Xu hướng việc làm tương lai: Công nghệ dẫn đầu, nhưng vẫn cần “tính người”

NGUYÊN HẠNH 07/01/2020 22:01 GMT+7

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

TTCT - Sẽ không có gì lạ nếu thị trường lao động trong thập kỷ mới 2020 đòi hỏi nhân sự có kỹ năng về công nghệ thông tin, nhưng người lao động vẫn phải có những kỹ năng “độc quyền” của con người mới có thể thích nghi tốt với các yêu cầu mới.

Học gì để sau này lương cao?

Số liệu mới nhất do Bộ Giáo dục Mỹ công bố ngày 20-11-2019 cho thấy sự tương quan đặc biệt giữa thu nhập và nơi học, ngành học. Đầu tiên, cơ quan này ghi nhận chỉ cử nhân tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng mới có thể hưởng mức thu nhập cao sau một năm tốt nghiệp. Trong khi đó, thu nhập giữa sinh viên tốt nghiệp từ các đại học tương đối tốt và các trường bình thường lại không khác là bao.

Thu nhập của cử nhân từ các trường đào tạo hàng đầu cũng tiếp tục phân nhánh dựa trên ngành học. Cụ thể, người học các ngành toán và khoa học máy tính thường kiếm được nhiều tiền hơn hẳn. Đại học Pennsylvania là điển hình khi cử nhân của các ngành định lượng (khoa học dữ liệu, toán học ứng dụng, thống kê) tại đây có mức thu nhập trung vị hằng năm lên đến 135.000 USD sau khi tốt nghiệp, trong khi thu nhập của cử nhân ngành sinh học chỉ bằng 1/3.

Công bố trên của Bộ Giáo dục Mỹ đang phản ánh sự chuyển dịch rõ nét trong xu hướng việc làm những năm gần đây và trong tương lai: sự trỗi dậy của việc làm trong các ngành công nghệ cao.

Theo báo cáo của mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, các mảng trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học robot (robotic science) và khoa học dữ liệu (data science) đang đứng đầu về cơ hội việc làm. Đặc biệt, LinkedIn chỉ ra rằng người lao động có kiến thức về AI được săn đón nhiều nhất ở gần như khắp mọi nơi.

Ví dụ như ở Mỹ, LinkedIn ghi nhận vị trí chuyên gia về AI có tốc độ tăng 74% trong suốt 4 năm qua. Đây là điều không mấy khó hiểu khi rất nhiều công việc mới xuất hiện thời gian gần đây đều dính dáng tới AI, điển hình như mảng kiến thức này được ứng dụng cả trong các công việc về an ninh mạng hay khoa học.

Những kỹ năng “rất người”

Hồi năm 2018, quỹ từ thiện giáo dục Varkey Foundation nghiên cứu ghi nhận ý kiến về 14 nghề nghiệp điển hình tại 35 quốc gia trên thế giới. Tại mỗi nước, Varkey Foundation yêu cầu 1.000 người xếp hạng những nghề này theo mức kính trọng từ cao (hạng 1) xuống thấp (hạng 14).

Trong một bài viết hồi tháng 1-2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dẫn lại kết quả khảo sát này (xem bảng) và cho rằng trong tương lai, khi robot và các thuật toán thay con người làm nhiều việc, các thứ hạng trên danh sách này có thể sẽ khác.

Trên thực tế, báo cáo về Tương lai nghề nghiệp - Future of Jobs do WEF công bố vào tháng 9-2018 ước tính 75 triệu việc làm hiện nay sẽ biến mất trước năm 2022 do sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người, máy móc và thuật toán.

Tuy nhiên, việc làm mất đi cũng sinh ra nhiều công việc mới và đòi hỏi những kỹ năng mới. Báo cáo của WEF cho biết khoảng 133 triệu việc làm mới sẽ ra đời, với những vị trí được tuyển dụng nhiều nhất sẽ bao gồm chuyên gia AI, phân tích dữ liệu lớn (big data), an ninh thông tin, robot, lập trình viên phần mềm và ứng dụng di động, chuyên gia về thương mại điện tử và mạng xã hội.

Thế nhưng WEF cũng nhấn mạnh bên cạnh công nghệ, nhu cầu nhân sự trong một số công việc khác thiên về làm việc cùng con người hoặc các vị trí cần phát huy các đặc tính, kỹ năng chỉ con người mới có được cũng sẽ tăng cao.

Chẳng hạn các vị trí về dịch vụ khách hàng, kinh doanh, marketing, đào tạo và phát triển hay các ngành đòi hỏi tìm hiểu về văn hóa và con người, phát triển tổ chức và quản lý sáng tạo...

Với nhu cầu tuyển dụng mới, đòi hỏi về mặt kỹ năng đối với người lao động cũng thay đổi. Phát triển công nghệ khiến các kỹ năng như tư duy phân tích, khả năng chủ động học hỏi và thiết kế kỹ thuật dần được chú trọng hơn. Tuy nhiên, đòi hỏi về hiểu biết công nghệ chỉ là một phần, các kỹ năng làm việc với con người không chỉ giữ nguyên giá trị mà còn buộc phải được nâng tầm.

Các nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm các cá nhân sáng tạo, độc đáo, chủ động, có tư duy phản biện, giỏi thuyết phục và đàm phán. Các nét tính cách tỉ mỉ, bền bỉ, linh hoạt và khả năng giải quyết công việc hiệu quả cũng được đánh giá cao. Cuối cùng, danh sách kỹ năng sẽ không thể hoàn tất nếu thiếu trí tuệ cảm xúc, khả năng lãnh đạo, truyền cảm hứng cũng như tinh thần làm dịch vụ.

 

Ai đã sẵn sàng?

Không phải người lao động nào cũng sẵn có các kỹ năng cần cho thời đại mới nói trên. Và không phải ai, cũng như nhà tuyển dụng nào, cũng sẵn sàng cho việc tái đào tạo, tự nâng cấp kỹ năng.

Sau khi thực hiện khảo sát đối với 12 lĩnh vực công nghiệp tại 20 nền kinh tế khác nhau, WEF phát hiện 54% nhân viên của các công ty lớn cần phải nâng cao hoặc học thêm kỹ năng để có cơ hội thăng tiến tốt nhất. Cùng lúc, hơn một nửa các doanh nghiệp cho biết họ chỉ có kế hoạch đào tạo dành cho các nhân sự quan trọng, trong khi chỉ 1/3 tính đến việc nâng cao kỹ năng cho các lao động có nguy cơ mất việc.

Đòi hỏi đối với người lao động thực tế còn khắc nghiệt hơn, khi gần 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết số vị trí làm việc toàn thời gian sẽ giảm mạnh cho tới năm 2022 vì tác động của tự động hóa.

Charles Towers-Clark - tác giả của THE WEIRD CEO, tác phẩm bàn về tác động của AI lên tương lai của việc làm - cũng có dự đoán tương tự. Trong một bài viết được Forbes đăng tải vào tháng 12-2019, Clark dự đoán khoảng cách giữa các công việc nặng về chuyên môn và không có tính chuyên môn sẽ trở nên sâu sắc hơn.

“Sự chia rẽ này hiện ra rõ rệt nhất ở các ngành sở hữu lượng lớn công việc có thể dễ dàng tự động hóa, như công việc lắp ráp hay may mặc” - vị chuyên gia này giải thích. Vì vậy, Towers-Clark cảnh báo những cá nhân “chỉ làm việc để tồn tại” sẽ không thể hưởng lợi trong môi trường lao động hiện đại.

Riêng về vấn đề đào tạo lại, nâng cấp kỹ năng, người lao động phải chủ động thay đổi bản thân hay chính doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề này? Shubhabrata Sarkar, giám đốc điều hành của Dentsu Indonesia, cho rằng giải pháp không phụ thuộc vào người lao động, mà ở kế hoạch đào tạo của doanh nghiệp, do lẽ họ buộc phải đối mặt với thách thức nâng cao tay nghề cũng như giữ chân nguồn nhân lực.

Có một thực tế đáng buồn, như Sarkar chia sẻ với trang Marketing Interactive, là “không ai muốn đào tạo, tất cả mọi người đều muốn các tài năng sẵn có trên thị trường”.

Sarkar “nhắn nhủ” các doanh nghiệp rằng nếu không tự đào tạo, họ sẽ không thể có những tài năng đã được đào tạo trên thị trường. “Các doanh nghiệp cần hiểu rằng thay vì chi thêm để tuyển được người tài, nên dùng tiền đó để đào tạo vì chi phí cho hai việc là như nhau” - vị CEO nhận xét.■

Câu chuyện ASEAN

Các nền kinh tế mới nổi, điển hình như một số thuộc Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, đa số dựa vào thế mạnh là nguồn nhân công giá rẻ và dồi dào. Tuy nhiên, nguồn nhân công này phần lớn có tay nghề thấp và chính là đối tượng dễ bị đào thải nhất trong xu hướng chuyển dịch lao động hiện tại.

Hồi tháng 8-2019, WEF đã công bố khảo sát đối với giới trẻ độ tuổi 15-35 ở những nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nghiên cứu này cho thấy người trẻ ASEAN nhận thức rất tốt về nguy cơ cũng như thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khoảng 52,4% tin rằng họ buộc phải liên tục cập nhật kỹ năng của mình, trong khi 9,2% nghĩ những kỹ năng hiện tại mình sở hữu đã lỗi thời. Đây có thể được coi là tin mừng khi giới trẻ ASEAN là những người thức thời, nhận ra rằng sự học là trọn đời chứ không chỉ nằm ở giai đoạn khởi đầu. Nhận thức này đã tác động không nhỏ tới thái độ làm việc của giới trẻ ASEAN.

WEF ghi nhận lý do hàng đầu khiến người trẻ tại khu vực thay đổi công việc là để học kỹ năng mới. Hơn thế, 5,7% người tham gia khảo sát cho biết từng mất việc vì không có kỹ năng phù hợp, hoặc do công nghệ thay thế.

Thế nhưng ngay cả khi xem trọng việc học hỏi và phát triển kỹ năng, giới trẻ ASEAN vẫn cho rằng cơ hội được đào tạo đàng hoàng khi làm việc là rất giới hạn. Chỉ 14,1% người tham gia nói được học các kỹ năng quan trọng nhất khi làm việc. Ngoài ra, những người làm việc cho doanh nghiệp lớn cho biết họ dễ nhận được cơ hội đào tạo chuyên môn hơn, so với những đối tượng làm việc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hay doanh nghiệp gia đình.

Những thông tin trên nhắc nhở các nhà tuyển dụng, đặc biệt là SME, về nhu cầu cấp thiết trong việc đầu tư phát triển con người. Tầm quan trọng của nó không chỉ nằm ở nâng cao năng lực của lực lượng lao động, mà còn là nâng khả năng cạnh tranh để giành lấy các nhân sự giỏi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận