TTCT - Nhiều ứng dụng quản lý chi tiêu (budgeting app) đã nhận ra không dễ kiếm tiền từ việc giúp người khác tiêu ít tiền hơn. Ảnh: MintKhi ứng dụng quản lý chi tiêu kỳ cựu Mint ngừng hoạt động từ đầu năm 2024, nó sẽ nối dài danh sách các công ty đã cố gắng nhưng không kiếm nổi tiền từ việc giúp người dùng cải thiện trách nhiệm tài chính cá nhân.Trước Mint, ứng dụng Simple từng được nhà băng Tây Ban Nha BBVA mua lại vào năm 2014 với giá 114 triệu USD nhưng phải đóng cửa chỉ 6 năm sau đó. Ứng dụng Clarity Money cũng ngừng hoạt động 3 năm sau khi được tập đoàn Goldman Sachs thâu tóm. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase thì từng tự phát triển ứng dụng quản lý chi tiêu riêng mang tên Finn hướng đến người trẻ nhưng cũng chết yểu vào năm 2019, chỉ sau 3 năm ra mắt.Hóa ra vấn đề của các ứng dụng này, theo báo Wall Street Journal, là rất ít người thật sự muốn được giúp đỡ về chuyện chi tiêu cá nhân của mình, thậm chí người sẵn sàng trả tiền cho việc đó còn ít hơn nữa.Catherine Van Weele, 23 tuổi, một người dùng Mint nhiều năm, đã dành cả tuần để nghiên cứu các sản phẩm thay thế sau khi nhận tin dữ vào đầu tháng 11 nhưng sớm thất vọng vì hầu hết các lựa chọn trên thị trường đều phải mất phí đăng ký. "Tôi hiểu rằng bạn cần phải trả tiền cho một ứng dụng… nếu không thì bạn chính là mặt hàng [của ứng dụng ấy], nhưng đó chắc chắn là một rào cản đối với tôi" - cô nói với Wall Street Journal.Nhiều công ty đã bắt đầu nhận ra một thực tế là app quản lý chi tiêu chỉ có thể giúp người ta nhìn lại lịch sử chi tiêu của mình một cách có hệ thống, còn hành động ra sao với thông tin đó lại là một câu chuyện dài khác. Bất chấp nỗ lực của các nhà phát triển, không có ứng dụng hay dịch vụ nào tìm ra bí quyết giúp việc quản lý tài chính hằng ngày của người ta hấp dẫn như giao dịch cổ phiếu đã được "game hóa" trên Robinhood hay học một ngôn ngữ mới trên Duolingo."Ai mà tìm ra cách khiến những người thiếu động lực quan tâm đến việc nghĩ ngợi về tiền bạc chắc sẽ giàu sụ" - Utpal Dholakia, giáo sư môn tiếp thị tại Đại học Rice (Mỹ), nhận xét. Theo báo The Sydney Morning Herald, vấn đề với các app quản lý chi tiêu là nó giống như nói với ai đó đang cố gắng giảm cân rằng "hãy ăn ít hơn và siêng tập thể dục hơn đi" - một giải pháp hiển nhiên trên lý thuyết, nhưng thực hành được thì đã chẳng có gì để nói. "Những người gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền có cách suy nghĩ và lối sống không phù hợp cho chuyện tiết kiệm tiền lâu dài" - tác giả Paridhi Jain viết.Ra mắt năm 2007, Mint là một trong những ứng dụng quản lý chi tiêu ra đời sớm nhất và được sử dụng phổ biến nhất với hơn 3,6 triệu người dùng vào năm 2021, theo báo The New York Times. Mint được thiết kế để trở thành bảng điều khiển tổng của đời sống tài chính người dùng, liên kết tất cả các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng để theo dõi và tự động hóa việc phân tích mọi chi tiêu. Quan trọng nhất là nó cung cấp tất cả các tính năng này miễn phí. Mint kiếm tiền từ phí giới thiệu do các nhà băng trả cho ứng dụng khi người dùng đăng ký tài khoản hoặc mở thẻ tín dụng sau khi nhấn vào quảng cáo xuất hiện trong app.Tuy nhiên theo Dholakia, những người có nhiều khả năng mở ứng dụng và xem quảng cáo nhất - tức là những người có ý thức quản lý tài chính cá nhân cao - lại nằm trong nhóm ít có khả năng cần các sản phẩm được quảng cáo nhất. Emily Luck, 31 tuổi, đã duy trì thói quen kiểm tra ứng dụng Mint ít nhất 1 lần mỗi tuần kể từ khi đăng ký lần đầu năm 2012 nhưng thừa nhận chưa bao giờ bấm vào quảng cáo. "Tôi chỉ có một thẻ tín dụng và không có nhu cầu mở thêm cả đống thẻ khác, nên tôi cứ bỏ qua mấy cái quảng cáo" - Luck giải thích.Các ứng dụng quản lý chi tiêu tốn trung bình 6-7 USD/năm để kết nối với mỗi tài khoản ngân hàng người dùng muốn theo dõi. Khách hàng của Mint có những người kết nối tới 30 tài khoản ngân hàng và thanh toán vào app, vì vậy chi phí để giữ chân một người dùng miễn phí là quá cao, nhà sáng lập Aaron Patzer thừa nhận. Điều này, cộng với mức độ tương tác thấp, đang đẩy hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đến chỗ thất bại hoặc gắng gượng kiếm tiền từ các khách hàng hiện hữu bằng cách chuyển đổi mô hình từ miễn phí sang mất phí thường niên.Trong khi đó, các ngân hàng lại muốn nhảy vào thế chỗ, vì bản thân có thể cung cấp công cụ tương tự mà không thu phí. Ứng dụng miễn phí LifeSync của Ngân hàng Wells Fargo đã nhanh chóng có 1 triệu người dùng dù mới tung ra hồi tháng trước.Suy cho cùng, như chính nhà sáng lập Patzer phải thừa nhận, một ứng dụng suốt ngày lải nhải bên tai về chuyện bạn cần chi tiêu hợp lý thì chẳng thể nào thú vị bằng chơi chứng khoán, mua vé xem ca nhạc hoặc lướt mạng xã hội. "Xài app quản lý chi tiêu không phải là liều dopamine như Instagram hay YouTube. Đó là chuyện người lớn. Là trách nhiệm" - Patzer nói. Tags: App chi tiêuApp công nghệAppỨng dụngChi tiêu
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.