AFF Cup chưa thoát mác ao làng

HUY ĐĂNG 04/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Một chút an ủi cho bóng đá Việt Nam: Thất bại ở AFF Cup không khiến chúng ta mất bao nhiêu vị thế trên bảng xếp hạng của FIFA, vì giải đấu này chưa bao giờ được làng bóng đá thế giới đánh giá cao.

Xưa nay, chúng ta đã quen gọi đây là giải đấu “ao làng” của bóng đá thế giới. Vậy cụ thể AFF Cup bị xem nhẹ đến mức nào?

Thua cả trận giao hữu

AFF Cup 2016 đánh dấu cột mốc đặc biệt trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á, khi giải vô địch của khu vực bị xem là “vùng trũng” này chính thức được FIFA công nhận. Các trận đấu của AFF Cup vì thế sẽ mang lại điểm số cho nền bóng đá trên bảng xếp hạng FIFA. Nhưng chớ vội mừng.

 AFF Cup 2020 ngập tràn những tình huống gây tranh cãi. Ảnh: AFP 

Việc FIFA ghi nhận AFF Cup vốn chỉ là chuyện sớm muộn. Tuy trình độ không mấy đáng kể, nhưng Đông Nam Á lại là một trong những thị trường nhộn nhịp của làng bóng đá thế giới. 

Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là khu vực có dân số cao thứ 3 thế giới, chỉ kém Nam Á, và Đông Á, và còn cao hơn cả Nam Mỹ, Tây Á hay Tây Âu. Và ở những quốc gia lớn nhất khu vực như Indonesia, Việt Nam hay Thái Lan, bóng đá cũng là môn thể thao được ưa chuộng nhất.

Thế nên, chuyện AFF Cup được FIFA - với xu hướng phát triển bóng đá ra toàn cầu - ghi nhận không phải là điều gì to tát. Và thật ra dù đã đi vào bảng xếp hạng FIFA, giải vô địch của Đông Nam Á vẫn xếp chót trong hệ thống bóng đá thế giới. 

Cụ thể, AFF Cup bị xếp vào nhóm giải đấu giao hữu nằm ngoài những ngày thi đấu chính thức của FIFA (tức vào những ngày và giải này, các CLB bắt buộc phải nhả quân cho các đội tuyển quốc gia). Hệ số điểm của nhóm này chỉ là 5. Với các trận giao hữu nằm trong ngày thi đấu chính thức, hệ số điểm là 10. 

Các trận đấu ở vòng loại World Cup có hệ số điểm 25, trong khi Asian Cup, tức giải vô địch châu Á, có hệ số điểm lên đến 40.

Trong công thức tính điểm cho từng trận đấu, hệ số này sẽ được nhân với mức độ chênh lệch về thứ hạng giữa hai nền bóng đá. Tất nhiên, ở vòng loại World Cup, đối thủ của VN đều là các nền bóng đá hùng mạnh ở châu lục; trong khi ở AFF Cup, VN lại được coi là “không nhất cũng nhì”. 

Một trận thắng ở vòng loại World Cup vì thế có thể giá trị gấp 10 lần so với một trận thắng ở AFF Cup, theo đúng nghĩa đen.

Lấy ví dụ ở giai đoạn lượt về vòng loại World Cup sắp tới: nếu VN thắng Úc, chúng ta sẽ được cộng thêm 18,5 điểm. Trong khi đó, trận thắng Campuchia chỉ giúp VN được cộng 1,4 điểm, và thua Thái Lan cũng chỉ bị trừ 2,8 điểm.

Rút thẻ đỏ như… chạy chỉ tiêu

Vậy làm thế nào để AFF Cup nâng tầm vị thế trong hệ thống của FIFA? Điều đó cũng tương tự như việc nâng cấp một nền bóng đá, cần đến sự phát triển toàn diện. Trình độ của các đội tuyển quốc gia dĩ nhiên là yếu tố quan trọng. 

Một ví dụ, WAFU Cup of Nations - giải vô địch vùng Tây Phi với quy mô nhỏ gọn, chỉ có vỏn vẹn 15 trận đấu - lại được tính điểm hệ số 10. Đó là nhờ giải đấu này quy tụ những đội bóng hùng mạnh bậc nhất châu lục và đã vươn tầm thế giới như Senegal, Ghana, Bờ Biển Ngà…

Quá khó để VN, Thái Lan hay Indonesia đạt đến đẳng cấp của các đội châu Phi kể trên. Thay vào đó, AFF Cup có thể tự nâng cấp bằng tính hấp dẫn, sức hút truyền thông, tài trợ… King’s Cup - một giải giao hữu truyền thống của Thái Lan - lại được xếp vào nhóm giải chính thức của FIFA, vì vậy được tính điểm hệ số 10. Hay China Cup - giải giao hữu tương tự của Trung Quốc - cũng có hệ số 10.

Chứng kiến những bê bối trọng tài ở AFF Cup 2020, không có gì ngạc nhiên khi giải đấu này luôn bị đánh giá thấp. 

Trong thời đại mà công nghệ VAR đã vươn đến mọi ngóc ngách trong làng bóng đá thế giới (đến các giải U17 và bóng đá nữ ở châu Âu cũng có VAR), công nghệ video hỗ trợ trọng tài lại chưa từng được sử dụng ở AFF Cup.

Không chỉ vậy, tiếng còi ở AFF Cup 2020 bị bóp méo đến mức khó tin. Indonesia đã thi triển thứ bóng đá triệt hạ xấu xí trong hầu như mọi trận đấu, nhưng rồi không phải lãnh một tấm thẻ đỏ nào. 

Thái Lan, với những trò tiểu xảo vụn vặt, những pha phạm lỗi thô thiển (như tình huống thủ thành lao ra phạm lỗi ngoài vòng cấm địa trong trận bán kết lượt đi với VN) cũng không bị trừng phạt. Chính VN cũng nhiều lần hưởng lợi, khi trọng tài ngó lơ những pha phạm lỗi xấu xí của Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh…

Kể cả những tình huống quan trọng như bắt việt vị, thổi phạt đền ở AFF Cup cũng rất thiếu chính xác. Góc quay chiếu chậm cho thấy có đến 2 bàn thắng của Indonesia trong trận bán kết lượt về với Singapore rơi vào thế việt vị.

Nực cười ở chỗ, sau khi nhận bão chỉ trích vì việc dung túng cho bạo lực, các trọng tài ở AFF Cup lại quay ngoắt thái độ. Trong trận bán kết lượt về giữa Indonesia và Singapore, trọng tài Qasim Al-Hatmi rút thẻ đỏ như thể “chạy chỉ tiêu”, với 3 tấm thẻ đỏ cho đội chủ nhà. 

Trong đó, hai tình huống đầu đều quá nặng tay. Safuwan, người đầu tiên bị đuổi của Singapore, đã lãnh thẻ vàng thứ hai chỉ vì càm ràm với trọng tài về việc đội anh không được hưởng phạt đền (và Safuwan phàn nàn hoàn toàn chính xác). Nếu đó là lỗi đáng lãnh thẻ đỏ, có lẽ sẽ không còn cầu thủ nào trên sân.

Khi bê bối tham nhũng của FIFA nổ ra vào năm 2015, hàng loạt nhà tài trợ lớn đã cắt hợp đồng với cơ quan đầu não bóng đá thế giới. Những bê bối luôn tỉ lệ nghịch với sức hút truyền thông và tài trợ, mà không có sức hút truyền thông và tài trợ lớn thì AFF Cup đừng hòng thoát mác “ao làng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận