Bay vào không gian khi đã trở về cát bụi

TỊNH ANH 29/10/2020 03:05 GMT+7

Cụm từ Rest in peace (hãy yên nghỉ) trong tiếng Anh đã có thể thay bằng Rest in space (an nghỉ trong vũ trụ).


 

Ảnh: Rob Donnelly/Slate

 

 

Đưa tro cốt vượt bầu khí quyển, nhìn ngắm Trái đất từ không gian rồi trở về nhà, hay để phần cát bụi của ta hoặc thêm một lần nữa được thiêu rụi và biến mất vĩnh viễn, hoặc rải khắp nhân gian, thậm chí nằm lại mãi mãi trên Mặt trăng. Những ước nguyện lạ đời đó giờ đều có dịch vụ nhận làm, mà giá cả cũng không đến mức chỉ tỉ phú mới chi nổi.

Hỏa táng rồi “vũ trụ táng”

Theo trang Space.com, người đầu tiên chọn kiểu “vũ trụ táng” này là Gene Roddenberry, người đã sáng tạo ra loạt phim truyền hình danh tiếng Star Trek. Trong di chúc, Roddenberry yêu cầu di thể mình được “đưa đến nơi chưa ai từng đến”. Thể theo ý nguyện, năm 1992, một phần tro cốt của ông được mang ra khỏi Trái đất và sau đó trở về, nhờ đi theo tàu con thoi Columbia khi thực hiện nhiệm vụ đưa vệ tinh Lageos-II lên quỹ đạo.

Một trường hợp tiêu biểu khác: Clyde Tombaugh, nhà thiên văn học người Mỹ đã khám phá ra Diêm Vương tinh khi mới 24 tuổi (1930). Tombaugh mất năm 1997 và gần mười năm sau, một hộp chứa 1 ounce (gần 30g) tro của ông được đặt lên tàu thăm dò New Horizons được NASA phóng lên để tìm hiểu “hành tinh lùn” năm 2006.

New Horizons hiện vẫn còn trong vũ trụ, cách chúng ta khoảng 6,4 tỉ km, khiến “chuyến bay vũ trụ táng” của Tombaugh là dài nhất trong lịch sử, theo Business Insider. Năm 1930, sao Diêm Vương với Tombaugh chỉ là một đốm sáng trên kính thiên văn, giờ thì ông đang “ở” ngay trên bề mặt của nó.

Theo Business Insider, tính đến năm 2018, khoảng 450 người đã nối gót nhà sáng tạo Star Trek để một phần nhỏ tro cốt của mình được đưa vào không gian. Tất cả nhờ vào hẳn một ngành công nghiệp chuyên phục vụ ước nguyện cuối cùng này, nổi bật là những cái tên như Celestis, Elysium và Aura Flights.

Tro cốt theo tàu vũ trụ

Tháng 6-2019, tên lửa Falcon Heavy của SpaceX được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Florida, Mỹ) vào quỹ đạo Trái đất, mang theo một “kiện hàng” đặc biệt - vệ tinh OTB của Hãng General Atomics, chở theo tro cốt của hơn 150 khách hàng của Celestis, công ty chuyên tổ chức các kiểu an nghỉ trong vũ trụ. Vệ tinh này sẽ ở trong quỹ đạo ít nhất 5 năm.

Theo CNET, dịch vụ của Celestis (thành lập năm 1994) có giá 2.500 - 12.500 USD, nghĩa là có thể thấp hơn so với chi phí mai táng trọn gói trung bình ở Mỹ - 9.000 USD. Tùy theo gói dịch vụ mà các hộp chứa tro cốt sẽ được phóng lên không gian rồi theo thiết bị mà nó “quá giang” quay lại Trái đất - tức chỉ trải nghiệm môi trường không gian, “ngắm nhìn” hành tinh từ bên ngoài vũ trụ rồi quay về với gia đình, hoặc ở trong quỹ đạo đến khi trở lại khí quyển và bị đốt cháy.

Charles Chafer, đồng sáng lập và là CEO của Celestis, cho rằng các “chuyến bay tưởng nhớ” vào vũ trụ đang ngày càng phổ biến nhờ tỉ lệ hỏa táng tăng và người ta không còn quá nặng nề về truyền thống văn hóa, tôn giáo liên quan đến nơi an nghỉ cuối cùng của kiếp người. Công ty này đến nay đã có 16 chuyến đưa khách hàng - mà họ gọi là “người tham gia” - vào vũ trụ và 5 chuyến khác đã được xếp lịch trong vòng hai năm tới. “Quan niệm “hãy chôn tôi cạnh ông nội trong phần mộ của gia đình” không còn phù hợp trong xã hội năng động” - Chafer nói.

Celestis không trực tiếp phóng tên lửa, mà thuê chỗ trên các chuyến bay vào vũ trụ do bên thứ ba thực hiện. Theo CNET, công ty luôn yêu cầu khách hàng gửi ít nhất hai phần tro, để có sự cố thì vẫn còn phần dự phòng. Thực tế Celestis đã hai lần thất bại và phải miễn phí cho gia đình khách hàng trong các chuyến bay vào vũ trụ kế tiếp. Trường hợp không dùng đến chỗ tro “sơ cua”, Celestis sẽ rải chúng ở gần địa điểm phóng tên lửa.

Một dịch vụ tương tự là Elysium, do Thomas Civeit, người từng tham gia nhiều nhiệm vụ với NASA, thành lập. Công ty này có gói dịch vụ 2.490 USD, đưa một phần tro cốt tượng trưng theo “tàu vũ trụ thiết kế đặc biệt” trong hành trình hai năm quanh quỹ đạo Trái đất, trước khi quay lại khí quyển và bị đốt cháy ở đó. Người thân có thể theo dõi hành trình của phần tro cốt này theo thời gian thực thông qua ứng dụng di động.

  

 Ảnh: CNET

 
 

 

An nghỉ trên đất chị Hằng

Số người được “chôn” trong không gian đã lên đến vài trăm, nhưng chỉ mới có một người chọn đất của Hằng Nga làm nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là Eugene Shoemaker - nhà địa chất, thiên văn học người Mỹ, một trong những người đặt nền móng cho ngành khoa học hành tinh (planetary science).

Shoemaker nổi tiếng vì cùng vợ Carolyn và nhà khoa học David Levy phát hiện một sao chổi đâm vào sao Mộc năm 1994. Chỉ ba năm sau, ông gặp tai nạn xe và qua đời khi đang khảo sát một hố thiên thạch ở Úc. Carolyn Porco, cựu học trò và đồng nghiệp thân thiết, là người nghĩ ra ý tưởng sẽ để Shoemaker yên nghỉ trên Mặt trăng.

Theo bản tin trên web của NASA, Porco hiểu rõ Shoemaker luôn muốn trở thành nhà du hành vũ trụ nhưng sức khỏe không cho phép. “Chỉ mới năm ngoái, ông còn nói với tôi việc không thể tự mình gõ búa để nghiên cứu địa chất trên Mặt trăng là thất bại lớn nhất đời mình - Porco kể - Tôi tin rằng đây là cơ hội cuối cùng để Gene [cách gọi thân mật] lên Mặt trăng và đó cũng là cách thích hợp và đẹp nhất để tưởng nhớ một tượng đài và người tiên phong trong việc khám phá hệ Mặt trời”.

Porco liền đề xuất ý tưởng của mình với NASA, và cơ quan này lập tức gật đầu. Họ tìm đến Celestis, công ty khi ấy còn non trẻ, và mọi thứ cứ thế diễn ra như mong đợi. Ngày 6-1-1998, tàu vũ trụ Lunar Prospector rời Trung tâm Vũ trụ Kenedy, mang theo một ống hình trụ chứa tro của Shoemaker, gói trong một mảnh đồng thau thay cho mộ chí với tên, năm sinh, năm mất của nhà khoa học và ảnh sao chổi cùng hố va chạm thiên thạch ở Arizona, nơi ông từng huấn luyện các phi hành gia của tàu Apollo.

Lunar Prospector mất 105 giờ để vào quỹ đạo Mặt trăng, và ở đó một năm làm nhiệm vụ khảo sát từ độ cao 63 dặm từ bề mặt thực thể này. Sáu tháng sau thời gian khảo sát 12 tháng, tàu chủ động rơi xuống Mặt trăng, hoàn thành sứ mệnh và đồng thời giúp Shoemaker trở thành người đầu tiên và đến lúc này vẫn là người duy nhất được “chôn cất” trên Mặt trăng.

Elysium cũng có gói đưa tro cốt lên bề mặt Mặt trăng với giá 9.950 USD. Tuy nhiên, không có thông tin cho thấy hãng này đã thực hiện được dịch vụ nào, và phần tro của Eugene Shoemaker hiện vẫn “một mình” trên Mặt trăng.

Lễ tang đặc biệt

Kiểu mai táng trong không gian đã biến nghi thức thiêng liêng cuối cùng với người đã khuất thành một sự kiện đặc biệt. Gói dịch vụ của Celestis bao gồm sự kiện kéo dài ba ngày cho gia đình của người đã mất: tham quan Trung tâm Vũ trụ Kennedy, tổ chức lễ tưởng nhớ và xem khoảnh khắc phóng tên lửa - chứng kiến “chuyến đi cuối cùng” của người thân yêu.

Tại lễ phóng Lunar Prospector, gia đình Shoemaker gồm vợ, con và các cháu có mặt đầy đủ, chứng kiến người chồng, cha và ông thân yêu của họ cuối cùng cũng đạt được điều ông không thể làm lúc sinh thời.

Cảm nhận chung của người ở lại là việc gửi tro cốt của người thân vào vũ trụ cho họ cảm giác những người thân yêu ấy lúc nào cũng ở bên. “Chúng tôi luôn biết rằng mỗi khi nhìn lên Mặt trăng thì Gene đang ở đó” - bà Carolyn nói.

Christine, khách hàng của Celestis, cho rằng điều tuyệt nhất là không còn phải lái xe đến nghĩa trang mới có thể thăm người chồng đã khuất, mà chỉ cần ngước nhìn trời. “Cảm giác như anh ấy luôn kề bên” - Christine nói với CNET.

Rafal Zebrala, người dùng dịch vụ Aura để đưa tro của bạn đời lên khu vực cận vũ trụ (xem box), hài lòng vì đã giúp người thương vốn mơ ước làm phi công hoàn thành tâm nguyện được “sống” cùng bầu trời. “Giờ tôi chỉ cần ngẩng đầu lên là có thể nói chuyện được với anh ấy” - Zebrala nói.■

 

Lọ chứa tro cốt của Hãng Elysium.-Ảnh: Elysium

 

 

Dịch vụ “mai táng” trong vũ trụ cũng phải đảm bảo không để lại rác trong không gian. Các ống đựng tro của Celestis được thiết kế đủ nhỏ để cháy trụi khi trở lại khí quyển (vì di chuyển với vận tốc cực lớn) sau khi kết thúc thời gian trong quỹ đạo, có thể từ vài tháng đến vài trăm năm. Dịch vụ của công ty cũng luôn luôn “đi ké” các chuyến bay vào vũ trụ, chứ không bao giờ tự làm không gian thêm chật chội.

Aura Flights (Anh) cung cấp một kiểu dịch vụ khác: một khinh khí cầu đặc biệt mang tro của người đã mất lên vị trí cách bề mặt Trái đất 30km, trong vùng cận vũ trụ. Sau đó, phần chứa tro sẽ mở ra, để phần cát bụi của “khách hàng” bắt đầu rơi xuống địa cầu. Thay vì rải tro trên sông, trên biển thì giờ là bay ra vũ trụ và rải xuống hành tinh chúng ta. Toàn bộ quá trình được ghi hình để gửi cho người thân lưu giữ.

Video của Aura cho thấy tro rơi xuống Trái đất như mưa theo đúng nghĩa đen, song Chris Rose, đồng giám đốc Aura, khẳng định quá trình này không hại môi trường. Phần tro sẽ được gió tầng bình lưu mang đi khắp thế giới, hòa cùng với bầu khí quyển của Trái đất trong nhiều tuần hoặc tháng trước khi thành hạt mưa và bông tuyết.

Aura đã thực hiện 500 chuyến bay như thế kể từ năm 2016. Chris Rose cho biết cách tưởng niệm này giúp khách hàng không phải vất vả tìm địa điểm lý tưởng để rải tro cốt của người thân yêu, vì “tro sẽ được rải trên khắp thế giới”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận