Ba hội nghị thượng đỉnh và một thế giới đa cực

TƯỜNG ANH 22/10/2022 09:12 GMT+7

TTCT - Tuần qua, một loạt sự kiện quốc tế quan trọng đã diễn ra từ 12 đến 14-10 ở Astana, Kazakhstan: Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ VI, cuộc họp Hội đồng nguyên thủ các quốc gia CIS, và Hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Nga.

Ba hội nghị thượng đỉnh và một thế giới đa cực - Ảnh 1.

Ông Putin phát biểu ở CICA VI. Ảnh: ria.ru

Hội nghị thượng đỉnh CICA VI đã trở thành sự kiện đối ngoại lớn nhất không chỉ ở Kazakhstan mà trên toàn châu lục trong thời kỳ hậu đại dịch, như nhận định của đại diện Bộ Ngoại giao chủ nhà Aibek Smadiyarov trên Kazinform. 

Một trong những quyết định quan trọng của CICA VI là tuyên bố chuyển đổi diễn đàn thành một tổ chức quốc tế, tức có thể có ngân sách riêng và đưa ra các quyết định có tính ràng buộc.

"Đầu tàu" Kazakhstan

Ý tưởng sơ khai về CICA được tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, đưa ra tại phiên họp thứ 47 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 5-10-1992. Mục tiêu là tạo ra một cấu trúc hiệu quả và chấp nhận được cho tất cả để đảm bảo hòa bình và an ninh ở châu Á. Các quốc gia châu Á đều có thể trở thành thành viên CICA. 

15 nước đáp ứng yêu cầu này đã ký tuyên bố về các nguyên tắc của tổ chức vào năm 1999 và trở thành thành viên sáng lập. Đến nay, diễn đàn có 28 quốc gia thành viên (Kuwait vừa gia nhập ở CICA VI), chiếm 90% lục địa châu Á.

Như nhận định của Alexey Maslov, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi, Đại học Tổng hợp Matxcơva, trong một thời gian dài, đa số các nước châu Á bị loại khỏi việc giải quyết các vấn đề then chốt trên thế giới. 

Ông chỉ ra nghịch lý: Châu Á hiện tạo ra gần 60% GDP thế giới, nhưng trong các giao dịch ngoại hối hay lĩnh vực tài chính ngân hàng, các quốc gia khác mới có vai trò ảnh hưởng áp đảo. Ý định của CICA VI là phân bổ lại các trung tâm ra quyết định hiện nay.

Phát biểu tại Astana, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nói việc biến CICA thành một diễn đàn lâu dài sẽ dẫn đến "phục hồi kinh tế, phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác tài chính khu vực và tiểu vùng". 

Tổng thống Nga Vladimir Putin thì khẳng định thế giới đang trở nên đa cực và các trung tâm quyền lực mới đang mạnh lên ở châu Á. Ông nhấn mạnh các nước châu Á đang trở thành "đầu tàu của nền kinh tế thế giới".

Ba hội nghị thượng đỉnh và một thế giới đa cực - Ảnh 2.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Kazakhstan Tokayev "ngoại giao bóng bàn" ở Astana. Ảnh: yenicaggazetesi.com.tr

Hục hặc CIS

Tại cuộc họp của Hội đồng nguyên thủ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tiếp đó vào ngày 14-10 cũng ở Astana, một gói 18 văn kiện đã được thông qua, bao gồm thỏa thuận về hợp tác chống tham nhũng và thỏa thuận về thành lập Hội đồng cố vấn gồm những người đứng đầu các cơ quan bầu cử của CIS.

Những vấn đề nhức nhối trong không gian hậu Xô Viết đã được đề cập, như chiến sự Ukraine hay quan hệ căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan. 

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng nhiều tranh chấp về sắc tộc và lãnh thổ vẫn tồn tại trong không gian hậu Xô Viết, những vấn đề mà Liên Xô không thể hoặc không có thời gian giải quyết. 

Kết quả là xuất hiện những "nỗ lực đáng kinh ngạc từ bên ngoài để biến mọi tranh chấp, thậm chí là không đáng kể nhất, thành một cuộc đối đầu nảy lửa".

Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13-10, khi trả lời phỏng vấn kênh France 2, cáo buộc Nga "cố tình làm leo thang tình hình ở biên giới Armenia - Azerbaijan, với mục đích gây bất ổn ở khu vực Kavkaz" được lấy ra làm ví dụ minh họa cho nhận định này. 

Ông Putin bày tỏ ngạc nhiên với phát biểu đó và cho rằng ông Macron "thiếu hiểu biết tình hình khu vực… nên đã có những phát biểu bóp méo sự thật và không thể chấp nhận được".

Từ 2014, để phản đối Nga sáp nhập Crimea, Ukraine đã không tham gia hoạt động của CIS. Năm nay họ cũng vắng mặt. 

Chưa hết, Moldova, một nước cũng đang có khúc mắc lãnh thổ với Nga, từ chối làm đồng chủ tịch luân phiên CIS năm tới, cho thấy những tồn tại nội bộ của khối này, chưa kể những vấn đề song phương dai dẳng của các thành viên như Armenia và Azerbaijan, rồi Tajikistan và Kyrgyzstan. 

Tại Astana, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon từ chối bắt tay người đồng cấp Kyrgyzstan Sadyr Zhaparov trong cuộc gặp ba bên (Nga làm trung gian).

Ông Putin sau đó thừa nhận: Giữa nguyên thủ các nước CIS đôi khi có xung đột, mà nỗ lực hòa giải của Nga chưa mang lại kết quả mong muốn. Theo tường thuật của Kommersant, cuộc họp bộ ba chỉ kéo dài 7 phút. Để hàn gắn cộng đồng CIS, ông Putin cũng đã mời Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tới Nga.

Ba hội nghị thượng đỉnh và một thế giới đa cực - Ảnh 3.

Cuộc họp ba bên Tajikistan - Nga - Kyrgyzstan ở Astana. Ảnh: aa.com.tr

Nga sốt sắng, trung Á chưa mặn mà

Mối quan hệ và hợp tác giữa các nước trong khu vực và Nga là trọng tâm của một hội nghị thượng đỉnh khác - cuộc gặp quốc tế đầu tiên theo định dạng "Trung Á - Nga", cũng diễn ra tại Astana vào ngày 14-10. 

Diễn đàn này được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và năm nước Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan), theo sáng kiến của Matxcơva.

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của diễn đàn, ông Putin nói hình thức hợp tác mới "sẽ mang lại giá trị gia tăng". Tổng thống Nga nói nhiều về hợp tác trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, đặc biệt ông đề xuất tạo ra chuỗi sản xuất và cung ứng mới và xây dựng các chương trình hậu cần thay thế.

Có thể thấy đây là nỗ lực của Matxcơva nhằm hạn chế ảnh hưởng của cấm vận phương Tây. Ông Putin đặc biệt nhấn mạnh các nước Trung Á có thể tham gia các sáng kiến của Nga về thay thế nhập khẩu. 

Ông nhắc 5 năm qua, thương mại Nga - Trung Á đã tăng gấp đôi lên 37,1 tỉ USD và Nga là nhà đầu tư chính vào nền kinh tế khu vực. Ông kêu gọi "cấu hình lại các cơ chế giải quyết tài chính, loại trừ sự tham gia không cần thiết của các công ty và nhà khai thác phương Tây", và đề nghị Nga sẽ "hỗ trợ thiết thực" để khôi phục hệ thống năng lượng thống nhất của Trung Á.

Phản ứng từ các nước Trung Á lại có vẻ không mặn mà. Theo phân tích trên cổng thông tin Business Online, rõ ràng là các lệnh trừng phạt Nga sẽ không được dỡ bỏ nay mai, mà "những người thực dụng đang sống ở châu Á, nên đèn nhà ai nấy rạng". Trong quan hệ với Nga, vấn đề an ninh được Trung Á quan tâm nhiều hơn.

Chẳng hạn, tổng thống nước chủ nhà lưu ý rằng những thách thức chính hiện nay là lĩnh vực an ninh và do tình hình thế giới đang thay đổi, các cơ chế tương tác trong lĩnh vực này cần được cải thiện. 

Ông đề xuất chỉ thị cho bộ máy của hội đồng an ninh sáu nước đề ra biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mất ổn định trong khu vực. Hai tổng thống Kyrgyzia và Tajikistan cùng nêu quan ngại về tình hình Afghanistan. 

Ông Rahmon cũng cho biết Tajikistan luôn tôn trọng lợi ích của đối tác chiến lược chính là Nga, nhưng vẫn yêu cầu Nga "không có chính sách với các nước Trung Á như Liên Xô cũ", theo báo Informburo.kz.

Muốn hay không, ba hội nghị thượng đỉnh tại Astana đã làm nổi bật vai trò Kazakhstan ở Trung Á. Andrey Kazantsev, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia quan hệ quốc tế Matxcơva, nói vài thập niên qua Astana đã tự định vị là nền tảng và trung gian quốc tế trong khuôn khổ chính sách đa vectơ và bình đẳng. 

Ông ví lập trường của Kazakhstan tương tự Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ khác biệt là Astana hiện không tham gia bất kỳ cuộc xung đột nào, còn Ankara đang can thiệp ở Syria và Libya. ■

Tại CICA VI, Tổng thống Tokayev cho rằng trong thế kỷ 21, các nước châu Á sẽ giành lại quyền lãnh đạo từ phương Tây.

kz1-1767-2

Ông Tokayev tiếp ông Tamim bin Hamad Al Thani. Ảnh: akorda.kz

Ông trích dẫn một phân tích kinh tế rằng trong khoảng 30.000 tỉ USD tăng trưởng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu vào năm 2030, chỉ 1.000 tỉ USD là ở các nền kinh tế phương Tây. Châu Á cũng là khu vực có 21 trong 30 thành phố lớn nhất trên thế giới.

Nhà lãnh đạo Kazakhstan nhấn mạnh: “Có thể nói tại Astana hiện giờ, thêm một viên gạch được đầu tư cho tòa nhà mới - sẽ được xây dựng sau khi thế giới đơn cực sụp đổ”.

Một chi tiết thú vị về CICA VI được tường thuật trên Hãng tin tengrinews.kz: Tổng thống Tokayev đã thay đổi ngôn ngữ một cách thực dụng trong các phát biểu của ông, tùy vào khán giả.

"Ông nói bằng tiếng Nga khi đề cập đến an ninh lương thực trong khu vực, điều tất nhiên phụ thuộc nhiều vào phía Nga, và bằng tiếng Anh khi nói rằng thế kỷ 21 sẽ là thời của châu Á, được coi như một tín hiệu gởi tới thế giới phương Tây".

Cũng ở CICA VI đã diễn ra màn "ngoại giao bóng bàn" giữa hai nguyên thủ Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, thì "tận dụng thời tiết ấm áp để đi dép lê trong cuộc gặp với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, dù tại Hội nghị thượng đỉnh CICA ngày 13-10, ông đã chuyển sang mang giày!".

Có 11 nguyên thủ tham gia CICA VI (Kazakhstan, Azerbaijan, Iraq, Iran, Qatar, Kyrgyzstan, Palestine, Nga, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan). Việt Nam và Trung Quốc cử các phó chủ tịch nước tham gia. Chín nước khác tham gia với tư cách quan sát viên gồm Nhật Bản, Belarus và Hoa Kỳ. Năm tổ chức quốc tế, gồm LHQ, cũng đóng vai trò quan sát viên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận