TTCT - Đã đóng vai trò “công xưởng của thế giới” được hơn 3 thập kỷ, những chuyển động của thị trường lao động Trung Quốc tạo ra những hiệu ứng sóng lan cực kỳ mạnh mẽ với các nước láng giềng. Lao động Việt Nam (trái) ở Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây. Ảnh: EconomistSố cuối tháng 4-2019, báo Anh The Economist đăng bài viết về một đề tài mà, thật lạ lùng, hầu hết báo chí trong nước đã bỏ qua: xu hướng lao động Việt Nam sang làm việc ở bên kia biên giới phía Bắc ngày càng nhiều và phổ biến khi Trung Quốc dần nới lỏng các quy định với lao động phổ thông do tình trạng nhân công bắt đầu đắt đỏ lên ở các nhà máy của nước này ở miền nam.Dịch chuyểnBài báo kể lại câu chuyện của một cựu công nhân mỏ 24 tuổi người Quảng Ninh có được thị thực lao động chính thức và bỏ nghề mỏ vốn cực nhọc và rủi ro hơn để sang làm việc tại thị trấn Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây) bên kia biên giới, trong một nhà máy gạch.Bài báo tường thuật: “Người Việt Nam (sống ở vùng biên giới) đã sang Trung Quốc làm việc nhiều năm. Họ thường làm việc bất hợp pháp, nhất là vào cao điểm mùa thu hoạch mía đường. Một số có thị thực ba ngày dành cho dân vùng biên giới”.Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, các công ty Trung Quốc ở Đông Hưng và một số thành phố, thị trấn gần đó đã có thể tuyển dụng lao động Việt Nam một cách hợp pháp với thị thực gia hạn hằng tháng. Mục tiêu là để hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất ở Quảng Tây, một tỉnh mà kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đồng thời là để thay thế cho các lao động địa phương đi nơi khác tìm kiếm mức lương cao hơn, ở những vùng phồn thịnh hơn của Trung Quốc. “Dân địa phương không thấy phiền với những người mới tới, một người bán hàng ở Đông Hưng nói - The Economist cho biết - vì người dân ở cả hai bên đường biên có văn hóa giống nhau”.Trong khi chính sách lao động của Trung Quốc từ trước tới giờ là “khuyến khích lao động kỹ năng cao, kiểm soát nhóm kỹ năng trung bình và hạn chế nhóm kỹ năng thấp”, những gì diễn ra ở Đông Hưng phát đi tín hiệu về sự thay đổi, vì hai lý do.Thứ nhất, di cư hàng loạt trong nội địa Trung Quốc đã hút sạch nhân lực ở những vùng nghèo hơn của đất nước, như Quảng Tây. Lý do thứ hai là sự suy giảm nguồn cung lao động ở “công xưởng của thế giới”: dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ năm 2012 và có thể giảm 1/4 từ giờ tới năm 2050.Cũng trong xu hướng lao động ít hơn và tăng giá đó, bồi thêm cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang ở vào hồi khốc liệt, bắt đầu xuất hiện những chuyển dịch của các hãng sản xuất lớn trong cuộc tìm kiếm không ngừng nguồn lao động rẻ hơn. Ngày 3-5, Reuters dẫn lời giám đốc điều hành của Brooks Running, công ty con của Tập đoàn Berkshire Hathaway thuộc sở hữu nhà tài phiệt khét tiếng Warren Buffett - một trong những người giàu nhất thế giới, nói nhà máy này sẽ đóng cửa hầu hết các hoạt động ở Trung Quốc để chuyển việc sản xuất giày chạy của họ sang Việt Nam.Jim Weber, điều hành Brooks từ năm 2001, nói Brooks đã quyết định như thế từ tháng 1, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế lên giày nhập từ Trung Quốc, từ 20% lên 45%. Nhưng có thể hiểu rằng các kế hoạch này đã được suy tính trước đó vì sự chấm dứt tất yếu phải tới của “thời đại Trung Quốc giá rẻ”.“Chúng tôi sẽ rút hầu hết các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc - Weber nói, theo Reuters - Chúng tôi phải ra một quyết định dài hạn trên bức tranh tổng thể. Đây là một sự đứt gãy, nhưng là thực tế. Vậy là chúng tôi sẽ hoạt động chủ yếu ở Việt Nam từ cuối năm nay trở đi”.Weber cũng tiết lộ 8.000 công ăn việc làm sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam theo nhà máy của Brooks. Hiện Việt Nam sản xuất 55% tổng số giày chạy của Brooks, và Trung Quốc sản xuất phần còn lại, số giày được bán ở 56 quốc gia và mang về phần lớn trong doanh thu 644 triệu USD năm 2018 (tăng trưởng ở mức 26%) của công ty có trụ sở ở Seattle này. Không chỉ là lao độngCó thể thấy ở cả hai diễn biến đó không có nhiều vai trò chính sách của Việt Nam. Sự dịch chuyển lao động vùng biên giới lẫn sự dịch chuyển nhà máy theo hướng ngược lại đều là những quyết định mang tính thị trường, cân nhắc của người lao động, chính sách của hãng xưởng, chính sách của Trung Quốc, hơn là định hướng chủ động từ Việt Nam.Mới đây nhất, nhân tháng 5 - “tháng của công nhân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao ở TP.HCM, nơi ông bày tỏ rất rõ ràng về tầm quan trọng của nguồn nhân lực: “...Công nhân bậc cao là động lực để phát triển đất nước... Phát triển đất nước không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ mà còn là vốn, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, nhân lực bậc cao quyết định năng suất lao động, là động lực quan trọng, yếu tố then chốt. Chúng tôi muốn lắng nghe và hiến kế từ các bạn, cũng như kiến nghị các cơ chế chính sách. Các bộ trưởng, doanh nghiệp, trường học phải trả lời trực tiếp các vấn đề đặt ra”.Quả thật, “phát triển đất nước không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ”, và chính Trung Quốc cho thấy rồi sẽ tới lúc cuộc đua lao động giá rẻ phải chấm dứt. Trong 10 năm qua, lương của công nhân nhà máy tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Lương tối thiểu ở Trung Quốc hiện vào khoảng 320 USD/tháng, gấp đôi so với của Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng lương tăng cũng đang diễn ra khắp Đông Nam Á, bao gồm chính Việt Nam, khi một trong những mục đích của phát triển kinh tế chính là việc cải thiện thu nhập cho người lao động.Cũng trong nhận xét của Thủ tướng, sở dĩ “nhân lực bậc cao... là động lực quan trọng, yếu tố then chốt” là bởi họ “quyết định năng suất lao động”, qua việc làm ra các sản phẩm phức tạp, có giá trị gia tăng cao.Trong khi hiện sản xuất quần áo, hay giày - như trường hợp Brooks - ở Việt Nam có thể rẻ hơn, việc in ấn lên những quần áo đó chẳng hạn, sẽ rẻ hơn ở Trung Quốc, nơi cũng có kinh nghiệm hàng thập kỷ sản xuất đồ nhựa, hàng điện tử, đóng gói, in ấn... Nhưng ngay cả khi đã có được đội ngũ “nhân lực bậc cao” thì để họ có đất dụng võ, nhà nước - thông qua các chính sách - phải đóng vai trò rất lớn.Một ví dụ, với các hãng chế tạo, dù có sử dụng công nhân tay nghề cao hay không, một yếu tố tối quan trọng là khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô. Trung Quốc vẫn đang có lợi thế về khía cạnh này, trong khi ngành chế tạo ở Việt Nam vẫn phải phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô. Chi phí nhập khẩu có thể quá cao, khiến những hãng sản xuất lớn chùn bước.Thêm nữa, năng suất lao động của Việt Nam, vấn đề “then chốt” mà Thủ tướng nói tới, trong lĩnh vực chế biến, chế tạo hiện chỉ bằng 1/3 so với của Trung Quốc, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu năng suất lao động Việt Nam năm 2017.Hạ tầng là một vấn đề khác. Trung Quốc đã phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nội địa tương đối hoàn chỉnh, và đang tham vọng xây dựng một mạng lưới tương tự ở quy mô toàn cầu qua kế hoạch “Vành đai, con đường”. Trong khi đó với Việt Nam, chính Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ngày 6-5 thừa nhận: “Kết cấu hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn của khu vực” kinh tế trọng điểm phía Nam, cụ thể là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước.Về sự dễ dàng của môi trường kinh doanh, đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về Mức độ dễ dàng của việc kinh doanh 2019 cũng xếp Việt Nam thấp hơn Trung Quốc (hạng 69 so với 46), dù với 68,63 điểm, Việt Nam đã có môi trường kinh doanh tốt hơn mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (63,41 điểm), cũng như xếp cao hơn hai nước tương đương trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Philippines.Một ưu thế nữa của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào sản xuất chế tạo là các hiệp định thương mại tự do, vốn ít gặp cản trở hơn so với Trung Quốc - một nền kinh tế quá lớn và có thể gặp phải vấn đề chính trị cản trở thương mại, như vụ xung đột thương mại Trung - Mỹ thời gian qua cho thấy.Gộp những vấn đề đó lại sẽ dẫn tới cân nhắc cuối cùng của các doanh nghiệp sản xuất: khả năng tận dụng lợi thế theo quy mô bằng cách “nhân quy mô lên nhiều lần” (scalability). Phần lớn các nhà máy tại Trung Quốc đều thiện nghệ trong việc này bởi họ sản xuất ở quy mô lớn, đôi khi có tới hàng ngàn nhà máy tập trung ở một chỗ, sản xuất cùng những kiểu sản phẩm, với các đơn hàng theo số lượng tùy thích, từ vài ngàn cho tới hàng triệu.Việt Nam đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm và học hỏi để tạo ra các ưu thế riêng cho nền kinh tế. Chính phủ đã làm được nhiều việc giúp thu hút tốt hơn vốn đầu tư nước ngoài và tình hình chính trị ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản về lao động, cơ sở hạ tầng, và cả chính sách, để thực sự tạo ra một nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh. Những xu hướng dịch chuyển lao động trong tương quan với Trung Quốc như thời gian qua gợi ra nhiều cân nhắc chính sách cho những nhà quản lý, với thách thức có vẻ đang nhiều hơn cơ hội.■ Tags: Xu hướng lao độngSiêu cườngDịch chuyển lao độngLao động Trung QuốcChính sách lao động của Trung Quốc
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.