Bảo hiểm y tế ở Đài Loan

N.T.ĐA chuyển ngữ 19/02/2009 17:02 GMT+7

TTCT - Tôi đến Bệnh viện Chang Bing Show Chwan Memorial, trong công viên khoa học sinh vật của quận Changhua tại Lukang, thành phố lớn bằng nửa Bến Tre của VN.

Phóng to
TTCT - Tôi đến Bệnh viện Chang Bing Show Chwan Memorial, trong công viên khoa học sinh vật của quận Changhua tại Lukang, thành phố lớn bằng nửa Bến Tre của VN.

Ngay cửa vào, hai cô tiếp viên tươi cười: “Chào ông đến bệnh viện! Tôi có thể giúp gì cho ông?”. Chuyến thăm của tôi không được báo trước, nhằm xem việc đón tiếp sẽ thế nào. “Vâng, tôi cần sự giúp đỡ. Tôi cảm thấy không khỏe. Tôi bị chóng mặt và nhức đầu. Cho tôi gặp bác sĩ, nhưng... tôi không có thẻ bảo hiểm và cũng không có sẵn tiền mặt...”. Một cô đem đến ly trà và trấn an: “Ông đừng lo. Bác sĩ sẽ khám cho ông. Mọi việc sẽ xét sau mà”. Phòng chờ đầy ánh sáng dịu mắt, có nhiều bức tranh nghệ thuật treo trên tường. Nhiều cửa hàng quần áo, sách vở, đĩa DVD, điện thoại di động, tiệm ăn, đại lý công ty du lịch chiếm một phần lớn ở tầng trệt.

Bác sĩ Lee Pei Yuan tiếp tôi sau đó 15 phút. Nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự, ông vừa khám vừa hỏi tôi về tiền sử bệnh lý và gia đình. Rồi tôi nhanh chóng được xét nghiệm máu và chụp CT ở đầu. Bác sĩ giải thích: “Có thể có cục máu bắt đầu hình thành trong đầu làm ông chóng mặt và nhức đầu. Máy chụp sẽ cho biết chính xác hơn”. “Nhưng tôi không có tiền...”. “An sinh xã hội có một quỹ đặc biệt cho những trường hợp khẩn cấp. Trường hợp của ông hoặc của công dân Đài Loan không có gì khác nhau cả. Ở đây chúng tôi tập trung điều trị trước, những việc còn lại không có gì quan trọng cả!”.

Bệnh nhân là khách hàng

Với mỗi dịch vụ, tôi được một nữ y tá chăm sóc và thông báo cho tôi biết điều sẽ xảy đến: tác dụng của thuốc, lượng máu lấy ra... Họ cho tôi ngồi trên ghế và đẩy đi, từ phòng thí nghiệm phân tích đến máy chụp cắt lớp. Một nữ hộ lý bưng cho tôi khay thức ăn vào 11g trưa, sau khi hỏi thăm về các dị ứng thức ăn trước đây của tôi. Vài giờ sau, tôi vào nằm nghỉ trong một căn phòng hai giường với một tấm màn dày ngăn ở giữa. Nhân viên chăm sóc đến đều đặn và luôn báo hiệu trước khi bước vào.

Phòng tôi nghỉ có giá “an sinh xã hội”, là loại phòng không phải trả thêm tiền dù người bệnh thuộc bất cứ thành phần xã hội nào. Nếu muốn ở phòng riêng phải trả thêm từ 25-250 USD, với diện tích và trang thiết bị đặc biệt hơn: 30-60m2, tivi plasma và máy xem DVD, bàn ghế, phòng tắm jacuzzi. Một số phòng đúng là dạng căn hộ cao cấp (suite) của khách sạn năm sao.

Không có sự khác biệt giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư, trừ nguồn gốc vốn đầu tư và một số ít dịch vụ. Bệnh viện tư cung cấp các phòng thượng hạng kiểu khách sạn cao cấp, nhân viên phục vụ đông và các dịch vụ phụ, chẳng hạn các quầy hàng ngay trong khu vực. Bệnh viện công thì khiêm tốn hơn về tiện nghi nhưng vẫn có chất lượng phục vụ tốt và thiết bị hiện đại. Chất lượng của y bác sĩ bệnh viện công ở cấp cao hơn do nằm trong kế hoạch nghiên cứu của các đại học.

Trong tình hình đó, làm thế nào mà các bệnh viện tư nhân sau khi đầu tư hàng trăm triệu USD lại vẫn có lãi?

90% bệnh viện tư có ký hợp đồng với nhà nước. Trong giấy phép hoạt động, các bệnh viện này cam kết chăm sóc bất cứ bệnh nhân nào được chuyển đến cho họ, với giá cả do Bộ Y tế ấn định.

Nơi tôi được điều trị là một bệnh viện hoàn toàn tư nhân, người đầu tư là bác sĩ giáo sư Huang Min Ho, 68 tuổi, một trong ba người giàu nhất ở Đài Loan. Ông sở hữu bảy bệnh viện ở Đài Loan, cùng các viện đào tạo bác sĩ phẫu thuật và nhiều cơ sở chăm sóc y tế ở Thượng Hải. Vài ngày sau, tôi hẹn gặp để phỏng vấn vị bác sĩ phẫu thuật này.

Tôi dè dặt:

- Xin cho biết bệnh viện tư nhân làm ra lợi nhuận bằng cách nào?

- Vì mọi sự chăm sóc đều do quỹ an sinh xã hội chi trả nên chúng tôi lấy chất lượng phục vụ phòng làm nguồn thu nhập. Vâng, chúng tôi bán phòng trọ như ở khách sạn vậy, cộng thêm việc bán hàng và các dịch vụ khác. Ở lãnh thổ này, mỗi bệnh nhân là một khách hàng. Trừ điều đó, người bệnh ở một phòng tiêu chuẩn hay một dãy phòng sang trọng có giá tới 300 USD đều được chăm sóc như nhau, với cùng một bác sĩ. Không hề có sự khác biệt về điểm này. Bộ Y tế thường phái thanh tra đến kiểm tra đột xuất...

Y tế cho mọi người

Phóng to
Từ năm 1995, toàn dân Đài Loan được hưởng chương trình bảo hiểm y tế. Trẻ nhỏ hưởng chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí đến 3 tuổi. Việc tham gia bảo hiểm y tế này là bắt buộc cho mọi người lao động. Khoảng 99% trong 23 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế, họ được chăm sóc sức khỏe trong bất cứ bệnh viện công hoặc bệnh viện tư nào tùy ý. Còn với 1% số dân còn lại, vì lý do này hay lý do khác không tham gia bảo hiểm, nhưng họ vẫn được hưởng quyền chăm sóc y tế đầy đủ.

Bảo hiểm y tế toàn lãnh thổ (NHI) được khởi đầu từ năm 1995, là chương trình hợp nhất 13 chế độ bảo hiểm y tế đã có sẵn và nhắm đến nhiều đối tượng khác nhau như công nhân viên chức, nông ngư dân, vốn chiếm tới 60% dân số. Hệ thống bảo hiểm y tế mới cho phép sát nhập tất cả mọi người không hưởng bất cứ chế độ chăm sóc nào, nhất là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên và người thất nghiệp. Mặc dù bị một số người chỉ trích và có lúc thiếu vốn nhưng sau 12 năm, chương trình đã thành công vượt bậc.

Ở nhiều nơi trên thế giới, không hiếm trường hợp người tham gia bảo hiểm không được chọn bác sĩ hoặc nơi điều trị. Nhưng ở Đài Loan thì khác, người có thẻ bảo hiểm y tế chỉ cần một số tiền nhỏ (vài USD) là được khám bệnh và cung cấp thuốc men. Đối với việc điều trị bệnh nặng lâu ngày, bệnh nhân cũng chỉ phải trả khoảng 10% tổng chi phí điều trị.

Lương của người được bảo hiểm là cơ sở để tính tiền cho thẻ bảo hiểm y tế. Trong khoảng 4,55% tiền lương để nộp bảo hiểm, công ty hoặc cơ quan sẽ trả một phần. Người thất nghiệp chỉ trả khoảng 60% so với mức bình thường, hiện nay là 1.000 đôla Đài Loan (524.758 đồng VN) mỗi tháng, phần còn lại do nhà nước trả.

Theo luật định, mọi công dân lãnh thổ Đài Loan có nghĩa vụ nộp tiền bảo hiểm y tế sau bốn tháng cư trú ở đây. Người nước ngoài có thẻ thường trú cũng phải tham gia hệ thống này.

Mạng y tế rộng khắp

Phóng to
Hệ thống của NHI gồm mọi loại điều trị và bao trùm 92% trong 19.000 bệnh viện, bệnh xá, phòng khám ở Đài Loan, kể cả các bệnh viện chuyên về đông y và phòng răng. Mạng lưới cũng liên quan đến hàng ngàn dược phòng, phòng thí nghiệm phân tích, nhà nghỉ hưu và bệnh viện tâm thần.

Ông Chu Tzer Ming, chủ tịch văn phòng NHI, cho biết: “Ngoài sự tiếp cận dễ dàng với nhiều chọn lựa y tế khác nhau, NHI còn có lợi điểm là cho phép những người gặp khó khăn được tiếp nhận các chăm sóc y tế chất lượng”. Những người thuộc gia đình có thu nhập thấp được miễn đóng tiền bảo hiểm. NHI cũng chi tiền cho công tác y tế ở các hải đảo, vùng núi xa xôi, nơi các xe buýt có trang bị dụng cụ y tế đầy đủ được phái đến để chăm sóc cho người dân địa phương. Việc chăm sóc răng được thực hiện cho trẻ dưới 5 tuổi, cũng như khám thai miễn phí cho các thai phụ.

Bà Nicole Huang, giáo sư khoa y tế công cộng thuộc Đại học Yang Ming, Đài Bắc, giải thích: “Tài chính của chương trình tùy thuộc nhiều vào tiền đóng bảo hiểm y tế của người dân, nhà nước và các tập thể chỉ góp 25% của quỹ mà thôi”. Nếu so sánh với chương trình y tế của Hàn Quốc, chi phí khám bệnh ở Đài Loan thấp hơn nhiều. Nhà nước chịu một phần quan trọng trong chi phí điều trị một số loại bệnh nhân đặc biệt: người bị ung thư, người bị bệnh ưa chảy máu, người phải chạy thận nhân tạo; còn bệnh nhân tâm thần được điều trị miễn phí. Những người này chỉ chiếm 2% số người đóng bảo hiểm, nhưng lại nhận được tới 15% chi phí y tế. Bà Nicole Huang nói: “Người có thu nhập thấp hưởng lợi từ NHI nhiều hơn so với người giàu có. NHI có một hiệu quả rõ ràng về trợ cấp chéo hoặc tái phân phối của cải”.

“Về điểm này, Đài Loan thành công hơn một số nước phát triển, như Mỹ chẳng hạn” - ông Lee Ming Been, giáo sư tâm thần học ở Đại học Đài Loan tại Đài Bắc, chủ tịch Hội Y học Đài Loan (TMA), khẳng định. Một điều tra vào tháng 12-2008 của Trung tâm kiểm soát và ngừa bệnh (CDC) ở Mỹ cho thấy gần 1/5 số người trưởng thành ở Mỹ, tức khoảng 40 triệu người, khẳng định không hề nhận được mức chăm sóc y tế mà họ cần, dù là khám bệnh, cấp thuốc, chữa trị tâm thần hoặc chữa răng, trong khi tại Đài Loan, NHI lo hết mọi chi phí này.

Năm 2008, chi phí y tế của Đài Loan chiếm 7% GDP (tổng sản phẩm nội địa). Tại Mỹ, chi phí y tế chiếm tới 15% GDP. Xét về từng người dân, chi phí này ở Đài Loan thấp hơn (khoảng 1.000 USD) so với ở Mỹ (hơn 6.000 USD). Ông Lee Ming Been nhận định: “Các con số này cho thấy thành công tương đối cao của NHI Đài Loan về mặt kiểm soát chi tiêu”.

NHI trợ cấp tiền quỹ cho bốn loại định chế y tế: phòng khám, bệnh viện, phòng khám và bệnh xá đông y, phòng khám răng. Năm 1998, để đề phòng sự gia tăng chi phí bất ngờ, NHI đã ấn định một tỉ lệ gia tăng tối đa liên quan đến việc chăm sóc răng. Sau đó biện pháp kiểm soát này được áp dụng cho ba định chế kia. Kể từ tháng 7-2002, chính sách này ấn định chi phí không gia tăng hơn 4,5% trung bình mỗi năm. Ông Chu Tzer Ming nói rõ: “Tỉ lệ này nói chung là hơi cao so với tăng trưởng kinh tế. Nói cho cùng, người ta không muốn ngân sách y tế đè quá nặng lên sự phát triển kinh tế”.

Duy trì sự cân bằng

Phóng to
Cho tới năm 2002, mức tăng các chi phí bảo hiểm lên tới hơn 10% mỗi năm, và NHI cố tìm cách cân đối vấn đề tiêu thụ thuốc men. Kinh phí sau khi rót về bốn loại định chế y tế, qua thương lượng, sẽ được phân chia giữa các cơ sở trong mỗi định chế. Và mỗi cơ sở tự chịu trách nhiệm về mức ngân sách nhận được.

Ông Lee Ming Been nói: “NHI chỉ chuyển cho các bệnh viện 80% chi phí các dịch vụ y tế mà bệnh viện cung cấp cho người có thẻ bảo hiểm. Điều này làm chúng tôi đau xé tim, nhưng không thể làm gì hơn”. Chủ tịch Hội Y học Đài Loan nghĩ rằng chính quyền phải trợ cấp cho các bệnh viện để bù vào phần tài chính còn thiếu của bảo hiểm y tế.

Khoảng 1/4 ngân sách của NHI (hiện khoảng 470 tỉ đôla Đài Loan) dùng chi cho thuốc men. NHI cần kiểm soát khoản chi này bằng các nghiên cứu thị trường giúp thiết lập các giá tham khảo về thuốc men. Để kích thích các cơ sở y tế thương lượng với các công ty dược phẩm hoặc nhà bán sỉ, NHI chỉ cấp tiền tương đương với giá tham khảo cho mỗi loại thuốc. Ông Chu Tzer Ming giải thích: “Số tiền chênh lệch được trả trong các khoản chi khác, nhất là các khoản có mức trần của NHI. Chính nhờ cách thức này mà các cơ quan y tế cân bằng ngân sách của họ”.

Chi phí tăng, điều chỉnh cách nào?

Số người cao tuổi tăng lên và việc sử dụng công nghệ y tế hiện đại làm chi phí y tế tăng cao ở nhiều quốc gia, và Đài Loan không là ngoại lệ. Năm 2008, NHI thâm thủng 1 tỉ đôla Đài Loan mỗi tháng. Giải pháp bù lại khoản thâm thủng này là cách tăng tiền bảo hiểm y tế, một lựa chọn từng thực hiện vào năm 2002: tăng từ 4,25% lên 4,55% lương tháng. Một đợt tăng mới đã được nhắm tới, nhưng được xem là không được lòng dân trong cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Chính quyền cũng có thể tài trợ cho NHI bằng cách tác động lên phần chi của bệnh nhân. Khi tăng phần chi này lên, số lần đi khám bệnh sẽ giảm, bệnh nhân sẽ không vội đến bác sĩ khi chỉ bị ho cảm thông thường. Phần chi này sẽ nặng hơn khi người ta đến các bệnh viện lớn so với khi đi khám ở phòng khám hoặc bệnh xá nhỏ. Như thế, các bệnh viện lớn sẽ giảm được gánh nặng này để tập trung vào việc điều trị các bệnh nhân bị bệnh nặng, hoặc dành thì giờ cho việc nghiên cứu.

Ông Chu Tzer Ming nhấn mạnh: “Không thể để bảo hiểm y tế ngày càng lụn bại. Một sự thâm thủng trong thời gian ngắn là có thể chấp nhận được, nhưng phải có sự điều chỉnh”. Bà Nicole Huang nhận xét: “NHI là một hệ thống đang chuyển mình, phát triển tùy theo tình hình văn hóa và xã hội”.

Một cuộc đầu tư dài hạn

Chính sách hào phóng của “y tế cho mọi người” thường phải trả giá đắt. Rất đắt. Tất cả các nước chọn hệ thống này, từ châu Á đến châu Âu, Bắc Mỹ, đều phải kinh qua thâm thủng.

Thế tại sao Đài Loan không để thị trường này cho bảo hiểm tư nhân?

Câu trả lời là vì mục tiêu lợi nhuận, khu vực tư này sẽ tạo ra một hệ thống y tế chỉ dành cho người giàu có, còn người nghèo, người kém sức khỏe sẽ bị loại trừ trong hệ thống mới này.

Tại sao Đài Loan cứ tiếp tục chủ trì bảo hiểm y tế?

Để có thể tái phân phối các khoản thu nhập, giúp xã hội không quá chênh lệch. Để bảo đảm sự sung túc tối thiểu cho các công dân. Sung túc là ổn định và phát triển xã hội. Sung túc xã hội cho phép các nước có thể phát triển dựa vào các nền tảng vững chắc.

Đó là một sự đầu tư dài hạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận