Báu vật của báu vật

THU HÀ 08/10/2007 03:10 GMT+7

TTCT - Không ồn ào, ít xuất hiện nơi đám đông và ống kính máy ảnh, nhà sưu tập Dương Phú Hiến chỉ được không nhiều những người trong giới chơi cổ vật biết tiếng.

Phóng to

“Tướng về hưu” Dương Phú Hiến

Nhưng những ai đã một lần được nhìn tận mắt dù chỉ một phần bộ sưu tập của ông thì đều... choáng. Cho nên dù được “rỉ tai” trước về qui mô và giá trị của bộ sưu tập cổ vật khổng lồ của ông “tướng về hưu” này, chúng tôi vẫn không khỏi sững sờ.

Lần đầu tiên bước vào ngôi nhà mà cổ vật chất đầy từ tầng hầm đến tận... nóc này, chúng tôi vẫn chưa thể tin là ở VN lại có và còn lưu giữ được một kho tàng quí giá đến thế. Chủ nhà thì lại rất mực khiêm nhường nhưng kiên quyết: chỉ cho xem chứ chưa cho viết. Lý do: không thích khoe mình, và cũng chưa phải lúc giới thiệu. Cho đến những lần quay lại sau này, khi đã có sự tin tưởng nhất định, và khi phóng viên ảnh Việt Dũng vô tình chứng tỏ mình không chỉ chụp ảnh đẹp mà còn khá am hiểu và rất biết rung động trước vẻ đẹp câm nín của những cổ vật ngàn năm, ông Hiến mới đồng ý một cách chừng mực: “Để chú giới thiệu cho các cháu về một trong những bộ sưu tập tâm huyết nhất của chú: bộ đồ lục cốt phấn nhẹ lửa. Nó không chỉ là những cổ vật có giá trị hàng triệu USD, mà thật sự là báu vật của báu vật“.

Kho báu

Đồ lục (đồ gốm cốt ceramic có màu men xanh cánh cam) là dòng gốm xuất hiện từ thời Đường, chỉ tồn tại vài trăm năm (thế kỷ 9-12) và hiện đã bị thất truyền bí quyết làm men cũng như làm cốt. Cũng vì đã thất truyền nên đồ lục trên thế giới hiện còn rất ít và rất đắt trên thị trường cổ vật. Ông Hiến có duyên với đồ lục cũng là sự tình cờ: năm 1972, lúc ấy còn là một sĩ quan trẻ, trên đường công tác vào Nam qua thị xã Vinh khi ấy đang được các chuyên gia CHDC Đức giúp xây dựng một khu nhà cao tầng. Trên khu công trường đang đào móng, người ta khai quật được nhiều đồ sứ đã vỡ. Ông Hiến xin được một cái bát chỉ còn một nửa. Màu men xanh huyền ảo và cái cốt nhẹ bỗng, bụi đọng lại trên tay như phấn đã làm ông mê mẩn. Từ đó ông “kết” đồ lục.

Bạn bè biết ông mê nên thấy ở đâu có đồ lục cũng báo cho ông. Ông Hiến mua được món đồ lục nguyên vẹn đầu tiên vào năm 1987, trong một chuyến đi Kim Bôi (Hòa Bình). Đó là chiếc bát to có hoa văn hình cánh hoa súng, đồ thời Lý, mới chỉ là đồ nặng lửa (dễ chế tác hơn và có niên đại muộn hơn đồ nhẹ lửa), ông mua với giá 2.000 USD. Chiếc bát ấy bây giờ đã có người trả 250.000 USD khi ông cho mượn mang dự triển lãm tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Nhưng nó vẫn chỉ là phần rất nhỏ trong bộ sưu tập đồ lục của ông Hiến: 350 món đồ, và tất cả, từ món nhỏ nhất, đều đã được trả giá, nhưng tất nhiên chủ nhân của nó đều... lắc đầu.

Trong bộ đồ lục, món quí giá nhất mà ông Hiến tự hào là một chiếc tước uống rượu men lục lòng vàng, đồ thời Đường, thế kỷ 9. Chiếc tước đẹp đến độ ông bảo: “Không thể tả được, chỉ nhìn và sờ mới thấm thía cái đẹp của nó”. Chiếc chén uống rượu cổ bé nhỏ có chiều cao chỉ 5cm, đường kính miệng 8cm, đường kính trôn 2,5cm, ngoài men cánh cam xanh biếc trong lòng phủ men vàng có ẩn họa hình hoa cúc; ông Hiến may mắn mua được trong một trường hợp mà ông nói chỉ có thể là do cơ duyên, chứ tiền không thì không thể mua nổi. Nhà đấu giá nổi tiếng thế giới Sotheby ở Hong Kong chưa từng đấu giá món nào tương tự như vậy. Mới đầu năm nay, một nhà sưu tập Đài Loan biết tiếng ông Hiến đã tìm đến và xin mua với giá... 28 triệu USD, nhưng ông cũng chỉ cười: “Người ta trả thế thì mình biết giá nó là thế, chứ ai đem bán bảo vật quốc gia”.

Món đồ lục thứ hai nổi tiếng của ông Hiến là bình rượu hình con vịt. Cũng đồ nhẹ lửa. Cũng các thương gia Đài Loan lùng sục tìm ông bằng được để trả giá 2 triệu USD. Thì cũng cứ biết thế.

Một món ít tiền hơn nhưng được ông Hiến rất thích thú là cái bình đựng nước để cúng. 28 tết năm ngoái, ông mua được với giá 100.000 USD (“Đúng là duyên thật - ông nói - Mình đang mơ cũng chẳng thấy”), các nhà sưu tập nước ngoài đã định giá chiếc bình y hệt như thế trên tạp chí nghiên cứu cổ vật ASIA Art khoảng trên dưới... 1 triệu USD. “Biết thế để mình tự hào vì cổ vật của VN mình cũng có giá trị, và vẫn đang được ở VN thôi”- ông Hiến bảo.

Để cổ vật trở thành giá trị xã hội

Tạm thời ông Hiến chỉ cho phép chụp ảnh bộ đồ lục, và cũng chỉ cho phép nói kỹ về bộ đồ lục. Nhưng trong ngôi nhà mà cổ vật chất kín cả bốn tầng, chủ nhân cũng chỉ còn một không gian rất khiêm tốn để... thở, trong kho tàng hơn 100 pho tượng Phật từ Tây Tạng bằng vàng nguyên khối đến Phật Quan Âm bằng gỗ vù hương, trong không gian của những chiếc trống đồng lên ten xanh rì, những chiếc bình vôi (400 chiếc) từ ngàn năm trước đã đắp nổi hình trai gái giao hoan, trong ánh vàng son quá vãng hắt lại từ những bộ hoàng bào của các hoàng đế nhà Thanh... tất cả đều đang thầm lặng nhưng mãnh liệt một ý chí: được ra với ánh sáng của thời hiện tại. Vì tất cả chúng đều xứng đáng với sự ngưỡng mộ của người đương thời.

Chủ nhân của kho báu dường như cũng đang có chút... ngập ngừng, ngập ngừng giữa việc “khoe” những thành quả sưu tập không chỉ một đời người mà ba đời ông, cha, con tích tụ được, với việc giấu kín nó đi, “phong” nó lại, như một thời đã được giáo dục để khiêm cung, để không chạy theo sự xa hoa của thời phong kiến, để khỏi bị trở thành tâm điểm của sự chú ý và phiền nhiễu.

* Thưa ông, vì sao đã được sự “bảo hộ” của Luật di sản rồi mà việc thành lập bảo tàng tư nhân ở VN lại vẫn quá ư... rụt rè. Những bảo tàng đã lập thì không có mấy đồ thật sự giá trị, những người sưu tập “cao thủ” nhất lại không mấy ai mặn mà với bảo tàng?

- Các nhà sưu tập cổ vật lớn hiện nay vẫn bị vướng mắc băn khoăn về việc công khai bộ sưu tập của mình vì có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là họ lo lắng vì bao giờ và ở đâu những người đi đầu cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Họ ngại nhất việc bị truy nguyên xuất xứ. Mà thật ra rất khó có thể làm được điều này, làm sao có thể giải thích được khi có người đổi cả một ngôi nhà mặt phố chỉ để lấy một... đôi lọ. Thứ hai là vì điều kiện nhà ở VN rất khó khăn, tất cả đều... chung sống với cổ vật. Cho dù là người được tiếng “giàu” thì nhà ở cũng vẫn đồng thời là nơi cất giữ, bảo quản, nói gì đến việc tìm ra mặt bằng để trưng bày. Nếu “giải tỏa” được hai bức xúc quan trọng nhất này thì VN sẽ có nhiều bảo tàng tư nhân.

* Thưa ông, tâm lý người VN mình vẫn có mối nghi ngại: Từ đâu, bao nhiêu tiền, làm sao mua được? Liệu có phải vì vậy mà bản thân ông cũng chưa muốn công bố hết những gì mình dày công sưu tập?

- Thú chơi cổ ngoạn đã có từ ngàn năm trước, không chỉ ở Trung Hoa mà VN cũng vậy. Người ta chơi cổ vật không chỉ là bỏ tiền ra mua một món đồ quí hiếm mà còn để dưỡng thần (các cụ đã dạy: chơi cây dưỡng tâm, chơi cá chim dưỡng trí, chơi cổ vật dưỡng thần, thờ Phật dưỡng tâm linh). Những biến động xã hội trong một thời gian dài đã làm thú chơi cổ vật ở VN có phần mai một.

Người chơi cổ vật hiện nay, theo tôi, có ba loại: Loại thứ nhất là thật sự say mê, được gia truyền từ đời nọ qua đời kia, chơi mang tính hệ thống, bài bản, khoa học (tôi tự xếp mình vào đó). Loại thứ hai là những trí thức uyên thâm, không có nhiều điều kiện để sưu tầm, nhưng rất am hiểu và rất có tâm (các nhà khảo cổ, các giáo sư sử học hiện nay của ta phần lớn là kiểu chơi này). Loại thứ ba đông nhất: vừa giao lưu vừa buôn bán. Không nên đánh giá thấp họ, vì họ cũng góp phần xã hội hóa việc chơi cổ vật, họ có chân rết thu gom ở khắp nơi. Nhưng cũng nhiều khi sự mưu sinh khiến cho đồ của họ thật giả lẫn lộn, làm mất đi cái “thiêng”, cái “tín” của cổ vật VN với thế giới.

Tôi nghĩ công chúng có thể không biết, nhưng trong giới thì ai cũng biết là đồ của ai thì thuộc vào đẳng cấp nào, và mỗi cổ vật đều có câu chuyện của nó. Tôi chơi cổ vật đã ba đời - ông nội tôi làm thuốc, cha tôi là dạy học, dù rất nghèo hay đã có tiền thì chúng tôi vẫn say mê y như thế. Tôi từng đổi những cổ vật mà bây giờ giá hàng triệu USD chỉ với... 1 tạ sắn (thời ấy đói, cái ăn được đặt lên hàng đầu).

Có khi thậm chí tôi đổi... một chục bát sứ Hải Dương lấy... một chục bát cổ. Đồ vật chỉ có giá trị với người biết giá trị của nó, biết hi sinh vì nó. Tôi đổi khi bản thân tôi cũng vẫn đang đói cơ mà. Không phải vì bây giờ tôi giàu rồi nên tôi chơi đồ cổ “xịn”, nghèo cũng vẫn chơi được: chơi mảnh, chơi đồ vỡ. Mảnh cũng vẫn là cổ vật, vì nó có niên đại, có hoa văn, có chất liệu. Nó vẫn mang thông điệp của thời gian. Quan trọng là ở tình yêu, ở lòng say mê, và ở duyên.

* Vậy bao giờ ông mới có ý định mở cửa kho cổ vật vô giá của mình cho thiên hạ thưởng lãm?

- Chúng tôi - tôi và các bạn ở Hội Cổ vật Thăng Long - đang chuẩn bị cho cuộc trưng bày lớn kỷ niệm 1.000 năm kinh đô của VN. Chúng tôi muốn đưa dần các cổ vật ra với công chúng, muốn xã hội quen dần với sự hiện hữu của chúng. Sau một thời gian nữa, có thể là vào dịp kỷ niệm 1.000 năm, tôi hi vọng sẽ lập được một bảo tàng đúng nghĩa, không chỉ cho mình.

Phóng to
Tước uống rượu men lục lòng vàng có hoa văn hình hoa cúc dây - thế kỷ 9 - được trả giá 28 triệu USD
Bộ đồ rượu
Lư hương ngoài trời hình tứ dân tứ thú (ngư tiều canh mục) thời Lý - độc bản - không có giá
Bộ bình vôi

Bình đựng nước cúng - thế kỷ 9-12 - giá khoảng 1 triệu USD

Bình rượu hình con vịt - thế kỷ 9-12 - giá khoảng 2 triệu USD
Bộ bát men lục - giá khoảng 250.000 USD/chiếc

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận