Với tôi, Vespa mãi là một ký ức đẹp

VŨ HẢI SƠN 19/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Cha tôi kể lại năm 1966, đúng vào ngày tôi chào đời, cha đã sở hữu chiếc xe Vespa Super màu xanh coban nhạt trong đợt nhập cảng đầu tiên đời xe này vào Sài Gòn.

Chiếc Vespa Super đã được cha tôi “commande” (tiếng Pháp, nghĩa là “đặt mua trước”) trước đó một năm. Vào thời điểm đó, tương đương 3 tháng lương ký giả của ông.

Thích đến trường chỉ vì được đi xe Vespa với cha

Tôi vẫn nhớ năm học mẫu giáo, tôi vô cùng phấn khích khi lần đầu tiên được đứng ở phần bụng xe, hai tay vịn vào guidon, kiễng chân lên đón nhận luồng gió mát táp vào mặt, thích thú quan sát phố phường Sài Gòn trôi nhẹ về phía sau. Với tôi, đường đến trường sao mà đẹp và vui thế! 

Gia đình anh Vũ Hải Sơn với những chiếc Vespa cổ thân thuộc. Ảnh: NVCC

 

Ở cái tuổi nhi đồng ấy, tôi hoan hỉ đến trường đơn giản vì mỗi buổi sáng được nhảy phóc lên xe Vespa của cha, tận hưởng làn gió mát, ngắm phố xá đông vui trong tiếng động cơ phạch phạch giòn tan… 

Với tôi, Vespa không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là người bạn tri kỷ thân thương. 

Chiếc Vespa Super của cha tôi đã cùng tôi lớn lên theo năm tháng đấy, gia đình tôi vẫn còn giữ, sau 55 năm nó vẫn bền bỉ trên mọi nẻo đường Sài Gòn. 

Tôi không hiểu được vì sao một chiếc xe bằng tuổi mình nay vẫn chạy ngon lành, trong khi “động cơ” của tôi đã bắt đầu rệu rạo. 

Và càng lớn tôi càng nhận ra Vespa không chỉ bền bỉ mà còn thật đẹp - những đường cong tuyệt mỹ được thiết kế vô cùng độc đáo và quyến rũ theo nguyên tắc tỉ lệ vàng trong hội họa.

Những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh chiếc xe Vespa được cha tôi kể lại, từ lịch sử chữ Vespa - theo tiếng Ý là con ong - đến thiết kế chuẩn mực về khí động học và động cơ hai thì tạo nên tiếng phạch phạch đặc trưng; ảnh hưởng của xe Vespa lên phim ảnh, gu thẩm mỹ và thời trang của thế hệ đương thời; rồi sức cuốn hút của xe Vespa với đàn ông trung niên ở thập niên 1950 - 1960. 

Vespa là biểu tượng của sự thành đạt, là chuẩn mực thời trang, là niềm tự hào của người Ý, và rồi của cả người Việt nữa.

Cái giá của đam mê

Những câu chuyện thú vị ấy theo tôi từ thuở ấu thơ, len lỏi vào giấc mơ đến khi tôi trưởng thành. Tôi mong ước một ngày nào đó mình sẽ sở hữu chiếc xe Vespa riêng, mua bằng tiền của mình, giấy tờ xe cũng phải là tên mình.

Mãi đến năm 1995 sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mới mua được một chiếc xe Vespa mini 50 phân khối với giá 5 triệu đồng từ tiệm sửa xe Vespa Hiệp Quý trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM. 

Nhưng hỡi ơi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, xe đi được 50 mét thì phải dẫn bộ 100 mét, xe liên tục hỏng vặt, chảy xăng, chết máy, nằm đường khiến tôi ngán ngẩm và từng định “bỏ cuộc chơi”.

Vào thập niên 1990, không thể mua được phụ tùng xe Vespa ở Sài Gòn. Để có phụ tùng thay thế, tôi phải lùng mua xác xe ở các vựa ve chai rồi đem về rã máy. Biết bao nhiêu là cực khổ, kỳ công và nhẫn nại. 

Cứ mỗi cuối tuần, tôi lại lùng sục khắp nơi tìm mua xác xe cũ. Riết rồi bạn bè gọi tôi là Sơn “ve chai”, vì lúc nào tay chân tôi cũng lấm lem dầu mỡ, quần áo xộc xệch, lang thang ở các vựa ve chai ngoại thành

Cuộc chơi nào cũng lắm công phu, tốn kém đủ đường. Chơi Vespa cổ không phải ngoại lệ. Phụ tùng vô cùng khan hiếm nên có lúc phải độ, chế các kiểu. 

Ngay cả lốp, săm (vỏ xe, ruột xe) cũng phải đắp lại, vá víu dùng tạm. Vespa là động cơ hai thì nên khi hoạt động phải pha loại nhớt 2T vào xăng theo tỉ lệ 2%, mà nhớt 2T tìm đâu ra? Đành lấy nhớt 4T xài đỡ, vì thế động cơ mau nóng, tỏa nhiệt kém, chạy không ngọt…

Thời hoàng kim của người chơi Vespa cổ

Đất nước mở cửa, Internet ra đời, kinh tế khởi sắc, thương mại online phát triển đã giúp người đam mê và chơi Vespa cổ dễ dàng và thuận tiện hơn. Có thể nói chưa bao giờ người chơi xe Vespa cổ sung sướng như lúc này. 

Từng sợi dây ga, dây thắng đến lốp xe không ruột (tubeless), bóng đèn, bugi…, có tiền là có hết, mua nguyên xe cũng được luôn.

Tôi đã mua được nguyên chiếc Vespa ACMA serie 1952 (đời đầu tiên) với giá 6.000 USD, cộng thêm 1.000 USD chi phí ship về tận nhà. 

Đương nhiên là xe này chỉ để trưng bày hoặc chạy loanh quanh trong khu phố gần nhà thôi, chứ không được ra đường được vì không có giấy phép lưu hành.

Ngoài phụ tùng chính hãng “made in Italy” còn có phụ tùng nhượng quyền thương mại của Đức, Nhật, Ấn Độ, Indonesia… 

Vespa vì thế trở thành cả một thị trường, một nền văn hóa, và một thế giới riêng, mênh mông, vô cùng tận để những ai đam mê đều thỏa lòng khám phá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận