Nhớ xóm Lò Gốm, xóm thủy tinh ở Chợ Lớn

VŨ THẾ THÀNH 23/04/2025 05:39 GMT+7

TTCT - Vùng Phú Lâm có một con đường mang tên Lò Gốm, nhưng giờ đi tận Lái Thiêu cũng khó tìm ra lò gốm; xóm thủy tinh chỉ còn trong ký ức...

1.  Xóm Lò Gốm năm xưa ở vùng Phú Lâm không còn nữa, nhưng có một con đường được đặt tên là Lò Gốm, như để nhắc nhở nơi đây đã từng có một xóm hay làng nghề làm đồ gốm nổi tiếng ở Nam Kỳ. Có thời tôi lang bạt nơi đây, gần xóm Lò Gốm thì đúng hơn. Đó là khu Bình Thới ở quận 11, nơi có những lò thủy tinh nhỏ của người Hoa.

Lò Gốm - Ảnh 1.

Một lò gốm còn lại ở xóm Lò Gốm. Ảnh tư liệu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Xóm Lò Gốm đã một thời trù phú, buôn bán, ghe thuyền nhộn nhịp từ cuối thế kỷ 18, với khoảng 30 lò gốm. Điều quan trọng nhất với lò gốm là giao thông thuận lợi. Nguyên liệu đất sét tại chỗ nếu không phù hợp có thể mang từ nơi khác đến. Giao thông thuận lợi cũng giúp vận chuyển sản phẩm đến thị trường tiêu thụ mạnh như vùng Sài Gòn, Gia Định và cả miền Tây với những đồ nặng nề như lu, khạp… 

Đến thế kỷ 20, sản xuất gốm nơi đây bị thu hẹp dần do phát triển đô thị vùng Chợ Lớn. Khi tôi ghé xóm Lò Gốm vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, sản xuất nơi đây hầu như không còn, chỉ có dấu ấn lịch sử với tên đường Lò Gốm.

Xóm Lò Gốm mất thì xóm thủy tinh lại ra đời ở Bình Thới (quận 6), cách Lò Gốm khoảng một, hai cây số. Tôi không biết xóm thủy tinh hình thành từ hồi nào, có lẽ đâu đó khoảng giữa thế kỷ 20. Gọi "xóm" thủy tinh là tôi hơi phóng đại, vì chỉ có khoảng 10 lò do người Hoa làm chủ.

Quy mô lò thủy tinh rất nhỏ, chỉ cỡ cái bàn viết, chứ không "kềnh càng" như lò gốm. Nguyên liệu là thủy tinh ve chai đổ chất đống ở góc nhà. Những năm cuối thập niên 1980 tôi thường qua lại xóm thủy tinh ở khu Bình Thới để gọi là…"chuyển giao kỹ thuật" về thủy tinh màu, như một nghề cơm áo sau khi rời công ty quốc doanh.

Lò thủy tinh nằm trong hẻm, trong những căn nhà xập xệ, tồi tàn, không thể tồi tàn hơn nữa. Xóm này thu mua ve chai, phân loại theo màu, rồi nấu lại, tạo hình ly bình chén dĩa. Nấu thủy tinh từ ve chai dễ hơn nấu từ cát nhiều. Từ cát, phải nâng nhiệt độ lên cao, cỡ trên 1.400 độ, gạch xây lò phải là loại đặc biệt, nhập từ nước ngoài rất đắt. 

Còn nấu từ ve chai, chỉ cần nâng tầm 900 - 1.000 độ là được, nên lò có thể xài gạch sa mốt trong nước, hoặc sang trọng hơn thì xài hàng second-hand, gạch chịu lửa nhập ngoại thải ra từ các lò thủy tinh lớn của Nhà nước. Chất lượng thủy tinh ve chai dĩ nhiên là kém, màu sắc u tối, dễ nứt vỡ do ứng lực.

2.Hồi còn làm ở cơ quan nghiên cứu cấp bộ, ngoài việc ôm một đề tài mỗi năm, còn phải hỗ trợ công nghiệp địa phương. Có dạo buồn đời, tôi thường kiếm cớ đi "hỗ trợ" kỹ thuật ở Lái Thiêu, nơi có những lò gốm dài cả gần trăm mét. Có hỗ trợ được gì đâu vì các oxid tạo màu có ngoại tệ đâu mà nhập ở thời bao cấp đó. 

Tiếng là "hỗ trợ", nhưng thật ra tôi học lóm từ họ rất nhiều. Dân làm gốm Lái Thiêu có nhiều thủ thuật trong nghề, nhất là về kỹ thuật tăng nhiệt và giữ nhiệt để men không bị co cụm hay rạn nứt rất độc đáo. Dân tình nơi đây hiếu khách, ăn ngay nói thẳng đúng chất Nam Bộ. Tối tối ngồi trên mắt lò, tay đờn, tay chén (rượu) đối ẩm với chủ và thợ chẳng khác gì tri kỷ… thời cuộc.

Có lần họ hỏi tôi về tin đồn gốm tử sa. Tôi cười, tử sa hiểu theo nghĩa đen là cát màu tím. Chất chính tạo ra màu của đất sét là tạp sắt. Tôi đã phân tích cả vài trăm mẫu đất sét, cao lanh, dolomite… Đất sét miền Đông Nam Bộ, kể cả Đồng Nai thượng cũng nhiều tạp sắt, nhưng có màu đỏ. Tùy theo tạp sắt ở dạng hợp chất nào mà màu của đất sét đỏ đậm, đỏ xám… 

Còn nước trà ngon chủ yếu là do trà và nước. Nước cứng hay nước nhiễm phèn thì trà bị chát, mất hết cả hương vị, thậm chí cả màu. Cầu kỳ hơn là cách pha trà. Bàn về ấm tử sa theo tin đồn chẳng khác nào Vương An Thạch mời trà Tô Đông Pha, một nước Tàu, hai ngã rẽ. Chủ khách đều cười lớn và nâng ly.

Lò Gốm - Ảnh 2.

Lò gốm Thủ Dầu Một.

Gốm sứ và thủy tinh có bà con gần với nhau. Cả hai đều là silicate, từ đất cát mà ra. Lớp men phủ ngoài gốm sứ chính là lớp thủy tinh trong suốt, có hoặc không nhuộm màu! Gốm tạo hình từ đất sét rồi nung. Thủy tinh tạo hình từ đất cát nấu chảy. Cả hai, gốm sứ và thủy tinh, ít nhiều đều là sản phẩm mỹ thuật. Sau này khoa học tiến bộ, tạo ra nhiều loại sứ cao cấp như sứ cách điện, sứ nha khoa, thủy tinh y tế...

Thế gốm và sứ khác nhau thế nào? Đồ sứ được nung ở nhiệt độ cao, thường là trên dưới 1.300 độ. Đồ gốm ở nhiệt thấp hơn nhiều, 900 hay 1.000 độ. Do đó đồ sứ cứng hơn, bền hơn, ít rỗng hơn, ít hút nước hơn so với đồ gốm. Hồi đó để thử xem cấu trúc đồ gốm thế nào, tôi thường để đầu lưỡi vào thân gốm mộc (chưa phủ men), mức độ hút nước cho tôi biết họ nung gốm có kỹ không, ở nhiệt độ khoảng nào. Tăng nhiệt là tăng nhiên liệu, là tốn thêm tiền, chưa kể tuổi thọ của lò bị giảm.

3.Một vài "xưởng" thủy tinh ở khu Bình Thới không làm ly bình chén dĩa, mà làm vòng mã não để mấy bà mấy cô làm đẹp. Đại khái là nấu ra một khối thủy tinh màu, rồi mài dũa thành vòng mã não (dỏm). Cái mà tôi "chuyển giao kỹ thuật" là làm ra khối thủy tinh màu từ ve chai cho họ.

Nguyên liệu là thủy tinh ve chai từ đủ mọi nguồn, xài đi nấu lại không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần xài lại thêm hóa chất, làm sao ước tính được thành phần nền của thủy tinh nguyên liệu mà kê toa… hóa chất. Hóa chất ở đây thường là chất trợ dung để làm hạ nhiệt độ chảy cho phù hợp với khả năng chịu nhiệt của lò. Thêm chất trợ dung nhiều quá, thủy tinh càng mềm, càng dễ vỡ. Có thêm bao nhiêu hàn the hay kẽm để cải thiện độ bền, tốn tiền mà chỉ như muối bỏ biển.

Lò Gốm - Ảnh 3.

Làm gốm ở Lái Thiêu - thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương (ảnh chụp tháng 1-2025). Ảnh: BÉ HIẾU

Màu thủy tinh mới là chuyện hấp dẫn. Dễ làm là màu xanh cẩm thạch thêm mấy vân trắng. Màu xanh lá cây cũng dễ làm, nhưng ra được màu đỏ thì phê lắm, nhất là đỏ máu bồ câu thì chỉ là ước vọng. Ra được màu đỏ bầm cũng mừng húm rồi. Chục lần làm thì may ra được hai, ba lần "mừng húm" như thế. Có khi trời độ ra được màu đỏ rất đẹp. Làm lại cũng y hệt như thế thì lại ra cái màu quái quỷ nào đó. Thủy tinh ve chai thì có lúc trời thương, có khi trời hành. Cứ thế, màu sắc quay cuồng, ám ảnh trong đầu thằng kỹ sư mạt vận như tôi.

Các bạn trẻ thời nay nghe thế sẽ cười. Dễ mà, sao không đem ve chai đi phân tích. Lúc đó mọi doanh nghiệp đều là quốc doanh thì cái lò thủy tinh tí tẹo này làm gì có pháp nhân, có mộc tròn, mộc hột xoài để có giấy giới thiệu đến phòng lab phân tích. Mà phân tích để làm gì? Ve chai thu từ đủ mọi nguồn, thành phần đâu giống nhau, chẳng mẻ nào giống mẻ nào, mỗi mẻ nấu được chừng cục thủy tinh 10kg, phân tích có mà sập tiệm.

Thủy tinh nấu trong hũ nhỏ làm bằng đất chịu lửa. Đặt hũ vào lò và nổi lửa bằng dầu FO phun qua cái béc dầu, như đèn khò nhưng có ngọn lửa lớn hơn. Thủy tinh nấu xong để nguội, cưa ra từng phiến tròn, sau đó cắt mài dũa thành vòng mã não, rồi đánh bóng bằng máy. Kỹ thuật mài dũa của thợ thật đáng nể. Tôi xem họ là nghệ nhân.

Chủ lò thủy tinh người Hoa, nói tiếng Việt như người Việt, không ngộ nị gì hết. Đôi khi tôi với chủ lò cũng nhâm nhi vài xị rượu, khi ngoài quán, lúc trong cái xưởng tồi tàn. Tổ tiên anh ta mấy đời ở Sài Gòn, từ hồi Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, kẻ Mỹ Tho, người Cù Lao Phố, chạy nạn đến đây. Có chút gì đó chia sẻ số phận của nhau qua ly rượu xây chừng. Cả hai chén thù chén tạc chờ thủy tinh ra… màu.

Gọi là "chuyển giao kỹ thuật" cho ra vẻ thôi, thâm tâm tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa hôm qua và hôm nay. Hôm qua là thời cơm áo gạo tiền, làm đủ mọi cách có thể để tồn tại, nên cái khó ló cái khôn. Cái khôn trong cõi bần hàn cũng chỉ được bấy nhiêu. Các bạn trẻ bây giờ nghe được, chắc là cười nhạo.

Năm ngoái tôi ghé thăm Lái Thiêu để nhớ lại thời trôi sông lạc chợ. Người xưa cảnh cũ đều rơi vào số phận xóm Lò Gốm Phú Lâm. Tìm hoài không ra lò gốm nơi đâu. Rải rác vài nơi bày bán hàng gốm nung mộc hoặc tráng men đơn giản, nhưng là hàng mỹ thuật, chủ yếu là tạo hình độc đáo, đang là mode thời thượng để trang trí nội thất theo kiểu xưa.

Tôi vào một cửa hàng, chuyện vãn với chủ tiệm, hỏi dò những cố nhân "tri kỷ thời cuộc" năm xưa. Chủ tiệm trạc 50 tuổi, nói anh là con của một trong những cố nhân lò gốm. Ba anh mất lâu rồi. Anh mời tôi, khi nào rảnh ghé chơi. Họ muốn có buổi tọa đàm để ôn lại chuyện lò gốm năm xưa. Đến giờ tôi vẫn chưa thu xếp để ghé lại.

Xóm thủy tinh Bình Thới lại càng mờ mịt. Tìm đến chỉ là những dãy nhà, tạm gọi là khang trang xen lẫn các tòa nhà cao tầng. Không một chút vết tích nào cả. Xóm thủy tinh không phải nghề truyền thống của người Việt thì chết yểu cũng là điều dễ hiểu. Vẫn biết, nấu thủy tinh trong khu đô thị là điều không thể tồn tại vì vấn đề môi trường, nhưng nhớ lại cảnh cũ người xưa cũng có chút ngậm ngùi.

Xóm Lò Gốm không còn, nhưng còn tên đường Lò Gốm để ghi nhớ. Xóm thủy tinh gần đó bây giờ cũng không còn, và cái tên đường cũng không có. Chỉ cần năm, mười năm nữa, nó sẽ tuyệt tích trong ký ức mọi người. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận