Báo cáo của Sipri: Một thế giới nhiều súng đạn hơn

DANH ĐỨC 06/05/2025 10:38 GMT+7

TTCT - Báo cáo mới công bố hôm 28-4 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy trong năm 2024, chi tiêu quân sự toàn cầu lên tới 2718 tỉ USD, tăng 9,4% tính theo giá trị thực tế so với năm 2023.

N - Ảnh 1.

Ảnh: World Peace Foundation

Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Năm quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu - Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Đức và Ấn Độ - đã chi 1.635 tỉ USD, chiếm 60% tổng chi tiêu toàn cầu. 

Tất nhiên, không chỉ 5 nước này mới tăng chi tiêu, hơn 100 quốc gia khắp thế giới cũng đã tăng chi tiêu quân sự trong năm 2024. Nhìn chung, chi tiêu quân sự tăng ở tất cả các khu vực trên thế giới, song nhiều nhất là ở châu Âu và Trung Đông.

Hai nước dẫn đầu

Trong một thế giới mà ngày càng nhiều nước có khả năng vươn xa lực lượng quân sự, chớ không chỉ khu trú ở ven biên giới, vùng biển hay thềm lục địa của mình nữa, chuyện nước này va chạm nước kia không chỉ nằm trong tầm kiểm soát của cấp lãnh đạo cao nhất, mà có khi cả cấp thừa hành nữa. 

Mới hôm 11-2, một máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) đang tuần tra giám sát hàng hải thường lệ ở Biển Đông đã bị máy bay chiến đấu J-16 của không quân nhân dân Trung quốc (PLA-AF) thả pháo sáng ở khoảng cách rất gần, chỉ khoảng 30m. 

Không có thương tích nào xảy ra, nhưng phía Úc loan tin kèm theo trách cứ: "Đây là tương tác không an toàn và thiếu chuyên nghiệp với một máy bay của PLA-AF".

Chuyện máy bay chiến đấu thả pháo sáng này còn là một thí dụ cho thấy máy bay không chỉ thả pháo sáng để biểu diễn. Vụ việc ngày 11-2 đó không chỉ diễn ra trên không. 

Vụ va chạm cho thấy ngày nay các nước đang ra sức chi tiêu quốc phòng, tối thiểu cũng để phòng vệ và tự vệ, còn các nước lớn thì sẽ phóng lực lượng ra xa, rất xa.

Tất nhiên, chi tiêu nhiều nhất vẫn là Hoa Kỳ và Trung Quốc, chiếm gần một nửa chi tiêu quân sự toàn cầu vào năm 2024. 

Cụ thể Hoa Kỳ, với 997 tỉ USD trong năm 2024, vẫn là quốc gia chi tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm 37% chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2024, và 66% chi tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ năm 2024 cao hơn năm trước 5,7%, và cao hơn 19% so với năm 2015. Trung Quốc, tuy được xếp là nước chi tiêu quân sự nhiều thứ nhì thế giới, song vẫn thua Hoa Kỳ tới 3,2 lần. 

Năm ngoái, Trung Quốc chi khoảng 314 tỉ USD, tăng thêm 7% so với năm 2023, đánh dấu 30 năm tăng chi tiêu liên tiếp. Đây là chuỗi thời gian tăng chi tiêu dài nhất không gián đoạn được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu của SIPRI.

Riêng trong thời gian từ 2015-24, Trung Quốc đã tăng chi tiêu 59%, với mục tiêu dài hạn là hiện đại hóa quân đội trên mọi lĩnh vực vào năm 2035. 

Một số ví dụ là năm 2024 Trung Quốc đã tăng chi tiêu để cải tiến một số năng lực như máy bay chiến đấu tàng hình mới, máy bay không người lái (UAV) và phương tiện lặn ngầm không người lái, mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tăng cường một số loại năng lực phản công không gian và chiến tranh mạng. 

Trung Quốc đã thành lập các lực lượng hàng không vũ trụ và không gian mạng tách biệt vào năm 2024.

N - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Tình hình khu vực

Châu Á và châu Đại Dương cũng ở trong đà tăng đó. Tổng chi tiêu quân sự tại châu Á và châu Đại Dương năm 2024 lên tới 629 tỉ USD, tăng 6,3% so với năm 2023 và 46% so với năm 2015, tiếp tục xu hướng tăng liên tục từ ít nhất là năm 1989. 

Mức tăng năm 2024 là lớn nhất kể từ năm 2009, phản ánh căng thẳng gia tăng trên khắp khu vực, đặc biệt là ở Đông Á.

Riêng khu vực Đông Á, chi tiêu quân sự tăng 7,8% trong năm 2024, lên tới 433 tỉ USD. Nhật Bản đã phân bổ 55,3 tỉ USD cho quân đội trong năm 2024, tăng tới 21% so với năm 2023, và tăng 49% so với năm 2015. 

Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1952, nâng chi tiêu quân sự của Nhật Bản lên 1,4% GDP, tỉ lệ cao nhất kể từ năm 1958. Giải thích của SIPRI là những nét mới trong chính sách phòng vệ của Nhật Bản: 

"Điều này phù hợp với kế hoạch xây dựng quân đội của Nhật Bản (2022-2027), tập trung vào khả năng tấn công tầm xa và hệ thống phòng không. Nhật Bản đã chi 13 tỉ USD cho các hệ thống như vậy vào năm 2024, bao gồm tên lửa tấn công mặt đất tầm xa do Hoa Kỳ sản xuất".

SIPRI cũng cho biết trong năm 2024, Hàn Quốc đã chi 47,6 tỉ USD cho quân đội, tăng 1,4% so với năm 2023 và 30% so với năm 2015, khiến nước này trở thành quốc gia có mức chi tiêu quân sự cao nhất ở Đông Á (2,6% GDP). 

Hàn Quốc tiếp tục mua các hệ thống tấn công phủ đầu như tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu F-35A, theo chương trình mua sắm quy mô lớn nhằm chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.

Đài Loan cũng đã tăng chi tiêu quân sự thêm 1,8% lên 16,5 tỉ USD trong năm 2024, nhiều hơn năm 2015 48%. 

Hòn đảo này chủ yếu tiếp tục mua vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất (khoảng 18% ngân sách quốc phòng dành cho các hệ thống hải quân từ Hoa Kỳ và nâng cấp máy bay chiến đấu F-16) và phát triển hệ thống tự sản xuất. 

Đài Loan đã công bố các hệ thống UAV và chống máy bay không người lái mới của riêng họ vào năm 2024. Ở Myanmar, chi tiêu quân sự tăng 66%, lên tới 5 tỉ USD năm ngoái, tương đương 6,8% GDP - tỉ lệ chi tiêu theo năm lớn nhất và là gánh nặng cao nhất được ghi nhận ở châu Á và châu Đại Dương năm 2024.

N - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Xung đột và tăng chi tiêu quốc phòng

2024 là năm thứ hai liên tiếp mà chi tiêu quân sự tăng ở cả năm khu vực địa lý trên thế giới, phản ánh căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, gia tăng không chỉ trong hai năm vừa qua, mà trong cả thập kỷ qua, nhất là ở châu Âu, chủ yếu do cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, với những xung đột đã bắt đầu từ năm 2014 và bùng lên thành chiến tranh đã được hơn 3 năm qua.

Cần lưu ý, SIPRI định nghĩa chi tiêu quân sự là tất cả các khoản chi tiêu chính phủ cho các lực lượng và hoạt động quân sự hiện thời, bao gồm lương và phúc lợi, chi phí hoạt động, mua vũ khí và thiết bị; xây dựng quân sự, nghiên cứu và phát triển; quản lý trung ương, chỉ huy và hỗ trợ. 

Trong ý nghĩa đó, "chi tiêu quân sự" bao trùm, trong khi "chi tiêu vũ khí" chỉ chiếm một phần trong tổng số.

Các cuộc xung đột không ngơi đã khiến hình thành nhóm tăng chi tiêu quốc phòng vì xung đột, đứng đầu là Israel (tăng 65%) và Nga (38%). Các con số làm nổi bật tác động của các cuộc xung đột lớn với xu hướng chi tiêu quốc phòng, SIPRI kết luận. 

So với các khu vực khác, chi tiêu quân sự ở Trung Đông tăng vọt do hậu quả của cuộc chiến bất tận ở Gaza và xung đột leo thang với Hezbollah ở miền nam Lebanon. 

Chi tiêu quân sự ở Trung Đông ước tính lên tới 243 tỉ USD vào năm ngoái, tăng 15% với năm 2023 và 19% so với năm 2015.

Trong đó, nổi bật là chi tiêu quân sự của Israel, trong năm 2024, tăng vọt 65% lên 46,5 tỉ USD - mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967. Gánh nặng quân sự của Israel nay tăng lên 8,8% GDP, cao thứ hai thế giới. 

Sau nhiều năm chi tiêu thấp hơn do khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị, năm ngoái Lebanon đã phải tăng chi tiêu quân sự 58%, lên 635 triệu USD.

Tuy nhiên, theo Zubaida Karim, nhà nghiên cứu của SIPRI: "Dù có những ước tính rằng nhiều quốc gia Trung Đông sẽ tăng chi tiêu quân sự trong năm 2024, nhưng mức tăng lớn chỉ giới hạn ở Israel và Lebanon. Ở những nơi khác, các nhà nước đã tăng chi tiêu quân sự không đáng kể do những hạn chế về kinh tế". 

Báo cáo của Sipri: Một thế giới nhiều súng đạn hơn - Ảnh 4.

Những cuộc chiến tranh lớn như ở dải Gaza làm chi tiêu quốc phòng tăng vọt với nhiều nước. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, chi tiêu quân sự của Iran thậm chí đã giảm 10% theo giá trị thực, xuống còn 7,9 tỉ USD, dù nước này có tham gia các cuộc xung đột và hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm khu vực. Lý do là các lệnh trừng phạt với Iran đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tăng chi tiêu của họ.

Theo SIPRI, chi tiêu quân sự ở châu Âu, bao gồm cả Nga, tăng 17% lên tới 693 tỉ USD và là yếu tố chính của sự gia tăng toàn cầu trong năm 2024. Với cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ tư, chi tiêu quân sự tiếp tục tăng trên khắp lục địa, vượt quá mức được ghi nhận vào cuối chiến tranh lạnh. 

Chi tiêu quân sự của Nga ước tính là 149 tỉ USD vào năm 2024, tăng 38% so với năm 2023, và gấp đôi mức năm 2015. Con số này chiếm 7,1% GDP của Nga và 19% tổng chi tiêu của Chính phủ Nga.

Song song, tổng chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 2,9% ngân sách, lên tới 64,7 tỉ USD - tương đương 43% chi tiêu của Nga. Với chi tiêu quân sự chiếm tới 34% GDP, Ukraine là quốc gia gánh chịu gánh nặng quân sự lớn nhất trong năm 2024. 

Cho dù "Ukraine hiện đang phân bổ toàn bộ thu nhập từ thuế cho quân đội. Trong bối cảnh tài chính eo hẹp, Ukraine sẽ gặp khó khăn nếu tiếp tục tăng chi tiêu quân sự. Trong khi đó, Nga một lần nữa tăng đáng kể chi tiêu quân sự, nới rộng khoảng cách chi tiêu với Ukraine" - Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, nhận xét.■

Tất cả các nước châu Âu đều tăng chi tiêu quân sự vào năm 2024, trừ Malta. Cụ thể, chi tiêu quân sự của Đức tăng 28% lên 88,5 tỉ USD, trở thành quốc gia chi tiêu lớn nhất ở Trung và Tây Âu, và lớn thứ tư trên thế giới.

Lorenzo Scarazzato, nhà nghiên cứu của SIPRI, nhận định: "Lần đầu tiên kể từ khi thống nhất, Đức đã trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất Tây Âu, nhờ vào quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỉ euro được công bố vào năm 2022".

Theo nhà nghiên cứu này, "các chính sách mới nhất được áp dụng ở Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác cho thấy châu Âu nay đã bước vào giai đoạn chi tiêu quân sự cao và ngày càng tăng, có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận