ASEAN và cuộc diễn tập quân sự đầu tiên trên Biển Đông

HỮU NGHỊ 28/06/2023 14:35 GMT+7

TTCT - ASEAN sẽ lần đầu diễn tập quân sự chung trên Biển Đông vào tháng 9 tới, mục tiêu là tăng cường "tính trung tâm của ASEAN".

Hôm 8-6, Reuters loan tin ASEAN sẽ lần đầu diễn tập quân sự chung trên Biển Đông. Thiệt ra, đây không phải chuyện mới. Hồi đầu tháng 5-2023, ASEAN và Ấn Độ đã tổ chức diễn tập hàng hải AIME-2023, chủ yếu là ở khu vực căn cứ Changi của Singapore, và chút ít trên Biển Đông. Lần này sẽ là ở khu vực biển Natuna Bắc.

Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp của các chỉ huy quân sự ASEAN gồm 10 thành viên ở Indonesia, nơi sẽ làm chủ nhà cho cuộc tập trận ở Biển Bắc Natuna, tức vùng biển cực nam Biển Đông.

Tư lệnh quân đội Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, nói với hãng thông tấn nhà nước Antara rằng cuộc diễn tập sẽ diễn ra vào tháng 9 và sẽ không bao gồm bất kỳ hoạt động huấn luyện tác chiến nào. Mục đích, theo ông Margono, là tăng cường "tính trung tâm của ASEAN", theo Reuters.

Phát biểu khai mạc hội nghị Tư lệnh Lực lượng quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM-20), ông Margono tin tưởng hội nghị sẽ tạo ra những điều tích cực, góp phần tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN.

ACDFM-20 đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Những người đứng đầu tình báo quân đội các nước ASEAN (AMIM-20) và Hội nghị Cục trưởng tác chiến quân đội các nước ASEAN (AMOM-13) tổ chức ngày 5-6.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đại biểu là tại AMIM-20, các nước đã nhất trí thông qua Tài liệu Khái niệm thành lập Cộng đồng Tình báo quốc phòng các nước ASEAN (AMIC) và Hội thảo lãnh đạo AMIC sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị. 

Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng các nước liên quan cần tiếp tục nhấn mạnh cam kết trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời tăng cường xây dựng lòng tin, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. (Quân Đội Nhân Dân 7-6-2023).

Đô đốc Margono đã tuyên bố về cuộc diễn tập chung sau hội nghị, nói rõ rằng diễn tập sẽ tập trung vào an ninh hàng hải và cứu hộ (SAR) ở khu vực Natuna. Cuộc diễn tập sẽ quy tụ các lực lượng lục quân, hải quân và không quân các nước ASEAN.

Tính trung tâm của ASEAN, theo Indonesia

Cho đến nay vẫn thường xuyên nghe nói đến "tính trung tâm của ASEAN", song dường như đây vẫn còn là một khái niệm, chưa thấy thể hiện cụ thể. 

Cuối năm ngoái, tại Phnom Penh, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi báo trước đây chính là định hướng cho nước này khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2023: 

"ASEAN từ chối trở thành "con tốt" trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thay vào đó, ASEAN tích cực thúc đẩy mô hình hợp tác với tất cả các quốc gia. Mô hình này cũng sẽ định hướng cho vai trò chủ tịch ASEAN của Indonesia vào năm tới. Indonesia cam kết củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong việc khẳng định trật tự khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, củng cố sự thống nhất của ASEAN như kim chỉ nam cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực".

Indonesia có nhiều lý do thực tế để tin rằng họ không chỉ đang rao giảng suông. Đó là một đất nước có tổng diện tích hơn 1,9 triệu km2, lớn nhất Đông Nam Á, và rộng gấp 10 lần Campuchia, nước chủ nhà ASEAN 2022. Indonesia hiện cũng đã có dân số gần 280 triệu người, đứng hàng thứ 4 thế giới, và GDP 1.119 tỉ USD.

Cũng có một lĩnh vực mà Indonesia đang đi trước các nước Đông Nam Á còn lại: sau khi các cuộc biểu tình trên đường phố lật đổ chế độ Suharto vào năm 1998, các cuộc bầu cử lập pháp tự do và công bằng đã diễn ra vào năm 1999, và tuần tự tiếp diễn từ đó trong ổn định - kết quả là Indonesia hiện là nền dân chủ đông dân thứ ba thế giới, dù là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới và quốc gia có đa số người Hồi giáo lớn nhất thế giới, một điều ngoạn mục trong thế giới Hồi giáo.

Họ cũng có một chỗ trong nhóm G20, chưa tới hàng "ông lớn" song cũng bậc trung, và giờ đây muốn làm thủ lĩnh ASEAN nhân năm nay là chủ tịch luân phiên.

Còn nhiều khúc mắc

Phải nói là tham vọng của Indonesia rất lớn khi tự nhận là "người bảo vệ sự ổn định và hòa bình cho các nước thành viên và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" trong bối cảnh cạnh tranh, thậm chí chiến tranh giữa các siêu cường Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở Labuan Bajo, Indonesia ngày 11-5-2023. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở Labuan Bajo, Indonesia ngày 11-5-2023. Ảnh: Reuters

Tài liệu Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia cho thấy tham vọng qua tầm nhìn không chỉ cho mỗi năm 2023 này mà cho 20 năm tới: 

"Indonesia cũng đặt mục tiêu tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN để có thể đối phó với những thách thức trong 20 năm tới. Indonesia đặt mục tiêu hướng tới ASEAN 2045, một ASEAN phải thích ứng, nhạy bén và cạnh tranh hơn. Tất cả những điều này phải được đấu tranh theo cách thức của ASEAN, phù hợp với tinh thần hợp tác và thực hiện đầy đủ Hiến chương ASEAN".

Cũng như câu chuyện về "đoàn tàu" EU, hay bất kỳ tổ chức đa quốc gia nào, đều cần các "đầu tàu", việc Indonesia muốn nổi lên là điều dễ hiểu. Vấn đề là ít nhất cũng cần hình dung ASEAN trong 20 năm tới sẽ như thế nào? 

Câu trả lời của Indonesia mang tính phổ quát toàn cầu chớ không cứ mang tính độc đáo khu vực: "ASEAN phải nhất quán tôn trọng luật pháp quốc tế và không trở thành "tay sai" cho bất kỳ ai. ASEAN phải duy trì hòa bình nội khối ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. ASEAN cũng phải trở thành một khu vực có phẩm giá đề cao các giá trị nhân văn và dân chủ".

Thông tin thêm là Campuchia đã từ chối cuộc diễn tập quân sự dự kiến vào tháng 9 năm nay nói ở trên. Khmer Times 13-6 loan tin: "Thiếu tướng Thong Solimo, người phát ngôn của Quân lực hoàng gia Campuchia, hôm qua cho biết Campuchia không đồng ý với các cuộc tập trận được tổ chức ở Biển Đông".

Trước biến chuyển này, tờ Asia Times 17-6 viết: "Campuchia tìm cách nhận chìm các diễn tập hải quân của ASEAN".

Tờ báo rất Á Đông này tóm tắt uẩn khúc câu chuyện: "Campuchia, quốc gia bị nghi ngờ bí mật cấp độc quyền cho Trung Quốc với căn cứ hải quân Ream của nước này, dường như có vấn đề với địa điểm của các cuộc tập trận được đề xuất. Campuchia phủ nhận bất kỳ thỏa thuận cơ sở bí mật nào, vịn cớ điều này sẽ vi phạm hiến pháp của vương quốc". 

Vấn đề ở chỗ, theo người đứng đầu quân đội Indonesia Yudo Margono, cuộc tập trận của ASEAN dự kiến diễn ra vào cuối năm nay ở Biển Bắc Natuna, khu vực giàu tài nguyên ngoài khơi bờ biển phía bắc của Indonesia, chồng lấn với điểm cực nam của yêu sách "đường chín đoạn" mở rộng của Bắc Kinh.

Campuchia từng nổi tiếng ngăn trở tuyên bố chung 2012 của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tháng 7-2012 tại Phnom Penh vì không muốn đề cập đến tranh chấp Biển Đông. 

Bốn năm sau, Campuchia lại "chặn bất kỳ nội dung nào liên quan đến phán quyết của một tòa án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn chống lại các yêu sách của Bắc Kinh với Biển Đông trong một tuyên bố của ASEAN và đang cố gắng loại bỏ cụm từ thông thường vẫn được dùng bày tỏ lo ngại về "việc quân sự hóa" vùng biển này" (Cambodia Daily 25-7-2016) và "tuần trước, Trung Quốc đã hứa viện trợ hơn nửa tỉ USD".

Còn năm nay, Campuchia vừa tổ chức thành công SEA Games 32 với sân vận động mới tinh 60.000 chỗ Morodok Techo, trị giá hơn 160 triệu USD do Trung Quốc chi trả, thiết kế và xây dựng.

Xem ra, hành trình xây dựng tính trung tâm của ASEAN cần bắt đầu từ "tính đoàn kết" đã.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận