Viết thế nào về cái ác?

TƯỜNG ANH 05/04/2021 21:10 GMT+7

TTCT - Đưa tin thế nào về cái ác là đề tài nổi lên trên truyền thông và xã hội Nga những ngày qua, sau khi nữ nhà báo Ksenya Sobchak ngày 22-3 đưa lên YouTube cuộc phỏng vấn “tay cuồng Skopin”.

 
 Ksenya Sobchak (phải) phỏng vấn tay cuồng Viktor Mokhov. Ảnh: Newsru

“Tay cuồng Skopin” là biệt danh xã hội Nga gọi Viktor Mokhov (người vùng Skopin, tỉnh Razyan), năm nay 71 tuổi. Năm 2000, Viktor Mohkov đã bắt cóc hai thiếu nữ: Ekaterina Martynova (14 tuổi) và Elena Samokhina (17 tuổi), giam họ trong hầm dưới một gara để làm nô lệ tình dục cho mình suốt ba năm bảy tháng.

Sau vài năm, tưởng đã bẻ gãy được ý chí của các tù nhân, Mokhov thỉnh thoảng cho họ “trồi lên” căn hộ, nhờ đó Martynova tìm được cách nhờ cứu giúp. Năm 2004, Mokhov bị bắt và bỏ tù 17 năm. Ngày 3-3-2021, Mokhov mãn tù trở về nhà.

Ba tuần sau, nữ nhà báo Ksenya Sobchak tới nhà Mokhov phỏng vấn và đưa lên YouTube video clip nhan đề “Cuộc trò chuyện trong tự do”. Chỉ trong vài ngày (tính đến 27-3), phim đã có hơn 4 triệu lượt xem!

"Bước vào vùng đất của cái ác"

Ngay lập tức, video clip làm dấy lên cuộc tranh cãi: có cần thiết phải trao diễn đàn cho một kẻ bị kết án như thế hay không? Liệu cuộc trò chuyện có hợp pháp hóa hình ảnh của cựu phạm nhân trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt khi hắn không tỏ vẻ hối cải mà còn đe dọa nạn nhân? Đặc biệt được bàn luận là chất lượng cuộc phỏng vấn, với những câu hỏi mà bà Sobchak đặt ra cho cựu tù nhân.

“Đó là quyền của chúng tôi như những nhà báo: tìm hiểu ranh giới thiện và ác. Không thể hiểu được bản chất cái ác nếu không bước chân vào vùng đất của nó” - Ksenya Sobchak biện hộ trước làn sóng chỉ trích ập xuống sau khi tung ra video phỏng vấn.

Nhưng dẫu cho công tâm cách mấy, cũng khó lòng tránh được phản ứng tiêu cực trước những câu trả lời của nhân vật. Viktor Mokhov thừa nhận với Sobchak rất “khoái” sự chú ý có được với y hiện nay, không quá ăn năn vì những tội lỗi đã thực hiện: “Tất nhiên, tôi đã chuộc lỗi của mình. Làm sao bây giờ, chẳng lẽ phải đau khổ cả đời?”. Bàn về việc y có cho mình là người tốt hay không, Mokhov đáp: “Chà, cũng có vấp ngã một chút, chuyện đó với ai mà không xảy ra?”.

Biện minh việc lạm dụng tình dục một thời gian dài đối với hai nạn nhân, Mokhov nói rằng hắn đã coi Martynova và Samokhina là “thứ con gái dễ dãi - vì chính chúng tự lên xe tôi và không từ chối khi được mời rượu (bởi một nữ đồng phạm với Mokhov, cùng ngồi trên xe và cũng đã bị đi tù sau khi vụ việc bị phát hiện - ND). Nên tôi đã để chúng ở lại [với tôi]. Sống ở đây, các cô sẽ như nô lệ tình dục, tôi sẽ không giết các cô” - Mokhov kể.

 
 Bức thư cầu cứu đã giúp giải thoát hai nạn nhân năm 2004. Ảnh: Lenta

Chủ đề về “sự tha thứ” cũng được nêu ra trong cuộc phỏng vấn của Sobchak. (Ngay sau khi ra khỏi nhà tù, Viktor Mokhov có nói với các phóng viên khác rằng y “thực sự muốn” gặp những nô lệ cũ của mình để xin họ tha thứ và sẽ đi tìm con của mình với Samokhina). Trong cuộc phỏng vấn này, Mokhov đã ghi lại một đoạn video tin nhắn cho Martynova, nơi hắn cầu xin sự tha thứ và một lần nữa nhắc lại rằng “đã yêu” Martynova. Y biện bạch: “Tôi lâm vào tình cảnh bế tắc. Giết thì không được, thả ra thì sợ. Hóa ra chính tôi là con tin. Không chỉ họ phải chịu đựng, tôi cũng phải chịu đựng”.

Về số phận của một trong hai nữ tù nhân, Mokhov nói với Sobchak rằng “Elena Samokhina đã sinh con với tôi và giờ không có con nữa. Tôi phải làm việc với cô ta lần nữa”. (Samokhina đã sinh hai đứa bé trong những năm bị giam cầm. Mokhov đã đem bỏ chúng ngay cổng vào của các tòa chung cư, sau đó chúng được đưa vào trại trẻ mồ côi. Đứa thứ ba chết khi vừa sinh ra - sau khi Samokhina được cứu).

Trong hai nạn nhân, nếu Elena Samokhina sống khép kín và không trả lời phỏng vấn thì Ekaterina Martynova cởi mở và là một công dân mạng tích cực. Thế nên dẫn tới một chuyện như đùa là Mokhov - dưới nickname khác - đã kết bạn với Martynova trên mạng xã hội VKontakte mà chỉ sau khi y ra tù cô mới biết. Sobchak đã mời Martynova xem video clip kèm theo lời xin lỗi, nhưng cô gái từ chối. Martynova đã nhiều lần tuyên bố không muốn gặp Mokhov, kẻ mà cô “rất kinh tởm khi phải đối mặt. Tôi không muốn nhìn thấy mặt hắn, ở cùng nơi với hắn” - cô giải thích với Hãng tin Meduza.

 
 E.Martynova trong một cuộc trả lời phỏng vấn RT năm 2020. Cô đã lập gia đình và có hai con. Ảnh: Lenta

Phỏng vấn báo chí hay showbiz?

Dễ hiểu khi video clip gây chấn động theo hai hướng: xã hội có cần “nhìn tận mặt” cái ác như cách Sobchak thực hiện hay không và tại sao nữ nhà báo này làm điều đó?

Liên quan đến vấn đề thứ nhất, lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự do Vladimir Zhirinovsky đề xuất xây dựng một dự luật cấm phỏng vấn những người bị kết tội hiếp dâm hoặc giết người. Ngoài ra, Zhirinovsky còn kêu gọi loại Ksenya Sobchak khỏi công việc truyền hình.

Oksana Pushkina, phó chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia về gia đình, phụ nữ và trẻ em, đã khiếu nại đến văn phòng Tổng công tố liên bang, yêu cầu kiểm tra tuyên bố Mokhov rằng hắn “sẽ làm việc” với một trong hai nạn nhân. Bà cũng lên án Sobkchak đã “chạy theo sự chấn động mà quên mất những tiêu chuẩn về đạo đức báo chí”.

Người đứng đầu Liên đoàn Các nhà báo Nga Vladimir Solovyev giới thiệu ở Mỹ có luật cấm những người từng phạm tội nghiêm trọng tiếp xúc với các nhà báo và viết sách. Ông đề nghị các nghị sĩ Nga xem xét cách làm này. Về bản thân cuộc phỏng vấn, Solovyev nhấn mạnh khó có thể nói cuộc trò chuyện này liên quan đến lĩnh vực báo chí. “Đây chỉ là một sô kinh doanh đầy tai tiếng. Tất nhiên, khó có thể nói gì về một thứ đạo đức, luân lý nào đó”.

