1,6 triệu việc làm trong năm 2010

ĐỨC BÌNH 28/02/2010 19:02 GMT+7

TTCT - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có quyết định thông qua chương trình tạo việc làm cho 1,6 triệu người trong năm 2010, cùng với khống chế tỉ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị dưới 4,7%. Giải pháp nào để tạo số việc làm này? Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Nguyễn Thanh Hòa - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho biết:

- Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, GDP cả nước không đạt mục tiêu đề ra. Mà vấn đề việc làm thì luôn gắn liền với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nên chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2009 là 1,7 triệu dù chỉ đạt được 1,51 triệu lao động cũng là một sự cố gắng lớn của toàn ngành, toàn xã hội.

* Mục tiêu tạo việc làm mới cho 1,6 triệu người trong năm 2010 có vẻ sẽ thuận lợi khi VN đang dần thoát ra khỏi khủng hoảng. Đặc biệt, năm nay Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội?

- Vấn đề việc làm năm 2010, theo nhận định của các chuyên gia thì sáng sủa hơn năm trước, nhưng chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động vẫn là một thách thức. Muốn giải quyết được nhiều việc làm thì luôn phải dựa vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Có đến trên 70% lao động được tạo việc làm mỗi năm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Theo tính toán của các chuyên gia, GDP tăng 1% thì việc làm cũng tăng 0,34%. Vì thế, cần phải đầu tư nhiều hơn để GDP phát triển, tăng lên thì sẽ có nhiều chỗ làm việc mới cho người lao động. Tôi cho đây là chìa khóa để có thể thực hiện tốt chỉ tiêu và đúng là thuận lợi khi năm nay Chính phủ đề ra hàng loạt chương trình, dự án, đề án nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội.

* Để giải quyết việc làm còn nhiều “kênh” khác nữa, Bộ LĐ-TB&XH sẽ “khai thác” các kênh này như thế nào?

- Cùng với giải pháp quan trọng nhất là phát triển kinh tế - xã hội thì chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp khác. Đó là thông qua nguồn vốn vay từ chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm. Qua kênh này có đến trên 20% lao động được giải quyết việc làm trong tổng số lao động được giải quyết việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn vốn của chương trình này còn thấp so với nhu cầu của người dân. Tính đến năm 2009, tổng nguồn vốn vay giải quyết việc làm đạt trên 3.400 tỉ đồng (vốn trung ương) và trên 700 tỉ đồng (vốn địa phương), nhưng cũng chỉ đáp ứng 40-50% nhu cầu vay vốn tạo việc làm. Mức đầu tư cho mỗi suất tạo việc làm chưa cao, chỉ 7-8 triệu đồng trên một lao động. Trong định hướng xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2011-2015, chúng tôi sẽ đề xuất tăng cường nguồn vốn cho việc làm để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vay, giúp họ tạo ra nhiều việc làm mới, ổn định, chất lượng cao cho người lao động. Đồng thời triển khai tốt công tác bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề, thông tin về thị trường lao động để kết nối cung cầu lao động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm. Đặc biệt năm nay bộ sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu lao động - việc làm; đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ sở dạy nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác nhất cho người lao động và người sử dụng lao động.

* Cụ thể bộ đã và sẽ có những giải pháp gì để thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động?

- Để đạt chỉ tiêu tạo 1,6 triệu việc làm mới, ngành lao động đã có nhiều giải pháp và sẽ tập trung nhiều hơn vào phát triển thị trường lao động, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm. Trong năm 2009 đã có 15 tỉnh, thành xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu. Năm 2010, tất cả các tỉnh, TP đều thực hiện thu thập thông tin cho cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia việc làm, các chính sách hỗ trợ thanh niên, người nghèo vay vốn học nghề, xuất khẩu lao động. Bộ sẽ chỉ đạo mạnh, quyết liệt, tập trung vào các tỉnh, TP thuộc ba vùng kinh tế trọng điểm sẽ đẩy nhanh, mạnh công tác dạy nghề, nhất là hệ cao đẳng và trung cấp nghề. Mở rộng hoạt động giao dịch việc làm nhằm phát triển và tổ chức hoạt động có hiệu quả các sàn giao dịch việc làm tại tỉnh, TP...

* Nói về xuất khẩu lao động, đây cũng là một kênh có thể giúp 85.000 lao động có việc làm trong năm nay. Nhưng hiện thị trường này đang lắng xuống, nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với hoạt động này. Vậy bộ có cách gì để thúc đẩy?

- Thị trường Trung Đông cho thu nhập cũng khá và phía các đối tác có nhu cầu rất lớn về người lao động VN, nhiều doanh nghiệp cũng đã ký được những hợp đồng lớn. Những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và một số nước nữa tuy không tăng số lượng tiếp nhận lao động VN nhưng đây vẫn là những thị trường ta sẽ duy trì. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ nhắm tới một số thị trường có chất lượng cao hơn như thị trường châu Âu. Đối với những thị trường này, chúng ta phải đào tạo nghề và ngoại ngữ cho thật tốt. Nếu tình hình kinh tế các nước ổn định và hồi phục, việc đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài hoàn toàn có thể thực hiện được.

* Không chỉ ngoài nước mà ngay trong nước, nhu cầu lao động đã dần tăng và song song với đó sự đòi hỏi về chất lượng cũng tăng. Bộ LĐ-TB&XH có chủ trương nào để giải quyết vấn đề này?

- Yêu cầu chất lượng lao động tăng là một thực tế. Hiện bộ đang chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tăng cường tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước và các công ty xuất khẩu lao động. Chủ trương của bộ là tập trung đào tạo theo địa chỉ, tức là đào tạo cái người ta cần chứ không phải dạy cái chúng ta có.

Với tuyển người đi lao động nước ngoài, quan điểm của chúng tôi là không được chạy theo số lượng mà phải ưu tiên chất lượng. Chúng ta đang đẩy mạnh đào tạo nghề và giáo dục định hướng trước khi đưa lao động đi nước ngoài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận