Xa trường xa lớp đã lâu, vì đâu nằm mộng đi thi suốt ngày?

XUÂN TÙNG 25/10/2022 06:13 GMT+7

TTCT - Ngay cả khi đã xa mái trường đến hàng thập niên, những giấc mơ về thầy cô, bài vở và thi cử vẫn trở về với ta đều đặn - và đều khiến ta toát mồ hôi hột y như ngày nhỏ. Những giấc mơ đang cố nói với ta điều gì?

Xa trường xa lớp đã lâu, vì đâu nằm mộng đi thi suốt ngày? - Ảnh 1.

Tương tự lúc xem chỉ tay, việc học và cuộc sống thường được mô tả như hai đường thẳng song song chạy dài đến hết đời người. Thế nhưng, cũng có những lúc hai đường này chập làm một, rối tung thành một cuộn len phi tuyến tính: Ngay cả khi đã xa mái trường đến hàng thập niên, những giấc mơ về thầy cô, bài vở và thi cử vẫn trở về với ta đều đặn - và đều khiến ta toát mồ hôi hột y như ngày nhỏ. Những giấc mơ đang cố nói với ta điều gì?

Những giấc mơ về trường học của người lớn vốn không phải chuyện hiếm. Các nghiên cứu về giấc mơ đều chỉ ra rằng trường học luôn nằm trong top 5 bối cảnh giấc mơ phổ biến nhất. 

Theo Deirdre Barrett, nhà nghiên cứu chuyên về giấc mơ tại Đại học Harvard, trong "thể loại" giấc mơ này cũng có những câu chuyện xuất hiện thường xuyên: Mơ thấy mình ngủ quên quá giờ thi cuối kỳ, mơ không tìm thấy lớp học, mơ học nhầm môn thi hoặc quên ngày thi, mơ không mở được ngăn tủ lấy tài liệu để vào lớp đúng giờ, hoặc - phổ biến hơn ta nghĩ - mơ thấy mình trần truồng đến lớp. "Những đề tài này thường rất phổ biến, ngay cả với những người lớn trưởng thành đã ra khỏi trường học nhiều năm" - cô nói với tờ The Atlantic.

Barrett cũng cho biết rằng những giấc mơ dạng này thường xuất hiện khi người mơ đang trong trạng thái lo lắng ở cuộc sống thực tại, cụ thể là đang bị đánh giá bởi một nhân vật quyền lực hơn - như lãnh đạo hoặc giáo viên. 

Cô chỉ ra rằng những người có trải nghiệm chơi nhạc hoặc diễn xuất từ ngày nhỏ thường không mơ về trường học - họ có xu hướng trở lại không gian nhà hát, với các buổi thử giọng, nơi các đạo diễn hoặc giáo viên có thể dập tắt giấc mơ của những người biểu diễn trẻ chỉ bằng một câu nói. Không gian của giấc mơ, theo Barrett, thường là nơi ta lần đầu trải nghiệm thành công hoặc thất bại dựa trên năng lực cá nhân.

Thế nhưng, trường học vẫn là nơi những người lớn lo âu tìm về nhiều nhất trong giấc mơ. Theo Jane Teresa Anderson, nhà phân tích giấc mơ người Mỹ, các trải nghiệm quá khứ có thể xuất hiện để giúp ta thấu hiểu các tình huống mới. 

Cũng vì thế mà giấc mơ tựu trường trở nên phổ biến: đây là nơi ta bắt đầu học về cách thế giới vận hành, kể cả trong và ngoài sách vở. "Rất nhiều thứ xảy ra trong trường học đã định hình tư tưởng và đi sâu vào tiềm thức của chúng ta" - Anderson cho biết. 

Cũng theo chuyên gia này, các cảm xúc như stress, phức cảm yếu kém, xấu hổ, hay thất tình cũng đều diễn ra trước hết ở trường học, và "rất khó để thay đổi những niềm tin liên quan". 

Đằng sau mỗi giấc mơ quay lại trường học, phải đi thi mà chưa đủ kiến thức có thể là dấu hiệu của "một thách thức trong cuộc sống, hoặc một thôi thúc phải đáp ứng kỳ vọng của ai đó", dù bản thân có thể không đủ khả năng đáp ứng.

Shelby Harris, chuyên gia tâm lý về giấc mơ tại Đại học Albert Einstein (Mỹ), lại cho biết một cơ chế phức tạp hơn đằng sau những giấc mơ kỳ dị. "Não bộ của bạn là một ngăn tủ chứa tài liệu - chúng luôn cố gắng xác định xem trải nghiệm nào xứng đáng được lưu vào tệp và ghi nhớ, đồng thời trải nghiệm nào cần được xé bỏ, bởi bạn không thể nhớ hết mọi thứ. Giấc mơ là một phiên bản hổ lốn của những điều bạn đang nghĩ ngợi [trong cuộc sống thường nhật]" - Harris nói với The New York Times.

Một khi giấc mơ thành ác mộng, nó có thể khiến người ta bật dậy - đồng nghĩa với việc một số trải nghiệm có thể sẽ còn ngổn ngang, chưa được xếp vào ngăn tủ. Các tình huống áp lực, ngay cả khi không liên quan gì đến thi cử học hành, cũng có thể sẽ đánh thức đống trải nghiệm không dễ chịu này. 

Bản thân Harris cũng thường xuyên bị kéo về thời trung học, mơ mình không mở được tủ khóa cá nhân mỗi khi công việc quá tải. Cơ chế này có thể là lý do tại sao các ác mộng và giấc mơ đầy lo âu tăng vọt trong thời kỳ phong tỏa dịch bệnh.

May thay cho chúng ta: các cơ chế này vẫn có thể được can thiệp để giấc ngủ không còn trăn trở. Theo Anderson, một việc có thể làm ngay là nối kết các sự kiện trong giấc mơ với các biến cố hiện tại trong cuộc sống. Việc này sẽ giúp ta nhìn ra nhiều bài học và dễ dàng buông bỏ những trằn trọc hơn. 

Sau đó, "bạn cần tưởng tượng lại một cái kết tích cực": ngay sau khi tỉnh dậy từ giấc mơ, bạn vẫn nằm trên giường và tưởng tượng lại khung cảnh ấy, nhưng với một kết quả tích cực hơn. Dù việc này có vẻ chỉ thay đổi kết cục của giấc mơ, nhưng nó cũng có khả năng thay đổi tư duy của bạn về vấn đề bạn đang phải đối mặt".

Nếu cả hai cách trên không hiệu quả, vẫn còn một giải pháp "ngầu" hơn: Liệu pháp diễn tập hình ảnh (IRT), một thể loại trị liệu hành vi não bộ giúp bệnh nhân xoay chuyển một ác mộng thành một giấc mơ dễ chịu hơn. Thực hành này có thể giúp ta viết lại giấc mơ khi ta đi ngủ - nói cách khác, giúp ta khai mở những ngăn tủ tài liệu còn đóng kín trong nỗi bất lực mà ta từng mơ thấy trước kia.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận