Bác sĩ nhận quà từ các hãng dược: Big Pharma "trao đi", thầy thuốc "trao lại"

D.KIM THOA 14/06/2024 07:41 GMT+7

TTCT - Khi hãng dược đã trao đi hàng chục, hàng trăm triệu USD, thì thầy thuốc sẽ trao lại cái gì?

Ảnh: nlcshub.com

Ảnh: nlcshub.com

Câu chuyện các "big pharma" (hãng dược lớn) tặng quà các bác sĩ dường như đã thành một "thông lệ" ở bất cứ đâu, nhưng hệ lụy của nó thì thật khó lường. Trước nhất, nó làm xói mòn niềm tin vào y đức khi những quyết định điều trị sẽ bị chi phối bởi các yếu tố nằm ngoài mục tiêu vì người bệnh. Khi hãng dược đã trao đi hàng chục, hàng trăm triệu USD, thì thầy thuốc sẽ trao lại cái gì?

Những món quà không nhỏ

Theo nghiên cứu công bố trên tập san The Medical Journal of Australia ngày 6-5, trong ba năm (từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2022) các hãng dược đã chi hơn 33 triệu AUD (22 triệu USD) cho các bác sĩ để họ tham gia nhiều hoạt động khác nhau như dự họp/hội thảo ở nước ngoài, nói chuyện với các bác sĩ khác, tham gia các ban cố vấn…

Dữ liệu này có được nhờ Medicines Australia, hiệp hội thương mại của ngành dược phẩm có thương hiệu tại Úc, đã yêu cầu các đơn vị thành viên phải công khai những khoản đã chi cho các bác sĩ, gồm danh tính và số tiền cụ thể, kể từ năm 2019.

Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng con số hơn 33 triệu AUD vẫn ít hơn nhiều so với thực tế, bởi các hãng dược đã không kê những khoản chi cho các món quà phổ biến nhất như đồ ăn thức uống. Thêm nữa, khoảng thời gian nghiên cứu cũng là giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát nên chắc chắn số lượt đi lại ra nước ngoài của các bác sĩ cũng sẽ giảm đi nhiều so với thông thường.

Tại Mỹ, một báo cáo công bố ngày 28-3 trên tạp chí JAMA cho thấy trong hơn 10 năm qua, có tới 57% các bác sĩ đã nhận tiền từ các công ty dược và thiết bị y tế, một số trường hợp nhận tới nhiều triệu USD.

Nhóm nghiên cứu đã khai thác dữ liệu từ cổng thông tin Open Payments, một chương trình do Chính phủ Mỹ điều hành, nhằm làm rõ hơn mối quan hệ giữa bác sĩ và các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với các công ty sản xuất thuốc và thiết bị y tế. 

Họ nhận thấy từ năm 2013 đến 2022, các hãng dược và thiết bị y tế đã chi tổng cộng khoảng 12 tỉ USD cho hơn 800.000 bác sĩ. Các khoản chi trong ngành rất phổ biến nhưng cũng có sự khác biệt đáng kể. 

Khoản chi trung bình cho bác sĩ là 48 USD nhưng một số bác sĩ được trả hàng triệu USD. Chẳng hạn, số tiền trung bình được trả cho 0,1% số bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình hàng đầu là hơn 4,8 triệu USD.

Bác sĩ nhận quà từ các hãng dược: Big Pharma "trao đi", thầy thuốc "trao lại"- Ảnh 2.

Vấn đề này cũng không có nhiều khác biệt ở Anh theo một điều tra của báo Observer công bố vào tháng 6-2023. Cuộc điều tra xem xét hơn 300.000 giao dịch của các hãng dược kể từ năm 2015 cho thấy mức chi tiêu ngày càng tăng của họ cho những hoạt động không phải là nghiên cứu và phát triển.

Các khoản chi cho chuyên gia và tổ chức y tế của Anh, bao gồm quyên góp, tài trợ, phí tư vấn và chi phí, đã đạt mức kỷ lục 200 triệu bảng Anh vào năm 2022, không bao gồm hoạt động R&D. Trong đó, những công ty muốn quảng bá các loại thuốc siêu lợi nhuận điều trị béo phì, tiểu đường và bệnh tim thuộc nhóm chi mạnh tay nhất. 

Tổng các khoản chi này gần như gấp đôi con số 108 triệu bảng mà ngành dược phải chi trong năm 2015, trong khi các khoản chi cho các tổ chức y tế trong cùng kỳ tăng gần gấp ba lên 156,5 triệu bảng.

Tại Thụy Sĩ cũng vậy. Theo bản tự khai của 65 công ty dược phẩm, trong năm 2022, ngành dược nước này đã chi khoảng 218 triệu CHF (243 triệu USD) cho các bác sĩ, bệnh viện và các nhà cung cấp dịch vụ y tế khác. Novartis đứng đầu danh sách với 31 triệu CHF, liền đó là hãng Roche với 21,9 triệu CHF và đứng thứ 3 là hãng Pfizer của Mỹ với 20 tiệu CHF.

Thực tế ngay từ năm 2015, theo Bộ luật Hợp tác Dược phẩm ở Thụy Sĩ, ngành dược buộc phải báo cáo các khoản họ đã chi cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Trong 8 năm áp dụng luật này, các hãng dược đã chi tổng cộng 1,4 tỷ CHF cho ngành y tế và bệnh viện.

Từ quà tặng đến đơn thuốc

Các bác sĩ thường tin rằng việc chi tiền quảng cáo của các hãng dược sẽ không gây ảnh hưởng đến họ. Nhưng nhiều nghiên cứu về vấn đề này lại cho thấy một câu chuyện khác. Các khoản thanh toán trong ngành không những gây ảnh hưởng đến quyết định kê đơn của bác sĩ nhận quà, mà còn cả với các đồng nghiệp của họ.

Trong nghiên cứu tại Úc nói tới ở trên, 2/3 số bác sĩ chuyên khoa thấp khớp nhận tiền từ các hãng dược và đây cũng là nhóm kê toa các loại thuốc sinh học mới đắt tiền gây ức chế hệ miễn dịch thường xuyên hơn.

Tương tự, một nghiên cứu công bố trên JAMA năm 2016 nhận thấy ở Mỹ, các bác sĩ càng nhận được nhiều bữa ăn (có giá trung bình chưa tới 20 USD) thì số thuốc quảng cáo được họ kê đơn càng nhiều hơn. Và những khoản chi của các công ty thiết bị y tế cho bác sĩ đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến việc bác sĩ tim mạch chọn thiết bị nào để cấy ghép cho bệnh nhân suy tim.

Bác sĩ nhận quà từ các hãng dược: Big Pharma "trao đi", thầy thuốc "trao lại"- Ảnh 3.

Không chỉ gây tác động tới việc kê đơn, các khoản chi trong ngành còn có nhiều ảnh hưởng khác nữa. Chẳng hạn, đối với những bác sĩ giữ chức vụ trong các hội đồng và các cơ quan ra quyết định, xung đột lợi ích có thể gây ảnh hưởng đến những hướng dẫn và chính sách y tế. 

Ví dụ, hầu hết các bác sĩ trong một ban cố vấn của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ được lập ra để đánh giá thiết bị tim mạch do Abbott sản xuất đều đã nhận được những khoản tiền từ Abbott, hoặc đã tiến hành các nghiên cứu do công ty này tài trợ, như thông tin trên trang KFF Health News. 

Một nghiên cứu năm 2019 trên PloS One cũng nhận thấy 42% số biên tập viên tạp chí y khoa nhận được các khoản chi hằng năm với mức trung bình hơn 55.000 USD.

Một nghiên cứu cứu khác công bố năm 2018 cũng trên JAMA nhận thấy các bác sĩ càng nhận được nhiều số bữa ăn từ các nhà sản xuất opioid (nhóm thuốc giảm đau loại mạnh), thì họ càng kê đơn nhiều thuốc thuộc nhóm này hơn. 

Tình trạng kê đơn quá mức này là tác nhân đáng kể trong việc gây ra cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid tại Bắc Mỹ nhiều năm qua.

Về tổng thể, một số lượng lớn nghiên cứu đã cho thấy các khoản tài trợ trong ngành đến từ các hãng dược lớn đã gây ảnh hưởng đáng kể tới việc kê đơn, bao gồm cả những loại thuốc vốn không phải lựa chọn hàng đầu vì mức độ kém về hiệu quả, độ an toàn cũng như hiệu quả chi phí.

Làm gì để thay đổi?

Một nghiên cứu năm 2013 của Mỹ trên tạp chí BMJ chỉ ra các bác sĩ từng học tại những trường y có quy định cấm sinh viên nhận tiền và quà tặng từ các hãng dược ít có xu hướng kê đơn các loại thuốc mới hơn và đắt tiền hơn nếu chúng không tốt hơn các loại thuốc hiện có.

Vì vậy, có lẽ bước đầu tiên để ngăn tác động quá mức của ngành dược đến quyết định kê đơn là cần bảo vệ các sinh viên y khoa khỏi ảnh hưởng này bằng các chính sách ngăn chặn xung đột lợi ích mạnh mẽ hơn như ngăn không cho các sinh viên y khoa gặp đại diện bán hàng dược phẩm, nhận quà hay tham dự các sự kiện do ngành tài trợ trong quá trình đào tạo lâm sàng của họ. 

Tương tự, các trường cũng cần có chính sách hạn chế việc các giảng viên tổ chức tư vấn với các hãng dược có sản phẩm được nhắc tới trong quá trình giảng dạy.

Tiếp đó là có những chỉ dẫn tốt hơn với từng bác sĩ thuộc các tổ chức chuyên nghiệp và cơ quan quản lý về những loại tài trợ nào được chấp nhận và loại nào không được chấp nhận. 

Thứ nữa, nếu thực sự nghiêm túc về tính minh bạch, cơ quan quản lý cần yêu cầu các hãng dược liệt kê tất cả những khoản chi (bao gồm cả chi cho thực phẩm và đồ uống) và liên kết tên của các chuyên gia y tế đã nhận các khoản chi này với giấy phép đăng ký hành nghề của họ.

Người bệnh đặt niềm tin vào bác sĩ, tin tưởng họ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất hiện có để trị bệnh cho mình dựa trên bằng chứng khoa học về độ an toàn và tính hiệu quả, chứ không phải vì bị chi phối bởi hoạt động tiếp thị.

Bác sĩ nhận quà từ các hãng dược: Big Pharma "trao đi", thầy thuốc "trao lại"- Ảnh 4.

Trong nỗ lực tìm kiếm sự minh bạch, Innovative Medicines Canada (IMC) - tổ chức đại diện cho các công ty dược phẩm dựa trên nghiên cứu hoạt động tại Canada - đã phát triển Khung tự nguyện về việc tiết lộ các khoản chi cho các chuyên gia và tổ chức y tế". Kể từ năm 2016, 10 doanh nghiệp thuộc IMC (chưa tới ¼ tổng số) đã tự nguyện báo cáo về những khoản chi của họ dành cho các bác sĩ và các tổ chức y tế.

Tính minh bạch mà các cơ chế như Open Payments hay IMC nỗ lực hướng tới là vô cùng quý giá, nhưng đây cũng mới chỉ là bước đầu tiên để giải quyết xung đột lợi ích tài chính và thực tế cho thấy nỗ lực này không đơn giản. 

Chẳng hạn khi Khung tự nguyện của IMC mới hoạt động, chủ tịch IMC nói sẽ có thêm các công ty khác tham gia báo cáo trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên kể từ sau đó, số doanh nghiệp tham gia báo cáo không những đã không tăng mà còn giảm đi 2.

Để giải quyết vấn đề này, cần có những quy định chặt chẽ hơn về mối quan hệ trong ngành đối với các bác sĩ ở vị trí lãnh đạo trong hội đồng hoặc nhóm cố vấn, đặc biệt là các nhóm đánh giá một sản phẩm cụ thể. 

Nói rộng hơn, chính phủ có thể xem xét các giới hạn về số tiền cho các khoản chi nói chung, hoặc lệnh cấm đối với các khoản thù lao "khủng" cho các diễn giả, điều mà một số quan chức Chính phủ Mỹ đã cảnh báo là điều kiện chín muồi cho gian lận.

Một số bác sĩ giờ có thể thành KOL (người có sức ảnh hưởng lớn), được trả tiền để đi nói chuyện với các bác sĩ khác về một loại thuốc nào đó. Một cựu nhân viên ngành dược, từng săn lùng bác sĩ để mời làm KOL tiết lộ: "Các KOL là những người bán hàng cho chúng tôi và chúng tôi thường xuyên đo lường lợi tức cho khoản đầu tư của mình bằng cách theo dõi những đơn thuốc ở thời điểm trước và sau các phần trình bày của họ […]. Nếu các nhà "thuyết khách" này không thể tạo ra ảnh hưởng mà công ty kỳ vọng, họ sẽ không được mời lại nữa".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận