"Bà đỡ" cho những con tàu ngư dân

TẤN VŨ 27/02/2011 12:02 GMT+7

TTCT - Không ngư dân miền Trung nào không biết đến ông Huỳnh Văn Minh ở làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam với ngón nghề độc đáo: chỉnh lái chân vịt những con tàu.

Phóng to
Bằng cảm nhận của mình, ông Minh dùng các dụng cụ để chỉnh sửa chân vịt đủ loại tàu - Ảnh: Tấn Vũ

Là một trong những đội tàu đánh bắt xa bờ nổi tiếng của huyện Núi Thành, gia đình ông Phan Kim Nhựt có năm chiếc tàu công suất lớn. Trong cơn bão số 6 (năm 2008), ba trong năm chiếc bị sóng đánh bật lên bờ, các chân vịt đều bị cong veo. Tưởng gần cả trăm triệu đồng đã thành đồng phế liệu, ông Nhựt tìm đến ông Minh. Chưa đầy ba ngày sau, toàn bộ số chân vịt được phục chế nguyên trạng và an toàn rẽ sóng đến nay. “Sau bão mọi thứ tan nát, gia đình tôi tưởng chừng kiệt quệ. Nếu mang đến nhà máy đóng tàu sửa chữa thì tốn lắm. May nhờ anh Minh, tốn chút đỉnh mà mọi thứ như mới” - ông Nhựt kể khi gặp chúng tôi sau Tết Tân Mão.

Nghe âm chỉnh chân vịt

Nằm tách biệt khỏi Hội An bởi dòng Thu Bồn chắn ngang trước khi đổ vào biển lớn qua Cửa Đại, làng Kim Bồng nổi tiếng với nghề mộc tinh xảo và tự hào với những người con tài hoa góp công làm nên các cung điện của kinh thành Huế. Cũng dùng các công cụ như búa, đục, kềm... nhưng ông Huỳnh Văn Minh không chọn cho mình nghề mộc.

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm ngổn ngang chân vịt tàu thuyền. Bà Hồng - vợ ông Minh - và con trai đang giúp ông Minh chỉnh sửa chiếc chân vịt (từ chuyên môn còn gọi là a-líc, đọc trại từ helice - tức cánh quạt, nên ông Minh còn có biệt danh là Minh “a-líc”) nặng hơn 1 tạ. Năm nay 57 tuổi, với đôi tay sần sùi chắc nịch như bao thợ máy khác, ông Minh nghiêng tai áp sát chân vịt bằng đồng rồi gõ nhẹ để nghe âm thanh vang ra. Đặt chiếc chân vịt dưới nền gạch, xoay đều một vòng, ông dùng chiếc giũa thay cây thước đo kích cỡ các cánh quạt, tiếp tục dùng búa gõ nhẹ để uốn nén các cánh quạt, rồi dùng cây giũa mài nhẵn các phần lồi lõm chưa ưng ý. Chiếc chân vịt nặng hơn 1 tạ xoay tròn trên nền gạch gọn gàng dưới đôi tay của ông đến khi dừng hẳn. Một chuyến tàu có thể an toàn xuất bến sáng hôm sau.

Ngừng tay búa, ông Minh nói: “Nhìn vậy đấy chứ tay ngang gõ một búa là cánh quạt bằng đồng này vứt ngay, xem như tiền triệu của chủ tàu phải bán đồng vụn”. Việc dùng tay búa nặng nhẹ để chỉnh các cánh quạt của chân vịt tàu có thể nhiều năm đúc kết luyện thành, nhưng dùng đôi tai để nghe âm thanh vuông tròn của các cánh quạt mới chính là điều khác biệt nơi ông.

Cũng như người đồng bào vùng cao dùng tai chỉnh những chiếc chiêng đồng cho âm thanh tròn vuông trong mùa lễ hội, ông Minh dùng đôi tai trời cho chỉnh những chân vịt con tàu cho tay lái êm hơn, không bị nhồi, xóc, phá máy và đạt tốc độ đúng công suất. Theo ông, khi các cánh quạt của chân vịt tàu đã đều, âm thanh phát ra từ các cánh quạt sẽ ngân dài và vuông vức như nhau. Các chân vịt có đều thì lượng nước bị rẽ ra, xoay tròn để con tàu lướt đi trên biển mới êm ái.

“Tùy theo máy của con tàu, vòng xoay của các thiết bị mà đập cho bánh lái mỏng dày, to, nhỏ... Cùng một máy, cùng công suất, cùng kích cỡ tàu thuyền, nhưng tàu cũ mới khác nhau có chân vịt dày, mỏng, to, vuông, dẹp khác nhau. Có như thế con tàu mới đạt vận tốc tối đa. Đó mới là bí quyết” - ông Minh cười giải thích.

Chỉnh cho cả đội tàu

“Trai tráng cùng thời của tôi trong làng đều theo nghề mộc, nhưng vì cha tôi là dân biển, tôi theo cha vẫy vùng trên biển từ ngày còn bé nên yêu những con tàu” - ông Minh kể. Cứ nghĩ biển khơi, sóng gió và những chuyến ra khơi sẽ bám lấy cuộc đời ông, nhưng rồi mọi thứ rẽ sang bước ngoặt khi con tàu của gia đình ông bị hỏng chân vịt. “Tôi mang cái chân vịt vào tận Quảng Ngãi để sửa chữa. Ông Nghĩa, tôi không nhớ họ, là người chỉnh chân vịt. Nhìn những mẻ đồng ông đúc, tay búa mân mê cái chân vịt, âm thanh vang dội như một nghệ sĩ chơi chiêng, cuộc đời tôi rẽ ngoặt từ đó”.

Thay vì chỉ chỉnh sửa chân vịt tàu trong vòng một buổi, ông Minh quyết định ở lại ba ngày trời để xem người thợ này sửa chân vịt tàu. Hằng tháng, có thời gian rảnh là ông vào Quảng Ngãi để “học lóm” nghề. Hai năm sau, ông thôi ra biển, bắt đầu tự chỉnh sửa chân vịt cho các con tàu nhỏ của làng Kim Bồng và một ít tàu của Hội An đậu ở biển Cửa Đại lúc bấy giờ. “Đa số là chỉnh sửa giúp bà con, thời ấy tiền bạc khốn khó lắm” - ông nhớ lại.

Gần 40 năm trong nghề, ông lặn lội khắp miền Trung từ Phú Yên đến Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình để chỉnh sửa chân vịt cho hàng vạn con tàu ngư dân lớn nhỏ. Qua tay ông Minh không biết bao nhiêu loại tàu, tàu du lịch có, tàu hải quân có, nhưng nhiều nhất vẫn là các con tàu đánh bắt hải sản của ngư dân. “Nếu chân vịt không đều, tiếng máy không êm, đố ngư dân nào có thể ngủ được trên tàu cá của mình. Ngư dân quý tôi là quý chỗ đó” - ông Minh khẳng định.

Đến giờ, dù đã giã từ nghề biển nhưng ông Huỳnh Văn Tám (64 tuổi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vẫn coi ông Minh như anh em ruột trong nhà. Bảy năm trước, ông Tám có đội tàu biển lớn nhất Đà Nẵng với tám chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Đội tàu của ông Tám qua tay ông Minh chiếc nào cũng “thiện chiến” để quần thảo từ vùng biển Hoàng Sa đến Trường Sa với nghề câu mực khơi nổi tiếng. “Cậu ấy có đôi tay vàng, tai bạc, leo lên chiếc tàu chạy 100m là biết ngay con tàu bệnh gì. Cậu ấy chỉnh chân vịt là con tàu ung dung ra biển lớn. Hết sức an tâm” - ông Tám nói về ông Minh.

Từ tháng 2 đến tháng 8 là căn nhà ông Minh biến thành công xưởng, ngư dân tứ xứ từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế đổ dồn về sửa chân vịt để ra khơi. “Người đông đến nỗi thuế vụ đến hạch sách vì nghĩ nhà tôi buôn lậu gì đó mà ngư dân ra vào liên tục. Khi biết chuyện thì họ bỏ về mà không ai hỏi lấy một câu” - bà Hồng cười ha hả.

Sở hữu ngón nghề “độc” nhưng căn nhà cấp 4 của ông Minh không hơn những căn nhà khác trong xóm. Ông giải thích: “Tôi chỉ lấy tiền công lao động như bao thợ máy, thợ hàn, thợ hồ hay thợ mộc khác ở làng này. Không ai hiểu ngư dân bằng tôi. Cứ thấy họ bình yên trở về, vui vẻ đến hàn huyên sau những đêm dài vượt biển, cùng nhau nói chuyện sóng gió, ngư trường là tôi vui lắm rồi. Giàu thì tôi đã giàu từ lâu!”.

Nói về ông Minh, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hùng, người nhiều năm quản lý hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong hội từ Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên..., không tiếc lời: “Như một bác sĩ bắt mạch cho tàu thuyền ngư dân, nhiều năm nay ông Minh vẫn lặng lẽ giúp hàng trăm con tàu an tâm rời bến. Với ông, lợi nhuận không là trên hết, một chiếc chân vịt ông lấy tiền công 30.000-50.000 đồng. Thế nên tàu có bệnh là ngư dân tìm đến ông Minh”.

Kinh nghiệm dân gian là điều đáng quý

Kỹ sư Nguyễn Hữu Quyền - chuyên ngành cơ khí động lực, phó phòng kinh doanh Công ty đóng tàu biển Sông Thu tại Đà Nẵng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành thiết kế, đóng tàu - cho biết: “Thường chân vịt tàu phải phù hợp với cấu tạo của tàu và khe hở của bánh lái phải nằm trong tiêu chuẩn cho phép thì con tàu mới không bị xóc, rung khi chuyển động. Việc chỉnh bánh lái tàu phải có đồ nghề để ngắm các biến dạng cho đều nhau, đo biến dạng cánh để các thiết bị ổn định. Sau đó mới xử lý các sứt mẻ cho chân vịt tàu khỏi bị lệch tâm thì tàu mới ổn định. Riêng ông Huỳnh Văn Minh là trường hợp có kinh nghiệm hết sức đặc biệt. Xử lý bằng tay không quá phức tạp, nhưng để các cánh quạt cân bằng, không lệch tâm, tàu ổn định thì không phải ai cũng làm được. Kinh nghiệm dân gian như ông Minh sửa chữa các con tàu biển cho ngư dân là điều rất đáng quý”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận