TTCT - Công nợ và chính sách tài khóa là hai ám ảnh của cả thế giới đang trong khủng hoảng. Vấn đề không đơn giản là nợ bao nhiêu, mà là làm gì để trả nợ, và nhất là chi tiêu vì mục đích gì để có thể thoát ra khỏi đường hầm. Phóng to Tổng thống Barack Obama (thứ hai từ trái qua) quan sát một lốc động cơ diesel tại nhà máy ở Redford, Michigan. Kích thích tạo thêm công việc là một trong những biện pháp giải cứu thị trường lao động - Ảnh: Reuters Phóng to Phó chủ tịch ECB Vitor Constancio cho rằng các nền kinh tế trục trặc ở châu Âu sẽ bắt đầu khôi phục kể từ giữa năm 2013 - Ảnh: thevsky.com“Con nợ” lớn nhất thế giới là Mỹ vẫn cứ “phây phây” giải quyết công nợ của mình theo cách sử dụng Cục Dự trữ liên bang (FED), thực tế chính là Ngân hàng Trung ương Mỹ, để liên tiếp bơm tiền vào nền kinh tế. FED duy trì chính sách lãi suất cực thấp trong nhiều năm qua, bơm vào nền kinh tế Mỹ hàng ngàn tỉ đôla để kích thích tăng trưởng. Nói rằng Mỹ cứ “phây phây” là do chỉ có Mỹ mới có khả năng in tiền như in vàng mã, mặc cho tỉ giá USD cứ thế xuống thêm một nấc nữa, hàng hóa của Mỹ cứ thế mà rẻ hơn tại các nước khác. Trong khi đó, các nước khác cứ tiếp tục phải thắt lưng buộc bụng, buộc phải kiềm chế lạm phát ở dưới một ngưỡng bắt buộc dưới sự giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay của một định chế tài chính chung khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tất cả phải “chịu đựng” do lẽ tờ giấy bạc xanh của nước Mỹ vẫn cứ là đồng tiền được lưu hành nhiều nhất trong thương mại quốc tế. FED in tiền để mà sống Tháng 9-2012, FED quyết định bơm thêm 40 tỉ USD mỗi tháng vào nền kinh tế Mỹ. Chính vì thế mà tại một hội nghị ở Tokyo vào trung tuần tháng 10 do IMF và Ngân hàng Nhật Bản bảo trợ, chủ tịch FED Ben Bernanke phải lên tiếng bác bỏ những chỉ trích cho rằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ của FED gây phương hại đến các nền kinh tế mới nổi do lẽ với lãi suất cực thấp, thương mại nước Mỹ hưởng lợi thế từ việc đồng USD cứ tuột giá. Ông Bernanke giải thích rằng các động thái của FED mang lại lợi ích cho kinh tế toàn cầu bằng việc thúc đẩy tăng trưởng (cho nền kinh tế Mỹ) và (qua đó) tạo ra thị trường tiêu thụ mạnh mẽ hơn những hàng hóa của các thị trường đang phát triển. Ông Bernanke bảo rằng qua mấy lần FED bơm tiền, các nền kinh tế đang trồi lên đâu có sao đâu, trái lại... (1). Cái lý luận in thêm tiền để kích thích nền kinh tế Mỹ tăng trưởng, để người dân Mỹ có công ăn việc làm nhiều hơn, có tiền chi tiêu, cũng là kích thích sự tiêu thụ hàng hóa các nền kinh tế đang trỗi lên cứ thế mà đứng vững bất chấp mọi thị phi, do lẽ trong một góc cạnh nào đó có phần hữu lý: nếu dân Mỹ thất nghiệp nhiều hơn, lấy đâu ra tiền đi chợ mua hàng của nước này, nước kia...? Vụ FED in thêm tiền tháng 9 thiên hạ nuốt chưa xong thì đến hôm 12-12-2012, FED giáng một “quả” in thêm tiền nữa. Lần này là để bắt đầu từ tháng 1-2013 sẽ mua vào công khố phiếu dài hạn mỗi tháng 45 tỉ USD. Không dừng ở đó, FED còn loan báo rằng khi cần thiết sẽ tăng mua thêm công khố phiếu một khi thị trường lao động Mỹ không khả quan hơn. 45 tỉ USD mới này cộng với 40 tỉ USD của đợt bơm tiền tháng 9, tổng cộng là 85 tỉ USD mỗi tháng, thế giới có chịu hay không ráng chịu! Người Pháp gọi việc in tiền kiểu đó là “in tiền cho khỉ xài với nhau” (monnaie des singes). Tất nhiên không vì thế mà có thể nghĩ rằng nước Mỹ không ngó chừng tỉ lệ lạm phát. Trong diễn văn ngày 12-12 của mình (2), chủ tịch FED mấy lần nhắc đến chỉ số lạm phát vẫn còn trong ngưỡng an toàn là dưới 2% và sẽ không để vượt qua ngưỡng đó, nếu có cũng chỉ 0,5% là tối đa. Cũng thế, trong chiều sâu các biện pháp của FED vẫn toát lên một ý quan trọng: để kích thích tạo công ăn việc làm trong thị trường lao động, “FED có nhiệm vụ đảm bảo công ăn việc làm đầy đủ và ổn định giá cả”. So với các “gói kích cầu” thời tổng thống Bush, ít nhất cũng có thể thấy một sự khác biệt: không thể giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính bằng cách thỏa mãn một số nhóm lợi ích (giải cứu các ngân hàng, giải cứu chứng khoán..., lấy tiền ngân sách đi “đổ vỏ cho kẻ ăn ốc”), mà phải giải cứu thị trường lao động bằng cách kích thích tạo thêm công ăn việc làm. Tất nhiên không hẳn công luận Mỹ nhất trí hoàn toàn, như câu hỏi sau về diễn văn của chủ tịch FED: “Lãi suất thấp tức người về hưu sẽ được hưởng lãi tiết kiệm hưu trí ít hơn, tức chi tiêu ít hơn, thì mâu thuẫn với chính sách kích thích tăng trưởng để cải thiện thị trường lao động”. Nín thở chờ ngày 1-1-2013 Trong diễn văn ngày 12-12 của mình, chủ tịch FED mấy lần nhắc đến chỉ số lạm phát vẫn còn trong ngưỡng an toàn là dưới 2% và sẽ không để vượt qua ngưỡng đó, nếu có cũng chỉ 0,5% là tối đa. Những tuần lễ qua, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang đấu với nhau ở quốc hội mà vẫn chưa thông qua được một kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế như thế nào cho mỗi bên, nhất là các nhóm cử tri bỏ phiếu cho họ đừng cảm thấy bị thua thiệt. Các tập đoàn từ lâu đã phò Đảng Cộng hòa để đừng “ăn đòn” thuế của Đảng Dân chủ, giới cử tri bình dân đang sợ bị Đảng Cộng hòa cắt giảm quỹ bảo hiểm xã hội... Hạn chót để giải quyết vụ xung đột (lợi ích) này là ngày 1-1-2013. Nếu không đạt được thỏa hiệp, nước Mỹ sẽ rơi vào “vực thẳm tài chính”. Như một chiếc máy bay được tự động điều khiển, chính phủ sẽ buông tay lái nhường chỗ cho các biện pháp tự động cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế tổng cộng 600 tỉ USD. Và điều này sẽ tác động tới mọi người. Do đặc tính “cả thiên hạ” của đồng USD, trong những ngày này một số nước đặc biệt dõi theo các động thái ở Quốc hội Mỹ. Những nước đó là những nước nào và vì sao? The Guardian - tờ báo Anh nổi tiếng nghiêm chỉnh - đã đặt tựa sau cho một bài phân tích rất nghiêm túc: “Tại sao kinh tế thế giới cần nước Mỹ thoát khỏi vách đá tài khóa?”. Tác giả cảnh báo: “Cho dù Trung Quốc có tăng trưởng nhanh, song nước Mỹ vẫn còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang chiếm đến 1/5 sản lượng thế giới. Sự suy thoái của Mỹ trong năm 2013 sẽ dẫn đến sự tăng trưởng chậm hơn nữa ở Trung Quốc, sẽ làm tăng thêm sự tuột dốc ở Nhật Bản và khu vực đồng euro, làm cho nước Anh chìm trong suy thoái gấp ba lần hiện nay...”. EU sẽ tạm thở phào? Đông Á tiếp tục thăng tiến Mới đây, phó chủ tịch ECB Vitor Constancio đã long trọng tuyên bố: “Các nền kinh tế trục trặc ở châu Âu sẽ bắt đầu khôi phục kể từ giữa năm 2013, tất cả các nước châu Âu cũng sẽ tăng trưởng chút đỉnh từ năm 2014”. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo ECB đưa ra một dự báo lạc quan. Theo ông này, “sự khôi phục sẽ còn đáng kể hơn nữa tại một số nước “then chốt” do lẽ các nước này đang chịu sức ép để tiếp tục điều chỉnh chính sách hơn nữa, và rằng các điều chỉnh đó đang có hiệu quả” (3). Có thể hiểu thêm tại sao EU năm 2012 bớt “điên đầu” hơn. Đầu tiên là việc thông qua hiến chương (tài chính) chung vào đầu năm, theo đó mỗi nước sẽ phải vận hành các chính sách tài chính như thế nào. Kế đến là việc mỗi tháng các nhà lãnh đạo EU cùng họp với nhau một lần để giải quyết một vấn đề, không để vướng mắc này ngày càng phát tán ở một nước nào đó như trước kia, để rồi đến khi “nhà cháy” mới tập trung chữa cháy. Trên tất cả là việc trao cho ECB quyền tối thượng trong việc giám sát, hỗ trợ các nước thành viên. Từ đó, tình hình đã “nhúc nhích” được một chút ra khỏi vũng lầy. Đó cũng là lý do mà giải Nobel hòa bình năm 2012 trao cho EU. Trong khi châu Âu đang ngoi đầu ra khỏi mặt nước thì Đông Á và Thái Bình Dương vẫn tăng trưởng. Ngân hàng Thế giới ước tính tỉ lệ tăng trưởng là 7,5% trong năm 2012, sẽ nhích lên 7,9% trong năm 2013. Lý do là nhờ tăng cầu nội địa như là cỗ máy kéo trong bối cảnh cầu thế giới giảm. Ngay cả Trung Quốc, tuy năm 2012 chỉ tăng trưởng có 7,9% (giảm 1,4% so với năm 2011) do xuất khẩu giảm và đóng băng lĩnh vực địa ốc, song sang năm 2013 sẽ tăng trưởng được 8,4% nhờ vào các chính sách thuế khóa kích thích cùng việc thực hiện các dự án lớn. Tại sao thiên hạ có thể dự kiến tăng trưởng trở lại cho dù chút ít? Chi tiêu công, vốn được kiểm soát nghiêm ngặt và cũng không có thói hoang phí không đáy, nay càng thắt chặt hơn; thuế đánh “trúng” hơn song vẫn “kích thích” được sản xuất kinh doanh... “Giải cứu kinh tế” là để tạo ra công ăn việc làm, chứ không phải nhằm cứu két sắt của một ngành hay giới nào. ___________ (1): http://www.usatoday.com/story/money/business/2012/10/15/bernanke-speech-tokyo/1634227/(2): http://delong.typepad.com/sdj/2012/12/transcript-of-chairman-bernankes-press-conference-december-12-2012.html(3): http://uk.reuters.com/article/2012/12/08/uk-chile-ecb-growth-idUKBRE8B709M20121208 Tags: FedLãi suấtChính sách tài khóaCông nợCon nợ
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.