William qua đêm trong công viên

VĨNH QUYỀN GIỚI THIỆU 03/07/2012 10:07 GMT+7

TTCT - William vớ lấy túi xách trên giá hành lý, bước xuống mặt đường. Khi anh rời khỏi xe buýt trời đã tối.

Zachary Herman - Ảnh: Đ.B.

Từ năm 14 tuổi Zachary Herman đã nhìn về châu Á với Tây Tạng, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản... Từ năm 2009 chàng trai Mỹ này đã dừng chân ở Việt Nam sau khi lập gia đình với một cô gái Hà Nội. Anh học tiếng Việt không chỉ cho giao tiếp mà còn để tìm hiểu văn hóa Việt, thơ Việt.

Công trình nghiên cứu anh đang hướng tới là phong trào Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932-1945. Và hơn một năm nay tiếng Việt của Zachary đủ để viết văn bằng tiếng Việt, bút danh Zac Herman.

Dưới đây là chùm sáng tác mới nhất của anh mà anh gọi là “truyện ngắn”. (VĨNH QUYỀN giới thiệu)

__________

Từ chỗ xuống xe, William đứng cách cái công viên duy nhất của thành phố chừng mười lốc nhà, nơi mà trước đây anh thường tránh xa sau khi mặt trời lặn. Nhưng bây giờ, sau một chuyến đi dài thế này, nơi đó có vẻ như là một chỗ dừng chân sẵn sàng chào đón.

Minh họa: Hoàng Tường

Cuộc tản bộ làm cho thư giãn và có cảm giác khoan khoái khi lại nhìn thấy bầu trời, lại được một mình và đầu óc ngột ngạt của anh bắt đầu thông thoáng trở lại. William thả bước trên đường, anh nhìn vào các cửa hiệu và bị thu hút bởi những ánh đèn ấm áp và những gương mặt xinh đẹp của nhân viên bán hàng.

Không đông đúc lắm, nhưng lượng người trên các con đường đủ để nhắc William rằng anh không còn ở trên núi nữa, rằng những cánh rừng mà anh ngày càng yêu, càng tin cậy trong mấy tháng qua đã xa xôi, và có lẽ xa xôi mãi, trừ khi một ngày nào đó anh tìm được cách trở lại với chúng.

Khoảng một giờ sau William đến công viên. Lối vào nằm bên kia đường, một cổng vòm màu trắng bạc trên ấy khắc tên một nhân vật quan trọng nào đó của thành phố mọi người đã quên lãng từ lâu. Tìm được một chỗ thoáng sạch cách xa đường đi, anh đặt túi xách xuống, nằm duỗi trong bầu không khí mát lành, ngay trên lớp cỏ cao nhọn và nhìn lên vầng trăng khuyết. Những vì sao lu mờ bởi ánh đèn đường, và bầu trời trông xa vời, khác thường.

William nằm đấy, vừa lắng nghe âm thanh điện khí vo ve trên những cột đèn, vừa nhắm mắt lại, ngẫm nghĩ về một kỷ niệm xảy ra trong thời gian anh ở trong rừng.

Một buổi sáng, khi cố vượt qua khu rừng rậm rạp, anh chợt bước vào một bãi đất trống, ở đấy một con hươu non đang gặm cỏ. Đầu nó ngửng phắt lên và quay về hướng anh. William dừng lại ngắm nhìn bộ lông màu vàng đang óng lên trong nắng, chiếc cổ thon thả và những cẳng chân run run của nó. Vài giây sau, con hươu vừa chạy vút qua bãi đất trống, vừa nhảy vọt mấy cái lên không với sức bật dồn nén của mỗi cái chân.

 

William chuẩn bị rời khỏi công viên trước khi trời sáng hẳn, anh hít một hơi thật sâu, quảy túi xách lên vai và thoáng chao đảo, choáng váng vì đói. Anh nhìn quanh, nhưng không thể trông thấy gì nhiều sau lớp sương mù cùng hơi thở ra khói của anh.

William cất bước trên con đường vô định, không quan tâm nơi sẽ đến ở đâu, cũng không muốn dừng lại quá lâu ở bất kỳ một chốn nào. Nó nhắc anh nhớ cái ngày anh quyết định bước ra khỏi nhà và không bao giờ ngoái lại. Dẫu không một kế hoạch nào, William vẫn đeo đuổi một mục đích nào đó.

Miền Nam nước Mỹ

Họ nói ở miền Nam gió thổi nhẹ nhàng, mùa hè tĩnh lặng, xích đu kẽo kẹt, những cây to tỏa bóng mát là chỗ con chó buồn ngủ nằm vẫy tai như quạt. Họ nói ở miền Nam có một dòng suối nước trong vắt, có thể nhìn thấy bầy cá vảy xám bạc bơi xuôi dòng.

Bạn sẽ không làm xong một việc gì cả ở một nơi như thế, nhưng mà sẽ làm đủ sống ở miền Nam, họ nói.

__________

Chết tiệt, mình đã mất bao nhiêu thời gian ủi quần áo rồi?

Đói quá.

Đồng hồ thủy tinh treo phía trên khung cửa đang kêu tích tắc, không vì ai đặc biệt cả, thậm chí không vì bản thân nó nữa. Còn tôi đang nhìn chằm chặp vào cánh cửa ngay phía dưới, và nghĩ. Tôi linh cảm rằng đấm cửa sẽ quay. Đồng hồ thủy tinh điểm ba giờ sáng, đấm cửa quay dần. Đó là do tôi đã nhìn chằm chặp vào nó? Tôi nhận ra khi nào tôi tập trung quá độ vào một cái gì đó thì nó hay “xảy ra”.

***

Còn nhớ cách đây khá lâu, lúc độ nửa đêm, tôi cùng một anh bạn thân đi dạo trên con đường men theo bờ biển. Đế giày miết vào cát mà gió đã chuyển dịch từ bờ biển lên, rải thành lớp mỏng trên mặt đường, trên vỉa hè và lẫn cả vào bờ cỏ. Lúc ấy, chúng tôi đang chậm rãi đi dưới hai hàng đèn đường. Những ngọn đèn phát ra ánh sáng mờ mờ làm cho mọi thứ và mọi người dưới quầng sáng của chúng như nhuốm một màu vàng nhạt.

Tôi làm ra vẻ lắng nghe anh bạn kể chuyện, trong khi tôi mải ngước mắt ngắm những ngọn đèn đường rực vàng kỳ diệu. Tôi thầm đặt tên chúng là những “mặt trời nửa đêm”. Tôi nhìn lên một ngọn đèn, cố tìm thấy tim đèn bên trong bóng. Mất vài giây tự hỏi liệu tôi có bị mù do nhìn thẳng vào nó, cũng như người ta thường nói nhìn thẳng vào tâm mặt trời sẽ bị mù.

Tôi vừa hỏi bản thân mình vừa hỏi cái đèn. Đột nhiên nó phụt tắt, để lại một vầng hào quang trắng còn lửng lơ như một hoài niệm trang nghiêm về sự sống từng tồn tại. Những gì vừa xảy ra khiến tôi ngạc nhiên, giống như đã có ai đó vừa tắt mặt trời. Đúng như tắt công tắc vậy. Cho đến nay, tôi không chắc là liệu bóng đèn ấy đã tự tắt như một cố gắng đáp lại câu hỏi của tôi. Và nếu như vậy thì câu trả lời là “có” hay “không”...

Tôi đang nghĩ vớ vẩn gì đây? Người bạn đi bên tôi vẫn kể chuyện liên tục. Tôi cũng không biết anh ấy nói chuyện gì. Giơ tay lên choàng qua vai anh bạn, anh ấy cao mà, tôi nói: “Mình đi ăn pizza nhé!”.

***

Đấm cửa đã ngừng quay. Chẳng có tiếng bước chân ai, cũng chẳng có giọng nói nào từ bên ngoài. Đồng hồ vẫn cứ tích tắc. Sự chuyển động của đấm cửa đã khiến tôi nhận ra tất cả các thứ khác trong phòng đều tĩnh lặng. Sự chuyển động và niềm tĩnh lặng không thể cùng tồn tại được. Con gà trống đâu đó ở bên ngoài gáy xấu xí làm sao.

Căn phòng chìm sâu trong yên ắng nặng nề, nhưng đồng hồ nhắc nhở tôi thời gian không ngừng trôi. Tuy nhiên, cả hai không thể cùng tồn tại, nên tôi chọn cái không khí bị trì đọng chết lặng của căn phòng.

Đồng hồ biến mất đi! Thời gian biến mất đi! Tiếng tích-tắc biến mất đi! Đấm cửa biến mất đi! Đèn đường!

__________

Tôi đứng ở một nhà ga lớn, hình như nó nằm đâu đó ở Trung Quốc, vì mọi người xung quanh đang nói toàn tiếng Trung. Sau khi mua vài món quà nhỏ cỡ bằng tấm danh thiếp, tôi đi thang máy lên tầng trên.

***

Có nhiều điều đã xảy ra trước đó mà tôi chưa thể nhớ lại.

***

Đi một vòng quanh khu vực rộng rãi có nhiều hiệu bán đồ lưu niệm, tôi giải thích cho nhân viên ở đấy là tôi đã mua quà lưu niệm rồi, quà trên tay và hóa đơn trong túi quần.

“Đây, xem hóa đơn đây này”.

Đoán là tôi đang chờ vợ đến bằng xe lửa vì tôi đã mua mấy món quà nhỏ này để tặng cô. Chờ, rồi đi dạo quanh ga, rồi lại chờ. Xung quanh ga toàn là cánh đồng cỏ thấp, chóa lóa dưới ánh sáng mặt trời thảo nguyên. Phía xa, không biết bao xa, là khu rừng rậm tối trải dài. Có thể tôi đang ở ngoại ô thì phải.

Khi xuống thang máy, tôi nhìn thấy một người đàn ông Trung Quốc đang ngồi trên một ghế gấp bằng nhôm, mặc áo thun không tay, quần rộng lùng thùng, đi giày vải đen. Ông phá lên cười, hai mắt lé, bụng béo rung rung, rồi nói số cửa, số tàu cho một người châu Á có nét mặt Tây và ăn mặc lịch sự. Anh châu Á mặt Tây không hiểu, lộ vẻ lo lắng. Từ đỉnh thang máy, anh ấy nhìn xuống hướng tôi.

Tôi và một người Trung Quốc đứng cạnh đều kêu lên, dịch sang tiếng Anh cho anh ta: “Cửa số hai mươi hai!”. Câu đó là toàn bộ tiếng Trung tôi có thể hiểu. Tôi kịp giơ hai ngón tay của bàn tay trái và hai ngón tay của bàn tay phải lên để ra dấu trước khi thang máy đưa tôi ra khỏi tầm nhìn của anh ta. Người Trung Quốc biết tiếng Anh đứng bên cạnh tôi bảo rằng nhiều người ở đây đang thì thầm về tôi, về người tóc đỏ mà biết tiếng Trung.

***

Vẫn chưa có con tàu nào vào ga.

Tôi hít thở không khí nông thôn trong lành.

Trời nắng, nhà ga râm mát...

***

Vẫn chưa thể kéo từ trí nhớ ra những điều đã xảy ra trước đó.

***

Tôi nhận ra không có gì ở đấy là quen thuộc với mình.

__________

Chừng 5 năm trước, tôi dự một khóa học gọi là “Văn học Trung Quốc thế kỷ 20” tại một trường đại học ở Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ một đoạn truyện khác thường, đặc biệt vào những đêm tôi thức khuya như đêm nay, như bây giờ. Truyện viết về một phụ nữ còn trẻ làm cho một công ty nào đó bị giao việc viết một sổ tay hướng dẫn, không nhớ về cái gì nữa, có thể về phần mềm máy tính hay thiết bị máy móc nào đó, đại loại không quan trọng lắm.

Theo yêu cầu của công ty, cô chỉ có ba ngày để viết xong. Nhưng công việc này khó kinh khủng đối với năng lực của cô đến mức gần như không thể làm nổi. Vì vậy cô thức suốt ba ngày đêm, không biết cô đã làm như thế nào, uống nhiều cà phê, tập chạy tại chỗ hay dùng thuốc chống ngủ gì đó, cuối cùng cô cũng đã hoàn thành cuốn sổ tay hướng dẫn đúng thời hạn.

Ngay sau thử thách, cô được công ty thăng chức và chuyển lên bộ phận bậc cao. Chỉ có điều đáng tiếc là cô bị phình động mạch não hay cái gì như thế vì đã làm việc kiệt sức và chết không lâu sau đó.

Đúng là cô đã hoàn thành cuốn sổ tay, nhưng cô ấy lại chết. Thực ra đó là phần duy nhất của truyện này tôi vẫn nhớ. Tôi cũng nhớ một số truyện khác từ khóa văn học đó, nhưng cái chết không bình thường trong truyện này đã ám ảnh tôi. Cho đến bây giờ, nó thường trở lại vào đêm khuya, khi mắt tôi nặng trĩu và đầu đau như búa bổ.

Khi thị lực mờ dần, tôi tự hỏi liệu đây có phải là giai đoạn đầu của quá trình chết chậm 72 tiếng? Tuy nhiên, tôi chưa từng bị ngất vì mệt mỏi hoặc do sợ hãi hay bởi bất kỳ điều gì như thế. Không biết liệu điều đó sẽ có bao giờ xảy ra, nhưng quả thật là tôi không nghĩ rằng mình có não trạng như típ người cô ấy.

***

72 tiếng liên tục để rồi mất hết. Tôi nghĩ đến truyện đó mỗi lần tôi thức khuya, mỗi lần tôi mất một buổi đêm không ngủ. Và mỗi lần như vậy, tôi nhẩm tính chỉ còn hai đêm trắng nữa thôi. Bây giờ là 4g30 sáng rồi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận