốt trong chuồng, con trâu cột gốc cây, con ngựa cho họ sai bảo.

Rồi họ bắt mình làm theo ý họ. Tay mình chưa quen, họ đánh vào tay mình. Mình mệt mỏi, không đi, họ đánh vào chân, vào lưng. Nhớ lại ngày còn nhỏ, mỗi ngày đi qua ngọn núi chưa kịp đặt tên. Đêm băng qua con suối phải xóa dấu chân mình. Luồn rừng cắt suối chỉ mang theo con chó, con gà. Con lợn không chịu đi thì phải cõng nó theo.

Rồi chó cũng làm thịt ăn. Gà cúng ma cho khỏi bệnh tật. Bệnh tật vẫn còn mà gà thì hết. Lợn không lớn, không đẻ cũng ăn thịt hết. Cả bản chỉ trông vào rừng. Cứ đi lên núi xanh mà kiếm lá, đào củ, săn bắt con chim, con thú. Thỉnh thoảng lượm được củ sâm phải để dành. Trèo qua mấy cái dãy núi, sang tận bên Trung Quốc đổi muối, đổi thuốc.

Đổi xong lại phải quay về núi. Ở bên đó cũng bị bắt. Giờ về đây, mình thành con trâu bị xỏ mũi, con lợn bị buộc chân. Nhà của họ, mình có mất công mất sức để làm đâu. Ở như vậy khác gì con chim bị nhốt trong lồng, rồi sẽ quên đi những cánh rừng, mất đi tiếng hót. Thế là hết. Buồn lắm.

Trong đêm mịt mùng. Vợ chồng con cái Hùa Hờ Dư đưa nhau đi. Họ chỉ mang theo đồ của mình, đồ của bộ đội cấp phát đều để lại.

Bóng đêm của rừng ú òa trước mặt, gió đưa cành lá lòe xòe như bóng ma trơi. Rừng như tấm khăn đen trùm xuống.

...

Vợ chồng Dư đi ba ngày ba đêm thì đến đỉnh non cao. Chỗ này dấu chân người La Hủ cũng đi qua rồi. Cái xác lán bằng cây và lá đã mục mại. Dấu tích còn sót mà Dư nhận biết được nhờ trực giác với núi rừng.

Tránh cái chỗ lán cũ, Dư chặt cành cây gác ngang rồi dùng tàu cọ lợp mái. Một buổi làm cũng hoàn tất cái lán. Làm xong thì mệt. Dư ngồi thừ bên lán. Lý Ly cùng con đang vào rừng kiếm cái ăn. Chờ đợi lại nhớ ngày xưa. Ngày còn ở bên cha. Cha của Dư kể chuyện ở bản. Nhà nào muốn làm nhà mới đều phải làm gà, thắp hương, xin giàng cho đất. Xin xong mới bổ đất, san nền. Cả bản đến giúp. Làm nhà xong lại mổ trâu, bò, đốt lửa liên hoan.

Mấy cuộc đời sau không còn chuyện đó nữa. Làm nhà ngày trước là ở mãi, ở mãi. Làm nhà sau này, cứ lá vàng lại bỏ mà đi. Sợ bị lộ, bị thằng Pháp phát hiện, chúng bắt về thì chỉ làm con trâu cày, con ngựa cưỡi cho chúng nó. Thì đi thôi. Đi vào rừng tìm tự do.

Đói và khát nước, Dư chặt cây chuối rừng đẽo lấy cái lõi mềm nhai ăn. Hai đứa con cũng theo Lý Ly vào rừng tìm măng, kiếm củ. Không biết chiều nay có kiếm được cái ăn không? Ở đây tuy xa, nhưng chỗ này người La Hủ cũng đến ở rồi.

Họ ở, họ đi. Rừng lại tái sinh. Dư hi vọng kiếm được nhiều cái ăn. Rồi Dư lại nghĩ, cũng khó lắm. Các lá cây ăn được cũng bị người La Hủ đi trước chặt đốn hết. May ra có cây con lớn lên, cây chặt tái sinh còn bòn mót được một ít. Ngắm cái lều vừa làm xong, có nơi để ở tránh mưa nhưng cái ăn mới là thách thức. Mùa đông sắp đến rồi. Lạnh lắm. Phải vào rừng tìm sa nhân, đẳng sâm.

Nhà sắp hết muối rồi. Kiếm được sa nhân qua Trung Quốc đổi muối, mua quần áo về mặc cho đỡ rét mùa đông... Dư nghĩ vậy và cầu mong rừng sẽ thương, chỉ cho Dư cái chỗ có các sản vật đó. Dư hi vọng thôi chứ mấy năm nay tìm kiếm thứ đó khó lắm.

Đang ngồi, đang nghĩ thì Dư thấy có đám khói nhỏ bay phất phơ trong rừng. Dư nhìn thấy biết có người ở gần. Dư không sợ, khói đó do người ta phát nương trồng thuốc phiện. Họ là người Mông. Họ phát nương trộm.

Họ chia đám nương thành nhiều khóm nhỏ. Chiều muộn họ mới đốt, nương chỉ cháy đến chập tối là tắt. Họ đốt vào tầm này để tránh bị bộ đội phát hiện. Tối mà lửa vẫn cháy thì rừng sẽ sáng lên. Bộ đội sẽ đến phá nương. Nếu mình lò dò đến, họ chém đầu luôn. Họ sợ mình sẽ báo bộ đội. Họ làm việc ấy bí mật lắm, không cho ai biết đâu.

Ánh lửa dần tắt. Bóng tối từ những con suối, gốc cây, bụi rậm... len lỏi, xâm chiếm. Tiếng sột soạt phía rừng, Dư biết vợ con đang về.

...

Trong rừng. Đói, mệt lả. Dư không cần đánh dấu bước chân mình. Dư đi mãi nhưng khi quay về vẫn đúng chỗ. Dư mong kiếm được con thú, con chuột để mang về cho vợ con ăn. Vợ con Dư ở chỗ nào trong cánh rừng này cũng tìm được. Dư ngửi mùi hơi người vương trên lá cây. Chỉ cần nhìn lá đứt, vỏ măng, thân cây chuối chẻ là Dư biết. Bản năng sống ở núi rừng rèn luyện nên Dư.

Có mùi thú hoang ở gần đây. Dư khịt mũi định hướng. Lần theo hướng mùi, Dư tìm được quầy thịt lợn rừng vùi trong đất. Đây là thịt thừa của chó sói, nó vùi vào đất cất kỹ để ngày mai ăn. Dư lồng tay nhặt cho vào túi vải. Dư tính chó sói sẽ đuổi theo mình. Nhưng nghĩ đến cảnh con đói, Dư băng rừng tìm lối về chỗ vợ con.

Bước chân của Dư cắt rừng nhanh như luồng gió. Càng gần tới chỗ vợ con, Dư càng nghe ăng ẳng tiếng chó sói rượt theo. Nguy rồi. Bất giác Dư quay lại nhìn, con sói hồng hộc lao vào Dư. Dư né người vác dao quật lại. Vợ Dư cũng vác cây chống đỡ. Hai đứa con đứng trên tảng đá, hai phía đều có Dư và Ly canh chừng.

Con sói chạy vòng quanh không chịu buông tha. Nó muốn đòi lại chỗ thịt. Rồi con sói mẹ lao thẳng vào phiến đá hòng đánh vào hai đứa con của Dư. Cú lao nhanh nhưng trượt. Nó sủa inh ỏi để gọi đàn. Ly nói: “Nguy hiểm rồi Dư ơi. Trả cho nó”. Không có tiếng sủa vọng lại nên Dư tin con sói sẽ bỏ đây để đi.

Con sói cũng bỏ đi thật. Nó đi được mấy chục mét rồi bất thình lình lao ngược trở lại, lần này nó ngoạm vào chân thằng A Dờ. Thằng A Dờ đau la thất thanh. Con chó kéo lết thằng A Dờ ra khỏi phiến đá. Dư lao theo chiến đấu với con sói. Nó bỏ thằng A Dờ ra tránh đường dao của Dư và quay lại vồ Ly De. Con Ly De bị nó cắn ngang cổ. Ly De la thất thanh. Lý Ly lao theo con chó cứu con. Cú lao mạnh khiến Ly trượt chân mỏm đá.

Đoàng! Một tiếng súng khô khốc bắn trúng đầu con sói.

Dư bàng hoàng.

Bộ đội Hùng đã đến.

Con sói ư ử vài tiếng rồi chết.

Dư quay mặt ra phía sau, dùng dao cắt mấy sợi lông bộ hạ rịt vào vết thương đang chảy máu ở chân của A Dờ. Đây là bài thuốc dấu. Chân A Dờ cầm máu. Bộ đội dùng bông cồn lau vết cắn ở cổ Ly De, ở chân A Dờ.

A Cà ra lệnh cho vợ chồng Dư về bản.

Dư cõng A Dờ đi theo. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận