TTCT - Cuối cùng ngày 20-4, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Mền giữ nhiệt cứu sinh của Cơ quan Viện trợ Mỹ (USAID) gửi tới nhân dân Ukraine. Ảnh: iom.intSau rất nhiều vận động và áp lực, cuối cùng Kiev cũng nhận được tin vui: ngày 20-4, Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật cung cấp 60,8 tỉ USD viện trợ cho Ukraine. Dự luật còn cần được Thượng viện, nơi phe Dân chủ chiếm đa số, đồng tình trước khi Tổng thống Joe Biden phê chuẩn.Nắng hạn có gặp mưa rào?Ukraine sẽ được gì từ gói viện trợ này? Theo cổng thông tin Ukraine StranaNews, hơn 1/3 số tiền, tức 23,2 tỉ USD, sẽ để bổ sung cho kho vũ khí của quân đội Mỹ, vốn đã sụt giảm do cung cấp cho Kiev trước đó. 13,8 tỉ USD được chi để mua vũ khí mới cho Ukraine. 11,3 tỉ USD khác cho hoạt động hiện tại của quân đội Mỹ trong khu vực - như huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine và hiện diện quân sự ở các nước sườn phía đông NATO. Hơn 7,8 tỉ USD được cam kết hỗ trợ kinh tế Ukraine (được chuyển vào ngân sách nước này để bù đắp thâm hụt, dưới hình thức một khoản vay, theo điều kiện của Đảng Cộng hòa). Phần còn lại dành cho các nhu cầu nhỏ hơn như kiểm soát buôn bán ma túy, an toàn hạt nhân hoặc hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật...Trong một đoạn riêng, dự luật buộc ông Biden phải đưa ra chiến lược rõ ràng về viện trợ thêm cho Ukraine trong vòng 45 ngày. Chiến lược này phải "có phạm vi nhiều năm, đặt ra mục tiêu cụ thể và có thể đạt được, đồng thời xác định và ưu tiên các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".Có thể thấy cấu trúc dự luật khá trúc trắc, khiến khó thể chỉ ra cụ thể quân đội Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu. Một số chuyên gia tính toán số viện trợ vũ khí cho Kiev là khoảng 14-25 tỉ USD. Nhà khoa học chính trị Nga của Viện Các nghiên cứu chính trị quốc tế Sergey Markov tính: Nếu trung bình một ngày chiến tranh ở Ukraine tiêu tốn khoảng 100 triệu USD, thì ngân sách dành cho cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2023 là khoảng 36,5 tỉ USD. Như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Mỹ đã viện trợ nhiều hơn vào năm 2023: 24 tỉ USD. Điều này có nghĩa là về cơ bản nguồn viện trợ cho quân đội Ukraine trong dự luật mới vẫn ở mức tương tự năm 2023.Và Kiev vẫn cần nhận thêm khoảng 15 tỉ USD từ các nguồn khác. (Có thể EU sẽ phân bổ 10 tỉ USD. Những nguồn còn lại sẽ góp thêm 5 tỉ USD).Ảnh: The AtlanticMột mùa hè đỏ lửa?Ngoài chuyện tiền bạc, những câu hỏi quan trọng khác là khi nào và loại vũ khí nào sẽ đến Ukraine?The Washington Post 21-4 đưa tin Lầu Năm Góc sẽ cần "chưa đầy một tuần" để giao một số vũ khí cho quân đội Ukraine từ kho của quân đội Mỹ. Lô hàng đầu tiên sẽ bao gồm tên lửa Patriot và đạn pháo. Ít nhất đây là những gì ông Biden đã liệt kê hôm 17-4.Tuy nhiên, chuyện tên lửa ATACMS tầm xa 300km có được chuyển giao không là câu hỏi còn bỏ ngỏ. (Ông Zelensky đang khẩn thiết kêu gọi Mỹ giao các tên lửa này). Dự luật một mặt buộc ông Biden phải chuyển giao tên lửa, mặt khác cho phép ông không chuyển giao nếu thấy điều đó đe dọa an ninh của Mỹ. Trong trường hợp không chuyển giao, ông Biden có nghĩa vụ giải thích lý do với Quốc hội. Đây rõ ràng chỉ là đòn phép chính trị khi Đảng Cộng hòa muốn buộc ông Biden phải biện minh cho hành động của mình.Tương tự, cần xem xét yêu cầu về chiến lược và thời hạn cụ thể trong hỗ trợ cho Ukraine dưới lăng kính đó. Đây là những điều Nhà Trắng luôn tránh né, họ muốn viện trợ Kiev không xác định thời hạn, tùy thuộc vào một số nhiệm vụ cả công khai lẫn bí mật. Một chiến lược, khuôn khổ, và ranh giới cụ thể sẽ bó buộc phạm vi hành động của Chính phủ Mỹ. Nhưng nếu ông Biden không nêu ra những tiêu chí cụ thể, ông sẽ bị các đối thủ chính trị cáo buộc kéo dài chiến tranh và chi tiêu ngân sách không minh bạch.Ngay cả khi đợt viện trợ mới chưa chính thức hóa về mặt pháp lý, dòng vũ khí, đạn dược và thiết bị đã đổ về Ukraine cả bằng đường biển và đường bộ. Theo Moskovsky Komsomolets, nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ đi qua các cảng của Đức, từ đó đi tàu qua Ba Lan, rồi từ thị trấn biên giới Rzeszow đến Ukraine. Gói đầu tiên bao gồm tên lửa phòng không và đạn pháo; tiếp đó là xe bọc thép, hệ thống phòng không kèm đạn và pháo...Ngoài vũ khí và thiết bị quân sự, Mỹ đang xem xét khả năng cử thêm cố vấn quân sự tới Ukraine nhằm giúp giải quyết các vấn đề hậu cần, bảo dưỡng thiết bị, tư vấn và hỗ trợ chính phủ và quân đội Ukraine, dù Washington đảm bảo rằng "các cố vấn này sẽ không tham gia hoạt động quân sự trực tiếp".Ảnh: The Japan TimesMoskovsky Komsomolets dẫn lời các chuyên gia dự báo giao tranh dữ dội sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay. Kiev, sau khi nhận được các vũ khí tầm xa, "có thể tấn công các thành phố và các cây cầu" của Nga. Tờ này dẫn lời một cựu phi công chiến đấu, quản trị viên kênh Fighterbomber không loại trừ việc "Kiev dần vô hiệu hóa các thành phần lá chắn hạt nhân của Nga". Trong khi đó, chuyên gia quân sự Ilya Kramnik không coi gói viện trợ mới cho Ukraine là đặc biệt; nhưng cũng thừa nhận, "nhờ có Mỹ, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ có thể giải quyết được những nhiệm vụ chiến thuật nhỏ".Quan trọng, nhưng không quyết địnhNhìn chung, việc thông qua dự luật là dấu hiệu quan trọng cho thấy sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine, bao gồm cả Đảng Cộng hòa, vốn đã rút lại điều kiện liên kết hỗ trợ cho Ukraine với vấn đề biên giới. (Dù cũng có chia rẽ nghiêm trọng: 101 nghị sĩ Cộng hòa đồng tình viện trợ, và 112 người bỏ phiếu chống).Tuy nhiên, liệu gói viện trợ đi kèm sự ủng hộ này có giúp Kiev lật ngược tình thế khó khăn hiện nay? Sky News 21-4 đăng bài của nhà báo Mỹ Mark Stone tính rằng dự luật được Ukraine mong đợi này được thông qua 480 ngày sau lần cuối Quốc hội Mỹ cho phép gửi vũ khí tới Ukraine. Dù trong khoảng thời gian đó, Mỹ đã có những khoản viện trợ quân sự nhỏ cho Kiev, nhưng chưa đủ. Hậu quả là Nga đã có những bước tiến quan trọng trên chiến trường.Hiện Ukraine đang cạn kiệt tất cả các loại vũ khí, kể cả vũ khí nhỏ và đạn súng trường. Một số nhà phân tích nói vẫn chưa quá trễ để xoay chuyển tình thế, với điều kiện phải bơm tiền "khẩn cấp và bền vững" cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, bài báo SkyNews nói rằng ngay cả những biện pháp này cũng sẽ không dẫn đến chiến thắng hoàn toàn: "Hiện nay người ta chấp nhận rộng rãi... một giải pháp hòa bình, dẫn đến xung đột sẽ đóng băng đâu đó dọc theo chiến tuyến, dù vẫn chưa biết chính xác là ở đâu và khi nào".Ảnh: The Japan TimesTương tự, nhà khoa học chính trị chuyên về Ukraine Vadim Karasev cho rằng gói viện trợ này, theo tính toán của Washington, nhằm tránh sự sụp đổ của Kiev và kiềm chế Nga. Mỹ từng cung cấp vũ khí cho Kiev để phản công, nhưng không thành.Còn nay, khi tình hình ở mặt trận và Ukraine nói chung đã trở nên nghiêm trọng, cách phân bổ lại viện trợ của Mỹ là nhằm ngăn Ukraine "trượt tới thảm họa" và cản bớt cuộc tấn công dữ dội của Nga.Xung đột có thể đóng băng khi gói viện trợ chỉ đủ để tạo tiền đề cho Ukraine ngăn chặn một diễn biến quyết định có lợi cho Nga, chứ không đảm bảo được ưu thế cho Kiev. Sau đó, sớm hay muộn, "kịch bản Triều Tiên" sẽ xuất hiện, đủ khiến phương Tây hài lòng, dù nó "không phù hợp với cả Nga và Ukraine", ông Karasev nói trên kênh Politeka. Theo quan điểm của ông, trong khuôn khổ cuộc chiến, số tiền hơn 60 tỉ USD không có tính quyết định. Vì vậy, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào chiến lược mà Mỹ lựa chọn: Liệu Mỹ có sẵn sàng chấp nhận rủi ro để gây ra thất bại chiến lược cho Nga, hay sẽ chọn phương án đóng băng.Cùng nhận định, tờ The Wall Street Journal cho rằng đợt hỗ trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine khó thể thay đổi hoàn toàn tình thế. "Với tình hình thảm khốc của Ukraine trên chiến trường và những thành công mà quân đội Nga đạt được những tháng gần đây... khoản viện trợ mới khó có thể thay đổi hoàn toàn số phận của Kiev". Nhắc lại Kiev đang thiếu trầm trọng nhân lực lẫn đạn pháo, WSJ ước tính, trong trường hợp tốt nhất, gói viện trợ mới của Mỹ có thể giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga và "giữ lãnh thổ" đến khi các đồng minh châu Âu cung cấp thêm viện trợ vào năm tới. Mặt khác, vẫn theo WSJ, gói viện trợ này có thể khiến người Nga tấn công nhanh hơn dự kiến, trong lúc việc tăng cường trang thiết bị quân sự không giúp Ukraine giải quyết những vấn đề khác, như thiếu hụt nhân sự.Về phần mình, Tổng thống Zelensky, theo Strana News, nói ông "hài lòng với quyết định phân bổ hỗ trợ của Hạ viện". Ông nói: "Quân đội Mỹ không cần phải chiến đấu để bảo vệ các nước NATO nữa. Người Ukraine đang làm điều này và thế giới văn minh chỉ cung cấp đạn dược, tôi nghĩ đây là một quyết định đúng đắn".■ Trong gói bốn dự luật rất quan trọng được thông qua hôm 20-4 ở Hạ viện Mỹ, hỗ trợ cho Ukraine nhận được số phiếu ủng hộ ít nhất.Viện trợ cho Đài Loan: 385/535 phiếuViện trợ cho Israel (bỏ phiếu sau Ukraine): 366 phiếuLệnh cấm TikTok và tịch thu tài sản của Nga: 360 phiếuViện trợ cho Ukraine: 311 phiếu Tags: Hạ viện MỹQuốc hội MỹUkraineTổng thống Joe BidenQuân đội Mỹ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".