Tuy nhiên, giáo sư, tiến sĩ luật Anatoly Kustov cho rằng không dễ cấm phỏng vấn các cựu tù nhân. Theo ông, một tù nhân sau khi chấp hành xong bản án thì người đó trở lại là công dân thực thụ, có quyền giao tiếp với nhà báo.

Nhà tâm lý học xã hội Nailya Birarova cho rằng mục đích cuộc phỏng vấn của Ksenya Sobchak là để PR cho nữ nhà báo, trong khi “những video như vậy thực sự có thể gây hại: nêu gương xấu cho những kẻ ác tiềm tàng khác”...

Đáp lại, Sobchak nói trên trang Instagram của mình rằng “đã sẵn sàng cho làn sóng chỉ trích”. Sobchak nhấn mạnh nhân vật của những câu chuyện không nhất thiết phải là những người tốt, và theo quan điểm của bà, “một nhà báo thực thụ có thể trò chuyện cả với Hitler”. Người dẫn chương trình truyền hình giải thích: “Đừng cất công thuyết giảng đạo đức hay thể hiện đạo hạnh bất an. Đây là chọn lựa có ý thức của tôi và nhóm chúng tôi”.

Đáp trả cụ thể một số chỉ trích, Sobchak viết vài ngày sau đó trên Instagram rằng mục tiêu bất cứ cuộc phỏng vấn nào của bà là “bắt người được phỏng vấn phải nói ra và không được trốn tránh. Nếu vì mục đích này, phải sử dụng những từ “thuận tiện” cho kẻ đó, thì hỡi ôi, phải làm việc đó thôi”, và “mọi đánh giá cảm tính đều không thích hợp. Nếu xem xong phim mà trong đầu bạn nảy sinh câu hỏi: Vì sao mà một con quái vật như thế lại được tự do, thì bộ phim của chúng tôi coi như đạt được mục đích”. Sobchak cũng cho rằng bước đầu phim của mình đã thành công, khi đã khiến các nhà điều tra vào cuộc vì tuyên bố của Mokhov sẽ lại “làm việc” với một nữ nạn nhân. Với một số nghị sĩ Duma Nga chỉ trích cuộc phỏng vấn, Sobchak tuyên bố: “Tôi không cần lời khuyên của những kẻ đạo đức giả”.

Lá cải và chất lượng

Tờ Esquire nhân vụ việc này, đã nói chuyện với các nhà báo khác từng có “thâm niên” trong việc viết về cái ác. Taisia Bekbulatova, tác giả của cuộc điều tra “Đường đến Askiz” về tay cuồng Abakan Dmitry Lebed, kẻ đã giết và hãm hiếp phụ nữ trong suốt 5 năm (một bộ phim đang được quay trên nền bài điều tra này) và Sasha Sulim - tác giả của cuốn sách Nơi hoang vắng về tay cuồng Angarsk Mikhail Popkov, từng hãm hại 77 phụ nữ.

Trả lời Esquire, Shasa Sulim nói bà “thấy ghê tởm khi xem phim về Mokhov. Nếu nhiệm vụ của Ksenya là chỉ ra hắn là kẻ khó ưa thế nào, cô ta đã đạt được điều đó. Ta thật sự thấy ông ta không ăn năn, thiếu sự đồng cảm, không hề hiểu mức độ nghiêm trọng của tội ác mà ông ta phạm phải gần suốt bốn năm”. Tuy nhiên, bộ phim có thể gây cho người xem cảm giác Ksenya biện minh cho kẻ thủ ác là bởi Sobchak “dành quá nhiều thời gian trên màn ảnh cho tay cuồng dâm và quá ít cho phe khác (nạn nhân, điều tra viên, luật sư...)”. Theo nữ nhà báo này, cái cần thiết là bối cảnh chung, không nên đặt nhân vật (trong trường hợp này, là một kẻ cuồng) vào trung tâm, mà phải thể hiện toàn bộ bức tranh. Bà nhận định: “Tôi sẽ không hỏi nhân vật của tôi đã đánh một nạn nhân cụ thể bao nhiêu lần và quan hệ tình dục với họ bao nhiêu lần (điều Sobchak đã hỏi Mokhov - ND), điều có thể các tờ báo lá cải quan tâm. Đó là lý do cuốn sách của tôi không gây phản ứng tiêu cực như phim của Sobchak”.

Nữ nhà báo Taisia Bekbulatova, người có bài điều tra về tay cuồng dâm đang được dựng thành phim, cho rằng có cái ác, có tội phạm, và cần nói về chúng để hiểu được động cơ của kẻ thủ ác, những đặc thù trong cuộc sống của họ đã dẫn đến tình huống như vậy. Tuy nhiên, theo bà, “phân tích này không bao giờ được sử dụng như một cái cớ. Khi trò chuyện với một tội phạm có tính chất này, nhà báo cần nhớ đây là người đã phạm tội nặng, nạn nhân của hắn vẫn còn sống, cuộc phỏng vấn có thể tiếp tục làm họ tổn thương. Do đó không được ném mọi thứ mà người được phỏng vấn nói lên sóng. Nếu bạn đặt cho mình một mục tiêu nghiên cứu nhất định, thì phải chọn những câu trích dẫn cụ thể từ nhân vật, nhưng không được cho anh ta cơ sở để đe dọa nạn nhân. Nhà báo không được mất kiểm soát tình hình”.

Taisia Bekbulatova cho rằng câu chuyện về tội ác luôn là kể chuyện về một ai đó thủ ác. Cần phải hiểu nguyên nhân của cái ác này, và kể cả về những người đã phải chịu đựng nó, chứ không chỉ về người đã phạm nó. Nếu không, tay cuồng có thể trở thành một nhân vật được sùng bái. “Bạn cần phải có một cách tiếp cận rất có trách nhiệm với những chủ đề phức tạp như vậy để văn bản hoặc bộ phim của bạn không giống như một lời biện bạch hoặc tán dương nhân vật”. Nhiều người chỉ trích đã dùng từ “tận đáy” để đánh giá cuộc phỏng vấn này của Sobchak.■

 
 Ksenya Sobchak và Konstatin Bogomolov tới điểm đăng ký kết hôn bằng xe tang. Ảnh: KP.ru

Năm nay 40 tuổi, Ksenya Sobchak là con cố thị trưởng Saint Petersburg Anatoli Sobchak và đương kim thượng nghị sĩ Duma Nga L. Narisova nên dễ dàng thăng tiến sau khi tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, Ksenya Sobchak không theo hoạt động ngoại giao mà bà cho là “quá nhỏ bé” với mình, chọn con đường showbiz và truyền thông. Nổi tiếng khi trở thành người dẫn chương trình truyền hình thực tế “Ngôi nhà 2” (mà một số nhà phê bình Nga gọi đó là “chương trình bán khiêu dâm”), cùng nhiều chương trình truyền hình thực tế đình đám lẫn các sô thời trang, truyền hình khác, Ksenya Sobchak dần khét tiếng như một “Paris Hilton của nước Nga” với cách thể hiện mình khá phóng túng... Gần đây nhất là lễ cưới của Sobchak với Konstantin Bogomolov, giám đốc nghệ thuật Nhà hát Malaya Bronnaya: chọn một ngày thứ sáu, 13 của năm 2019, đôi uyên ương… nằm trên xe tang với hàng chữ “Chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta” để đến nơi đăng ký kết hôn.

Sobchak tích cực tham gia các hoạt động chính trị, có mặt trong những cuộc biểu tình những năm 2011-2013 chống gian lận bầu cử và năm 2018 còn ra tranh cử tổng thống Nga, về thứ tư với 1,66% phiếu. Sau thất bại này, “Paris Hilton của nước Nga” đã im ắng một thời gian, cho đến cuộc phỏng vấn vừa qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận