Âm nhạc là sinh thái

WHITNEY BAUCK 01/07/2024 13:38 GMT+7

TTCT - Âm nhạc không chỉ có thể trở thành hình thức "thân thiện với môi trường" nhất để biểu lộ sáng tạo. Nó chính là sinh thái đang rung động. Nó là thiên nhiên đang lên tiếng.

Ảnh: mixmag.asia

Ảnh: mixmag.asia

Âm nhạc đã có mặt từ trước khi giàn khoan dầu đầu tiên được xây dựng và đường ống dẫn dầu đầu tiên được đặt xuống. Trước khi người ta sử dụng các đĩa nhựa quay tròn để truyền âm thanh và kim loại trong lòng đất để tạo hình cho một thứ có thể bay lượn từ buổi hòa nhạc ở sân vận động này sang buổi hòa nhạc kế tiếp.

Theo cách đơn giản nhất, âm nhạc vẫn có thể tồn tại mà không cần tới tất cả những thứ kể trên. Tất cả những gì nó cần là giọng của con người, kết quả của làn hơi nhẹ nhàng lướt qua các dây thanh âm. 

Khi được tạo ra và chia sẻ theo cách này, thứ đầu vào duy nhất mà âm nhạc cần là nước và khí oxy mà người ca sĩ hấp thụ để sống, và nó không để lại thứ gì ngoài sự rung động. Hoặc có lẽ sẽ đúng hơn khi nói rằng âm nhạc hoàn toàn không cần đến loài người chúng ta: như Frank Waln, nhạc sĩ người dân tộc Lakota (Mỹ), đã chỉ ra: "Cá voi thì viết bài hát. Chim chóc thì sáng tác nhạc".

Chúng ta thường trải nghiệm âm nhạc như một sức mạnh vô hình không để lại dấu vết vật lý nào trên thế giới. Chạm vào một nút trên màn hình, và đột nhiên một dàn nhạc vang lên từ tai nghe của bạn. Nhưng cái sự dễ dàng trong việc truy cập vào bài hát yêu thích đã che khuất một sự thật rằng: việc tạo ra và chia sẻ âm nhạc như ngày nay đều tiêu tốn tài nguyên hữu hình của Trái đất.

Những đĩa nhạc thuở ban đầu được làm từ đủ loại vật liệu gây ngạc nhiên, bao gồm giấy thiếc, cao su, sáp ong, spermaceti (một chất sáp được tìm thấy trong đầu của cá nhà táng) và sô cô la, theo sách Decomposes: The Political Ecology of Music (tạm dịch: Phân hủy: Sinh thái chính trị của âm nhạc) của Kyle Devine.

Vào những năm 1900, shellac, được sản xuất từ chất tiết của một loài côn trùng có nguồn gốc từ Nam Á và Đông Á, đã trở thành một thành phần thiết yếu của ngành ghi âm. Shellac được đặt tên theo lac, loại nhựa mà bọ cánh cứng tiết ra để che chở cho trứng của chúng. 

Lac được tách ra từ cây cối, nung nóng và tinh chế, sau đó trộn với các vật liệu khác như đá phiến nghiền và đá vôi để tạo thành các đĩa ghi. Nghe nhạc vào năm 1945 theo đúng nghĩa đen là lắng nghe đá và chất tiết của côn trùng.

Nghe qua có vẻ "tự nhiên", nhưng quá trình này đầy rẫy những sự bất công về môi trường, từ điều kiện làm việc tồi tàn của các cơ sở chế biến lac, cho đến những tổn thương cho các quần thể thực vật.

Rồi vào khoảng năm 1950, shellac được thay thế bằng nhựa. Kết quả là, "trọng tâm địa chính trị và môi trường của ngành công nghiệp ghi âm [đã chuyển] từ các khu rừng ở Đông Nam Á sang các mỏ dầu ở Trung Đông," theo Devine.

Việc chuyển đổi từ đĩa nhựa sang các tập tin kỹ thuật số bắt đầu vào khoảng năm 2000, đầu tiên là dưới hình thức tải xuống và sau đó là phát trực tuyến, có vẻ như là một sự thay đổi đáng hoan nghênh. 

Theo một nghiên cứu năm 2019, vào thời kỳ đỉnh cao của đĩa CD (năm 2000), ngành công nghiệp âm nhạc Hoa Kỳ đã sử dụng khoảng 67.241 tấn nhựa. Đến năm 2016, khi âm nhạc kỹ thuật số đã hoàn toàn thống trị, con số đó đã giảm xuống còn 8.818 tấn.

Ảnh: Ukulele Magazine

Ảnh: Ukulele Magazine

Nhưng âm nhạc số không hẳn là liều thuốc chữa bách bệnh cho môi trường như nó có vẻ. "Nếu các tập tin kỹ thuật số không phải là vật chất ở một mức độ nào đó thì ổ cứng trên điện thoại hoặc máy tính của bạn sẽ không bao giờ đầy; những tập tin này thực sự choán chỗ", Devine nhận định. 

Tất cả sự chiếm dụng không gian đó đòi hỏi nhiều thiết bị hơn, và một số vốn được thiết kế để trở nên lỗi thời trong vòng vài năm sử dụng. Chúng rồi sẽ gia nhập vào đống rác thải điện tử ngày càng tăng của hành tinh. Và cần rất nhiều năng lượng để vận hành các trung tâm dữ liệu, vốn là xương sống của các hệ thống lưu trữ "đám mây".

Ngoài ra, các thông điệp được đan cài vào âm nhạc nay đã tụt hậu so với tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu. Nền âm nhạc đại chúng ở Mỹ bị chi phối bởi 2 chủ đề: tình yêu và tình dục. Trong khi đó, các bài hát bản địa truyền thống của nhiều nền văn hóa khác nhau thường tập trung vào việc truyền tải kiến thức sinh thái…

Nếu như ngành công nghiệp âm nhạc chính thống dường như dửng dưng trong nhiều thập kỷ thì trong những năm gần đây, nó đã bắt đầu thức tỉnh. 

Các tổ chức phi lợi nhuận lâu đời như Julie's Bicycle, REVERB và Hip Hop Caucus nay đã chung tay cùng các nhóm mới hơn như Music Declares Emergency (cung cấp hướng dẫn cho mọi người từ nghệ sĩ, hãng thu âm đến nhà xuất bản về cách giảm dấu chân sinh thái) và Earth Percent (đối tác của các nghệ sĩ khi lưu diễn để quyên góp vì môi trường).

Tuy không thể quay ngược thời gian để tìm lại mối quan hệ giữa nhân loại và âm nhạc như ở thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng ta có một giấc mơ le lói rằng âm nhạc có thể tìm ra cách để không chỉ giảm tác hại lên hành tinh, mà còn thực sự mang đến sự chữa lành.

 * Lê My lược dịch từ bài viết đăng trên tạp chí Atmos ngày 5-9-2023 với tựa đề "Making Music in a Warming World".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận